(Chúa Nhật 14 TN B 2021)
Còn nhớ, Chúa Nhật tuần trước (13 TN B), Tin Mừng Máccô nói đến “một người phụ nữ ngoại giáo bị bệnh xuất huyết 12 năm”, bằng cái nhìn đức tin, đã khám phá ra quyền năng của một Đấng Mêsia trong con người thầy Giêsu chỉ qua “cú chạm nhẹ vào chiếc gấu áo”: Khi bà nghe nói về Chúa Giêsu, bà đi lẫn trong đám đông đến phía sau Người, chạm đến áo Người, vì bà tự nhủ: “Miễn sao tôi chạm tới áo Người thì tôi sẽ được lành” !
Chúa Nhật hôm nay, Tin Mừng Maccô lại nói với chúng ta: cộng đồng dân Nadarét, bằng cái nhìn cố chấp trần tục, đã mù tịt trước một “Thầy Giêsu” cho dù Người đang nổi tiếng “giảng dạy khôn ngoan làm phép lạ” để cuối cùng “vấp phạm vì Người”: “Bởi đâu ông này được như vậy? Sao ông được khôn ngoan như vậy? Bởi đâu tay Người làm được những sự lạ thể ấy? Ông này chẳng phải bác thợ mộc con bà Maria, anh em với Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em ông không ở với chúng ta đây sao?” Và họ vấp phạm vì Người…
Qua hai thái độ khác nhau đó, Tin Mừng Máccô đã cho thấy rằng: Ở Capharnaum, ở những vùng rìa ngoại giáo, có thể “Giêsu Nadarét” đang là “Thần tượng” của nhiều người”; nhưng ở đây, giữa lòng Dân Chúa, tại chính quê hương mình, “Giêsu” chỉ là bác thợ mộc, xuất thân từ một gia đình dân giả, nghèo hèn ! Thần tượng ở đâu chứ về đây là “sụp đổ” ! Mà không chỉ “dân Nadarét” thôi à nghen ! Nhiều nơi trong dân Israel thuở ấy cũng xem thường cái “lý lịch trích ngang thuộc về Nadarét”: “Ở Nadarét có gì khá đâu ?” (Ga 1,46).
Nói đến “thần tượng”, có lẽ, dân Israel, vào thời Chúa Giêsu cách đây 2000 năm, chưa hay không bị “lây lan” cái bệnh “cuồng thần tượng” như dân Hà Nội cách đây mấy năm: khi nhóm nhạc nam Hàn Quốc Super Junior về biểu diễn tại Hà Nội, thông tin về một bạn fan nữ đòi tự tử, giết bố mẹ, thậm chí còn tuyên bố hùng hồn trên mạng xã hội rằng “bố mẹ có thể không có nhưng các anh phải luôn là số một”[1]. Cũng vậy, không chỉ nơi giới trẻ mà rất nhiều người, “thần tượng” không còn là cha, mẹ, thầy cô, các vị anh hùng dựng nước và giữ nước…, mà phải là “Khá Bảnh”, “một anh chàng từng đi tù, bị đuổi học, chuyên đi đòi nợ thuê và chém mướn, từng phải đi trại giáo dưỡng, đặc biệt là nổi tiếng nhờ những clip, những đoạn livestream với những phát ngôn gây sốc và tục tĩu”[2].
Lời Chúa không nhằm “thần tượng hoá Giêsu” hay muốn tất cả chúng ta hôm nay cùng “lên đồng tập thể” trước chân dung của Ngài; nhưng là dạy chúng ta có thái độ và sự chọn lựa đầy niềm tin đối với Ngài để sống có ý nghĩa và sống vĩnh hằng: “Ai tin vào Người Con thì có sự sống đời” (Ga 3,36); “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến.” (Ga 6,29).
Từ thái độ “dè bỉu, khinh thường” thiếu niềm tin của dân Nadarét dành cho Chúa Giêsu vì “lý lịch nhân thân thấp kém của Ngài” hay vì sự “quen thuộc thường tình”, Tin Mừng cũng muốn nói với chúng ta rằng: Thiên Chúa thường chọn lựa những con người, những cách thế xem ra tầm thường nhỏ bé để làm nên những công trình kỳ diệu. Vâng, Thiên Chúa cao cả quyền năng đó chính là “nhập thể làm người, mặc xác phàm nhân loại, trở nên người con của bà Maria, làm bác phó mộc lam lũ giữa muôn người…; là một Rabbi đi chân đất, một ngôn sứ chẳng có viên đá gối đầu…; sau cùng, là một tội nhân bị kết án, một vị Vua với triều thiên gai, một tên tử tội bị đóng đinh giữa những người trộm cướp… ”; hay như lời chứng của Thánh Phaolô về chính lời đoan quyết của chính Thiên Chúa: “… vì sức mạnh của Ta được tỏ bày trong sự yếu đuối”.
Đứng trước một nhân vật, một con người như thế mà có thái độ như anh mù “Lạy Ngài con tin” (Ga 9,38); hay như người phụ nữ bệnh nhân 12 năm xuất huyết “chạm đến áo Người” với niềm xác tín: “Miễn sao tôi chạm tới áo Người thì tôi sẽ được lành” (Mc 5,25-34); hoặc thái độ của tên trộm bị đóng đinh vào chiều thứ Sáu trên đồi Sọ: “Thầy Giêsu ơi, khi Thầy vào Nước của Thầy, xin nhớ đến tôi” (Lc 23,42)… thì chắc chắn “phép lạ sẽ xảy ra”; phép lạ của tình yêu cứu độ, phép lạ của hồng ân hoán cải, phép lạ của niềm hy vọng vĩnh hằng…
Thật là buồn cho Chúa Giêsu trong một chuyến “hồi hương vinh quy bái tổ”: Ở đó Người không làm phép lạ nào được, ngoại trừ đặt tay chữa vài bệnh nhân, và Người ngạc nhiên vì họ cứng lòng tin.
Không phải chỉ một lần ở Nadarét, mà hôm nay, có thể nhiều lần và nhiều nơi, Chúa Giêsu cũng đang mang nỗi buồn và thất vọng như thế về chúng ta. Vâng, Thánh lễ mà, tấm bánh ly rượu mà, có gì hấp dẫn đâu để ta phải thường xuyên đi đến nhà thờ ! Giáo Hội mà toàn là giáo điều cổ lỗ sĩ, trong khi người ta ly dị, phá thai, LGBT ào ào… bãi quách cái Đạo nầy ! Nhìn kìa… Mấy ông cha, mấy bà xơ toàn một màu đen ảm đạm, buồn xo ! Phải là siêu sao bóng đá, phải là nghệ sĩ xứ Hàn mới là thần tượng ! Hy sinh, nghèo khổ, khiết tịnh, Tám mối phúc… “xưa rồi diễm ơi” ! Xe phải lên đời, nhà phải mấy tấm !
Nếu hai ngàn năm trước, tại quê hương Nadarét, “Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng đón nhận” (Ga 1,11) để đến nỗi “Người không làm phép lạ nào được”, thì hôm nay, Người đang đến giữa cộng đoàn chúng ta, không phải với một “Rabbi Giêsu đang nổi tiếng như cồn”, mà là một “Tấm Bánh Thánh Thể” giản đơn khiêm hạ; hay đâu đó ngoài kia, Ngài đang đến trong thân phận của một “em bé đánh giày, một lão già ăn xin, một người giúp việc, một người mẹ buôn gánh bán bưng”… liệu chúng ta có “dè bỉu, khinh khi, chối từ, ngoảnh mặt”… !
Mà dại gì làm thế ! Sao không làm một kẻ tin, một người đón nhận; bởi vì: “Còn những ai đón nhận, tức những kẻ tin vào Danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1,12). Amen.
Giuse Trương Đình Hiền
[1] Nghị luận xã hội về hiện tượng thần tượng của giới trẻ; website Cách đây mười năm, khi nhóm nhạc nam Hàn Quốc Super Junior về biểu diễn tại Hà Nội, thông tin về một bạn fan nữ đòi tự tử, giết bố mẹ, thậm chí còn tuyên bố hùng hồn trên mạng xã hội rằng “bố mẹ có thể không có nhưng các anh phải luôn là số một”
[2] Thần tượng của giới trẻ hiện nay là ai? website https://phatgiao.org.vn/than-tuong-cua-gioi-tre-hien-hay-ho-la-ai-d36432.html; đăng ngày 23.8.2019.