(Lễ Chúa Ba Ngôi – Năm B – 2021)
Rất nhiều người chúng ta tự nhận mình là “người có đức tin”, là kẻ “tin Chúa”. Nhưng thật ra, không mấy ai thật sự có một “kinh nghiệm”, một “cảm nghiệm” thật sâu xa, chân thực, sống động… về Thiên Chúa; và thường nếu có, lại là trong những hoàn cảnh thật éo le, khắc nghiệt, như lời thú nhận trong bức thư được tìm thấy trên thi thể của một anh linh chiến tử trận thời Đệ I Thế chiến: “Chúa ơi, trước đây con chưa bao giờ thưa chuyện với Ngài, nhưng bây giờ con xin chào Ngài. Họ đã nói với con rằng Ngài không hiện hữu, và như một thằng điên, con đã tin họ. Nhưng đêm hôm qua, con đã nhìn lên trời từ một lỗ nhỏ trong hầm trú. Con đã thấy vẻ đẹp của những vì sao và con nghĩ rằng vũ trụ bao la biết chừng nào. Khi đó con biết rằng họ đã nói dối. Con không biết Ngài sẽ bắt tay con không khi Ngài và con gặp nhau. Dù sao, con cảm nghĩ rằng Ngài sẽ hiểu cho tất cả những sa ngã của con. Thật lạ lùng sao con phải đến nơi khủng khiếp này mới có thể biết được Ngài. Trước đây còn đã làm gì ? Con chẳng biết nói gì hơn, nhưng con đoan chắc rằng con rất hạnh phúc khi hôm nay được biết Ngài. Con cảm thấy giờ zero sắp đến. Sắp có một trận đánh khủng khiếp. Biết đâu ngay đêm nay con có thể đến nhà Ngài. Con đang khóc ! Lạ quá con đang khóc, vì trước đây chưa bao giờ con khóc như thế. Bây giờ con phải đi. Nhưng vì con đi để gặp Ngài nên con không sợ chết nữa.”[1].
Mà cũng đúng thôi ! Nếu không có “ơn đức tin” làm sao chúng ta có thể biết Chúa; nói gì đến chuyện “cảm nhận, kinh nghiệm về Chúa ! Tác giả Thánh Vịnh đã xác quyết: “Chúa siêu việt trên hết mọi dân, vinh quang Người vượt xa trời cao thẳm.” (Tv 113,4). Và một trong những thái độ kiêu căng và lầm lạc to lớn nhất của con người đó chính là phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa, đến nổi, tác giả Thánh Vịnh đã lặp lại hai lần trong những câu mở đầu của hai Thánh vịnh 14 và 53: Kẻ ngu si tự nhủ: “Làm chi có Chúa Trời!” Chúng đã ra hư đốn, làm những điều ghê tởm, chẳng có một ai làm điều thiện. Từ trời cao, Chúa nhìn xuống loài người, xem ai là kẻ có lương tri, biết kiếm tìm Thiên Chúa (Tv 14,1-2; 53, 1-3).
Tạ ơn Chúa. Chúng ta, những Kitô hữu, nhờ ơn Đức Tin qua Nhiệm Tích Thánh Tẩy nhân Danh Ba Ngôi (“Ta rửa con, nhân Danh Cha…”); và nhờ sự mạc khải của chính Đức Kitô mà chúng ta tin nhận Thiên Chúa và chương trình huyền nhiệm của Ngài như lời xác quyết của Thánh Phaolô: “Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tầt cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người” (Cl 1,19); “Người cho ta được biết mầu nhiệm ý muốn của Người, theo như điều Người ưa thích mà Người đã định từ trước trong Đức Kitô, để thực hiện kế họach khi thời gian viên mãn: đó là quy tụ muôn loài trên trời dưới đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô.” (Ep 1,9-11).
Thật vậy, nếu không có “Người Con Một được Chúa Cha yêu thương ban tặng”, thì mãi mãi loài người chúng ta, có may mắn nhất thì cũng chỉ được như dân Do Thái: “tiếp cận xa xa” trước một Thiên Chúa “uy hùng cao cả khi thần hiển ở Sinai”; chiêm ngắm một Thiên Chúa “kín ẩn mịt mờ như cột lửa, áng mây dẫn đường về Đất hứa”; hay cụ thể lắm như cách thuyết minh của Môsê trong Đệ Nhị Luật nơi Bài đọc 1 vừa nghe: “Có bao giờ một dân tộc đã nghe lời Thiên Chúa từ trong lửa phán ra như các ngươi đã nghe mà còn sống chăng? Có bao giờ Chúa đã dùng sự thử thách, dấu chỉ, điềm lạ, chiến tranh, cánh tay quyền năng mạnh mẽ và những thị kiến khủng khiếp, để chọn lấy cho mình một dân tộc giữa các dân tộc khác, như Chúa là Thiên Chúa các ngươi đã làm tất cả các điều đó trước mặt các ngươi trong đất Ai-cập chăng?…”.
Vâng, không có Đức Kitô, chúng ta không thể có một Thiên Chúa gần gũi thân thương để thân thưa như một em bé: “Abba”; một Thiên Chúa nghĩa tình thân mật để tâm sự như một học trò: “ThưaThầy”; một Thiên Chúa là chỗ tựa nương yên ủi để gọi mời như một bạn đường, một khách quý: “Hỡi Khách trọ hiền lương… xin hãy đến”…
Vâng, đó chính là “dung mạo Thiên Chúa Ba Ngôi” mà ngày lễ hôm nay nhắm đến, cử hành. Quả vậy, nếu trong suốt Năm Phụng vụ, mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng…, những người tín hữu Công Giáo chúng ta đều cử hành các “Mầu nhiệm Thánh” để tôn vinh, thờ phượng Thiên Chúa qua Chúa Kitô và trong Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, sau đại lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Phụng vụ đã dành riêng Chúa Nhật liền kề để kính nhớ Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, “mầu nhiệm trọng tâm và nền tảng” của kho tàng giáo lý đức tin, mà ngôn ngữ của chính Chúa Giêsu là “Cha, Con, Thánh Thần”.
Thật vậy, danh xưng “Cha, Con, Thánh Thần”, trước tiên, được chính Chúa Giêsu nói đến trong “mệnh lệnh sai đi” truyền cho các môn đệ trước khi Ngài lên trời: “Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần”. Danh xưng nầy, có khi đủ cả “ba Người” (Chúa Cha, Chúa Giêsu, Chúa Thánh Thần), có khi chỉ có “hai Người” (Cha, Con), cũng thường được Chúa Giêsu nhắc đến trong các lời tâm sự, nhắn nhủ các môn sinh trong thời gian trước khi chịu khổ nạn: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha”…; “Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con”…; “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi”…; “Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em”…. (Ga 14, 9.13.16.26).
Riêng Giáo Hội ngay từ thuở ban đầu, vừa đón nhận giáo lý đức tin về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, vừa cô đọng chân lý nền tảng đó thành những lời vinh tụng ca trong Phụng vụ như lời chào chúc mở đầu Phụng vụ Thánh lễ: “Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần…” (2 Cr 13,13); hay trong bài ca vinh tụng kết thúc Kinh Nguyện Thánh Thể: “Chính nhờ Người với Người và trong Người mà mọi danh dự và vinh quang đều quy về Chúa là Cha Toàn năng trong sự hợp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời”.
Tuy nhiên, qua Lời Chúa cũng như Thánh Truyền của Giáo Hội mà chúng ta vừa điểm qua cách đan thanh, chân lý Thiên Chúa Ba Ngôi, cho dù cao cả và thâm sâu cách mấy, cũng không phải chỉ để tuyên xưng, vinh tụng như một công thức; mà chính là để thấm nhập vào từng ngỏ ngách cuộc sống; như dấu chỉ Thánh Giá nhân danh Ba Ngôi đã theo suốt cuộc đời người Kitô hữu từ khi mở mắt chào đời cho đến khi nằm sâu dưới huyệt mộ.
Hơn nữa, như định nghĩa của Thánh Gioan: Thiên Chúa là Tình yêu (1 Ga 4,8). Vì thế, Thiên Chúa Ba Ngôi cũng chính là Thiên Chúa Tình yêu, một tình yêu trọn hảo, thâm sâu, hiệp nhất nên một giữa Ba Ngôi Vị: Cha, Con, Thánh Thần; một tình yêu khuôn mẫu cho các gia đình Kitô hữu, cho các cộng đoàn thánh hiến, cho các tổ chức tông đồ…
Trong một thế giới đang thiếu vắng những giá trị “tin, yêu, hy vọng” và chứng nhân của tình yêu và sự hiệp nhất đích thực, huyền nhiệm Ba Ngôi hôm nay là một thúc bách mạnh mẽ để mọi gia đình Kitô hữu, mọi thành phần Hội Thánh làm mới lại những cam kết tin cậy mến mang “dấu ấn Ba Ngôi của nhiệm tích Thánh Tẩy”, những cam kết hiệp nhất yêu thương theo “dáng đứng Ba Ngôi” của bí tích Hôn Phối”, những cam kết dấn thân phục vụ và hy sinh quên mình theo “phong cách Ba Ngôi” của bí tích Truyền Chức, Thêm Sức…
Sau hết, chúng ta đừng quên: chân lý Ba Ngôi luôn gắn liền với “mệnh lệnh lên đường”: “Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần; giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Vì thế, không phải chỉ hôm nay, mà mọi phút giây trong cuộc đời Kitô hữu đều là những chắt chiu, nỗ lực để mang Chúa đến cho mọi người. Dĩ nhiên, không phải một Thiên Chúa “cau có khó chịu”, một Thiên Chúa “ở tận trên các tầng mây”, một Thiên Chúa “khắc nghiệt để sợ hãi”…; nhưng phải là một “Thiên Chúa tình yêu”, Thiên Chúa của hạnh phúc và niềm vui”. Vì chưng, như lời dạy của Thánh Phaolô Tông đồ: “không phải anh em đã nhận tinh thần nô lệ trong sợ hãi nữa, nhưng đã nhận tinh thần nghĩa tử; trong tinh thần ấy, chúng ta kêu lên rằng: “Abba – lạy Cha!”. Hay như lời tâm sự cuối cùng của người lính trẻ tử trận hồi Đệ 1 Thế chiến: “Bây giờ con phải đi. Nhưng vì con đi để gặp Ngài nên con không sợ chết nữa”. Amen.
Trương Đình Hiền
[1] TRANG MẠNG GIÁO PHẬN CẦN THƠ; website: https://gpcantho.com/soi-chi-do-chua-nhat-le-kinh-thien-chua-ba-ngoi-b/; SCĐ Lễ kính Thiên Chúa Ba Ngôi B.