(Chúa nhật V Mùa Chay năm C 2022)
Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu, có thể nói được, là biểu hiện cao nhất của Lòng Thương Xót nơi Thiên Chúa; phải chăng để nối kết hai mầu nhiệm “Chịu Nạn” và “Lòng Thương xót” mà Hội Thánh, với CN V MC, hay còn được gọi là Chúa Nhật Chịu Nạn (Dominica Passionis), đã chọn đọc bài Tin Mừng Thánh Gioan với câu chuyện “Người phụ nữ ngoại tình bị bắt tại trận” đã nhận được lòng thương xót của chính Chúa Giêsu.
Vâng, càng gần đến ngày tưởng- niệm- tái- diễn mầu nhiệm Tử Nạn-Phục Sinh, phụng vụ càng muốn chúng ta cảm nhận sâu sắc “Lòng thương xót” của Thiên Chúa qua việc Đức Kitô sẵn sang lấy “Máu châu báu để rửa sạch tội khiên” chúng ta, những kẻ, có thể nói được, đều là “những tội nhân may mắn chưa bị bắt tại trận” !
Và chúng ta có thể bắt đầu câu chuyện hôm nay qua chuyện kể Tin Mừng về “vụ án người phụ nữ đáng thương nầy”…
Trước hết, thánh sử Goan đã dành cho câu chuyện “vụ án người phụ nữ bị bắt quả tang ngoại tình” một cái kết bất ngờ, rất “có hậu”. Chỉ cần đọc lại vài câu cuối, chúng ta có thể thấy hết nội dung phong phú và đầy tế nhị của tác giả Tin Mừng thứ Tư: còn lại một mình Chúa Giêsu với người thiếu phụ vẫn đứng đó. Bấy giờ Chúa Giêsu đứng thẳng dậy và bảo nàng: “Hỡi thiếu phụ, những người cáo chị đi đâu cả rồi? Không ai kết án chị ư?” Nàng đáp: “Thưa Thầy, không có ai”. Chúa Giêsu bảo: “Ta cũng thế, Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa”.
Quả thật, với cái nhìn của một nhà thần học chiêm niệm và cái tâm của một Tông đồ truyền giáo, Thánh Gioan gần như đã “vẽ” nên một bức tranh Tin mừng sinh động tuyệt vời, khi xua đi mọi nhân vật trơ trẻn hạ tiện, mọi ồn ào khích động bất công, mọi mọi âm mưu đố ky đen tối… để chỉ còn rực sáng lên hai con người, hai nhân vật: Đức Giêsu hiện thân của tình thương cứu độ, khoan dung, tha thứ của Thiên Chúa, và người phụ nữ phạm tội ngoại tình, hiện thân của của một nhân loại bẽ bàng, tội lỗi, đáng thương… Thánh Giáo phụ Augustinô đã kết luận chí lý: Chỉ còn lại hai người: lòng thương xót và kẻ đáng thương (Misericordia et Misera – Mercy with Misery).
Phải chăng, đó cũng chính là nội dung cốt lõi của toàn bộ chân lý đức tin Kitô giáo, của kho tàng mặc khải của Thánh kinh ? Bởi chưng, chân lý cuối cùng về Thiên Chúa, đó chính là nhìn nhận và tuyên xưng “Thiên Chúa là tình yêu” hay “Thiên Chúa giàu lòng thương xót”, và sự thật tối hậu dành cho thân phận của mỗi con người đó chính là: “chúng ta cần ơn cứu độ bởi vì chúng ta là tội nhân”. Một tôn giáo, một niềm tin đúng nghĩa, đích thực khi lôi kéo con người đạt tới hay sống tích cực hai “sự thật căn bản” đó.
Thật vậy, một khi con người đánh mất niềm tin vào một Thiên Chúa “giàu lòng thương xót”; hay chỉ đặt niềm tin vào một “ông Trời xa xôi”, một “Thượng Đế lạnh lùng khắc nghiệt” nào đó…, thì chắc chắn con người sẽ biến mình thành những tên quan án kiêu căng hợm hĩnh, tự cho mình cái quyền để kết án, bắt nạt, xem thường anh chị em. Chắc chắn, không phải chỉ vào thời Chúa Giêsu mới có hiện trạng niềm tin tha hóa, xuống cấp nầy, mà có lẽ mọi nơi mọi thời đều có những hạng “kinh sư, biệt phái” sẵn sàng quên mất những lời dạy của sách Lêvi “yêu thương anh em như chính mình” (Lv 19,18), để chỉ nhớ một điều “phải giết chết kẻ nào phạm tội ngoại tình” (Đnl 22,22); những kẻ mang tâm địa đen tối gian manh khi “cố rình bắt cho được một người chị em đồng bào lỡ lầm yếu đuối” để đem làm mồi nhữ cho một âm mưu đen tối của chính mình mà không đoái hoài gì đến nhân phẩm, danh dự của một con người “mang ảnh hình Thiên Chúa”. Vâng, mỗi người chúng ta, một cách nào đó, đều là những tên “ngoại tình chưa bị bắt tại trận” ! Cho nên điều quan trọng, đó là hãy im lặng, bỏ viên đá xuống và thành tâm đấm ngực ra đi, như câu chuyện cách đây 2000 năm: Nghe nói thế, họ rút lui từng người một, bắt đầu là những người nhiều tuổi nhất…
Mùa Chay Kitô giáo trong những ngày cuối cùng này mời gọi chúng ta, đặc biệt, các anh chị em Dự tòng, hãy “đặt mình” trước Thiên Chúa, không phải như một cuộc đối diện trước pháp đình để run sợ trước một Thiên Chúa chỉ là một quan án lạnh lùng, tàn nhẫn, mà là một cuộc trở về” gặp gỡ một “Người Cha đang rộng vòng tay đón đợi”; là tìm lại đôi tay của “Người mục tử bỏ lại 99 con chiên để đi tìm con chiên lạc”; là đón nhận ánh mắt dịu dàng thân thương của một Thiên Chúa chưa bao giờ nở lòng “dập tắt tim đèn còn ngút khói, bẽ gãy cây lau bị nát dập”…
Sứ điệp “vụ án người nữ ngoại tình” còn muốn nói với chúng ta rằng: lòng thương xót chính là một “ân ban miễn phí” của Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta; (giống như câu chuyện người mẹ xin vua Napoléon tha tội tử hình cho người con…: Một người đàn bà đến với Vua Napoléon để cầu xin cho đứa con trai của bà khỏi bị xử tử. Nhà vua dựa vào Luật pháp và cho biết rằng theo công lý thì con trai bà phải chết. Bà nói:
– Muôn tâu Bệ Hạ, tôi đến đây không phải để xin công lý mà xin lòng thương xót.
– Nhưng con bà không đáng hưởng lòng thương xót. Vua trả lời.
Nhưng bà lập luận:
– Nếu nó đáng thì đâu phải là lòng thương xót nữa.
Cuối cùng nhà vua phải chấp thuận:
– Được rồi. Ta sẽ tỏ lòng thương xót đối với nó.
Người con trai ấy đã được tha chết.
Vâng, Lòng thương xót không phải là tiền công trả cho một điều gì xứng đáng, mà là một ơn ban miễn phí).
Và với “ân ban miễn phí” nầy, một vũ trụ mới, một con người mới lại bắt đầu, đầy sức sống, tươi vui, như cách “dụ ngôn” của tiên tri Isaia khi loan báo cho dân Israel: sau thuở lưu đày Babylon sẽ có ngày được hồi hương giải thoát: “Ta sẽ mở đường trong hoang địa, và khai sông nơi đất khô khan. Thú đồng, muông rừng và chim đà sẽ ca tụng Ta, vì Ta đã làm cho hoang địa có nước và đất khô khan có sông, để dân yêu quý của Ta có nước uống; Ta đã tác tạo dân này cho Ta, nó sẽ ca ngợi Ta” (Bđ 1); và đây cũng là điều mà tác giả Thánh vịnh 125 đã cảm nhận để tưng bừng hát lên ca ngợi “lòng đại lượng khoan nhân của Thiên Chúa”:
Khi Chúa đem những người Sion bị bắt trở về, chúng tôi dường như người đang mơ, bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng hân hoan.
Bấy giờ dân thiên hạ nói với nhau rằng: Chúa đã đối xử với họ cách đại lượng. Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan.
Lạy Chúa, xin hãy đổi số phận chúng con, như những dòng suối ở miền nam. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan… (Đvc).
Quả thật, sau khi đã mặc lại “bộ cánh của tình yêu và ân sủng”, thì con người sẽ có được một “sức mạnh để lao mình về phía trước”. Nếu ngày xưa, chỉ cần một ánh mắt yêu thương với một lời khoan dung “ta cũng không kết án chị đâu. Chị hãy đi đi và đừng phạm tội nữa”, người phụ nữ đáng thương,tưởng đâu khi “thân đã nhúng chàm” thì sẽ chẳng bao giờ ngóc đầu lên nổi, thì chị đã chỗi dậy và làm lại cuộc đời trong đầy ắp tin yêu và hy vọng. Phải chăng đó cũng chính là kinh nghiệm của một Phaolô ngã ngựa, khi đã chạm mặt Thầy chí thánh, thì chỉ còn “coi tất cả mọi sự như thua thiệt trước cái lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô, Chúa tôi.” (BĐ 2)…; và cũng từ đó, chàng “Saolô biệt phái” cực đoan, nhiệt thành với luật Môsê, sẵn sàng “ném đá những tên Kitô phản động”,thì đã trở thành một “Phaolô Tông đồ” hân hoan, can đảm “quên hẳn đàng sau, mà hướng về phía trước, tôi cứ nhắm đích đuổi theo để đoạt giải ơn kêu gọi Thiên Chúa đã ban từ trời cao trong Đức Giêsu Kitô” (BĐ 2), trở thành người loan báo Tin vui về ơn tha thứ và tình thương cứu độ của Thiên Chúa.
Ước gì đó cũng là kinh nghiệm của mỗi người chúng ta hôm nay, khi từ tòa Giải tội nầy, từ bàn Tiệc Thánh Thể nầy ra đi, chúng ta mạnh mẽ “lao mình về phía trước” để làm chứng về một Thiên Chúa yêu thương và một thân phận tội lỗi được phục hồi. Bởi vì, đâu phải ai xa lạ, chính tôi, chính mọi người đang hiện diện nơi đây, chúng ta đều là những kẻ đã, đang và mãi mãi được lãnh nhận một “ân ban miễn phí” chính là lòng xót thương của Thiên Chúa. Amen.
GiuseTrương Đình Hiền