Cảm nhận đức tin, Chia sẻ Lời Chúa, Tài liệu Phụng Vụ

KHÔNG CÓ TÌNH YÊU CỘNG ĐOÀN CHỈ LÀ “SÓI Ở VỚI NHAU”

Chúa nhật 23 TN (A) 2020

Thế giới vừa kỷ niệm sự kiện “75 năm nổ bom nguyên tử trên 2 thành phố Hiroshima và Nagasaki Nhật Bổn” (ngày 6 và 9/8/1945) với hàng trăm ngàn người tử vong; đây cũng là sự kiện quyết định chấm dứt “Đệ Nhị Thế Chiến” (1939-1945), một cuộc chiến tương tàn đã cướp mất mạng sống của khoảng 60 triệu người và để lại muôn vàn đau thương khốc liệt.

            “Bom nguyên tử” hay “Đệ nhị thế chiến” có thể nói được: đó là hiện thực đỉnh điểm của một sự thật cay đắng” về tương quan nhân loại, tương quan “người với người”; một “sự thật đáng xấu hổ” biến con người trở thành súc vật mà câu ngạn ngữ Latinh vẫn còn lưu lại: homo lupus homini (Người là sói của nhau).

            Là sói với nhau không chỉ để tranh dành miếng cơm manh áo, nhưng còn để tranh đoạt với nhau từng chút địa vị xã hội: “Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp”. Là sói với nhau khi người ta tranh cướp tình yêu, tranh giành quyền lợi mà kết quả đương nhiên đó chính là “hận thù”, là tiêu diệt lẫn nhau. Là sói với nhau cả khi là cha-con, vợ-chồng, bà con cật ruột chỉ vì muốn tranh đoạt đất đai, ruộng vườn, của cải vàng bạc… mà bỗng chốc “máu đào trở thành nước lã”, và còn hơn thế nữa, thành “kẻ thù không đội trời chung”…

            Mặt trái của xã hội loài người nói được là một trường bi kịch nối dài qua suốt mọi chặng đường lịch sử mà nội dung chính là: con người là sói cho nhau. Hậu quả tất yếu của cung cách ứng xử “là sói với nhau” đó chính là chà đạp, hủy diệt sự sống, là đẩy con người vào bóng tối của sự chết.

            Trong khi đó, những trang dài Kinh Thánh luôn chứng tỏ: “Thiên Chúa mãi mãi trung thành với Giao ước yêu thương mà Ngài đã ký với “người tình nhân loại”, là Đấng giàu lòng xót thương, là Đấng chậm bất bình nhưng đầy tình bao dung tha thứ…

Nội dung của trích đoạn sách sứ ngôn Ê-dê-ki-en hôm nay cũng là nhằm mục đích đó: sứ mệnh ngôn sứ chính là loan báo lời kêu gọi của Thiên Chúa để hoán cải người tội lỗi quay đầu trở lại (BĐ 1): “nếu ngươi không chịu nói để kẻ gian ác bỏ đường lối mình, thì chính kẻ gian ác sẽ chết trong sự gian ác của nó, nhưng Ta đòi máu nó bởi tay ngươi. Còn khi ngươi loan báo cho kẻ gian ác bỏ đường lối nó, nếu nó không chịu bỏ đường lối nó, thì nó sẽ chết trong sự gian ác của nó, nhưng ngươi cứu được mạng sống ngươi”.

Tại sao lại có cái “công tác ngôn sứ đặc biệt” như thế ? Đơn giản, vì Thiên Chúa đã tuyên bố chắc rằng: “Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống” (Ez 18,32).

Bước sang thời Tân ước. Cung cách ứng xử của Thiên Chúa lại được làm rõ nét qua chính hành vi và thái độ, lời nói và cả cuộc đời của Chúa Giêsu.

            Tin Mừng đã ghi lại bao chi tiết sống động về thái độ khoan dung, tha thứ dành cho con người của Chúa Giêsu: Ngài đã khiển trách thái độ hiếu chiến vô tâm của hai anh em con nhà Giêbêđê và đã không đồng thuận với cách ứng xử “rừng rú” trong biến cố “người Samari đóng cửa biên giới (Lc 9,53-55). Ngài đã bắt Phêrô xỏ gươm vào bao và chữa lành nạn nhân bị Phêrô chém … (Ga 18, 10-11). Và có lẽ ấn tượng nhất chính là hành vi và thái độ ứng xử của Chúa Giêsu dành cho người phụ nữ ngoại tình bị bắt quả tang mà theo giáo luật Do thái hiện hành, có nguy cơ bị ném đá chết: “tôi không lên án chị đâu ! Thôi chị cứ đi về, và từ nay đừng phạm tội nữa”…(Ga 8,2-11). Phải chăng đó chính là cách ứng xử mà bài thư Phaolô gởi giáo đoàn Rôma trích đọc hôm nay đã khẳng quyết: “Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại, yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy” (BĐ 2).

            Riêng với Chúa Nhật hôm nay, Tin Mừng Luca muốn thái độ khoan dung đó cần phải được thực hiện qua nhịp sống cộng đồng, qua những cung cách ứng xử mà cộng đoàn cần phải thực hiện để các thành viên trong cộng đoàn không cảm thấy bẽ mặt và thất vọng quay lưng mãi mãi: “Nếu anh em ngươi lỗi phạm, hãy đi sửa dạy nó, riêng ngươi và nó thôi. Nếu nó nghe ngươi, thì ngươi đã lợi được người anh em. Nếu nó không nghe lời ngươi, hãy đem theo một hoặc hai người nữa, để mọi việc được giải quyết nhờ lời hai hoặc ba nhân chứng. Nếu nó không nghe họ, hãy trình với cộng đoàn. Và nếu nó cũng không nghe cộng đoàn, ngươi hãy kể nó như người ngoại giáo và như người thu thuế.”

            Vâng, cộng đoàn Hội Thánh và các cộng đoàn nhỏ trong Giáo Hội là một “cộng đoàn tình yêu” do chính Đức Kitô thiết lập trên “nền tảng tình yêu” chính là cuộc hiến tế Thập Giá của Ngài ; là cộng đoàn phát sinh do “Máu và Nước chảy ra từ Trái Tim bị đâm thâu”, nên phải phản ảnh đúng tình yêu của chính Đấng “Phu Quân”. Một cộng đoàn không có tình yêu cũng có nghĩa là một cộng đoàn đã đánh mất “căn tính Kitô giáo”, như cách cảm nhận:

Nếu không có tình yêu, bổn phận khiến người ta dễ nóng giận.

Nếu không có tình yêu, trách nhiệm đẩy con người ta tới chỗ bất nhã.

Nếu không có tình yêu, công bằng làm cho con người ta đâm ra tàn nhẫn.

Nếu không có tình yêu, sự thật biến người ta thành kẻ ưa soi mói.

Nếu không có tình yêu, sự khôn ngoan dẫn dắt bạn tới chỗ láu cá.

Nếu không có tình yêu, sự đon đả biến con người thành kẻ giả dối.

Nếu không có tình yêu, sự am hiểu đẩy bạn trở thành kẻ cố chấp.

Nếu không có tình yêu, quyền lực khiến người ta trở thành kẻ áp bức.

Nếu không có tình yêu, danh tiếng làm bạn trở thành kẻ kiêu ngạo.

Nếu không có tình yêu, của cải làm con người ta trở nên tham lam.

Nếu không có tình yêu, lòng tin biến bạn thành kẻ cuồng tín.

Nếu không có tình yêu, trên đời này bạn không là gì cả.

            Quả thật nếu không có tình yêu thì cộng đoàn chỉ là “sói ở với nhau” !

            Dĩ nhiên, để có được một cộng đoàn “đầy ắp yêu thương” như thế không phải một sớm một chiều ; phải là sự “chắp nhặt từng phút giây”, từng những “chi tiết nhỏ”, từng những lời cầu nguyện đan xen những hy sinh mỗi ngày… như chính Chúa Giêsu đã căn dặn: “nếu hai người trong các con, ở dưới đất, mà hiệp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho họ điều đó. Vì ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy…”

            Vì thế, cho dù mang theo bao nhiêu tính hư tật xấu và yếu đuổi nhỏ nhen, chúng ta không nản lòng. Vì Đức Kitô vẫn còn hiện diện ở giữa lòng Giáo Hội, ở trong Nhiệm tích Thánh Thể như Ngài đã tuyên bố: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Ngài đang hiện diện ở đây, ngay giây phút nầy để dành cho ta lòng khoan dung tha thứ, và để động viên mọi người chúng ta cất bước lên đường tiếp tục ra đi rao giảng và làm chứng tình thương khoan dung của Thiên Chúa và đáp lại bằng chính việc thực thi giới luật yêu thương:  “Anh em chớ mắc nợ ai ngoài việc phải yêu mến nhau. Vì ai yêu người, thì đã giữ trọn lề luật.”

            Hy vọng từ hôm nay, ở giữa cộng đoàn chúng ta, nếu có những ai đã một lần đi hoang sẽ quay bước trở về hầu Ngôi Nhà Hội Thánh luôn linh đình yến tiệc hoan vui mừng ngày anh em đoàn tụ ; và chắc chắn, nhờ đó, thế giới mỗi ngày sẽ huynh đệ hơn, bao dung hơn… , và Nước Thiên Chúa sẽ mau hiển trị ; vì không lẽ Chúa Cha khoan dung lại khước từ chính lời kinh mà Chúa Con đã dạy: “Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện…”. Amen.

 

Trương Đình Hiền