Cảm nhận đức tin, Chia sẻ Lời Chúa, Thơ - Nhạc

GIAI ĐIỆU QUANH NGÔI MỘ TRỐNG (THƠ PHỤC SINH)

Nhân Mùa Phục Sinh, xin giới thiệu một số bài thơ để gợi ý suy tư và cầu nguyện.

1. BIỂN ĐỎ, BIỂN LỬA VÀ VƯỢT QUA

(Cảm nhận “MÙA VƯỢT QUA” – Mến tặng các Tân Tòng)

 

Dấu chân con người, những ngàn năm lữ thứ,

Dệt đan dày đường khát vọng “nô lệ – tự do”…

Dẫu nhạt mờ như cây cỏ, bụi tro,

Nhưng mang cả tấm “căn phần” vô giá.

 

Bởi lời “thệ ước”  nhiệm mầu cao cả,

Thượng Đế mà, đâu rút lại dễ dàng !

Nên dẫu đường trần điên đảo “thương tang”,

Có xa mút chỉ,

Có dài đến đâu,

Cũng phải “vượt qua” để dẫn về “hứa địa” !

 

Mỗi mùa Phục Sinh mỗi lần thấm thía,

Nghe lại con đường “vượt Biển Đỏ của dân xưa”.

Khổ ải, gian truân, yếu đuối, dại khờ…

Cuộc hành lữ tìm tự do khỏi bến bờ nô lệ !

 

Vượt “Biển Đỏ” ngày xưa chỉ một dòng thế hệ,

“Dân mới hôm nay”, qua dòng máu thắm “Chiên Con”,

“Nô lệ khi xưa”, đất Ai Cập của “bạo chúa Pha-ra-on”,

“Đất hứa bây giờ”, Vương quốc của “Nước Trời hằng sống” !

 

Mỗi năm chợt về một “buổi chiều bi thống”,

Máu nhuộm hồng cây thập giá Can-vê,

“Hồng hải mới” ai qua sẽ được dẫn lối đưa về,

Khi chấp nhận dìm mình

để tái sinh qua nhiệm mầu “Thánh Tẩy” !

 

Chuyện “Biển Đỏ” năm nay,

Đang trở về giữa điệp trùng vang dậy,

Chuyện “Nhà thờ Đức Bà” ngập trong “biển lửa” giữa Ba-lê !

“Biển Đỏ” để vượt qua,

Phải chăng, “biển lửa”

để thiêu rụi xác thịt, buông tuồng, tục hóa, xa hoa…

để thanh tẩy, để gọi mời, dân Chúa quay đầu tìm “Đất Hứa”.

 

Chuyện Phục Sinh, kỷ niệm để một lần ghi nhớ,

Cuộc vượt qua “Biển Đỏ”, hay “biển lửa” của cả một đời người !

 

Sơn Ca Linh

Phục sinh 2019

 

 2. MỘT CÂU CHUYỆN TẦM THƯỜNG ĐẾN THẾ !

 

Gần hai ngàn năm,

Nhân loại nghe hoài một chuyện kể,

Chuyện kể của bà Maria

trên đường về từ Ngôi Mộ Trống :

“Tôi đã thấy nấm mồ của Đức Ki-Tô.

Người đã sống lại và ra khỏi mồ.

Người đang sống vinh quang” [1]

 

Một ngôi mồ trống,

Qua chứng từ của một cô thôn nữ tiểu tốt vô danh,

Một câu chuyện quá tầm thường, quá giản đơn,

Nhưng mau chóng đã trở thành “Tin Vui vĩ đại” ?

 

Một Tin Vui đã làm nên bao điều kỳ lạ,

Đã vươn xa Khỏi vùng đất khô cằn sỏi đá Palestina

Đã vượt biên đến mọi miền thế giới bao la,

Mà ngươi mang tin vui, cũng lại là,

Những cô, những cậu mang thân phận khó nghèo khiêm tốn.

 

Và từ lời chứng của Maria,

Cho đến bảng “Tin Vui”,

Của hàng hàng lớp những thế hệ tông đồ tiếp nối,

Cũng chỉ được dệt đan, thêu thùa, trau chuốt…

Mà nội dung cốt yếu vẫn chỉ là :

“Ngôi Mộ Trống và Một Đấng Phục Sinh”.

 

Thì ra đây,

Là đích điểm của một chuyện tình,

Một giao ước giữa Thượng đế với con người,

đã hình thành trước ngàn muôn thế kỷ.

 

Ngôi Mộ trống trên đồi Gô-gô-tha thuở ấy,

Đã ôm trọn cả chiều dài của lịch sử con người,

Từ xa tắp cát bụi A-đam

cho đến tiếng khóc oa oa của em bé sau cùng trên trái đất…

Mộ trống của tối tăm, ngục tù chết chóc,

Của đau thương, tội lỗi, thất vọng, đọa đầy…

Mộ trống của muôn kiếp phận xưa nay,

Bị giam kín dưới quyền lực của tử thần âm phủ.

 

Nhưng viên đá lấp mộ,

Đã lăn ra vào buổi sáng tinh mơ ngày thứ nhất,

Buổi sáng diệu kỳ làm lóa mắt người thôn nữ Maria,

Một người đã chết,

một một Đấng Phục Sinh đầy uy dũng bước ra,

Bỏ lại sau lưng cánh cửa mộ âm u,

Cùng với lịch sử nhân loại với cả con đường hầm tăm tối.

 

Để có được giây phút bình minh rạng rỡ ấy,

Thiên Chúa đã phải lặn lội,

Đi qua bao ngàn năm chắp nhặt dựng xây.

Dãy dỗ, bảo ban, ước hẹn vơi đầy,

Mà đích điểm chính là quà tặng :

Ban Con Một hiến thân làm hy lễ.

 

Thì ra, đâu chỉ giản đơn là chuyện kể,

Mà “Ngôi Mộ trống” của ngươi thôn nữ Maria,

Một chuyện tình vĩ đại mang tên : cứu độ giao hòa

Một chiến thắng của tình yêu và ân sủng.

 

Đã lâu rồi, Thiên Chúa vẫn luôn làm chuyện lớn

Bằng những sự kiện tầm thường, khiêm hạ, giản đơn.

Và câu chuyện “Mồ trống” cách đây hai ngàn năm,

Lại là chuyện lớn nhất trong “trường ca cứu độ”.

 

Tin Mừng Phục Sinh và câu chuyện “Mộ Trống” đó,

Sẽ cứ mới hoài cho đến mãi ngàn sau !

 

Sơn Ca Linh

 

3. TIẾNG GỌI PHỤC SINH

Đức Giêsu gọi bà : “Ma-ri-a !”. Bà quay lại và nói bằng tiếng Hip-ri : “Ráp-bu-ni !”(Nghĩa là ‘Lạy Thầy’). (Ga 20,16)

 

“Ma-ri-a !”

Ai vừa khẻ gọi ta đây,

Mà sao nghe giống giọng Thầy quá đi ?…

Trời ơi ! Thầy, “Ráp-bu-ni !”,

Vừa nghe tiếng gọi…hèn chi, biết liền !…

 

Dòng thời gian chảy triền miên,

Chuyện “Ngày Thứ Nhất” tưởng quên, nào ngờ !

Dệt thành nhạc, chuốt thành thơ,

Đơm hoa kết trái khắp bờ nhân sinh…

 

“Ma-ri-a”, tiếng gọi mình,

Mỗi cuộc đời mỗi “chuyện tình Giê-su”.

Gọi em từ giữa mùa thu,

Khi đời xao xác âm u giọt sầu…

Gọi anh từ giữa đêm thâu,

Bỏ con đường cũ qua cầu bến mê.

Gọi đời vất vả chân quê,

Giọt mồ hôi đắng chiều về vẫn vui.

Gọi ai thổn thức, ngậm ngùi,

Bờ vai để tựa, niềm vui đang chờ !

Bạc màu hay tóc xanh thơ,

Đã nghe “Thầy gọi” bơ vơ không còn.

Trùng khơi, rừng thẳm, núi non,

Nước sâu buông lưới, vuông tròn chân đi…

Gọi ai qua buổi “sinh thì”,

Nghìn thu an giấc ngại gì quê xa…

 

Tiếng Thầy xưa : “Ma-ri-a”,

Vẫn còn vang vọng bên ta mỗi ngày !

 

Sơn ca Linh (Tuần Bát Nhật Phục Sinh 2018)

 

 4. TA MONG MÃI BUỔI HỪNG ĐÔNG HÔM ẤY

(Cảm nhận Phục Sinh, Ga 20,1-10)

Ai đã sống
Mà không từng đi qua hay trải nghiệm
Những đêm dài buốt giá thương đau.
Đêm hận thù phản bội,
Đêm tương tàn huynh đệ say máu giết nhau,
Đêm chẳng thấy ngày sau,
Bởi tương lai chỉ một màu hoang tái !
Đêm vĩnh biệt người thân,
Để chẳng bao giờ có ngày mai trông thấy.
Đêm vợ xa chồng,
Đêm đứng lặng nhìn con cái đi hoang.
Đêm tật nguyền thương tích,
Xác thân như một mớ hoang tàn,
Đêm nhấp chén quan san,
Lòng nhức buốt theo người đi kẻ ở.
Đêm nước mắt tuôn,
Ướt những bờ vai thon nức nở,
Đêm tàn duyên nợ,
Ôm xác ai mà sập cả bầu trời.
Đêm gió ngừng thổi,
Và mưa nặng hạt bỗng thôi rơi,
Vì mắt mẹ chơi vơi,
Mong mãi bóng con mịt mù xa khuất.
Đêm của tối tăm,
Lê thê chuỗi ngày đắng cay tù ngục.
Đêm hoang tàn oan khúc,
Vương vãi xương tàn mộ địa thê lương.
Đêm rẽ chia, thù hận,
Im bặt rồi nhạc khúc yêu thương,
Nương vắng đồi cao
Đêm ngập tràn mão gai, thập giá !…

Nên ta thức đêm nay,
Như một kẻ lang thang ăn mày phép lạ.
Để bình minh rộn rã,
Ta theo chân nàng kiều nữ Sa-lem.
Để kiếm tìm hy vọng, và gặp gỡ quan chiêm,
Đấng chiến thắng bóng đêm,
Và đánh bại tử thần vừa chỗi dậy !

Vâng, chỉ có Ngài…
Nên ta mong mãi buổi hừng đông hôm ấy !

 

Sơn Ca Linh (Vọng Phục Sinh 2017)

 

5. NẮNG HẠ GIỮA TRỜI ĐÊM

(Đường về Em-mau : Lc 24,13-35)

 

Ai rủ nhau ngày buồn nắng hạ,

Quay bước về nẻo cũ Em-mau.

Giấc mộng ngày nao giờ đã chết,

Chôn vào kho ký ức hoen màu !

 

Đường vẫn đường xưa nay hoang vắng ?

Hay hồn trĩu nặng gánh đau thương ?

Bên nhau muốn nói mà sao lặng,

Chỉ một đôi câu cũng đoạn trường.

 

Nắng vẫn chang chang chờ trước mặt,

Bổng đâu trờ tới khách đường xa.

Ân cần hỏi chuyện đời hiu hắt,

Dẫn cổ soi kim mới thật là !

 

Những trang chuyện cũ từng nghe mãi,

Ý diệu lời thiêng chợt sáng lòa.

Nắng đổ chiều nghiêng lòng ấm lại,

Sao đành vội đến lúc chia xa.

 

Quán vắng bên đường chợt xuyến xao.

Người vừa bẻ bánh, nhẹ nhàng trao.

Mắt nhận ra Người ngay phút ấy,

Người đã lìa xa đến cõi nào ?

 

Đường quen bỗng thấy vui rộn rã,

Mau về cho kịp hẹn Sa-lem.

Trời đêm mà lòng như nắng hạ,

Nắng Phục Sinh, nắng thật êm đềm !

 

Sơn Ca Linh (PS 2017)

 

6. NHỮNG CHUYẾN ĐÒ PHỤC SINH

(Mến tặng các bạn Tân Tòng và Dự Tòng mà tôi đã từng dạy giáo lý)

 

Mỗi độ tháng 4 về chợt nhớ,

Những chuyến đò qua “bến Phục Sinh”,

Lữ khách lên bờ xa bến cũ,

Mỗi chuyến đò mang cả khối tình !

 

Ai biết gặp nhau là duyên nợ,

Cho dù chỉ một đoạn sang sông.

Một chút hành trang làm lẻ sống,

Một chút tin yêu sáng cõi lòng.

 

Đò đã qua bao mùa thương khó,

Vẫn ước đầy khoang khách sang sông,

Đã trót mang cuộc tình duyên nợ,

Và chọn đi trọn kiếp tang bồng.

 

“Ông lái đò” xưa xin nhắn gởi :

Ai đã từng “đỗ bến Phục Sinh”,

Cây nến niềm tin đừng lịm tắt,

Hẹn mai sau hội ngộ thiên đình.

 

Quảng Ngãi, Phục Sinh 2015

 

7. CHÚA PHỤC SINH VỚI BÀ MẸ BUÔN GÁNH BÁN BƯNG

(Kính tặng mẹ tôi và những chứng nhân phụ nữ âm thầm)

 

Những ngày nầy xếp lại đôi quang gánh,
Con thảnh thơi mừng Tam Nhật Vượt qua.
Nghỉ bán vài ngày cũng thấy xót xa,
Chúa biết “tay làm hàm nhai” mà, phận khổ !

 

Dự lễ Tiệc Ly mà chợt lòng tủi hổ,

Bực mấy Tông đồ được Chúa rửa chân !
Bài học nầy Chúa dạy suốt hai ngàn năm,
Nhưng được bao nhiêu “thuộc bài tới bến” ?

 

Phận đàn bà đâu được đồng bàn Tiệc Thánh,

“Xức chân Thầy” thì có,
Chứ làm gì mong được “Chúa rửa chân” !
Nhưng “đàng Thánh Giá” thì phụ nữ chúng con,
Lẽo đẽo theo Thầy đến cùng trên núi Sọ !

Có phải chăng vì những ân tình đó,
Mà hừng đông ngày “thứ nhất trong tuần”,
Phụ nữ như con, phận “buôn gánh bán bưng”,
Được chọn để mang Tin Mừng sống lại ?

 

Nhìn ánh nến Đêm Vọng trên tay bừng cháy,
Con chợt thấy đời bao nẻo đêm đen !
Nến đời con giữa gió bụi bon chen,
Không biết được bao lâu rồi lịm tắt ?

 

Phục sinh nầy,
Con chỉ xin Chúa lau khô dòng nước mắt,
Trên bao nhiêu gương mặt phụ nữ chúng con.
Nghèo khó, đắng cay, bị đối xử bạo tàn…
Bạo lực gia đình, rẻ khinh ngoài xã hội…!

 

Riêng phần con, phận “buôn gánh bán bưng” tăm tối,
Chỉ mong từng ngày, như cô Ma-đa-lê-na,
Cho dẫu ngập tràn khổ ải đắng cay,
Vẫn hát mãi trong tim lời “tôi đã thấy Chúa” !

 

Sơn Ca Linh (Phục sinh 2018)

[1] Một đoạn lời trong bài “hoan ca Phục Sinh” của ns. Hùng Lân