Chia sẻ Lời Chúa

“ĐỔ ĐẦY TỚI MIỆNG” ĐỂ NHẬN RA “GIỜ” CỦA THIÊN CHÚA

(Gợi ý suy niệm sứ điệp Lời Chúa của Chúa Nhật II Thường Niên C)

  1. Khi “nước lã được đổ đầy”.

            Để diễn tả cái lạt lẽo, vô vị, không quan hệ thân thiết, không hương sắc, thâm tình…người ta hay dùng khái niệm “nước lã”. Coi nhau như “người dưng nước lã”.

“Một giọt máu đào hơn ao nước lã…”

            Trong ngữ cảnh Tin Mừng Thánh Gioan qua bài tường thuật “Phép lạ Ca Na” hôm nay, khi được đặt trong bối cảnh của lịch sử cứu rỗi, hình tượng “nước lã” phần nào cũng được hiểu theo nội dung ấy.

            Quả thật, sau biến cố phản bội đầu tiên của Nguyên tổ, nhân loại đã trở nên “người dưng nước lã” đối với Thiên Chúa và đối với nhau. Nào đâu còn những buổi chiều nắng nhạt, Thiên Chúa đồng hành bách bộ hàn huyên thâm tình với nhân loại trong cái vườn diệu quang bốn mùa hoa nắng xuân vui ! Và Ca-in, A-ben, cho dù ruột thịt anh em đã trở nên huynh đệ tương tàn đến độ “anh giết em” cách bạo tàn ác độc ! Con người trở nên xa lạ đến “chiếc tháp Ba-ben” không còn vưon lên được tới trời và nhân loại đã trở thành câm điếc với nhau trong muôn thứ ngôn ngữ người dưng xa lạ…

            Trong cái “biển đời nước lã” nhạt nhẽo vô tình ấy, Thiên Chúa đã đến. Và hôm nay, mọi sự đang hiện thực qua những chum rượu ngon tuyệt vời nơi đám cưới Cana…

            Nếu nhà tiệc hôm đó ở Cana, quả thật rượu đã hết trơn mà chỉ còn những chum nước lã “dùng vào việc thanh tẩy”, thì không còn nổi bẽ bàng nhục nhã nào hơn. Qua hình ảnh sống động đó, Thánh Gioan như muốn ngụ ý rằng : gia đình nhân loại muôn nơi muôn thuở chỉ là một “tiệc cưới dở dang đang hết rượu”, kiếp phận của loài người, cho dù được “thêu phượng vẽ rồng” cách mấy, thì vẫn phải đối diện với nổi bấp bênh của “sinh lão bệnh tử”, của bất hạnh, lạc loài, tăm tối. Quan hệ người với người và người với Thiên Chúa sẽ như “người dưng nước lã”.

            Mượn màu một chút làm duyên,

            Mấy đời gỗ mục đúc nên thuyền vàng.

Và vì thế, chỉ khi nào con người vâng lời Thiên Chúa, tiếp nhận một “Thiên Chúa ở cùng chúng ta” và thực thi lời dạy của Người “đổ nước đầy chum” thì hy vọng phép lạ sẽ xảy ra. “nước lã nhạt nhẽo, vô vị sẽ hóa thành rượu ngon hảo hạng”, gia đình nhân loại sẽ tràn trề hạnh phúc và niềm vui, kiếp phận con người sẽ được dẫn vào nẻo đường vinh quang rạng rỡ.

            Và vì thế, “dấu lạ Cana” không đơn thuần chỉ là một phép lạ để giải quyết tức thời nhu cầu của “nhà đám”, mà cốt lõi là lời tuyên bố của Thiên Chúa tình yêu : Nước Trời đã tới. Thiên Chúa đã ra tay can thiệp để trần gian tìm lại được niềm vui ơn cứu độ, để loài người có được mùa xuân ơn thánh.

            Trong cái nhìn tu đức, Francis Fernandez lại có những nhân định thật thâm thúy và đáng cho mỗi người chúng ta áp dụng vào đời thường cuộc sống :

            “Cũng giống như nước, cuộc đời chúng ta nhạt nhẽo vô vị và chẳng có mục đích rõ rệt nào cho tới khi Đức Giêsu đến với chúng ta. Người làm cho công việc, đau khổ và niềm vui của chúng ta được biến đổi ; Ở bên Đức Kitô, ngay cả cái chết cũng trở nên khác đi. Chúa chỉ muốn chúng ta thi hành bổn phận của mình tới đỉnh điểm, tới mút cùng “Họ đổ đầy tới miệng” ; Người muốn chúng ta hoàn thành chúng thật tốt để người có thể thi thố phép lạ. Nếu mọi người đang làm việc tại trường học, trong bệnh viện, ở nhà, nơi phân xưởng…đều sẵn sàng làm việc cách hoàn hảo và với tinh thần Kitô giáo, thì mỗi buổi sáng thức dậy chúng ta sẽ thấy thế giới hoàn toàn đổi khác. Chúa sẽ biến nỗ lực và công việc của chúng ta, vốn khô khan và cằn cỗi về mặt siêu nhiên, trở thành thứ rượu nho thơm ngon tinh túy nhất. Lúc đó thế giới nầy sẽ là một bàn tiệc cưới thịnh soạn, một nơi ở xứng đáng hơn cho nhân loại, trong đó sự hiện diện của Đức Giêsu và Mẹ Maria sẽ mang lại một niềm vui khôn tả” (Francis Fernandes, Đối thoại với Thiên Chúa, Mùa Thường niên, trang 105).

  1. “Giờ của Thiên Chúa đã điểm”.

Cho dù Chúa Giêsu có thưa với Mẹ rằng “Giờ của con chưa đến”, thì sau đó Ngài vẫn thể hiện quyền năng : “Các anh đổ đầy nước vào chum đi”. Quả thật, cái “Giờ” của Đức Kitô, cái “Giờ” mà ở đó “quyền lực của thế gian bị ném ra ngoài”, cái giờ mà ở đó “Con Người được tôn vinh”…quả thật đang khởi sự từ hôm nay và sẽ trọn vẹn khi Ngài thưa với Chúa Cha vào chiều thứ Sáu trên Đồi Sọ : “Con xin phó linh hồn Con trong tay Cha…và mọi sự đã hoàn tất”. Cho dẫu hôm nay, “Máu và Nuớc” chưa chảy tràn trên nhân loại, thì sự hiện diện của Ngài cũng đã làm cho cả ngàn lít nước lã nhạt nhẽo vô vị kia trở nên những ly rượu nồng ấm áp. Và như thế, nhân loại có thể ngẫng cao đầu để hát lên vui mừng, như I-sa-ia đã hát lên trong những ngàn năm trước :

            “Chẳng còn ai réo tên ngươi : “Đồ bị ruồng bỏ !” Xứ sở ngươi hết bị tiếng là “Phận bạc duyên đơn”. Nhưng ngươi được gọi : “Ái khanh lòng ta hỡi !” Xứ sở ngươi nức tiếng là “Duyên thắm chỉ hồng”. Vì ngươi sẽ được Chúa đem lòng sủng ái, và Chúa lập hôn ước cùng xứ sở ngươi. Như trai tài sánh duyên cùng thục nữ, Đấng tác tạo ngươi sẽ cưới ngươi về…”

            Và như thế, sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy nhìn về phía trước, phía của niềm hy vọng, phía của lòng trông cậy vào một Thiên Chúa yêu thương, phía của một Thiên Chúa giàu lòng nhân ái, phía của những chân trời hy vọng để chúng ta, như dân Do Thái thuở nào, luôn “ngộ” ra rằng : những vất vả đau thương, những tù đày nô lệ, những đắng cay tủi hờn, những nguy nan bệnh hoạn, những thất bại, dở dang…tất cả chỉ là tao luyện, tất cả chỉ là thử thách của tình yêu của bao dung và tha thứ, của ước giao và hẹn hò cho một tương lai rực sáng, cho một ngày mới sẽ lên ngôi, cho một mùa xuân đang trở lại. Bởi vì : Thiên Chúa là tình yêu, Thiên Chúa là Đấng trung tín và “Giờ” của Ngài đã điểm. Trong con mắt đức tin của những tâm hồn vững niềm trông cậy, bao giờ cũng nhận ra “Giờ của Thiên Chúa đã điểm”.

  1. “Người bảo gì các anh cứ việc làm theo”.

Không biết cơ duyên nào đã khiến đôi tân hôn ở Cana đã mời Chúa Giêsu, Mẹ Maria và các Tông đồ. Chắc là do quan hệ láng giềng ; vì Cana không xa Na-da-rét bao nhiêu.

Nhưng điều quan trọng Tin Mừng Gioan muốn nhắn gởi, đó chính là mầu nhiệm “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, là việc “Thiên Chúa cắm lều ở giữa nhân loại”. Vâng, “Thiên Chúa đã đến nhà của mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận, còn những ai đón nhận, Ngài sẽ ban cho họ quyền làm con Thiên Chúa”. Dấu chỉ Tiệc Cưới Cana trong bài đọc Tin Mừng hôm nay là một minh họa rõ nét cho sự can thiệp nhiệm mầu của Thiên Chúa tình yêu trong đời thường nhân loại.

 Sự Nhập thể giáng sinh của Con Một Thiên Chúa giữa trần gian chính là một thứ “Rượu Mới” dồi dào phong phú, một thứ rượu mới tràn trề tuôn chảy không phải chỉ hạn hẹp trong 600 lít tại Cana cách đây gần 2000 năm trước, mà tuôn chảy dạt dào, rộng khắp trên mọi gia đình, mọi quốc gia, mọi dân tộc. Đức Kitô là chính thứ “Rượu Mới” đó. Bởi vì Ngài là chính Tin Mừng, một Tin Mừng bằng xương bằng thịt, một Tin Mừng bằng chính 33 năm cuộc đời tại thế và mãi mãi hiện diện quyền năng và đầy ắp tình yêu cho tới thiên thu vạn đại qua quyền năng và sức mạnh, tình yêu và ân sủng của Thánh Thần. (Sáng…Chiều) hôm nay, nơi đây giữa chúng ta, thứ “Rượu Mới” ấy lại một lần nữa đang tuôn chảy, đang được ban tặng để chúng ta vui mừng và hân hoan đón nhận như một “quà tặng của tình yêu”, như một một “lời chúc tân hôn” thân thương và nồng ấm, như một nghĩa cử của tình bạn tín trung và quảng đại. Vâng, Đức Kitô đang có mặt ở đây, lúc nầy giữa anh và tôi, giữa chị và em, giữa những người, mà đã hơn một lần, cuộc sống  khắc nghiệt đã làm cho “hết rượu”, hết niềm vui và hy vọng, hết bình an và vui sống, hết điểm tựa và niềm cậy trông.

Và điều cần thiết còn lại hôm nay đó chính là : hãy mời Đức Kitô và Mẹ Người vào “tiệc cưới cuộc đời”. Hãy mở rộng cửa đón bước chân Ngài. Hãy mở rộng con tim để Tin Mừng của Ngài thấm nhập cõi lòng. Và các bạn, tất cả chúng ta hãy xác tín rằng, rồi một lần nữa “phép lạ Cana” sẽ tái diễn, tình yêu của Thiên Chúa sẽ ắp đầy, lòng khoan dung của Thiên Chúa sẽ hiện thực, rượu mới của hồng ân cứu độ của Thiên Chúa sẽ tuôn chảy dạt dào, miễn là chúng ta biết ngoan ngùy vâng lệnh Chúa “đổ đầy tới miệng”. Và từ đó, mái nhà của chúng ta, cuộc đời của chúng ta sẽ sáng lên niềm vui và hạnh phúc, dẫu cho niềm vui và hạnh phúc có phải được trả giá bằng nước mắt, mồ hôi, và đôi khi bằng cả máu hồng.

 

LM. Giuse Trương Đình Hiền