Chia sẻ Lời Chúa, Tài liệu Phụng Vụ

KHI NGƯỜI CÙI NGẨNG CAO ĐẦU VUI SỐNG

(CHÚA NHẬT XXVIII TN C 2019)

Trong muôn vàn giai thoại và chuyện kể về Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta, tôi ấn tượng nhất là câu chuyện Mẹ và người phụ nữ phung cùi bị bỏ rơi. Câu chuyện được tác giả Nam Nguyên kể lại trong bài viết mang tựa đề “NHỮNG TẤM GƯƠNG THÁNH THIỆN : MẸ TÊRÊSA – THỬ THÁCH CAM GO NHẤT” đăng trên trang mạng NGƯỜI VIỄN ĐÔNG :

“Bà không cầm lòng được khi thấy cảnh người con dẫn bà mẹ bị hủi giai đoạn cuối ra quảng trường rồi bỏ mặc đấy, bà mẹ nằm hấp hối mặc cho chuột rỉa thịt-ở Ấn Độ người bị hủi được coi là Chúa trời trừng phạt và vô phương cứu chữa, thậm chí người nhà giàu cũng sẽ bị bỏ rơi (riêng Calcutta có tới hàng trăm ngàn người hủi!?). Mẹ Têrêsa chạy khỏi chỗ đó và khóc, khóc cho sự bất lực của chính mình, vì đã không chịu được cảnh đó, mùi hôi thối máu me đó…Bà cầu xin Chúa cho bà thêm sức mạnh, Bà đã quay lại, đuổi lũ chuột đi, lau rửa vết thương cho người phụ nữ xấu số, rồi đưa vào bệnh viện, dù bệnh viện kiên quyết không chạy chữa thì mẹ Têrêsa thề là sẽ không rời nửa bước nếu bệnh viện không làm tròn y đức…Cuối cùng thì người phụ nữ kia đã được cứu chữa, bà ta cũng vẫn lìa đời, nhưng đã nở nụ cười đẹp nhất mà mẹ Têrêsa từng thấy!”.

            Thì ra, chính tình thương của mẹ đã chữa lành “nỗi đau cùi hủi” của một con người, một cuộc đời bất hạnh !

            Có lẽ cũng chính muốn chuyển tải nội dung sứ điệp “tình thương và sự chữa lành” đó mà Phụng vụ Chúa Nhật 28 thường niên năm C hôm nay đã công bố các trích đoạn Lời Chúa liên quan đến những người mắc bệnh phong cùi và hồng ân được Thiên Chúa chữa lành.

 

            Trước hết là câu chuyện về một quan chức của triều đình vương quốc Syria là Naaman, sau khi được chữa lành bệnh phong cùi, đã quay lại gặp tiên tri Êlisêô tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa và bày tỏ thái độ biết ơn trước hồng ân cao cả nầy :

“Thật tôi biết không có Thiên Chúa nào khác trên hoàn vũ, ngoài một Thiên Chúa ở Israel. Vì thế, tôi xin ông nhận lấy phần phúc của tôi tớ ông”.

            Trong khi đó, trích đoạn Tin Mừng Luca tường thuật việc Chúa Giêsu  chữa lành không chỉ một mà là “10 bệnh nhân phung cùi”; chỉ lạ một điều là “chỉ có một người duy nhất trở lại tạ ơn sau khi đi “trình diện với hàng tư tế” !

            Bị mắc bệnh hiểm nghèo – bệnh phung cùi và được chữa lành, nếu xét về mặt khoa học tự nhiên thì cũng là chuyện bình thường. Ngày hôm nay, với biết bao khám phá mới lạ về y học, về thuốc men và các phương pháp điều trị xuất chúng…, một số các bệnh nan y ngày xưa (cả bệnh phong cùi) không còn là “bất khả trị”.

            Tuy nhiên, sứ điệp Lời Chúa hôm nay chắc chắn không nhằm đến “phác đồ điều trị” bệnh phong cùi cách dứt dạc và mau chóng của Chúa Giêsu, một cách thi thố quyền năng của Đấng Mêsia, như tâm thức đám đông dân chúng bấy giờ.

            Vâng, “phung cùi” và việc “được chữa lành” mà Lời Chúa hôm nay nhắm tới chính là “tội lỗi” và “tình thương cứu độ”.

            Thật vậy, chính trong cái nỗi bi đát khốn cùng của kiếp phận sống dở chết dở đó, mà bệnh phong cùi đã được các Thánh ký dùng làm biểu trưng của “thân phận tội lỗi” của con người. Tội lỗi chính là một thứ “cùi hủi tâm linh”, một tình trạng bi đát khiến con người bị đẩy vào tình trạng xa cách Thiên Chúa và anh em đồng loại. Đặc biệt trong ngữ cảnh của Tin Mừng Luca hôm nay, mười người phung cùi lang thang đi tìm Đấng Cứu Thế với lời van xin tha thiết : “Lạy Thầy Giê-su, xin dủ lòng thương xót chúng tôi”, chúng ta như nghe vọng về những lời nguyện xin của những tâm hồn tội lỗi nài xin lòng khoan dung tha thứ của Thiên Chúa :

– Người thu thuế đấm ngực thân thưa : “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là người tội lỗi” (Lc 18,13)

– Người con hoang trở về thưa cha : “Thưa cha, con đã đắc tội với trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa” (Lc 15,21)

– Kẻ trộm bị đóng đinh sám hối : “Ông Giê-su ơi, khi ông vào nước của ông, xin nhớ đến tôi”. (Lc 23,42)…

            Và Thiên Chúa đã đón đợi từ lâu để “chữa lành” những thân phận con người “phung cùi đáng thương đó. Lịch sử cứu rỗi phải chăng là một thiên tình ca về lòng yêu thương và sự chữa lành của Thiên Chúa dành cho thân phận tội lỗi cùi hủi của loài người.

            Vâng, Thiên Chúa mà chúng ta tuyên xưng đó chính là Thiên Chúa của lòng thương xót, Thiên Chúa của khoan dung và tha thứ, Thiên Chúa của tình yêu; đó là Vị Thiên Chúa “đã cắm lều cư ngụ giữa loài người”, đã không kết án người phụ nữ phạm tội ngoại tình, đã chấp nhận những giọt nước mắt sám hối và nụ hôn chân của nười phụ nữ tai tiếng tội lỗi, đã chén thù chén tạc với bọn thu thuế bị người đương thời phỉ nhỗ, loại trừ…; đó là Thiên Chúa đã chạm đến những kẻ phung cùi bị vất bỏ “bên bờ rìa cuộc sống” để mang họ trở lại cuộc sống mới, cuộc sống với đầy đủ phẩm giá và tự do để ngẫng cao đầu bước tới… Và như thế, chuyện “phung cùi” và “chữa lành” lại là chuyện liên quan đến mỗi người chúng ta.

            Dòng nước sông Gio-đa-nô đã tẩy sạch bệnh phung cùi cho Na-a-man, phải chăng là hình bóng tiên trưng về dòng nước của bí tích Thánh Tẩy sẽ tẩy sạch chúng ta khỏi mọi vết nhơ tội lỗi. Vì thế, chúng ta sẽ không lấy làm lạ, khi Đức Kitô chữa lành 10 người phung cùi, thì điều đầu tiên Ngài lệnh cho họ là phải đi trình diện với các tư tế. Điều đó muốn nói lên rằng, một khi đã được chữa lành khỏi vết nhơ tội lỗi, con người sẽ được hội nhập vào cộng đoàn dân thánh, sẽ được ngẫng cao đầu đĩnh đạc tiến vào mái nhà của Thiên Chúa mà không sợ ánh mắt nào đố kỵ, rẽ khinh. Quả thật, một khi con người nhận ra và đáp trả tình yêu Thiên Chúa, thì không có con bệnh nan y nào mà không được chữa lành, không có thứ tội lỗi ghê gớm nào mà không được tha thứ, như chính lời khẳng quyết của Thiên Chúa : “Tội các ngươi dầu có đỏ như son, cũng ra trắng như tuyết ; có thẫm tựa vải điều, cũng hóa trắng như bông” (Is 1,18). Quả thật, phung cùi hay tội lỗi đều có chỗ trong mái nhà Thiên Chúa và đều có cơ hội để ngẩng cao đầu vui sống !

            Làm sao con người có thể vô tình vô ơn khi lãnh nhận hồng ân cứu độ cao cả như thế ! Chính vì thế, sứ điệp phụng vụ hôm nay còn gọi mời chúng ta phải luôn biết sống tâm tình tri ân cảm tạ vì muôn vạn hồng ân đã nhận được từ bàn tay yêu thương của Thiên Chúa.

            Mà xét cho cùng, hành vi cốt lỏi của đức tin con người chính là tâm tình và thái độ tạ ơn.  Chính vì thế,  từ ngữ “Tạ Ơn” gần như là câu điệp khúc của toàn bộ Sách Thánh : “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 107,1). Như thế, thái độ không biết tạ ơn Thiên Chúa, không cần phải cám ơn Thiên Chúa,  chính là thái độ vô thần, vô tôn giáo, vô tín ngưỡng. Đó là thái độ tự mãn, kiêu căng, lấy mình làm đủ, coi mình bằng trời. (Bàn tay ta làm nên tất cả, với sức người sỏi đá cũng thành cơm !…hay  Ông trời dẹp lại một bên, để cho nông hội đứng lên làm trời…). 

            Không ai trong chúng ta lại rơi vào thái độ ngông cuồng đó. Tuy nhiên, thái độ dửng dưng, coi mọi sự là đương nhiên để rồi không còn biết cảm ơn là gì, không còn nhận ra “biết bao điều cao cả Chúa đã làm cho mình” : miếng cơm manh áo là do tiền lương của sức lao động, sức khỏe là do siêng tập thể dục, nhà cửa, xe cộ là do tiết kiệm, tích lũy, học hành thành đạt là do chăm chỉ…v…v….Mọi sự đương nhiên là phải như thế, có gì đâu mà phải tạ ơn với cám ơn. Có lẽ 9 người phung cùi sau khi được khỏi bệnh cũng lý luận như thế : tình cờ gặp may khỏi bệnh, nào Chúa có can thiệp gì đâu, mắc mớ gì phải trở lại tạ ơn cái anh chàng Giê-su thợ mộc đến từ làng quê Na-da-rét ! Chính với cái não trạng “đương nhiên” đầy tự mãn đó, đã xô đẩy bao con người xa dần mối quan hệ với Thiên Chúa, quên lãng Chúa Giêsu, Đấng đã chết để cứu độ, để rồi mất đức tin lúc nào không hay, lầm lũi bước đi trong đêm tối của vô cảm, vô tín.

            Thánh Phaolô trong Bài đọc 2 hôm nay, qua lời nhắn gởi cho người đồ đệ Timôthê, đã cảnh báo chúng ta về điều đó : Đây cha nói thật: Nếu chúng ta cùng chết với Người, thì chúng ta cùng sống với Người. Nếu chúng ta kiên tâm chịu đựng, chúng ta sẽ cùng thống trị với Người. Nếu chúng ta chối bỏ Người, thì Người cũng sẽ chối bỏ chúng ta.”

            Như thế, sứ điệp Phụng vụ hôm nay nhắc nhở chúng ta luôn biết khám phá muôn vạn hồng ân Thiên Chúa giăng mắc trên đường đời, để không ngừng dâng lên Ngài những tâm tình và nghĩa cử của lòng tri ân cảm tạ.

            Trong tháng Mân Côi nầy, chúng ta cùng dõi mắt nhìn lên Đức Trinh Nữ Maria để tiếp bước theo Ngài trong tâm tình tri ân và cảm tạ đầy khiêm nhu; đó là tâm tình được biểu hiện rõ nét qua lời kinh Magnificat mà Đức Mẹ đã hát lên trước cửa nhà bà Êlisabét:

            “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa

            Thần trí tôi hớn hở vui mừng

            Vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi….

            Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi

            Biết bao điều cao cả

            Danh Người thật chí thánh chí tôn !

Trương Đình Hiền