Views: 86
LTT : Trong ngày khai mạc “TUẦN LỄ CẦU NGUYỆN CHO SỰ HIỆP NHẤT CÁC KITÔ HỮU” (Từ 18 – 25/01), xin được trân trọng giới thiệu bài viết “HIỆP NHẤT VÀ ĐẠI KẾT”của tác giả Nguyễn Trọng Lưu. Đây là một bài nghiên cứu đầy đủ và chuyên sâu liên quan đến vấn đề “Đại Kết”.
Lịch sử ”tuần cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô giáo”
Ngay từ những ngày đầu tiên của Giáo Hội, các Kitô hữu hằng tuyên xưng “Tôi tin có Hội Thánh hằng có ở khắp thế này, các thánh thông công” và Công Đồng Nicea, năm 375, xác tín lại rằng “Tôi tin có Hội Thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền”. Tuy vậy, do bản tính yếu đuối của con người, sự chia rẽ thường xuyên vẫn xảy đến giữa con cái Chúa, mà vì thế, Thánh Phaolô Tông đồ luôn kêu gọi các giáo đoàn hiệp nhất – như chúng ta đọc thấy trong thơ gởi giáo đoàn Êphêsô: “Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hòa gắn bó với nhau. Chỉ có một thân thể, một Thần Khí, cũng như anh em đã được ơn để chia sẻ cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người và trong mọi người” (Ep 4, 3-6).
Trong lịch sử Giáo Hội đã có nhiều khủng hoảng đáng tiếc – nặng nề nhất là vào thế kỷ thứ 11 – dưới thời các Giáo Hoàng Sylvester 3 (1045); Grêgôriô 6 (1045-46); Clêmentê 2 (1046-47); Bênêđictô 9 (1047-48) và Damasus 2 (1048) – mà mãi đến thời Đức Lêô 9 (1049-1054) mới tái lập lại được trật tự. Cũng chính vì những lủng củng trong các triều giáo hoàng tại Rôma, nên Đức Thượng Phụ Chính Thống Constantinople là Michael Caerularius, không nhìn nhận Giám mục Rôma là giáo hoàng mà chỉ xem là người ngang hàng với các giám mục khác. Vì không hòa giải được với Roma, nên năm 1054 – Công Giáo và Chính Thống Giáo hoàn toàn chia ly.
Vào thế kỷ 16, dưới thời Đức Giáo Hoàng Lêô 10 (1513-1521), Giáo Hội Công Giáo lại bị suy yếu và cần phải sửa đổi – từ đó phát sinh ra các thể thức sửa sai nghiêm nhặt của Martin Luther (1480-1546) tại Đức và của Jean Calvin (1509-1564) tại Pháp, dẫn tới phong trào cải cách Tin Lành (1517-1650). Việc cải cách của Zwingli (1484-1531) tại Thụy Sĩ lại đi đến chỗ chối bỏ cả Bí tích Rửa Tội và Bí tích Thánh Thể. Cũng vào thế kỷ 16, vì Đức Giáo Hoàng Clêmentê 7 (1523-34) không công nhận việc vua Anh quốc Henry 8 (1509-47) ly dị với hoàng hậu Catherine xứ Aragon để kết hôn với Anne Boleyn, nên năm 1534, vua Henry 8 tự tôn mình làm thủ lãnh Giáo Hội Anh Quốc và từ đó Anh Giáo ly khai khỏi Giáo Hội Công Giáo.
Nhưng năm 1908, mục sư Paul Wattson đang coi sóc một nhà thờ Anh giáo ở Graymoor, New York – đã đưa ra sáng kiến cử hành một ”tuần tám ngày cầu nguyện cho sự hiệp nhất Kitô giáo” với sự hỗ trợ của các giám mục Anh giáo và Công giáo – trong đó có Đức Hồng Y William O’Connell của Boston. Tuần Tám Ngày này bắt đầu vào ngày 18 tháng giêng – là ngày tưởng nhớ sự kiện Thánh Tông đồ Phêrô bị bắt và bị khóa vào hai cái xiềng và có lính canh giữ nghiêm nhặt. Thế mà thiên sứ đã đánh thức: ”Đứng dậy mau đi!” và xích xiềng liền tuột khỏi tay ông” (CvTđ 12, 6-11) – và kết thúc vào ngày 25 tháng giêng, Lễ Thánh Phaolô Trở Lại.
Năm sau, mục sư Paul Wattson và toàn thể cộng đoàn Anh Giáo của ngài gia nhập Giáo Hội Công Giáo, và vào năm 1910, cựu mục sư Wattson đã được thụ phong linh mục.
Từ đó hàng năm, tất cả các tín hữu tin vào Đức Kitô ở khắp thế giới – bao gồm Công giáo, Chính Thống giáo, Tin lành và Anh giáo – đều dành tuần lễ này để cầu nguyện cho sự hiệp nhất các Kitô hữu.
Mẫu số chung của tinh thần hiệp nhất
Sự hiệp nhất giữa các kitô hữu đã có một mẫu số chung căn bản: đó là niềm tin và Bí tích rửa tội.
Trong niềm tin, tất cả mọi kitô hữu đều tuyên xưng một Thiên Chúa, là Cha toàn năng, Đấng tạo thành trời đất muôn vật. Mọi kitô hữu cùng tin kính một Đức Yêsu Kitô đã nhập thể để cứu độ, Người đã chịu đau khổ và chết vì chúng ta; Người đã sống lại và toàn thắng mọi sự dữ. Mọi kitô hữu cùng tin kính Đức Chúa Thánh Thần, hội thánh duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền, cùng với một phép rửa để tha tội và con người chết sống lại và sự sống đời sau.
Phép rửa tội đưa con người vào Giáo Hội của Đức Kitô. Nhờ bí tích rửa tội, chúng ta được tháp nhập vào Thân Thể của Đức Kitô, được trở thành con Thiên Chúa, được lãnh nhận ân sủng của Chúa Thánh Thần và được tham dự vào cái chết và phục sinh của Đức Kitô. Phép rửa là bước đầu tiên đưa con người từ tội lỗi và tăm tối bước vào sự sống mới, một sự sống cần được tăng trưởng mãi. Phép rửa tái sinh con người trong Thánh Thần và được Thánh Thần hướng dẫn.Tất cả các Giáo hội Kitô đều có phép rửa, tuy có ít nhiều khác biệt.
Hơn nữa, qua bí tích rửa tội, chúng ta đang thực hiện một cuộc hoán cải sâu xa, toàn diện. Nhờ cuộc hoán cải này, mọi người nhận ra mình nơi Thiên Chúa và nhận ra anh chị em mình trong Thiên Chúa.
Phong trào đại kết
Tuy đã có một mẫu số chung về tinh thần hiệp nhất – nhưng lịch sử dài của Kitô giáo đã cho thấy những ý kiến và lập trường khác biệt nhau ngay từ thời các Tông Đồ. Điển hình là vụ tranh luận liên quan tới phép cắt bì. Có những người thuộc phái Pharisiêu theo Kitô giáo chủ trương bắt buộc các người ngoại giáo theo Kitô giáo giữ phép cắt bì, các luật lệ và thói tục của của người Do thái, trong khi thánh Phaolô cho rằng chỉ có đức tin và ơn Thánh Thần mới là điều cần thiết. Cuộc tranh luận này đã khiến cho các Tông Đồ nhóm Công Đồng đầu tiên trong lịch sử năm 49 tại Yêrusalem để thảo luận và giải quyết vấn đề.
Sau này lại có nhiều cuộc tranh luận khác với các khuynh hướng lạc giáo liên quan tới nhân tính và thiên tính của Chúa Giêsu Kitô. Nhưng Giáo Hội đã duy trì được sự hiệp nhất cho tới năm 1054 khi hai Giáo Hội Đông Tây ra vạ tuyệt thông cho nhau, khiến cho Giáo Hội bị chia rẽ thành Công Giáo và Chính Thống. Tiếp đến vào thế kỷ 16 có phong trào cải cách Tin Lành với Martin Luther bên Đức, Calvin bên Thụy sĩ, rồi tới Anh Giáo với vua Henri 8. Vào thời gần đây, các tương quan chính trị tôn giáo chằng chéo với nhau dẫn tới cả chiến tranh giữa Công Giáo và Tin Lành trong 30 năm trời, gieo chết chóc thương đau cho dân chúng nhiều nước Âu châu. Trong các thế kỷ tiếp theo nảy sinh ra hàng ngàn cộng đoàn kitô khác nhau, đặc biệt là bên Hoa Kỳ khiến cho Kitô giáo chia thành gần 9.000 Giáo Hội và cộng đoàn đủ loại, trong có có hàng ngàn các tổ chức lợi dụng danh nghĩa giáo phái cho các mục đích không dính líu gì tới Kitô giáo.
Cũng chính trong bối cảnh đó mà đầu thế kỷ 20, Phong trào Đại kết đã được phát sinh từ các Giáo hội Tin Lành – nhằm liên kết, cải thiện tình trạng hiệp thông giữa các Kitô hữu thuộc các Giáo hội Tin Lành, Công giáo, Chính thống giáo cũng như cổ võ sự thống nhất đức tin và hiệp thông giữa các cộng đồng Kitô giáo bị chia rẽ.
Từ “Đại kết” phát sinh từ nguyên ngữ Hy Lạp “oikouméne”. Danh từ ”oikos” có nghĩa là ”nhà” tức những vùng đất có người cư ngụ, xây cất nhà cửa, rồi dần dần mở rộng ra đến toàn thể thế giới. Hoàng đế Rôma cũng mang tước là “oikumêne”, nghĩa là bá chủ khắp thế giới – và từ đó nảy sinh ra tính từ “oecumenicus” – như “concilium oecumenicum”(công đồng ngày xưa do hoàng đế triệu tập, mà sau này và cho đến ngày nay – là công đồng quy tụ hàng Giám Mục thế giới do Giáo Hoàng triệu tập). Khi phong trào hợp nhất các Kitô hữu ra đời, người ta muốn lấy lại từ “oecumenismus” để biểu lộ niềm khát khao được thấy Giáo hội mang chiều kích hoàn vũ, vượt qua hết mọi hình thức chia rẽ phân ly.
Có thể lấy năm 1910 như khởi điểm của phong trào đại kết. Vào năm ấy, một đại hội của các ”Hội truyền giáo Tin lành – World Missionary Conference” được tổ chức ở Edinburgh, Scotland. Lý do đưa tới việc tổ chức đại hội là thực trạng chua chát của các xứ truyền giáo, khi mà các giáo đoàn mớ thành lập chất vấn những nhóm thừa sai: “Tại sao các ông đều rao giảng một đức Kitô như nhau, mà các ông lại chia rẽ thành bao nhiêu là phe nhóm, nào là Metodist, nào là Luteranist, nào là Episcopalist? Tại sao các ông vừa mang cho chúng tôi Tin Mừng của Đức Kitô mà vừa mang theo các sự phân hóa từ Âu Mỹ sang đây làm gì?”
Chính vì ý thức rằng, sự chia rẽ giữa các Kitô hữu là một chướng ngại cho việc truyền giáo, cho nên các Hội Truyền Giáo mới quyết định nhóm họp lại để tìm cách thức giải quyết. Cuộc gặp gỡ giữa các Hội Truyền Giáo đã dần dần đưa tới sự gặp gỡ giữa các Giáo Hội dưới danh xưng ”International Missionary Council – Hội đồng quốc tế truyền giáo” vào năm 1921.
Từ kinh nghiệm gặp gỡ trên, dần dà lại nảy ra hai cơ quan khác, biểu lộ cho hai đường lối để tiến tới sự hiệp nhất: một đàng về đạo lý, một đàng về hoạt động. Cơ quan thứ nhất mang tên là “Foi et Constitution – Đức tin và Định chế” chuyên về các vấn đề đức tin và thể chế của Giáo hội. Cơ quan thứ hai mang danh là “Vie et Action – Đời sống và Hành động” được thành hình ngay từ năm 1925 tại Hội nghị Stockholm, Thụy Điển.
Tuy nhiên sau hội nghị lần thứ hai tại Oxford (1937), hai cơ quan đã đồng ý sát nhập lại thành một, lấy tên là ” Conseil Oecuménique des Églises – Hội đồng thế giới các Giáo Hội”. Nhưng vì thế chiến thứ hai bùng nổ, nên phải chờ tới năm 1948 thì mới có thể triệu tập Đại hội đầu tiên tại Amsterdam (Hòa Lan) từ ngày 22-8 / 4-9-1948. Từ ngày thành lập tại Amsterdam năm 1948 đến nay, Hội đồng đã tổ chức các Đại hội sau đây: Evanston (1954), New Delhi (1961), Uppsala (1968), Nairobi (1975), Vancouver (1983) Canberra (1991), Harare (Zimbabwe-1998).
Hiện nay có tới hơn 300 Giáo hội đã làm thành viên của Hội đồng, trong đó có cả các Giáo hội chính thống. Từ năm 1961, Giáo hội Công giáo Rôma chính thức là quan sát viên của Hội đồng này. Về phía Giáo Hội Công Giáo Rôma, năm 1960, Đức Thánh Giáo Hoàng Yoan 23 đã thiết lập Văn Phòng Hiệp nhất các tín hữu Kitô, có sứ mạng xây dựng mối liên lạc đại kết với các Giáo hội ngoài Công Giáo.
Thánh Công Đồng Chung Vatican 2 từ năm 1962 đến 1965 đã soạn thảo nhiều sắc lệnh và văn kiện góp phần thăng tiến sự hiệp nhất giữa các Giáo hội, như những dấu chỉ của niềm hy vọng vào sự hiệp thông trọn vẹn trong tương lai. Đặc biệt phải kể đến Sắc lệnh Unitatis Redintegratio (1964). Tinh thần đại kết cũng được nhấn mạnh trong các văn kiện khác của Thánh Công Đồng: Hiến Chế tín lý về Giáo hội (Lumen Gentium), Hiến Chế tín lý về Mặc khải của Thiên Chúa (Dei Verbum), Hiến Chế về Phụng Vụ Thánh, Tuyên Ngôn Tự Do Tôn Giáo.
Một văn bản quan trọng đã được ký kết giữa hai Giáo Hội Công Giáo Rôma và Tin Lành có nội dung liên quan đến giáo lý chung về ơn công chính hóa bởi ân sủng, qua đức tin như phương tiện – mà vấn đề này đã gây nên nhiều tranh cãi và dẫn đến cuộc Cải cách ở thế kỷ 16. Liên đoàn quốc tế Giáo hội Luther và Giáo hội Công Giáo đã cùng ký văn bản này tại Augsbourg ngày 30.10.1999. Trong khối Pháp ngữ, với sự cộng tác của các chuyên viên các Giáo hội Kitô, bản dịch kinh Lạy Cha đã được thực hiện năm 1966 (được dùng trong Phụng vụ hiện nay tại các nước thuộc khối Pháp ngữ) và bản dịch Kinh Thánh Đại kết (TOB) đã thực hiện năm 1972.
Ngoài ra còn có những cuộc gặp gỡ lịch sử mở ra những bước tiến mới trong tinh thần Đại Kết: cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo Hoàng Phaolô 6 và Thượng phụ Constantinopolis Athenagoras tại Jerusalem năm 1964; Cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng Phaolô 6 tại Tòa Thượng Phụ Constantinopolis năm 1967, rồi tại Hội đồng Đại kết các Giáo hội tại Genève năm 1969. Thánh Giáo hoàng Yoan Phaolô 2 đã nối bước các Vị Tiền Nhiệm khi đến thăm Tòa Tổng Giám Mục Giáo Hội Anh Giáo Canterbury 1982 và nhiều cuộc gặp gỡ với các vị lãnh đạo cấp cao của các Giáo hội Kitô khác.
Trong số các nhân vật mở đường cho phong trào đại kết về phía Công Giáo, có Đức Hồng Y John Henry Newman (1801-1890). Khi còn là phần tử của Giáo hội Anh quốc, cha Newman đã mở những cuộc hội thảo để xích lại gần Giáo hội Công giáo Rôma. Ý nguyện đó vẫn tiếp tục sau khi cha gia nhập Công giáo. Sang thế kỷ 20, vào những năm 1921-1926, tại Malines đã có những cuộc đối thoại giữa Lord Halifax, một giáo dân Anh giáo với linh mục Portal người Pháp, dưới sự điều động của Hồng y Mercier. Năm 1925, Linh mục Lambert Beauduin (1873-1960) thành lập đan viện Biển Đức tại Chevretogne và năm 1926, Linh mục C.J. Dumont mở trung tâm “Istina” hướng tới việc học hỏi và đối thoại với các Giáo hội Đông phương. Năm 1933, Linh mục Paul Couturier (1881-1953) đã mở trung tâm Công giáo đại kết ở Lyon, cổ động việc cầu nguyện cho các Kitô hữu được hợp nhất. Năm 1937, Linh mục Yves Congar (1904-1995) viết quyển “Chrétiens désunis. Principes d’un “oecuménisme catholique”, một tác phẩm thần học công giáo đầu tiên về Đại Kết.
Điều đáng chú ý – tuy rằng sự chia rẽ giữa Kitô hữu là một thực trạng không thể chối cãi – nhưng Thánh Công Đồng muốn trình bày một cái nhìn khác về sự hợp nhất, đó là: giữa các Kitô hữu đã có sự hợp nhất rồi, nhưng còn phải cố gắng tiến tới sự hợp nhất hoàn hảo hơn. Nói cách khác, không đi từ chỗ chia rẽ tới chỗ hợp nhất, nhưng là đi từ sự hợp nhất bất toàn sang sự hợp nhất toàn vẹn (communio imperfecta-plena communio).
Thực vậy, giữa các Kitô hữu đã có những yếu tố hợp nhất rồi – mà ở trên, tôi gọi là ”mẫu số chung của tinh thần hiệp nhất”. Qua bí tích rửa tội, chúng ta đã được tháp nhập vào thân thể của Đức Kitô, đã được trở thành con Thiên Chúa, và được lãnh nhận ân sủng của Chúa Thánh Thần. Chính những yếu tố thần linh đó thúc đẩy các Kitô hữu tìm cách biểu lộ sự hợp nhất kể cả qua những yếu tô hữu hình nữa. Tuy vẫn thâm tín rằng, Giáo hội Công giáo chứa đựng cách sung mãn những yếu tố cấu thành Hội thánh của Đức Kitô, nhưng Thánh Công đồng nhìn nhận rằng, các cộng đoàn khác cũng chứa đựng những yếu tố đó nữa. Nên biết là ở đây, Thánh Công đồng không bàn tới các cộng đoàn Kitô hữu ở ngoài Công giáo. Riêng về trách nhiệm luân lý của hiện tượng chia rẽ, Thánh Công Đồng khiêm tốn nhìn nhận rằng cả hai bên đều có lỗi – cho dù các Giáo Hội ngoài Công giáo không bị gọi là phe “ly giáo, lạc giáo” như trước nữa. Con đường tìm về hợp nhất được tiến hành qua sự thống hối và khẩn cầu lòng thương xót của Chúa.
Trong các năm qua công cuộc đối thoại đại kết xem ra dậm chân tại chỗ, không còn tiến triển như lúc ban đầu. Nhiều khó khăn và cản trở mới xuất hiện liên quan tới việc truyền chức Linh Mục và tấn phong Giám Mục cho phụ nữ, gây nứt rạn trầm trọng giữa các Giáo Hội Anh giáo và tạo thêm chướng ngại cho cuộc đối thoại giữa Công Giáo, Chính Thống và Anh Giáo.
Con đường đại kết xem ra còn dài và còn rất nhiều chướng ngại phải vượt thắng. Đối với lịch sử dài hơn hai ngàn năm của Kitô giáo, thời gian nửa thế kỷ không là bao, nhưng các cuộc đối thoại song phương giữa Giáo Hội Công Giáo và các Giáo hội Kitô khác như Chính Thống, Tin Lành, Anh Giáo, Luther, đã đem lại những kết qủa khích lệ. Tuy nhiên, sức nặng của qúa khứ với các hệ lụy chính trị, kinh tế, xã hội đã khiến cho con đường đại kết gặp nhiều chướng ngại và bị trì trệ.
Do đó việc cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa các tín hữu kitô không chỉ là dấn thân trong tuần lễ cầu nguyện cho hiệp nhất, nhưng phải là một phần của lời cầu nguyện mỗi ngày trong cuộc sống của kitô hữu, đặc biệt khi các kitô hữu nhóm họp gặp gỡ và làm viêc chung cho chiến thắng của Chúa Kitô trên tất cả những gì là tôi lỗi, sự dữ, bất công, vi phạm phẩm giá con người.
Trong tâm tình này, chúng ta hãy cùng đọc chung “Lời nguyện hiệp nhất” của linh mục Paul Couturier:
Lạy Chúa Giêsu, trước ngày chịu khổ hình vì chúng con,
Chúa đã cầu nguyện cho các môn đệ Chúa được hoàn toàn hiệp nhất,
Như Chúa ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Chúa
Xin làm cho chúng con cảm thấy đau đớn vì sự bất trung do chia rẽ
Xin cho chúng con thành tâm thú nhận điều đó
Và có can đảm gạt bỏ những gì là dửng dưng, nghi ngờ và ngay cả sự ghen ghét thù oán đang ẩn nấp trong chúng con.
Xin ban cho chúng con được gặp gỡ nhau trong Chúa,
Để từ tâm hồn và miệng lưỡi chúng con,
Không ngừng vang lên lời cầu nguyện cho sự hiệp nhất các tín hữu Kitô
Như Chúa hằng mong muốn và với phương tiện mà Chúa muốn.
Lạy Chúa là Đức Chúa hoàn hảo, xin hãy soi sáng cho chúng con thấy con đường dẫn tới hiệp nhất
Trong sự tuân phục tình yêu và chân lý của Chúa. Amen
Nguồn : Trang mạng của Cộng Đồng Công Giáo Việt nam tại Đan Mạch. Đường link : http://cdcgvn.dk/chu-de-trong-thanh/hiep-nhat-va-dai-ket/