Cảm nhận đức tin, Chia sẻ Lời Chúa, Tài liệu Phụng Vụ

ĐƠN GIẢN, TẤM “THIỆP MỜI” ĐÃ GHI NHƯ THẾ…!

CHÚA NHẬT 28 TN A 2020

Đã “10 tháng” trôi qua trong cái năm có “hai con số 20” nối tiếp nầy (2020) mà hình như thế giới vẫn còn “ngất ngư” giữa một “đại dương đầy biển động”.

            Thật vậy, trong khi cái bóng dị hợm của con virus Vũ Hán vẫn còn tràn ngập khắp mọi miền thế giới với trên 37 triệu người bị lây nhiễm, hơn 1 triệu người tử vong, thì cuộc chiến tranh giữa hai quốc gia Tây Á, Armenia (Kitô giáo) và Azerbaizan (Hồi Giáo), đang nổ ra kịch liệt từng ngày tại vùng Nagorno-Karabakh; trong khi đó, những cơn lũ lụt thế kỷ, bão tố kinh hoàng, cháy rừng trên diện rộng… không ngừng “viếng thăm” mọi miền trái đất và để lại những tàn phá kinh thiên động địa…!

            Đó là chưa kể, các công cụ truyền thông của thời 4.0 như facebook, twitter, youtube… hằng ngày “rầm rập” các bản tin cướp của, giết người, tự tử, tai nạn giao thông, gia đình tan vỡ…; ôi thôi loạn xà ngầu ! Thì ra thế giới hôm nay hay thế giới của thời hồng hoang mịt mùng xa trước cũng chẳng có gì đổi thay, kể từ sau biến cố “A-đam, E-Va” phơi bày thân phận trần truồng ở giữa một “địa đàng vắng bóng Thiên Chúa”.

            Cách đây 2000 năm, Chúa Giêsu đã đến và đã xuất hiện rao giảng Tin Mừng cũng trong bối cảnh của một Đất nước Do Thái, mà nếu diễn tả theo ngôn ngữ Kinh Thánh thì đó là: thay vì nhạc hát hoan ca là dòng lệ với tiếng khóc nỉ non “treo đàn trên cây dương liễu”, thay vì áo cưới rỡ ràng là những chiếc “khăn liệm bạc màu tang chế” của những kẻ bị lưu đầy trên chính quê hương mình dưới gót giày của đế quốc Rôma… !

            Vâng, Ngài đã đến rao giảng một Tin Mừng, một tin vui về sự xuất hiện của một “Nước Trời” qua những dụ ngôn và hình ảnh biểu tượng như “Vườn Nho”, “Viên ngọc quý”, “Thửa ruộng có kho tàng chôn dấu”, “Tấm lưới cá”…; riêng hôm nay, Nước Trời lại mang viễn tượng cánh chung, hướng tới chân trời hy vọng, niềm hạnh phúc hoan vui, mà hình ảnh “Tiệc cưới của hoàng tử” như một lời ấn chứng, như một khắc họa sinh động và rõ nét: “Nước Trời cũng giống như chuyện một vua kia mở tiệc cưới cho con mình” (TM).

            Thế nhưng, để hiểu và cảm nhận hết cái chiều kích dài rộng và sâu xa, sinh động của “dụ ngôn tiệc cưới cho hoàng tử” nầy, có lẽ chúng ta phải quay lưng thoáng nhìn về những “kỷ niệm đã qua” của những chặng đường lịch sử cứu độ vào thời Cựu ước.

            Thật vậy, kể từ ngay buổi đầu nhân loại, khi A-đam và E-Va bị đuổi khỏi địa đàng, Thiên Chúa luôn kiên định một chương trình của yêu thương và cứu độ, một Thiên Chúa như mục tử hằng chăm sóc đàn chiên cách tuyệt vời như được diễn tả qua Thánh vịnh 22: “Chúa chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng…”.

            Ở giữa một thế giới mà con đường dài lịch sử ghi đậm bao bát nháo điêu linh và đầy tràn tội lỗi, Thiên Chúa vẫn không ngừng gieo những hạt mầm của niềm tin và hy vọng; niềm tin về một “Đất Hứa với sữa và mật tuôn tràn”, niềm tin về một “Giêrusalem tưng bừng hoan hỷ”, niềm tin về một “địa đàng với suối mát đồng xanh để hàng hàng lớp lớp đàn chiên tha hồ ăn no và nằm nghỉ”; niềm tin về một thế giới thái bình thịnh trị đến độ “cung kiếm chiến tranh đã biến thành liềm hái hòa bình, sói cọp hung hăng nên hiền lành chơi chung với chiên dê thỏ sóc”; niềm tin và hy vọng thế giới sẽ trở thành “Bữa tiệc”, một hình ảnh, một ẩn dụ rất thường được các nhà tiên tri trong Cựu Ước sử dụng để diễn tả “điểm đến của một chương trình, một lời đoan hứa, một ước giao”, như những lời của ngôn sứ Isaia chúng ta vừa nghe nơi Bài đọc một: “Ngày ấy, Chúa các đạo binh sẽ thết tất cả các dân trên núi này một bữa tiệc đầy thịt rượu, thịt thì béo, rượu thì ngon. Trên núi này, Người sẽ cất khăn tang bao trùm muôn dân và tấm khăn liệm trải trên mọi nước. Người tiêu diệt sự chết đến muôn đời. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt trên mọi khuôn mặt, và cất bỏ khỏi toàn mặt đất sự tủi hổ của dân Người…”.

            Và dân Israel cách đây 2000 năm đã như “rờ đụng” được tới cái ngưỡng cửa của “Bàn Tiệc Nước Trời” đó, khi chứng kiến hay tham dự “bữa tiệc đại trà” trên thảm cỏ xanh giữa thảo nguyên của cả một đoàn lũ “5 ngàn người không kể đàn bà con nít” với bánh và cá ăn thả dàn; hay khi tận mắt nhìn thấy cả chục kẻ phung cùi bỗng nhiên lành sạch từ một tuyên bố giản đơn “Anh em hãy đi trình diện với các thầy tư tế”; và rồi, nào những kẻ què nhảy cững như nai, những anh chàng mù sáng mắt, bà mẹ goá Naim có lại đứa con yêu trở về từ cõi chết, người phụ nữ 12 năm lao đao thập tử nhất sinh đã hoàn toàn bình phục nhờ “chạm đến cái gấu áo của Ngài”…; cả những chàng thu thuế như Matthêô, Giakê… bấy lâu bị dè bỉu rẻ khinh bởi một rừng ánh mắt của đố kỵ, loại trừ, đã hân hoan mở tiệc vui mừng vì được Thầy đến viếng thăm chung chia chén tạc chén thù; cả những cô gái bị xã hội lườm nguýt khinh khi vì cuộc sống lăng loàn tội lỗi, cũng mạnh dạn “mang dầu thơm tới đại tiệc” để xức chân Thầy cùng với những giọt nước mắt hoan vui của trái tim nóng bừng sám hối…

            Quả thật, những điều kể trên nào chẳng phải là một hiện thực hoá dụ ngôn “Tiệc cưới  của hoàng tử” mà Tin Mừng Matthêô hôm nay được công bố: “Nước trời giống như vua kia làm tiệc cưới cho hoàng tử. Vua sai đầy tớ đi gọi những người đã được mời dự tiệc cưới, nhưng họ không chịu đến. Vua lại sai các đầy tớ khác mà rằng: “Hãy nói cùng những người đã được mời rằng: Này ta đã dọn tiệc sẵn rồi, đã hạ bò và súc vật béo tốt rồi, mọi sự đã sẵn sàng: xin mời các ông đến dự tiệc cưới”. Và nhất là, kể từ “viễn tượng Nước Trời” được mở ra cho tên trộm bị đóng đinh trên đồi Sọ vào buổi chiều thứ Sáu ảm đạm và loang máu: “Hôm nay anh sẽ ở trên thiên đàng với ta”, niềm hy vọng về một Nước Trời hoan vui và hạnh phúc đã thật sự đang bừng lên từng ngày trên muôn nẻo đường thế giới, nhất là cho những ai tin tưởng đáp lại lời mời của vị Quân vương hào sảng quảng đại: “Tiệc cưới đã dọn sẵn sàng, nhưng những kẻ đã được mời không đáng dự. Vậy các ngươi hãy ra các ngả đường, gặp bất cứ ai, thì mời vào dự tiệc cưới”. Các đầy tớ liền đi ra đường, gặp ai bất luận tốt xấu, đều quy tụ lại và phòng cưới chật ních khách dự tiệc.”.

            Đúng vậy, kể từ sau biến cố Chúa Lên Trời, Hội Thánh của Chúa Ki-tô được khai sinh bởi “lửa” của Thần Khí, đã được sai vào thế gian để loan báo Tin Mừng Nước Trời, Tin vui của một “Bàn Tiệc cho hết thảy anh em từ khắp tứ phương thiên hạ”. Sứ mệnh của Hội Thánh đó chính là “nối dài Đức Kitô Phục sinh” để đổ đầy rượu niềm vui đang thiếu, để hiệp nhất lại những dang dở của một tháp Babel rạn nứt và chia rẽ, để tập họp nhân loại vào một “Bàn Tiệc” hoan vui của anh em tứ hải giai huynh đệ, mà ở trung tâm của Bàn Tiệc đó chính là “Hoàng tử của Vua”, là Con Một của Cha Trên Trời.

            Hội Thánh suốt 2000 năm nay đã thực thi sứ mệnh “dẫn đưa nhân loại vào bàn Tiệc Nước Trời” qua những lời rao giảng, những cung cách phục vụ bác ái yêu thương, qua những công trình phúc lợi, sẻ chia, thăng tiến tình huynh đệ, hiệp thông, như chứng từ của Thánh Phaolô và cộng đoàn tín hữu Philipphê mà chúng ta vừa nghe qua Bài đọc 2: “Trong mọi trường hợp và hết mọi cách, tôi đã học cho biết no, biết đói, biết dư dật và thiếu thốn. Tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi. Nhưng anh em đã hành động chí lý khi san sẻ nỗi quẫn bách của tôi. Xin Thiên Chúa cung cấp dư dật những nhu cầu của anh em, theo sự phú túc vinh sang của Người trong Đức Giêsu Kitô…”.

            Vâng, viễn tượng Nước Trời qua “dáng đứng của Tiệc cưới hoàng tử” chính là đích điểm của chân trời cứu độ của Thiên Chúa, của công cuộc Vượt Qua của “Hoàng Tử Kitô”, của sứ mệnh “Gaudium et Spes”, Vui mừng và Hy vọng của Hội Thánh trong thế giới hôm nay, một thế giới, hơn lúc nào hết, như Đức Thánh Cha trong Thông điệp xã hội mới nhất của ngài – Fratelli Tutti (Tất cả là anh em) trở nên một gia đình hiệp nhất và huynh đệ: “Vậy, chúng ta hãy mơ ước như một gia đình nhân loại đơn nhất, như những người bạn cùng du hành, cùng có chung một xương thịt, như những người con của cùng một trái đất, vốn là ngôi nhà chung của chúng ta, mỗi người chúng ta mang theo sự phong phú trong các niềm tin và xác tín của mình, mỗi chúng ta với tiếng nói riêng của mình, tất cả đều là anh chị em.” (FT 8).

            Và hết thảy chúng ta, trong chính Bàn Tiệc Thánh Thể nầy, nơi chúng ta được mời đón và chăm sóc tận tình như cách cảm nhận của tác giả Thánh vịnh 22: “Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương; đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chan chứa…”, lẽ nào lại quay lưng chối từ bằng thái độ xem thường lãnh đạm, lo ra chia trí, tội lỗi bất xứng…; và có lẽ còn hơn thế nữa, biến cuộc sống Kitô hữu mà tấm áo trắng của ngày lãnh bí tích Rửa tội đã bị xé toang để trở nên “mình trần thân trụi” hay thay bằng tấm áo “chim cò” bất xứng của thế tục, của dục vọng đam mê…

            Có vui gì đâu khi vào buổi xế chiều cuộc sống lại nghe văng vẳng đâu đó lời cay đắng từ dụ ngôn “Tiệc Cưới” hôm nay: “Trói tay chân nó lại, ném nó vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng”. Không, tôi phải đĩnh đạc đi vào tiệc cưới bằng trang phục của Tin Mừng, của khó nghèo, biết xót thương, trong sạch, xây dựng hoà bình…; đơn giản, vì “tấm thiệp mời” đã ghi: “Nước Trời dành cho những ai….như thế” !

 

Trương Đình Hiền