Cảm nhận đức tin, Chia sẻ Lời Chúa, Tài liệu Phụng Vụ

MÙA VỌNG: CUỘC GẶP GỠ TAY BẮT MẶT MỪNG

(Chúa nhật I Mùa Vọng năm C 2021)

Thế là Mùa Đông đã trở lại. Với không ít người, Mùa Đông mang về “ấm áp”, những giọt ấm thân thương của mùi ngô nướng hay nồi cũ khoai nóng bên bếp lửa gia đình:

Em có phải đông đã về vang vọng
Khắp phố phường văng vẳng tiếng hàng rong
Nụ cười tươi bên đôi má ửng hồng
Ai ngô nướng cùng nồi khoai nóng hổi[1].

            Và cũng là “mùa” của hy vọng, yêu thương, xua tan những sầu đau băng giá:

Em có phải đông đã về đúng lúc
Ủ ấm lòng khỏi băng giá lẻ loi
Mọi khổ đau sân hận chốn biển đời
Đều tan chảy khi mùa đông chạm ngõ[2].

            Riêng, đối với những người Công Giáo chúng ta, Mùa Đông luôn gắn liền với “Mùa đầu tiên của Năm Phụng vụ” mà âm sắc cũng đong đầy những ý nghĩa: vừa man mác nhớ nhung của đợi chờ như ngôn ngữ Việt nam diễn tả: Mùa Vọng; nhưng cũng vừa ấm áp tin yêu của sự trở về, của người đang đến trong ngữ nghĩa của Phương Tây: Adventus, Avent, Advent… Vâng, Việt Nam thì đang trông Chúa đến (Vọng); còn Tây phương thì Chúa đang đến kìa (Adventus) !

            Thật ra, cả hai ý nghĩa “Vọng”“Đến” đều hòa trộn để làm nên một ý nghĩa duy nhất cho phụng vụ Mùa Vọng: Nhắc lại việc Chúa đã đến qua mầu nhiệm Nhập Thể mà điểm nhấn “đại lễ Giáng Sinh” đang gọi mời Dân Chúa đón đợi và loan báo việc Chúa sẽ đến ngày Quang lâm để khơi lên thái độ đón gặp Chúa đang đến giữa cuộc đời. (x. AC 39).

            Chính trong hạn từ “Đến” đã nói lên toàn thể nội dung và ý nghĩa mang tính tích cực, năng động của nhịp sống đức tin Kitô hữu, của Năm Phụng vụ Hội Thánh, và của cả một chương trình cứu độ. Thật vậy, đức tin không bao giờ là một “chuyện đã qua”, một kỷ niệm của quá khứ để thỉnh thoảng ngồi ôn lại một cách bâng quơ hờ hững; hay là một con đường mòn quen thuộc, một tập quán đơn điệu, máy móc để mỗi ngày bước đi, mỗi ngày thực hiện như cuộc vận hành của một chiếc máy mù lòa theo quán tính.

            Không ! Đức tin Kitô giáo, Đạo của Chúa Giêsu, Thiên Chúa của người Kitô hữu luôn luôn là một hiện thực mới mẻ, tinh khôi, đang đến, và đang hiện diện. Cho nên, ý nghĩa đầu tiên của Mùa Vọng, Mùa “Chúa Đến – Adventus”, phải chăng là thời điểm giúp mỗi người tín hữu chúng ta sống và cảm nhận, thực hiện và bước tới gặp gỡ một Thiên Chúa, một Đức Kitô, một Tin Mừng trong chiều kích đầy hoan vui và hiện thực đó.

            Lời Chúa chúng ta vừa nghe công bố hôm nay đã chuyển tải đến chúng ta các nội dung ý nghĩa trên:

            Trước hết, trích đoạn ngôn sứ Giêrêmia đã vẽ lên một bức tranh đầy hy vọng về Đấng Mêsia sẽ đến: “Trong những ngày đó và trong thời gian đó, Ta sẽ làm nảy sinh cho Ðavít một chồi công chính, Ngài sẽ xét xử và thi hành công lý trong xứ sở. Trong những ngày đó, Giuđa sẽ được cứu thoát, Giêrusalem sẽ sống yên ổn”. Chúng ta đừng quên, ngôn sứ Giêrêmia đã từng sống trong một giai đoạn mà vương quốc Giuđa bị đế quốc Babylon đè bẹp, Giêrusalem thất thủ; Dân Chúa lầm lũi bước đi trong một hoàn cảnh éo le và đầy tăm tối thất vọng của kiếp sống nô lệ, mất nước. Và cũng từ dưới vực sâu tăm tối đó, Thiên Chúa, qua miệng của Giêrêmia, đã loan báo cho dân Chúa một viễn tượng huy hoàng ở cuối chân trời lịch sử: Từ dòng tộc Đavít sẽ phát sinh một chồi công chính, một Đấng Mêsia sẽ đến giải thoát Dân Chúa: Và đây là tên người ta sẽ gọi Ngài: “Thiên Chúa, Ðấng Công Chính của chúng tôi”.

            Niềm hy vọng đó, sự hứa hẹn đầy lòng xót thương đó, thật ra, không phải chỉ dành riêng cho dân tộc Israel mà cho muôn thế hệ con người muôn nơi muôn thuở. Vâng, thân phận của mỗi một cuộc đời, mỗi một gia đình, hay mỗi quốc gia…, đều phải đi qua những nỗi thăng trầm dâu bể, hụt hẫng, đau thương, vui buồn sướng khổ… như dân Israel, như dân Giuđa; đều phải kinh qua những nẻo đường gian nan của lưu đày, di cư, tha phương, khốn đốn… Và vì thế, tất cả đều cần niềm tin yêu hy vọng để sống, để tồn tại và để hoàn tất sinh mệnh cuộc đời ! Niềm hy vọng về một Đấng Cứu Độ đang đến, một Thiên Chúa tình yêu viếng thăm chính là “kim chỉ nam”, là “ánh sao Bắc Đẩu” để định hướng cho mọi cuộc hành trình dương thế !

            Thế nhưng, cũng không ít người lại cho rằng: chỉ những kẻ ngu muội, điên rồ… mới tin vào “những lời tiên tri nhảm nhí đó”. Cho nên, chẳng lấy làm lạ, cách đây 2000 năm, khi Đấng Cứu Thế giáng sinh, khi “Chồi Công Chính của Đavít” xuất hiện thì cả Bêlem, Giêrusalem đang ngủ vùi trong chăn êm nệm ấm; chỉ có mấy mục đông khố rách áo ôm        và Ba nhà Đạo sĩ Phương đông lạc loài tìm đến ! Thế giới hôm nay cũng y chang như thế. Đại dịch đã có Vaccine; sức khỏe, bệnh tật đã thuốc men và y bác sĩ…; mọi nhu cầu cuộc sống đã có khoa học kỹ thuật giải quyết…; và người ta tiếp tục “ngủ vùi trong thái độ tự mãn” kiêu căng của mình. Trong khi đó, cũng không thiếu những người khoác trên mình danh hiệu Kitô hữu, nhưng cuộc sống đức tin lại xoay quanh một con đường mòn buồn tênh, lạc điệu; quanh năm suốt tháng chỉ là những “lặp đi lặp lại” nhưng lời kinh đầu môi chót lưỡi, những cử hành lễ nghi vô hồn máy móc, những việc thể hiện đức tin nhuốm màu mê tín dị đoan…

            Sứ điệp Mùa Vọng Công Giáo trở về để canh tân tất cả, để mượn lời của Chúa Giêsu trong Tin Mừng gọi mời hết thảy “hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi các con đã gần đến”. Vâng, thế giới vốn hữu hạn và đầy dẫy bấp bênh; cuộc sống luôn phải đối diện với muôn ngàn gian nan thử thách như cách diễn tả bằng ngôn ngữ khải huyền của Phúc Âm Luca: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao; dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển…”. Trong khi đó, con người vốn bất toàn và đầy khiếm khuyết: “Người ta sợ hãi kinh hồnlòng các con ra nặng nề, vì chè chén say sưa và lo lắng việc đời…”. Do đó, lựa chọn “hướng về Thiên Chúa” chính là khôn ngoan đích thực, như lời của tác giả Thánh vịnh 24: “Lạy Chúa, con vươn linh hồn lên tới Chúa. Vâng, sự khôn ngoan luôn biết đặt mình trong đường đi, lối bước và chân lý của Chúa: “Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa; xin dạy bảo con về lối bước của Ngài. Xin hướng dẫn con trong chân lý và dạy bảo con, vì Chúa là Thiên Chúa cứu độ con…”.   

            Và câu chuyện của Mùa Vọng lại chính là ở đây, giây phút này. Thật vậy, “Giờ Cứu Rỗi đang ở đây, ngay bây giờ”, một cuộc gặp gỡ kỳ diệu đang và sắp xảy ra: Đức Kitô một lần nữa đang đến với chúng ta trong bàn tiệc Tạ Ơn nầy: Đức Kitô hôm, qua hôm nay và tận cùng vẫn là Đức Kitô của một Mùa Xuân bất diệt; Đức Kitô mới mãi, trẻ mãi, sinh động và đầy ắp yêu thương. Ngài là Mục Tử nhân lành hôm nay trở về để đưa ta vào đồng xanh suối mát. Chúng ta vui mừng cử hành ngày Tân Niên Phụng Vụ trong tâm tình hân hoan, tin tưởng, trong thái độ khiêm tốn tạ ơn. Chúng ta hãy cùng nhau nắm tay mà bước đi trên hành trình Mùa Vọng để tiến vể Đại Lễ Giáng Sinh với tất cả niềm hăng say phấn khởi; đồng thời nỗ lực đổi mới cuộc đời cho đẹp hơn, thánh hơn, hiệp nhất hơn, yêu thương hơn…, một cuộc sống như đang có Chúa “thấp thoáng qua cuộc đời”, có Chúa đang trở về và “gặp gỡ tay bắt mặt mừng” trên muôn nẻo đường cuộc sống. Amen.

Trương Đình Hiền


[1] TRỊNH THANH HẰNG, bài thơ “Em có phải Đông về”, website https://toplist.vn/top-list/bai-tho-tinh-hay-viet-ve-mua-dong-34617.htm

[2] Sđd.