Views: 36
(ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA 2021 – GIỚI TRẺ HÀNH HƯƠNG NÚI ĐỨC MẸ)
Không biết các bạn thế nào, nhưng riêng tôi, giây phút nầy, cảm thấy thật hạnh phúc. Một buổi sáng đầu năm, trên đỉnh đồi lộng gió, với biển xanh, với núi thẳm, với mây ngàn…., và với anh em bạn bè bao quanh… để cùng nhau hít thở cái không khí trong lành, thánh thiện của một cuộc cử hành phụng vụ… Như thế làm sao mà không hạnh phúc cho được ! Hèn chi, một tác giả có tên “Chưa biết” đã mở đầu bài thơ “HẠNH PHÚC LÀ GÌ” bằng mấy câu thật tâm đắc:
Hạnh phúc là gì em biết không
Là sớm mai em đón nắng hồng
Qua ô cửa chào bình minh ló rạng
và biết rằng ngày mới đã sang trang…
Mà có lẽ không riêng chúng ta ở đây, những công dân của địa cầu, những tay lữ hành trên dương thế cảm nhận được hạnh phúc, nhưng tôi tin và xác tín rằng: hôm nay, giờ nầy, trên chốn thiên cung, quê hương Nước Trời, có một người cũng đang thật hạnh phúc…. Vâng đó chính là Mẹ Maria, Người Mẹ mà hôm nay Hội Thánh long trong mừng kính một đặc ân, một tước hiệu vô cùng cao quý: MẸ THIÊN CHÚA.
Để cắt nghĩa tại sao Đức Mẹ Maria hôm nay là người hạnh phúc, xin mời các bạn nghe lại đoạn cuối của một ca khúc về Mẹ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung mà nữ ca sĩ Công Giáo Hiền Thục đã trình bày rất thành công:
Bao ngày Mẹ ngóng, bao ngày Mẹ trông
Bao ngày Mẹ mong con quay về
Ấp trong giấc mộng, nhớ bao tháng ngày
Bé con hồn nhiên bên dáng Mẹ.
Mẹ chợt tỉnh giấc, và Mẹ nhìn thấy
Con Mẹ vẫn bé như thiên thần
Thấy con khóc oà, mắt Mẹ lệ nhoà
Cám ơn vì con đến bên Mẹ…
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung thật thâm thuý khi diễn tả nỗi niềm hạnh phúc của người mẹ trong giây phút cuối đời được thấy con trở về bên mẹ: cám ơn vì con đến bên mẹ…
Vâng hôm nay, không chỉ một đứa con, mà hàng ngàn đứa con “đến bên Mẹ”, làm sao mà Đức Mẹ không hạnh phúc. Chắc chắn trên trời Đức Mẹ cũng đang nhìn xuống để thì thầm: “cảm ơn vì chúng con đến bên mẹ !”.
Nhưng, lý do gì để chúng ta “đến bên Mẹ” hôm nay? Để trả lời, chắc chúng ta phải làm một cuộc hành hương trở về quá khứ….
Cách đây hơn 15 thế kỷ, dân thành Êphêsô đã có một đêm rước đuốc tưng bừng, đêm 22.06.431, đêm mà Dân Chúa hân hoan vì sự vinh thắng của đức tin truyền thống về mầu nhiệm về Mẹ Maria Mẹ Thiên Chúa được Công Đồng Êphêsô tuyên tín bằng những từ ngữ chắc chắn: “Nếu ai không tuyên xưng Đấng Emmanuel là Thiên Chúa thật, và do đó, Rất Thánh Trinh Nữ là Mẹ Thiên Chúa, vì Mẹ sinh ra xác phàm của Ngôi Lời nhập thể, thì mắc vạ tuyệt thông”. Và cũng từ cái “đêm không ngủ rực sáng tưng bừng Êphêsô” ấy, một làn gió xuân tươi mát dịu dàng của “Tình Mẹ”, của “Đấng Đầy ơn phước”, của lời chào thân thương “Ave Maria”…đã men theo dọc bờ Địa Trung hải, đã vượt qua núi rừng Tiểu Á, sa mạc Châu Phi để tràn vào các cộng đoàn Alexandria, Constantinopoli, Antiokia, sang tận Rôma và sau đó lan ra khắp Âu Châu và toàn thể địa cầu. Và rồi, sau hơn 15 thế kỷ từ biến cố Công đồng Êphêsô, tín điều “Mẹ Thiên Chúa”, sau những chặng đường dài được sống, suy tư, cầu nguyện và củng cố trong nhịp sống đức tin của Dân Chúa, cách đây hơn 50 năm đã được Công Đồng chung Vatican II xác định một cách thâm thúy và nhẹ nhàng hơn trong Hiến chế về hội Thánh: “Từ muôn đời, Đức Trinh Nữ đã được tiền định làm Mẹ Thiên Chúa cùng một lúc với việc nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa…Đức Trinh Nữ nhờ ơn huệ và vai trò làm Mẹ Thiên Chúa, Mẹ được hợp nhất với Con Mẹ là Đấng Cứu Chuộc và hiệp nhất với Giáo Hội…Mẹ Thiên Chúa là mẫu mực của Giáo Hội trên bình diện đức tin, đức ái và hoàn toàn hiệp nhất với Đức Kitô” (GH 61,63).
Quả thật, nếu Giáo Hội không đặt đúng vai trò của Đức Mẹ trong trật tự niềm tin của mình, hay, nếu hình ảnh của Đức Mẹ lu mờ đi trong cuộc hành trình đức tin của Dân Chúa, thì buồn tẻ biết bao, khô khan biết bao, thiếu vắng biết bao. Thật là may mắn ! Thật là hạnh phúc! Chúng ta vẫn còn Mẹ, Giáo Hội vẫn còn Mẹ, vẫn xứng đáng nhận được “một bông hồng cài lên áo” như lời ca trong ca khúc “Bông Hồng cài áo” của Phạm thế Mỹ: “Một bông hồng cho anh, một bông hồng cho em, một bông hồng cho những ai đang còn mẹ…Thì xin em hãy cùng tôi vui sướng lên, hãy cùng tôi vui sướng lên…”.
Tuy nhiên, Tước hiệu nầy có to tát quá không ?
Khi xuống thế làm người, Ngôi Hai Thiên Chúa đã chấp nhận mang lấy bản tính của nhân loại. Nếu Ngài đã không từ chối sinh ra trong lòng một dân tộc cứng đầu và phản loạn, đã không chọn cho mình một gia đình quí tộc đế vương, nhưng lại chấp nhận thuộc dòng con cháu Áp-ra-ham mà trong thứ tự gia phả (Mt 1,1-16) đã có ít nhất 4 người phụ nữ không ra gì: Ta-Ma loạn luân (St 38, 1-30), Ra-kháp mãi dâm (Gs 2, 1-21), Rút ngoại đạo (R 3-4), Bát-sê-ba ngoại tình (2 Sm 11,12), thì việc Ngài làm con Đức Maria, một Trinh nữ thánh thiện, không nhiễm tội truyền, có gì là không chấp nhận được ! Cũng thế, nếu Đấng Kitô của Thiên Chúa lại chấp nhận chen lẫn với đoàn người tội lỗi lội xuống dòng sông Gio-đan để Gioan Tẩy Giả thanh tẩy, nếu “Đấng Thánh của Thiên Chúa” sẵn sàng chén thù chén tạc với bọn người thu thuế tội lỗi như Matthêô, Giakêu, không ngại tiếp xúc với những người phụ nữ ố danh tai tiếng …, nếu “Con Chiên vẹn tuyền của Thiên Chúa”, lại chấp nhận bị kết án, bị lột trần, bị đánh tan nát và bị đóng đinh chết giữa hai tên trộm cướp…, thì việc Ngài chấp nhận làm Con của một người Trinh Nữ thánh thiện có gì là bất hợp lý đâu !
Chẳng những đã không bất hợp lý mà lại rất cần thiết ; vì Đức Trinh Nữ Maria đã được Thiên Chúa tuyển chọn để cọng tác với Ngài trong công cuộc thực hiện chương trình cứu rỗi mà thư thánh Phaolô gởi giáo đoàn Galát vừa khẳng định trong Bài đọc 2: “khi thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một người đàn bà, và sống dưới lề luật, để chuộc những ai sống dưới lề luật, hầu chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử”.
Vâng, chính nhờ Mẹ đón nhận sứ mệnh làm Mẹ Chúa Giêsu, Ngôi Lời Nhập Thể, Con Một Thiên Chúa, mà tất cả chúng ta được phúc làm con, vì Đức Kitô chính là “Anh Cả của một đoàn em đông đúc”; và dĩ nhiên, cũng chính trong tư cách Mẹ Thiên Chúa đó, Đức Maria đã trở nên phương thế để “đàn em của Chúa Kitô” tức Hội Thánh lớn lên và không ngừng tươi trẻ. Mẹ đã chăm sóc, bảo bọc, nuôi dạy Bé Giêsu thế nào thì Mẹ cũng chăm sóc đàn em của Ngài như thế; như kiểu “Bà Mẹ Việt Nam” chăm sóc đàn con trong thời chiến: “Mẹ về đứng dưới mưa che đàn con nằm ngủ canh từng bước chân thù, mẹ ngồi dưới cơn mưa. Mẹ lội qua con suối, dưới mưa bom không ngại, mẹ nhẹ nhàng đưa lối, tiễn con qua núi đồi…Mẹ là nước chứa chan, trôi dùm con phiền muộn, cho đời mãi trong lành, mẹ chìm dưới gian nan…”.
Ở giữa lòng Hội Thánh Công Giáo hôm nay, không chỉ là một ảnh hình khắc họa của thi ca, của âm nhạc, Mẹ Maria đã đang và mãi mãi đồng hành với Hiền Thê của Con Mẹ, để làm cho Hội thánh lớn lên và không ngừng tươi trẻ. Từ Lộ Đức tới La Vang, từ Trà Kiệu tới Fatima…Mẹ luôn dõi theo từng bước chân của Hội Thánh để chăm sóc giữ gìn, để động viên an ủi, để dạy bảo răn đe. Nói cách khác, Mẹ không ngừng đem cho Giáo Hội những làn gió mát của Thánh Thần để chiếc sáo Giáo Hội rung lên những giai điệu tuyệt vời hầu chuyển tải sứ điệp Tin Mừng cho muôn dân tộc, như cách diễn tả của thi sĩ Xuấn Diệu, một người ngoại giáo, đã cảm nhận sâu sắc về Mẹ Trà Kiệu qua mấy vầng thơ mượt mà thanh thoát:
Nên hôm nay con ngồi như trẻ nhỏ,
Giữa đáy trưa trong lòng Mẹ vô cùng.
Con là sáo mẹ là ngàn vạn gió,
Mẹ là trời con là hạt sương rung.
Sau hết, thế giới hôm nay đúng là đang quay quắt trong một “buổi trưa hè nóng nực” với cái không khí của bạo lực tràn lan, khủng bố, chiến tranh, dịch bệnh, chết chóc, tội ác lan tràn… Thật đúng lúc và thích hợp khi Đức Maria Mẹ Thiên Chúa được chọn như “Người Mẹ của Hòa Bình” để ngày hôm nay, đầu năm Dương Lịch, cả Hội Thánh dâng lời cầu nguyện cho hòa bình thế giới.
Trong sứ điệp ngày hoà bình thế giới 2021 nầy, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời gọi: “Các Kitô hữu chúng ta hãy hướng nhìn lên Đức Trinh nữ Maria là Ngôi sao Biển và là Mẹ của niềm Trông cậy. Chúng ta hãy hợp tác với nhau tiến tới một chân trời mới của yêu thương và hoà bình, của tình huynh đệ và liên đới, của nâng đỡ và đón nhận lẫn nhau. Chúng ta đừng bao giờ sa vào cơn cám dỗ thờ ơ với người khác, nhất là những người yếu kém nhất, đừng ngoảnh mặt làm ngơ;nhưng mỗi ngày hãy dấn thân cụ thể để “xây dựng một cộng đồng gồm các anh chị em biết đón nhận và quan tâm lẫn nhau”.
Để được như thế, Tin Mừng đề nghị chúng ta hãy noi gương Mẹ: “Cầu nguyện và Xin vâng”. Vâng, trước bao nhiêu thăng trầm giông bão bủa vây, Mẹ luôn ghi nhớ tất cả những việc đó và suy niệm trong lòng, để rồi bằng tất cả tin yêu phó thác Mẹ đã “Thưa vâng” với thánh ý Thiên Chúa”.
Là những người trẻ hành hương về “núi thánh của Mẹ”, chúng ta cùng hát lên với nhau câu điệp khúc của bài thánh ca “Mẹ thưa xin vâng”, như là một cam kết, một quyết tâm để cùng sống xin vâng như mẹ: “Mẹ thưa xin vâng, xin vâng trọn thánh ý Chúa Cha. Mẹ thưa xin vâng với tin mừng của Con Chí Thánh. Mẹ thưa xin vâng với tác động của Chúa Thánh Linh. Con muốn theo Mẹ: sống xin vâng với trái tim thảo hiền”.
Với tâm tình và thái độ đức tin “xin vâng” như thế, các bạn ơi, tôi tin rằng, Đức Mẹ trên trời hôm nay rất hạnh phúc; và cách riêng, ở đây, trên đỉnh núi Xuân Vân lộng gió nầy, Đức Mẹ mãi mãi “là trời” để chúng ta sẽ “là những hạt sương rung”. Amen.Trương Đình Hiền