(CHÚA NHẬT IV THƯỜNG NIÊN B 2021)
Không biết, có phải đó là “quy luật của muôn đời” hay không; nhưng, hình như khi nào thế giới rơi vào những cơn khủng hoảng, biến loạn… thì người ta thấy xuất hiện các “tiên tri”. Trong thời gian đại dịch Covid nầy, đặc biệt, với biến cố “bầu cử Tổng Thống Mỹ” đầy kịch tính vùa qua, trên các trang mạng xã hội xuất hiện đầy dẫy các “sứ điệp tiên tri”, trong số đó phải kể đến những gương mặt tiên tri lừng lẫy như: nhà tiên tri mù Vanga (1911-1996) người xứ Bulgaria, nhà chiêm tinh học và tiên tri người Pháp từ thế kỷ 16 Nostradamus (1503-1566)…; cũng phải kể đến các “tiên tri của thời 4.0” như “Chiêm tinh Vệ Đà” người Mỹ gốc Ấn Vijay Jyotish, hay Đường Ỷ Dương của Đài Loan… chuyên phát tán các “sứ điệp tiên tri” trên các phương tiện truyền thông như Twitter, Facebook…
Đó là chuyện của xã hội con người, của thế giới. Còn trong môi trường đức tin, mạc khải thì sao ?
Thật ra, “Tiên Tri”, hay “Ngôn sứ” vốn là “đặc sản” của Kinh Thánh, nhất là Cựu Ước. Trong lịch sử cứu độ, đặc biệt, trong sinh hoạt đức tin của Dân Chúa từ Cựu ước sang Tân ước, có một lớp người, với đặc sủng và ơn gọi riêng, được Chúa tuyển chọn để nói Lời Chúa cho dân, để thông truyền các ý định và mệnh lệnh của Chúa, cũng như tiên báo các chương trình hành động cứu độ của Ngài sẽ diễn ra trong lịch sử. Đó chính là các Ngôn sứ hay còn được gọi là các Tiên Tri.
Và đây là câu chuyện cũng là “chủ đề trọng tâm” của sứ điệp Lời Chúa Chúa Nhật 4 Thường niên này.
Trước hết, sách Đệ Nhị Luật trong Bài đọc 1 hôm nay đã định nghĩa khái quát về ngôn sứ như sau: “Ta sẽ đặt vào miệng người những lời của Ta, người sẽ nói cho họ biết tất cả những điều Ta truyền cho người”.
Kể từ thời lập quốc, trong thời Cựu ước có rất nhiều vị Tiên tri nổi danh như Samuel, Nathan; sau đó đến đại tiên tri Êlia, tiếp tục với đồ đệ là Êlisê… Về sau thêm nhiều vị tiên tri khác đã để lại nhiều bút tích mạc khải như Isaia, Êdêkien, Giêrêmia, Đanien, Amos, Hôsê…
Nhưng trên tất cả mọi tiên tri, truyền thống Cựu ước vẫn gán cho Vị Lãnh đạo dân Ít-ra-en là Môsê là Vị Đại Tiên tri cao cả nhất, cũng là người mà qua rất nhiều chứng từ của Kinh Thánh, đã cho thấy ngài chính là vị tiên tri trọn hảo nhất xét theo ba khía cạnh cốt yếu trong đặc sủng tiên tri:
– Người thường xuyên tiếp cận, đối diện với Thiên Chúa để lãnh thánh ý Ngài.
– Người đã thường xuyên chuyển tải trung thực Lời của Thiên Chúa cho dân Chúa.
– Người đã được Chúa ban quyền năng để thay mặt Chúa làm những việc kỳ diệu cho dân.
Và chính Môsê cũng đã ý thức được tầm mức quan trọng của sứ mệnh Tiên Tri nơi chính mình, nên ông đã “lấy mình” làm mô hình mẫu để tiên báo về một đại Tiên Tri sẽ xuất hiện sau ông mà chúng ta có thể hiểu đó chính là Tiên Tri đến từ Nadaret: Đức Giêsu-Kitô: “Chính Thiên Chúa các ngươi sẽ gầy dựng giữa các ngươi và giữa những anh em các ngươi, một tiên tri như ta”.
Lời Chúa trong Phụng Vụ Chúa Nhật hôm nay giải trình cho chúng ta sứ điệp xoay quanh 2 nhân vật nầy: Môsê và Giêsu.
Tiên tri Môsê xuất hiện vào thời dân Israel bị làm nô lệ Ai Cập; và vai trò của ngài là công bố và thực thi mệnh lệnh và công cuộc giải thoát của Thiên Chúa. Để thực hiện công cuộc khó khăn vượt bực nầy, Môsê đã thường xuyên đối diện, cầu nguyện, gặp gỡ, đàm luận với Thiên Chúa rồi trực tiếp đến với dân, nói cho dân, dạy dỗ dân bằng lời và bằng những hành động kỳ diệu được Chúa trao ban.
Trong khi đó, tiên tri Giêsu xuất hiện vào “mạt thời của Cựu ước” để thực thi một cuộc giải thoát đích thực, không phải là cuộc nô lệ về chính trị của đế quốc Rôma, mà là nô lệ của tội lỗi và ma quỷ. Và để thực thi sứ mạng trăm phần khó khăn nầy, Tiên tri Giêsu phải vượt mặt không những Môsê và tất cả mọi tiên tri của Cựu ước và mọi tiên tri dưới vùng trời nầy.
Và dân Do Thái đã nhận ra điều nầy như nhận xét của họ trong trích đoạn Tin Mừng Máccô vừa được công bố hôm nay: Mọi người kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Cái gì vậy? Đấy là một giáo lý mới ư? Người dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả thần ô uế và chúng vâng lệnh Người”.
Từ sứ mệnh Ngôn Sứ của Mô-sê và Đức Giêsu, cùng với việc thực thi sứ mệnh đó trong thời đại của các Ngài, chúng ta lại khám phá ra sứ mệnh ngôn sứ của Giáo Hội và của mỗi người Kitô hữu trong tời đại hôm nay.
Vâng, nhân loại luôn là một nhân loại cần được Lời Chúa dạy dỗ và quyền năng giải thoát. Thế giới hôm qua cũng như hôm nay vẫn đầy dẫy những người bị ám bởi thần ô uế: ô uế của bạc tiền, của tình dục, của tiếng tăm…; vẫn đầy dẫy những người mang đủ thứ bệnh hoạn tật nguyền và bị vất bên lề xã hội… Chính vì thế, muôn nơi muôn thuở, thế giới luôn cần những “ngôn sứ”, những “tiên tri”, những kẻ dám hy sinh cuộc sống thường tình nhân loại để dấn thân cho một sứ mệnh, để “lo việc Chúa”, đòi hỏi phải từ bỏ và hy sinh, như cách diễn tả cụ thể của Thánh Phaolô trong thư gởi giáo đoàn Côrintô mà chúng ta vừa nghe qua Bài đọc 2: “Người không có vợ thì lo lắng việc Chúa, và tìm cách làm đẹp lòng Chúa. Nhưng người đã có vợ thì lo lắng việc đời này, và tìm cách làm đẹp lòng vợ mình, và họ bị chia xẻ. Cũng thế, người phụ nữ không có chồng và đồng trinh thì lo lắng việc Chúa, để nên thánh phần xác và phần hồn. Còn người phụ nữ đã có chồng thì lo lắng việc đời này, và tìm cách làm đẹp lòng chồng mình”.
Và dĩ nhiên, như một Môsê luôn “đặt mình trước thánh ý Chúa để lắng nghe và tuân phục”, cũng như luôn “sát cánh với dân để đồng hành và chia sẻ”; hay như Chúa Giêsu luôn “đắm mình trong nguyện cầu với Cha và mang trái tim chạnh lòng thương đối với dân chúng”, ngươi “ngôn sứ hôm nay” cũng phải luôn trang bị cho mình hai thứ “hành trang căn bản” đó: thấm nhuần Lời Chúa và có trái tim chạnh thương. Cũng cần phải ý thức rằng: đức tin, nếu chỉ là một tuyên xưng và chấp nhận suông một Đức Kitô quyền năng thì chưa đủ, mà phải là một cuộc gặp gỡ, hoán cải và để cho Đức Kitô và Tin Mừng của Ngài thực sự giải thoát toàn vẹn con người chúng ta khỏi cuộc sống nô lệ tội lỗi và quyền lực của ác thần.
Ngày nay, cho dẫu đang tiến bộ vượt bực, thế giới lại chìm ngập trong “nỗi buồn và thất vọng” của tai ương dịch bệnh, của chiến tranh và huỷ hoại môi trường, của suy đồi luân lý và chia rẽ hận thù…, nên đang cần những “ngôn sứ” mang lại những sứ điệp của niềm vui và hy vọng, của ánh sáng và chữa lành, của hàn gắn và xây dựng tình hiệp thông huynh đệ… Làm thế nào để có được những ngôn sứ như thế, những người có sức gieo niềm vui và hy vọng thay vì loan báo sự rầu rĩ chán nãn ? Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong tông huấn Niềm Vui Tin Mừng đã chỉ ra rằng: “Và chớ gì thế giới của thời đại chúng ta, một thế giới đang kiếm tìm, khi thì trong lo âu, khi thì trong hi vọng, có thể nhận được tin mừng không phải từ những người rao giảng rầu rĩ, chán nản, mất kiên nhẫn hay lo âu, nhưng từ những thừa tác viên Tin Mừng đang sống một cuộc đời đầy nhiệt huyết, những người trước đó đã nhận được niềm vui của Đức Kitô” (EG số 10).
Vâng, “niềm vui của Đức Kitô”, niềm vui của những ai đã từng được Đức Kitô xuất thần hoan hỉ thưa lên với Chúa Cha rằng: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người khôn ngoan thông thái biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những người bé mọn…” (Mt 11,25). Những người ngôn sứ hôm nay phải là những tông đồ của niềm vui, những kẻ, mà theo Đức Giáo Hoàng Phanxicô, luôn để “niềm vui Tin Mừng tràn ngập trong tim” vì đã cảm nghiệm thế nào là “gặp gỡ Đức Kitô” và “chấp nhận đề nghị cứu độ của Người” (EG số 1).
Nếu nhiệm tích Rửa Tội biến mọi người Kitô hữu chúng ta thành ngôn sứ; hay đúng hơn, cho chúng ta tham dự và sứ mệnh ngôn sứ của Đức Kitô, thì quả thật, sứ điệp Lời Chúa hôm nay là một nhắc nhở, gọi mời khẩn thiết để chúng ta mau mắn đáp trả và lên đường như chính lời Thánh vịnh mà cộng đoàn vừa hát lên: “Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Người: các bạn đừng cứng lòng”. Amen.
Trương Đình Hiền