Chia sẻ Lời Chúa

ĐỪNG ĐỂ LỜI BĂNG QUA VÀ ĐI MẤT !

(Chúa Nhật 4 TN C)

  1. Lời Chúa thường hay gây “dị ứng” :

            Lời Chúa là “Lời sáng tạo”, “Lời quyền năng”, “Lời yêu thương”, “Lời an ủi”…nhưng cũng là “Lời thường gây dị ứng”. Thông thường, ai cũng thích gặp được những “lời yêu thương”, “lời an ủi”. Nhất là cứ mỗi độ Tết đến, ai ai cũng mong “bốc” được một câu Lời Chúa đầy khích lệ, an ủi như “Hỡi những ai lao đao vất vả, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho…”, hoặc “Hãy xin thì sẽ được, hãy tìm sẽ gặp…”, hoặc “Phúc cho biết xót thương vì họ sẽ được thương xót”.V…V…, hoặc ít ra, một Lời khuyến thiện chung chung như “Thầy là đường, sự thật, sự sống” ; “không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”… Nhưng nhiều người sợ nhất là “bốc phải” những câu như “Khốn cho các ngươi bọn biệt phái giả hình…”, hoặc “hỡi nòi rắn độc, trốn đâu cho khỏi cơn thịnh nộ sắp đến…”; thậm chí có người sợ những câu có liên hệ tới tài chánh như “Ngươi hãy về bán hết của cải phân phát cho kẻ nghèo rồi hãy đến theo ta”, hoặc dị ứng cả với những câu có liên quan tới việc làm hòa, nhường nhịn, tha thứ : “Ta không bảo phải tha bảy lần mà là bảy mươi lần bảy lần”, “về làm hòa đã rồi đến dâng lễ”.

            Tại sao lại sợ những câu Lời Chúa như thế. Đơn giản, vì tin và hiểu rằng : Chúa đã nói thì không thể sai được, và Chúa Phán mà cố tình không thực hiện là mắc lỗi với Chúa, là không toàn tâm toàn ý với Lời Chúa.

            Trích đoạn Tin Mừng thánh Luca liên tiếp hai Chúa Nhật, vừa rồi và hôm nay, đã cho thấy rõ hai thái độ của dân Na-da-rét trước Lời Chúa. Vừa nghe Chúa công bố lời của Ngôn sứ I-sa-ia “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, sai tôi đem Tin Mừng cho người nghèo khó…” họ liền phấn khởi “tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người”. Nhưng sau đó, khi nghe chính những Lời của Đấng là “Ngôn sứ trên mọi sứ ngôn” phán “Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình…vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người phung hủi ở trong nước Ít-ra-en, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Sy-ri thôi”, thì “mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ”, đến độ muốn thủ tiêu Người bằng cách xô xuống núi.

            Quả thật, Lời Chúa thường hay gây dị ứng là thế.

            Cho nên bài học đầu tiên của “chương trình lời Chúa” hôm nay đó chính là : xin cho con thành tâm đón nhận Lời Chúa, cho dù Lời đó có gây dị ứng, có làm “trầy vi tróc vảy”, có kết án con, có bôi nhọ con, có làm cho con bầm dập, có khiến con hổ ngươi… đúng như lời trong thư Do Thái đã dạy :

Lời Thiên Chúa là Lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi : xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy ; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” (Dt 4,12).

            Để có được một thái độ như thế trước Lời Chúa không phải là chuyện của một sớm một chiều, mà là một cuộc “trường chinh” của nguyện cầu và cố gắng, và trên hết, là thái độ khiêm hạ. Khiêm hạ tự nhận sự yếu đuối, tội lỗi, bất toàn trước Lời Chúa, như người trộm lành thuở xưa : “Chúng ta chịu như thế nầy là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông nầy đâu có làm điều gì trái” (Lc 23,41). Chỉ với thái độ đó, Lời Chúa sẽ đưa chúng ta đến ngưỡng cửa của sự giải thoát đích thực, của hạnh phúc vĩnh hằng : “Tôi bảo thật anh, hôm nay anh sẽ được ở với tôi trên thiên đường” (Lc 23,43).

  1. Không tránh né sứ vụ “mang lời Chúa”.

            Chính vì “Lời Chúa hay gây dị ứng cho người nghe” như thế, nên, không ít người đã thoái thác nghĩa vụ mang lời Chúa, tránh né “sứ vụ ngôn sứ”. Chuyện nầy đã từng xảy ra với các vị đại ngôn sứ như Mô-sê : “Con là ai mà dám đến với vua Pha-ra-ô…” (Xh 3,11), như Ê-li-a xin cho được chết “Lạy chúa, đủ rồi ! Bấy giờ xin Chúa lấy mạng con đi, vì con chẳng hơn gì cha ông con” (1 V 19,4), như Giê-rê-mi-a : “Ôi lạy Đức Chúa là Chúa Thượng, con đây còn quá trẻ, con không biết ăn nói” (Gr 1,6), và đặc biệt như trường hợp Giô-na : Chúa bảo “mang Lời Chúa tuyên rao” ở đi Ni-ni-vê, ông ta đã trốn đi lối khác : “Ông Giô-na đứng dậy nhưng là là để trốn đi Tác-sít, tránh nhan Đức Chúa” (Gn 1,3)

            Đức Kitô trong Tin Mừng vừa được công bố, không dừng lại ở “khoản” dân chúng thán phục, hoan hô để tận hưởng cái “thành công ban đầu tại quê hương” trong sứ vụ ngôn sứ vừa mới khởi sự ; mà Ngài đã “tới luôn bác tài”, sẵn sàng vạch trần thói xấu của dân chúng đồng hương Na-da-rét, cái thói “coi mặt mà bắt hình dong”, đánh giá con người chỉ bằng cái mã hình thức và coi thường những thân phận thấp cổ bé miệng. “Ông nầy không phải là con ông Giu-se đó sao ?”. Và dĩ nhiên, cái cung cách hành xử sứ vụ ngôn sứ như thế, hầu hết đều dẫn tới “thiệt thân”. Nhẹ là bị săn đuổi như Ê-li-a, Giê-rê-mia…nặng là “đi đứt cuộc đời” như Gioan Tẩy Giả, Chúa Giêsu, mục sư Luther King, Đức Giám mục Rômêrô…

            Và như thế bài học thứ hai trong “câu chuyện Lời Chúa” hôm nay đó chính là hãy can đảm “mang lấy Lời Chúa và tuyên rao” cách thành tâm, can đảm. Dĩ nhiên, không đợi đến lúc có được quyền cao chức trọng mới thi hành hiệu quả sứ vụ nầy, mà mỗi một cuộc đời đều là một cuộc lên đường thi hành sứ vụ ngôn sứ.

  1. Nói Lời tình yêu bằng trái tim lửa cháy :

Đành rằng “ngôn sứ” là ơn gọi, là sứ mệnh phải thực hiện, nhưng cũng phải tính đến: rao giảng Lời Chúa làm sao, thể hiện sứ vụ ngôn sứ thế nào ? Bài Đọc II hôm nay với chủ đề “Bài ca Đức Mến” trong thư của thánh Phaolô gởi giáo đoàn Cô-rin-tô là một câu trả lời tuyệt vời nhất :

“Giả như tôi nói được các thứ tiếng của loài người, và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì…” (1Cr 13,1-2)

            Hình như có một điệp khúc trong một bài ca của nhạc sĩ Trần Tiến đó là “hãy hát lời tình yêu bằng trái tim lửa cháy, háy hát lời lửa cháy bằng trái tim tình yêu…”. Vâng, làm ngôn sứ, thi hành sứ vụ rao giảng Lời Chúa đó chính là “nói lời tình yêu bằng trái tim lửa cháy”. Nếu lời Chúa không được chuyển tải bằng ngôn ngữ của tình yêu, một tình yêu đã được cảm nghiệm, đã được sống, thì chỉ là một cuộc “tuyên truyền, một cuộc vận động chính trị, một cuộc ba hoa quảng cáo…” của trường phái “mồm loa mép dãi”, chứ không bao giờ là thuộc trường học của Chúa Giêsu, của Tin Mừng. Mà để “nói lời tình yêu” như thế, thì người mẹ người cha nào không nói được với con cái trong mái ấm gia đình của mình, người chồng người vợ nào không nói được với nhau trong cuộc sống lứa đôi ? Anh chị em ruột thịt lẽ nào không nói được hai tiếng thương nhau, bạn bè cùng trang lứa, cùng học hành, cùng nghề nghiệp, cùng cảnh ngộ…lẽ nào không trao cho nhau được một ánh mắt thân thiện, một tiếng nói chân tình? Những người chưa một lần được nghe nói đến giới luật tình yêu, chưa một lần nhìn thấy cây Thánh giá với một con người bị chết trần truồng vì yêu…thì có thể ngập ngừng với hai tiếng “yêu thương”, chứ chúng ta, những người Kitô hữu, chúng ta đã được đào tạo, trui rèn trong cái trường dạy yêu thương từ Bê-lem đến Đồi Sọ, từ cái dấu chỉ Thánh giá đơn sơ nhất được vẽ trên mình đến cả 365 ngày cử hành hy lễ tình yêu, thì không thuộc được hai chữ “yêu thương” mới là lạ.

            Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau đừng để hôm nay “Chúa Giêsu băng qua giữa chúng ta mà đi” như một người khách lạ, nhưng xin Người hãy ở lại trong tâm hồn mỗi người chúng ta để dạy bảo chúng ta học thuộc ngôn ngữ tình yêu của chính Ngài, hầu ra đi mang Lời Chúa chia sẻ cho anh em chung quanh bằng chính cuộc sống thấm tràn Đức Mến. Amen.

 

LM. Giuse Trương Đình Hiền