EM NGƯƠI ĐÂU RỒI ?

(Nhân sự kiện một gia đình 4 người tự tử vì quá nghèo)

Đức Chúa phán với Ca-in : “A-ben em ngươi đâu rồi?”. Ca-in thưa : “Con không biết. Con là người giữ em con sao?”. Đức Chúa phán : “Ngươi đã làm gì vậy? Từ dưới đất, tiếng máu của em ngươi đang kêu lên Ta”. (St 4,9-10)

Nếu trở về “cội nguồn của sáng tạo”, thì quả thật, tất cả chúng ta đều là anh em một nhà; đều là những “Ca-in, A-ben” ruột thịt của một “gia đình duy nhất”.

            Nhưng đó là chuyện của niềm tin, của Kinh Thánh; cho dù chính những kẻ cùng xác tín vào những “trang mạc khải huyền nhiệm đó” thì ngay trong giờ phút nầy, họ lại đang xâu xé, bắn giết nhau, đoạ đầy nhau…cho tới chết, như đang xảy ra nơi vùng “đất thánh” Palestina, Syria…hay có khi, tại ngay cả những nơi mà “Lời của Chúa” cùng lúc được công bố, được giảng rao trong khắp mọi giáo đường từ Âu sang Á, từ Đông sang Tây.

            Thì ra, câu chuyện “Ca-in giết em ruột A-ben” không phải chỉ là “huyền thoại” của cái thuở hồng hoang mịt mờ lịch sử nhân loại, mà là một hiện thực nhức nhối đang xảy ra từng ngày trong cuộc sống nhân gian trên mọi nẻo đường thế giới muôn nơi muôn thuở.

            Nhưng câu chuyện muốn sẻ chia hôm nay không nhằm nói đến chiến tranh, huynh đệ tương tàn, máu và nước mắt; những chuyện nầy thế giới đã nói không biết bao nhiêu mà kể. Chuyện muốn nói đó chính là lời chất vấn của Thiên Chúa dành cho Ca-in mà cũng là dành cho mỗi người, mỗi dân tộc, mỗi cộng đoàn, mỗi Giáo Hội… : “EM NGƯƠI ĐÂU RỒI”.

            Dĩ nhiên, Thiên Chúa trên cao hay lương tâm nhân loại không thể nào chấp nhận câu trả lời “vô trách nhiệm, vô cảm, vô tâm” của chàng Ca-in bạo tàn khát máu : “Con không biết. Con là người giữ em con sao?”

            Thế nhưng, nếu quan sát kĩ thái độ của con người hôm nay dành cho nhau, thì gần như đâu đâu cũng sống và hành xử theo cung cách của “câu trả lời chết tiệt” đó !

            Vâng, bởi vì người ta “không biết em của mình đang ở đâu”, nên mới có cái ngày thương đau vừa xảy ra tức thì (20.10.2018), tại một xóm nghèo Minh Châu, xã Kỳ Hợp, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh, cả 4 người : vợ chồng và hai con treo cổ tự tử chỉ vì quá túng ngặt, bần hàn, nợ nần chồng chất…[1]

            Chúng ta cũng đừng quên, cách đây chưa lâu, cũng vì túng ngặt, Người mẹ tảo tần Đậu Thị Thắng, bế tắc bởi món nợ 120 triệu đồng, đã cùng với con vùi thân dưới chân cầu Bến Thủy.[2]

            Trong xã Hội Việt Nam chúng ta hôm nay, món nợ với số tiền “70 triệu đồng” của gia đình anh Thành ở Kỳ Anh-Hà Tĩnh, hay “120 triệu” của chị Đậu Thị Thắng ở Nghi Xuân-Nghệ An, thì chỉ đáng là một “chút tiêu vặt”, một bữa điểm tâm, một ngày            tiêu khiển…của các đại gia máu mặt, hoặc các quan chức…mà thu nhập mỗi ngày, có khi mỗi giờ của họ, chỉ với một “chút nước bọt, một chữ ký…”, đã vượt lên xấp mấy lần “những món nợ oan khuất” đó.

            Và cũng chính trong cái bối cảnh xã hội mà ở đó, có biết bao nhiêu người bế tắc, khủng hoảng, thất vọng vì đói nghèo, vì bị áp bức, vì bạo lực, vì bị đối xử bất công…thì vẫn có những “Ca-in của thời đại” sống vô tâm, vô cảm, chẳng biết “em mình đang ở đâu”; họ là những người tự vỗ ngực xưng mình thuộc tầng lớp “tinh hoa quý tộc” cần có những công trình như “nhà hát giao hưởng 1.500 tỷ” mà facebooker Nguyen Thuy Tien đã gọi là “tầng lớp lưu manh” :

“Nhưng đáng tiếc thay xã hội VN hiện nay những kẻ thừa thãi về tiền bạc lại cứ lầm tưởng mình la giới tinh hoa, quý tộc. Họ cứ nghĩ họ có giọng hát hay, khoác lên mình những bộ quần áo sặc sỡ sẽ thành giới quý tộc, cứ là người của công chúng la có phẩm chất cao quý đó. Họ đã lầm? Phẩm chất quý tộc đến từ nền giáo dục nhân bản mà có.

Giới tinh hoa họ có ăn đất rừng hàng chục nghìn m2, xây dựng trái phép không?

Giới quý tộc có hành xử một cách vô lương chăm lo cho mình khi oan trái của người dân bao năm chưa được giải quyết để xây lên nhà hát 1500 tỷ trên chính mảnh đất của họ?

Giới quý tộc có im như thóc trước những bất công xã hội mà dân mình đang chịu đựng do chế độ đem đến không? Không các bạn đã lầm rồi, các bạn cứ tưởng mình là quý tộc nhưng các bạn lại là tầng lớp lưu manh trước những đắng cay chồng chất của người dân đất nước này.

Bạn và chồng bạn là tầng lớp lưu manh, Mỹ Linh ạ!”[3]

            Xuyên qua sự kiện “thời sự nóng” trên, nhà báo Nguyễn Lân Thắng đã nhận định thêm về “cái giới tinh hoa” nầy trong bài viết “Những cái loa của chế độ” như sau :

“Trong cái tháp ngà của mình, với đầy đủ những ân sủng mà chế độ ban cho, giới “tinh hoa” bấy lâu nay hầu như chẳng quan tâm gì đến nỗi đau trong hiện thực của người dân. Không những thế, bằng danh tiếng, tri thức và vị thế xã hội mà họ có được, giới tinh hoa này còn xa gần dùng những xảo ngữ, những giá trị nhân văn, học thuật, văn hoá ở mãi tít tận đâu để bênh vực cho nhà cầm quyền, để làm chệch hướng dư luận xã hội trong việc đòi hỏi phanh phui những việc thối nát, đòi hỏi tìm ra cho được những kẻ phải chịu trách nhiệm với thực trạng đất nước hiện nay.”[4]

            Cái thực trạng “vô cảm oái ăm” nầy, bi đát thay, lại là chuyện “thường ngày ở huyện” trên muôn nẻo đường đất nước nầy, quê hương nầy, cho dù cô giáo Trần Thị Lam, cũng người Hà Tĩnh, đã phần nào ngụ ý cách “hài hước nhức nhối” với hai từ “NGỘ QUÁ” trong bài thơ “ĐẤT NƯỚC MÌNH NGỘ QUÁ PHẢI KHÔNG ANH !”. Xin trích đôi câu :

“Đất nước mình ngộ quá phải không anh

Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn

Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm

Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi…

Đất nước mình lạ quá phải không anh

Những chiếc bánh chưng vô cùng kì vĩ

Những dự án và tượng đài nghìn tỉ

Sinh mạng con người chỉ như cái móng tay…”

            Đứng trước một thực trạng xã hội Việt Nam như thế, liệu những người Kitô hữu Việt Nam, những người được thấm nhuần Lời Chúa dạy tất cả mọi người đều là “anh em con cùng một Cha” (Kinh Lạy Cha), bởi đều “mang ảnh hình Thiên Chúa” (St 1,27-28); nhất là được dạy “phải bỏ 99 con chiên để đi tìm con chiên lạc” (Lc 15,4-6) và hãy biến mình thành “người Samari nhân hậu” đối với bao nhiêu thân phận khổ đau, lạc loài, hoạn nạn…(Lc 10,29-37)…thì nếu Chúa hỏi “Gia đình nghèo của anh Thành mới tự tử kia đang ở đâu”, cùng với bao nhiêu con người, thân phận bi đát khác…, chúng ta phải trả lời làm sao ?

             Không lẽ chúng ta, những người Kitô hữu Hà Tĩnh, giáo phận Vinh, hay, mọi người Kitô hữu Việt Nam nói chung, trả lời với Chúa theo cái giọng đáng trách của Ca-in ngày xưa : “Con không biết, vì họ là người lương, kẻ ngoại đạo, không thuộc đàn chiên của Chúa” !

            Chúng ta nên biết rằng, hai sự cố “tự tử vì nghèo” được nêu trên : một tại Nghệ An (2014), một tại Hà Tĩnh (2018), đều xảy ra trên địa bàn mục vụ của giáo phận Vinh, giáo phận đang được chăn dắt bởi Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, hiện đang là Trưởng Uỷ Ban “PHỤC VỤ VÀ PHÁT TRIỂN TOÀN DIỆN CON NGƯỜI” trực thuộc HĐGMVN. Ngài cũng là một giáo sư tiếng tăm đẳng cấp quốc tế chuyên về Giáo huấn Xã Hội của Giáo Hội Công Giáo, mà một số tác phẩm chuyên đề nầy của ngài đã trở thành “kinh điển” trong học thuật cũng như trong huấn giáo.

            Sở dĩ nhắc đến sự kiện nầy để khơi gợi một chút suy tư về mối tương quan giữa “Đạo và đời”, giữa những “chất vấn của Lời Chúa”: “A-ben em ngươi đâu” và câu trả lời của mỗi người Kitô hữu của chúng ta, câu trả lời về việc thực hành “giáo huấn xã hội” luôn lấy “con người là con đường của Giáo Hội”[5]

            Không phủ nhận biết bao nhiêu công việc phục vụ, bác ái, sẻ chia, đồng hành…của người Kitô hữu Việt Nam với đồng bào mình, anh em chị em mình; đặc biệt, trong biến cố “Formosa” tại Kỳ Anh, Hà Tĩnh, từ các Vị Chủ Chăn giáo phận Vinh, đến các linh mục và hành hàng lớp giáo dân đã sát cánh bên những anh chị em lương dân nạn nhân của “môi trường bị huỷ hoại ô nhiễm, nghề nghiệp tài sản mất trắng, đất đai, nhà cửa lẫn mạng sống bị tước đoạt xâm phạm, ức hiếp…để đòi quyền sống, để tìm sự công bằng…

            Tuy nhiên, giữa những ồn ào, náo động mang tính tập thể và nhất thời, thì việc sống đức tin, sống Lời Chúa lại đòi hỏi những “chi tiết nhỏ” cần phải kiên trì và liên tục thực hiện mỗi ngày như chính lời dạy của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong tông huấn “hãy vui mừng hoan hỉ” (Gaudete et Exsultate) :

“Chúng ta đừng quên rằng Chúa Giêsu đã mời gọi các môn đệ chú ý đến những chi tiết:

Chi tiết nhỏ về chuyện hết rượu tại một tiệc cưới; chi tiết nhỏ về chuyện một con chiên lạc mất; chi tiết nhỏ về việc người goá phụ dâng cúng hai đồng xu nhỏ; chi tiết nhỏ về việc mang dầu dự trữ cho đèn, phòng trường hợp chàng rể đến chậm; chi tiết nhỏ về việc hỏi xem các môn đệ có bao nhiêu ổ bánh; chi tiết nhỏ về việc nhóm bếp lửa và nướng cá khi Người chờ đợi các môn đệ lúc tinh sương.” (GE 144)

            Đặt mình trước câu hỏi của Lời Chúa : “EM NGƯƠI ĐÂU RỒI?”, thì câu chuyện tự tử thương tâm của hai mẹ con chị Đậu Thị Thắng ở Nghi Xuân Nghệ An hay của gia đình anh Nguyễn Tiến Thành ở Kỳ Anh Hà Tĩnh phải chăng cũng là “những chi tiết nhỏ” để 6 triệu người mang căn cước Kitô hữu Công Giáo Việt Nam cùng xem lại “câu trả lời đức tin” của chúng ta ?

            Cho dẫu tới hôm nay, vẫn có người thích một Giáo Hội hoành tráng, một Giáo Hội có uy tín ngoại giao quốc tế giữa các hàng cường quốc, một Giáo Hội mà “Tổng thống Hiệp Chủng Quốc phải quỳ gối cúi đầu”, Tổng bí thư Liên Sô phải hoà dịu, và “Chủ Tịch Trung Quốc phải nhượng bộ…”[6], thì muôn ngàn đời Đấng sáng lập Giáo Hội vẫn muốn Hội Thánh của Ngài phải luôn là một “đàn con nhỏ” (Ga 13,33) và các thành viên trong Hội Thánh đó phải biết “quỳ xuống rửa chân cho nhau” (Ga 13,1-5).

            Chính trong ý nghĩa đó nên chúng ta không lấy làm lạ trước những nỗi trăn trở và lắng lo của cả Dân Chúa, đặc biệt anh chị em Công Giáo thuộc Giáo Hội Thầm lặng Trung Hoa, trước các “động thái ngoại giao của Toà Thánh Vatican và chính quyền Trung Hoa cọng sản” thông qua bản “thoả ước tạm thời” ngày 22.9.2018. Lý do để trăn trở, lo lắng lại cũng chính là “câu trả lời của Ca-in”.[7]

Thật vậy, nhiều người Công Giáo sợ rằng, để đạt được những mục tiêu “ngoại giao” lớn lao, có thể Vatican sẽ hy sinh những anh chị em tín hữu “thầm lặng”, chẳng khác nào lặp lại câu trả lời của Ca-in “Con không biết. Con là người giữ em con sao?”.

Nhìn người rồi lại nghĩ đến ta. Chính trong ngày 20.10.2018, nếu tại xóm nghèo Minh Châu, xã Kỳ Hợp, Kỳ Anh, Hà tĩnh, có một gia đình với cả 4 người tự tử vì quá túng nghèo, thì tại Vatican, thủ đô của Giáo Hội Công Giáo, phái đoàn chính phủ Việt Nam do phó thủ tướng Trương Hoà Bình dẫn đầu đã yết kiến Đức Giáo Hoàng Phanxcô và gặp gỡ Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Pietro Parlolin; và trước đó 2 ngày, 18.10.2018, Đức Tổng Giám Mục, Chủ tịch HĐGMVN làm phép khánh thành tượng đài Đức Mẹ La Vang tại đất thánh.

Có lẽ nhiều người Công Giáo Việt Nam quan tâm và lấy làm quan trọng hai sự kiện liên quan đến Giáo Hội Việt Nam hơn là “nỗi đau của một gia đình người lương” vô danh tiểu tốt nơi một xóm nghèo.

Tuy nhiên, trong trái tim của người Mục Tử Giêsu nhân lành, thì điều quan trọng cần quan tâm thực hiện lúc nầy đây chính là “chăm sóc người anh em đang sống dở chết dở bên đường”, một đối tượng mà rất nhiều khi các chức sắc trong Giáo Hội ngoãnh mặt đi qua trong thờ ơ lãnh đạm (Lc 10,29-37). Chính vì thế, câu hỏi ngày nào của Thiên Chúa dành cho Ca-in vẫn mãi còn vang vọng và đòi chúng ta phải trả lời cho đúng : “A-ben em ngươi đâu rồi” !

 

Trần Đoan Hùng

(Ngày 22/10/2018 – Nhớ Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II)

[1] Xem bản tin ngày 21.10.2018 của Báo Điện tử Vnexpress : https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/gia-canh-kho-khan-cua-4-nguoi-chet-trong-tu-the-treo-co-3826949.html

[2] Nguồn :

http://soha.vn/xa-hoi/nghi-hai-me-con-om-nhau-nhay-cau-tu-tu-vi-thieu-no-120-trieu-dong20140327174125919.htm

[3] Trang facebook : Nguyen Thuy Tien. Nguồn :

https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=191039161823329&id=100027517399155

[4] Nguyễn Lân Thắng. Bài viết “Những cái loa của chế độ” trên trang mạng baotiengdan.com. Link :

Những cái loa của chế độ

[5] GM. Phaolô Nguyễn Thái Hợp Op. MỘT CÁI NHÌN VỀ GIÁO HUẤN XÃ HỘI CÔNG GIÁO, nxb Phương Đông, 2013, tr. 135 : “Nếu như Đức Kitô là con đường dẫn đưa con người đến với Thiên Chúa, thì phải chăng con người sẽ là con đường mà Giáo Hội phải kinh qua khi thực hiện sứ vụ loan báo Tin Mừng? Quan niệm nầy được Đức Gioan Phaolô II khai triển dưới nhiều hình thức và qua nhiều văn kiện. Trong thông điệp “Đấng Cứu chuộc loài người” chúng ta gặp thấy một bản văn thâm thuý và rất tiêu biểu, mà hôm nay đã trở thành cổ điển : “Con người là con đường của Giáo Hội, con đường mở ra, một cách nào đó, từ nền tảng mọi con đường Giáo Hội phải đi, bởi vì con người – mọi người, không trừ ai – đã được Đức Kitô cứu chuộc, bởi vì Đức Kitô kết hợp cách nào đó với con người, với từng người một, không trừ bất cứ ai, ngay cả khi họ không ý thức điều đó (…).

[6] Trọng Thành : Vatican vẫn là một “cường quốc ngoại giao”. Trang mạng của đài RFI. Link : http://vi.rfi.fr/quoc-te/20151001-vatican-van-la-mot-%C2%AB-cuong-quoc-ngoai-giao-%C2%BB

[7] Xem bài nhận định của Vũ Văn An : Vatican dưới cái nhìn của Giám Đốc AsiaNews: một số bước tích cực, nhưng không quên các vị tử đạo. Nguồn : Trang mạng vietcatholic : http://www.vietcatholic.org/News/Html/246817.htm