Cảm nhận đức tin, Chia sẻ Lời Chúa, Tài liệu Phụng Vụ

ĐỒNG LƯƠNG CHO NGƯỜI CÔNG NHÂN GIỜ THỨ 11

(Chúa Nhật 25 TN A 2023)

          Thời nào cũng có bất công; và hầu hết, phần thiệt thòi từ những bất công đó luôn biến những kẻ nghèo nàn, thấp cổ bé miệng thành nạn nhân, như Thánh Vịnh 10 đã nêu:

Kẻ ác kiêu căng đuổi bắt người nghèo khổ: (…)

Nó phục cạnh xóm làng

giết trộm người vô tội, mắt rình ai yếu thế. (Tv 10,2.8)

          Nhưng tác giả Thánh Vịnh nầy lại nêu bật lòng đạo đức thẳm sâu của “người nghèo”, những thân phận anawim, những kẻ luôn biết đặt trọn niềm tin cậy vào Chúa:

Người yếu thế giao phó đời mình cho Chúa,

kẻ mồ côi được chính Chúa phù trì….

Lạy Chúa, Ngài nghe thấy ước vọng của kẻ nghèo hèn;

Ngài cho họ an lòng và lắng tai nghe họ,

để bênh kẻ mồ côi và người bị áp bức,

khiến cho kẻ mang thân cát bụi, chẳng còn khủng bố ai. (Tv 10,14-15.17-18).

          Riêng đối với những kẻ gian ác, bất lương, đối xử bất công với anh em đồng loại, thì Thiên Chúa không ngừng cảnh báo: “Hãy tìm Chúa khi còn tìm được, hãy kêu cầu Người khi Người còn ở gần. Kẻ gian ác, hãy bỏ đường lối mình, và kẻ bất lương, hãy bỏ những tư tưởng mình, hãy trở về với Chúa, thì Người sẽ thương xót; hãy trở về với Thiên Chúa chúng ta, vì Chúa rộng lòng tha thứ.” (Bđ 1, sách ngôn sứ Isaia).

          Như vây, có thể nói được, sứ điệp phụng vụ của Chúa Nhật 25 thường niên (A) hôm nay là một thúc nhắc cộng đoàn Kitô hữu: lột bỏ mọi biểu hiện của đố kỵ, kiêu căng, phân biệt đối xử…, và hãy biết noi theo lòng nhân hậu của Thiên Chúa, mở rộng cõi lòng đón nhận lẫn nhau bằng thái độ nhân từ quảng đại; sẵn sàng bao dung đón tiếp mọi anh chị em cho dù họ yếu đuối bất toàn.

Vâng, Chúa Giêsu đã trình bày chân dung của một Thiên Chúa không “đóng cửa cài then” ở trong “cung cấm nước Trời”, mà sẵn sàng “đi ra”, không phải một lần, mà gần như liên tục: “sáng sớm, giờ ba, giờ sáu, giờ chín, và giờ thứ mười một…” ! Ngài đích thân “cúi xuống” những thân phận “kém may mắn” và “bị loại trừ” chắc chắn vì một lý do “hạn chế” nào đó (sức khỏe, thông minh, nhan sắc, trí tuệ, tuổi tác…) để phải bị cảnh “Vì không có ai thuê chúng tôi”, và phải dài hơi chực chờ trong thấp thỏm lo âu đến khi mặt trời ngã bóng. Vâng, như cách diễn tả của Chúa Giêsu trong dụ ngôn Tin Mừng hôm nay, họ chính là những “công nhân giờ thứ 11”, hạng “công nhân” mà chỉ còn chút hy vọng nhỏ nhoi cuối cùng là lòng thương xót của một ông chủ giàu có, rộng lượng và biết xót thương ! Và họ đã không thất vọng khi “Ông Chủ” đó đã xuất hiện và ngỏ lời: “Các ngươi cũng hãy đi làm vườn nho ta”. Bao nhiêu “ơn gọi” trong Hội Thánh đều không phải diễn ra như thế sao ! Một Môsê ngọng nghịu, một Đavít nhỏ con, một Giêrêmia nhút nhát, một Phêrô dốt nát nóng nảy, một Phaolô cực đoan nghịch thù… nào chẳng phải đều là những “công nhân giờ thứ 11” được chọn gọi đi làm “vườn nho ơn cứu độ” đó sao ! Chúng ta đây nào có khác gì !

Thế nhưng sứ điệp Lời Chúa hôm nay không chỉ dừng lại ở chiều kích “ơn gọi cá nhân” mà còn mở ra viễn tượng “ứng xử cộng đồng” . Thật vậy, ở ngay giữa nhiều cộng đoàn chúng ta đây (đời tu hay đời thường) vẫn còn thấp thoáng đâu đó những con mắt lườm nguýt có đuôi, những cái nhép môi khinh thị, những cú nhíu mày nhăn trán bất bao dung, đố kỵ, phê bình chỉ trích, kết án loại trừ… ném về phía những người thuộc “hạng công nhân giờ thứ 11” !

– Họ là “công nhân giờ thứ 11” vì họ không là dân “đạo gốc” mà chỉ là dự tòng-tân tòng.

– Họ là “công nhân giờ thứ 11” vì đang rối vợ rối chồng, hôn phối lăng nhăng, gia đình lủng củng…

– Họ là “công nhân giờ thứ 11” vì họ quá bần hàn rách nát, suốt ngày lam lủ với miếng cơm manh áo, không giúp được gì cho giáo xứ, cho cộng đoàn.

– Họ “công nhân giờ thứ 11” vì họ là những người “bình dân học vụ”, một chữ cắn làm đôi, không sắc, không tài, không tiền, không thế…

Vâng, trên công trường của Giáo Hội, trong Vườn Nho của Thiên Chúa hôm qua cũng như hôm nay và mãi mãi vẫn đầy dẫy những anh chị em “là những người đến trễ”, là “những công nhân giờ thứ 11” như thế. Để dạy cho người Do Thái khi xưa và để nói với cộng đoàn chúng ta hôm nay, dụ ngôn Tin Mừng đã trình bày cách ứng xử khác thường của Thiên Chúa: Một Thiên Chúa không phân biệt đối xử, không “kén cá chọn canh”, không thiên tư tây vị… Mỗi người, sớm hay muộn, đúng giờ hay đến trễ, cũng đều lãnh được một đồng như nhau của lòng thương xót, một đồng như nhau của phẩm giá làm con !

Phải chăng, ngụ ý của dụ ngôn nầy đã quá rõ để chúng ta hiểu và gắng công thực hiện:

– Hãy ngước lên Thiên Chúa để học mãi bài học kính trọng và yêu thương anh em như chính mình.

– Hãy trông về anh em xung quanh mà biết sẻ chia, cảm thông, đón nhận nhau trong nghĩa tình huynh đệ.

– Hãy nhìn vào chính mình để luôn khiêm hạ biết ơn và dán than hết mình cho công cuộc của Nước Trời.

          Hội Thánh hôm nay quả thật đang cần những kitô hữu như thế để gương mặt Hội Thánh luôn xuất hiện như một “Vườn Nho” tươi tốt xanh mơ, với đầy muôn kỳ hoa dị thảo; một “công trường luôn đầy ắp tiếng cười vui niềm nở của những người thợ đang hết mình chung tay xây dựng trong tình nghĩa anh em”…, như cách cảm nhận của một bài thơ:

Vườn Nho Cha đủ muôn dân bách tính,

Kẻ nửa mùa, người đến trước, đi sau.

Khố rách áo ôm, trí thức sang giàu,

Bệnh hoạn, tật nguyền, nghèo hèn, tội lỗi…

“Một đồng thôi”, dẫu có người đến vội,

Lương bổng hồng ân Chúa muốn chia đều.

Muốn hết mọi người ai cũng được yêu,

Dẫu có là “người công nhân đến trễ” ![1].

          Và để làm được điều đó, Thánh Phaolô qua thư gởi giáo đoàn Philipphê lại chỉ cho chúng ta một con đường, hay đúng hơn, một niềm xác tín từ kinh nghiệm bản thân: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô và chết là một mối lợi”; và đồng thời ngài cũng mang đến một lời khuyên cơ bản: “Anh em phải ăn ở làm sao cho xứng với Tin Mừng của Đức Kitô” (BĐ 2). Nếu mỗi người đều xác tín và thực hành lời khuyên dạy đó, thì yên tâm, cho dù chúng ta có yếu đuối bất toàn làm sao, có “lỡ dại đi hoang xa cở nào”, nếu thật sự ăn năn sám hối quay về, như một tên “công nhân đến trễ tận giời thứ 11”, thì Chúa vẫn thương đón nhận vào vườn nho để cuối cùng cũng sẽ nhận được một đồng lương hậu hĩnh. Amen.

Trương Đình Hiền


[1] SƠN CA LINH, bài thơ Dẫu là người công nhân đến trễ.