Cảm nhận đức tin, Chia sẻ Lời Chúa, Tài liệu Phụng Vụ

KHÔNG PHẢI “ĐIỆN” MÀ LÀ “TÌNH YÊU”

(Chúa nhật 7 TN A 2023)

            Không còn mấy ngày nữa là giáp một năm tròn ngày Tổng Thống Putin của Liên bang Nga tuyên bố khai mở “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại đất nước Ukraina – ngày 24.02.2022; và kể từ ngày đó đến nay, đau thương, chết chóc, đổ nát… đã tràn lan trên vùng đất Ukrainna cùng với sự hận thù ngày càng dâng cao, khoét sâu giữa hai dân tộc vốn có chung một cội nguồn lịch sử và văn hóa “Nga Lạp tư” (Slaves).

            Và một khi những tia lửa của đạn bom, hỏa tiễn thù hận chiến tranh lóe lên, thì bóng tối của lo sợ đau thương lại sụp xuống. Trong gần một năm qua, đã có biết bao nhiêu làng mạc, thành phố của đất nước Ukraina xinh đẹp phải chìm trong bóng tối khi nhiều cơ sở điện năng bị pháo kích, các công trình phát sáng bị san bằng…; và cho tới hôm nay, hình như các nhà chính trị thế giới vẫn muốn chọn con đường “chiến tranh”, con đường của “vũ khí đạn dược”, con đường của “ngôn ngữ thù hận và sát phạt”… để giải quyết !

            Tuy nhiên, chiến tranh hận thù sẽ không bao giờ mang lại ánh sáng như di ngôn thâm thuý của Mục sư Martin Luther King Jr., một sứ giả hay chứng nhân của tình huynh đệ, hoà hợp, yêu thương giữa người da trắng và da đen: “Bóng tối không thể xua tan bóng tối, chỉ ánh sáng mới làm được. Hận thù không thể xua đuổi hận thù, chỉ tình yêu mới làm được” (Darkness cannot drive out darkness, only light can do that. Hate cannot drive out hate, only love can do that).

            Quả thật, chỉ có “ánh sáng của sự thánh thiện” mới đẩy lùi bóng tối và chỉ có “tình yêu của trái tim khoan dung” mới xóa bỏ hận thù; và đây chính là sứ điệp của Lời Chúa muốn chuyển tải đến những người Kitô hữu chúng ta trong Chúa Nhật thứ 7 mùa Thường niên A nầy.

Vâng, hôm nay, Lời Chúa đề nghị cho chúng ta một con đường, một phương thế để thiết lập mối tương quan hoà bình huynh đệ giữa con người, để loại bỏ oán thù và thiết lập một nền văn minh tình yêu và sự sống trên mặt đất: Đó chính là con đường tìm về sự thánh thiện của Thiên Chúa “Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh” (Sách Lêvi trong BĐ 1), “hãy nên trọn lành như Chúa Cha trên trời là Đấng trọn lành” (Bài Tin Mừng); và sự trọn lành hay “hoàn thiện” mà Thiên Chúa gọi mời con người chiêm ngưỡng và bắt chước Ngài lại chính là TÌNH YÊU, là lòng nhân từ. Bởi, như Thánh Gioan Tông Đồ định nghĩa “Thiên Chúa là tình yêu” (1 Ga 4,8); và việc “hãy hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48) cũng đồng nghĩa với việc “hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,36).

Thế nhưng, để chọn đi con đường thánh thiện của Thiên Chúa hay để mang lấy trái tim đầy tình yêu là cả một thách đố nhiêu khê của loài người, kể từ khi tội lỗi đã “nhập vào thế gian”, như Thánh Phaolô xác quyết: “Lương bổng mà tội lỗi trả cho người ta, là cái chết” (Rm 6, 23); và cũng vì chịu áp lực dưới sức nặng của tội lỗi mà loài người, ngay từ thuở hồng hoang, thay vì chọn con đường yêu thương hòa giải lại áp dụng biện pháp của thù hận, giết chóc, loại trừ: Cain sát hại em ruột (St 4, 1-12) và sau đó là cả một chặng đường dài thù hận nối tiếp nhau: “Ca-in sẽ được báo thù gấp bảy, nhưng La-méc thì gấp bảy mươi bảy” (St 4,24); “Nếu hai người đàn ông đánh nhau mà có gây tổn thương… , thì ngươi phải lấy mạng đền mạng, mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay, chân đền chân, vết bỏng đền vết bỏng, vết thương đền vết thương, vết bầm đền vết bầm” (Xh 21,22-25).

Dầu vậy, như lời cầu nguyện của Giáo Hội trong Kinh Nguyện Thánh Thể IV, Thiên Chúa giàu lòng thương xót không “bỏ mặc con người dưới quyền lực sự chết: “Và khi con người đã mất tình nghĩa với Cha vì bất phục tùng, Cha đã không bỏ mặc con người dưới quyền lực sự chết. Thật vậy, Cha đã thương cứu giúp mọi người, để những ai tìm Cha đều gặp Cha. Hơn nữa, nhiều lần Cha đã giao ước với loài người, và dùng các tiên tri mà dạy dỗ loài người đợi chờ ơn cứu độ”. Và nền tảng của việc giáo huấn “đợi chờ ơn cứu độ” đó chính là Giao ước Sinai với Thập Điều mà sự thánh thiện và tình yêu lại là điểm nhấn cốt lõi như trích đoạn Lời Chúa trong sách Lêvi của Bài đọc 1 hôm nay: “Chúa phán cùng Môsê rằng: “Ngươi hãy nói cho toàn thể cộng đồng con cái Israel: Các ngươi hãy nên thánh, vì Ta là Đấng Thánh, là Thiên Chúa các ngươi. Đừng giữ lòng thù ghét anh em, nhưng hãy răn bảo họ công khai, để khỏi mang tội vì họ. Đừng tìm báo oán, đừng nhớ lại lời mắng nhiếc của kẻ đồng hương. Hãy yêu thương các bạn hữu như chính mình.” (Lv 19, 1-2.17-18).

Thế nhưng, tự sức mình, con người sẽ không bao giờ đạt tới sự thánh thiện hay tình yêu hoàn hảo “như Thiên Chúa”, cho dù trong lịch sử đã có biết bao nhiêu con đường và phương cách thử nghiệm hay thực hành xuất chúng: Tiểu Ngã – Đại Ngã – Yoga của Ấn giáo, Quân Tử của Khổng Giáo, Diệt dục và Niết Bàn của Phật giáo…; đó là chưa kể những ý thức hệ, những triết thuyết hoang tưởng (Siêu nhân của F. Nietzsche; Cọng sản của K. Max, Hiện sinh của J.P. Sartre…) lại dẫn con người tới những “Cánh đồng chết” (Pôn Pốt), những cuộc chiến tranh long trời lỡ đất (Hitler)… thay vì đưa đến hòa bình hiệp nhất yêu thương.

Chính vì thế, nhân loại phải chọn đi trên con đường của chính Thiên Chúa đề nghị chứ không phải “sáng kiến tự mình nghĩ ra”; và con đường đó lại chính là “lời phán dạy sau cùng của Thiên Chúa” như thư Do Thái khẳng định: “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” (Dt 1, 1-2) hay như lời kinh nguyện của Hội Thánh: “Lạy Cha chí thánh, Cha yêu thương thế gian, đến nỗi khi tới thời viên mãn, Cha đã sai Con Một đến làm Đấng cứu độ chúng con… đã loan Tin Mừng cho người nghèo khó, sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, niềm hân hoan cho người sầu khổ trong tâm hồn…” (KNTT IV).

Giáo huấn đó, sứ điệp Tin Mừng đó chính là “Tám Mối Phúc thật” (CN 4 TN), là phẩm giá và ơn gọi siêu việt của người Kitô hữu: muối ướp đời, ánh sáng trần gian (CN V TN), là luật “Mến Chúa yêu người” (CN VI TN); và Chúa Nhật hôm nay (VII TN), là sự thánh thiện của Thiên Chúa mà bản chất hay “nội hàm” chính “nhân từ”, “tình yêu”: “Các con đã nghe bảo: ‘Mắt đền mắt, răng đền răng’. Còn Thầy, Thầy bảo các con: đừng chống cự lại với kẻ hung ác; trái lại, nếu ai vả má bên phải của con, thì hãy đưa má bên kia cho nó nữa… “Các con cũng đã nghe dạy rằng: ‘Hãy yêu thương tha nhân, và ghét thù địch’. Còn Thầy, Thầy bảo các con: Các con hãy yêu thương thù địch các con, hãy làm lành cho những kẻ ghét các con, và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ và vu khống các con… Vậy các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành”…

Từ giáo huấn trên, chúng ta có thể mượn lời của nhà tu đức Michel Quoist kết luận rằng: “Hành động duy nhất có thể làm đứt đoạn dây chuyền bạo lực, đó là tha thứ và yêu thương. Ai dám đưa cả má trái mình ra, đó là người mạnh nhất.”. Vâng, tình yêu thương chính là phương thế trọn hảo tìm lại căn tính đích thực của chính mình và cũng là con đường “cách mạng nội tâm” khởi đi từ việc trân trọng “con người bằng xương bằng thịt” như một điện thờ thánh thiện để yêu thương tha thứ; và từ đó dẫn tới sự hoàn thiện của Thiên Chúa như cách cắt nghĩa của Thánh Phaolô: Anh em không biết anh em là đền thờ của Thiên Chúa và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Nếu ai xúc phạm tới đền thờ của Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt người ấy. Vì đền thờ của Thiên Chúa là thánh, mà chính anh em là đền thờ ấy.” (Thư 1 Côrintô trong BĐ 2).

Vì thế, chúng ta đừng hy vọng sẽ sớm có hòa bình và ngưng tiếng súng trên đất Ukraina và nhiều nơi trên thế giới khi con người vẫn còn ghìm nhau như những kẻ thù cần phải tiêu diệt chứ không coi nhau là đền thờ của Thiên Chúa; hay khi con người “đối chọi” với nhau bằng thứ ngôn ngữ chết tiệc là hỏa tiễn, xe tăng, đại bác… thay vì “đối thoại” với nhau bằng tiếng nói thánh thiện đến từ Thiên Chúa và tình yêu dành cho con người !

Nếu nhà khoa học Nicola Tesla đã từng mơ ước cách không tưởng: “Nếu hận thù ghen ghét biến thành điện, thì cả thế giới sẽ được thắp sáng” (If your hate could be turned into electricity, it would light up the whole world), thì chúng ta, những Kitô hữu phải xác tín rằng: tình yêu sẽ trở thành ánh sáng là một điều khả thi. Bởi vì “ánh sáng” chính là phẩm giá hay căn tính của người Kitô hữu: “Các con là ánh sáng thế gian” (Mt 5,14). Nhưng để trở thành Kitô hữu hay môn sinh Đức Kitô thì mỗi người phải là chứng nhân của tình yêu: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.” (Ga 13, 35). Amen.

Trương Đình Hiền