(Chúa Nhật I Mùa Chay Năm B 2021)
Cộng đoàn Dân Chúa đã long trọng tiến vào Mùa Chay, tiến vào một giai đoạn phụng vụ đặc biệt để sửa soạn tâm hồn sống lại những “biến cố quan trọng cuối cùng” của Chúa Giêsu trong mầu nhiệm Vượt Qua của Ngài và cũng là những biến cố liên quan mật thiết đến đức tin và thân phận của mỗi người chúng ta. Đặc biệt, liên quan đến cuộc dấn thân chuẩn bị “nhập đạo” của vô số anh chị em dự tòng trên khắp thế giới trong dịp Đại Lễ Phục Sinh sắp tới.
Với hình ảnh của cuộc hồng thủy tẩy sạch tội trần và con tàu Noe đem lại ơn cứu thoát, với cuộc chay tịnh 40 đêm ngày trong hoang mạc và lời rao giảng “hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” của Chúa Giêsu, sứ điệp phụng vụ hôm nay đang gọi mời chúng ta luôn sống trọn vẹn hồng ân bí tích Rửa tội bằng cuộc dấn thân canh tân cuộc đời trong sám hối và chay tịnh.
Nội dung ý nghĩa trên đã được Phụng vụ Lời Chúa trình bày cách sinh động thông qua các Bài đọc vừa mới được công bố.
Trước hết: Bài đọc 1 với câu chuyện “Thiên Chúa ký kết Giao ước với Noe” sau khi đã cứu dòng tộc ông “vượt qua” cơn hồng thuỷ; một cuộc cứu sống và một Giao ước liên quan đến “nước”; đúng hơn, đó chính là “hình ảnh tiên trưng của một “dòng nước khác”: Nước Thanh Tẩy: “Đây Ta ký kết giao ước của Ta với các ngươi và con cháu các ngươi, với tất cả sinh vật đang sống với các ngươi, … Ta ký kết giao ước của Ta với các ngươi: nước lụt không còn tiêu diệt mọi loài nữa, cũng không khi nào còn lụt tàn phá trái đất nữa”.
Hoàn toàn đối nghịch với “nước”, trích đoạn Tin Mừng Máccô lại cho thấy một “hoang địa khô cằn” gợi nhớ về cái thuở “xuất hành xa xôi với 40 năm trường hành về Đất hứa”: Khi ấy, Thánh Thần thúc đẩy Chúa Giêsu vào hoang địa và Người ở đó suốt bốn mươi đêm ngày, chịu Satan cám dỗ, sống chung với dã thú và các Thiên Thần hầu hạ Người.
Thật vậy, “40 ngày hoang địa chịu cám dỗ” của Chúa Giêsu là hiện thực hoá cuộc “Vượt Qua” với “40 năm trường hành về Đất Hứa” của “Dân cũ”; và cũng là “điểm khởi đầu” cho cuộc “Vượt Qua Mới” của Chúa Giêsu mà đích điểm chính là cuộc Khổ nạn và Phục Sinh của Ngài mà Phụng vụ sẽ “tưởng-niệm-tái-diễn (Anamnèse) ở cuối “độ đường Mùa Chay”.
Là thầy dạy và là chứng nhân đức tin về chính mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, hơn ai hết, chính Thánh Tông Đồ Phêrô đã cảm nghiệm thật chính xác mối tương quan giữa “Ơn Cứu Độ nhờ dòng nước Thanh tẩy của Nhiệm tích Rửa Tội và cuộc Khổ nạn – Phục sinh của Đức Kitô” mà chúng ta vừa nghe nơi Bài đọc 2: “Chúa Kitô đã chết một lần cho tội lỗi chúng ta, Người là Đấng công chính thay cho kẻ bất công, để hiến dâng chúng ta cho Thiên Chúa… lúc ông Nôe đóng tầu, nhờ đó một số ít người, gồm tất cả tám người, được cứu khỏi nước lụt. Và hiện giờ, phép thánh tẩy cũng cứu thoát anh em cũng giống như thể thức ấy, vì phép ấy không phải chỉ rửa sạch thân xác, mà đó là lời cầu xin Thiên Chúa ban cho một lương tâm ngay thẳng, nhờ sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô…”.
Nếu trong buổi hồng hoang của nhân loại, chỉ cần một dúm người, gia đình của ông Noe với con tàu được chuẩn bị nghiêm túc, đã cứu thoát nhân loại khỏi án diệt vong, thì hôm nay, con tàu của Hội Thánh với hàng hàng lớp lớp thế hệ kitô hữu được tái sinh nhờ dòng nước Thánh Tẩy, chắc chắn thế giới có đủ lý do để chứa chan hy vọng một ngày không xa tội lỗi và sự dữ sẽ bị đẩy lùi để nhường chỗ cho một thế giới mới tràn trề thánh ân và hạnh phúc.
Nhưng để ơn của Nhiệm tích Rửa tội đơm hoa kết trái giữa đời thường, không phải cứ “ngồi chờ sung rụng” hay áp dụng chiến thuật “bất chiến tự nhiên thành” là mọi sự sẽ được giải quyết. Trích đoạn “phần hai” của Tin Mừng ngắn gọn của Máccô hôm nay lại là một câu trả lời thích đáng: “Thời giờ đã mãn, và nước Thiên Chúa đã gần đến; anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”.
Trong biến cố Chúa Giêsu để Chúa Thánh Thần “đẩy vào hoang địa 40 ngày để cầu nguyện và tĩnh tâm”, chấp nhận đương đầu với những cơn cám dỗ của ác thần, chúng ta nhận ra rằng: Ngài muốn đồng hành và liên đới với toàn thể nhân loại, một nhân loại bất trung, phản bội và đầy tính hư tật xấu; và Ngài cũng muốn dạy cho chúng ta rằng: những kẻ không chịu chiến đấu trong mặt trận của Thiên Chúa sẽ không đi tới chiến thắng cuối cùng; cũng giống như cuộc “trường hành 40 năm về đất hứa của Dân Israel”, những kẻ không tin vào Lời Thiên Chúa và không chịu “đặt mình dưới Lề Luật của Giao ước Sinai” sẽ gục ngã trong sa mạc và không được bước vào “Hứa địa” ! Cũng vậy, những kẻ không biết ăn năn sám hối và đón nhận Tin Mừng để hoán cải đổi đời, sẽ mãi mãi cách xa nghìn trùng với Vương quốc Thiên Chúa”.
Tuy nhiên, không phải chỉ có thời Noe mới có những người dửng dưng trước những chuẩn bị đóng tàu của ông để rồi sau đó bị hồng thủy cuốn trôi; cũng vậy, ở dưới chân thập giá vào buổi chiều thứ sáu trên đồi Sọ, cũng đã có rất nhiều kẻ vô tín và xúc phạm tới “Đấng bị đóng đinh”. Thế giới hôm nay vẫn còn đầy dẫy những người thờ ơ và lãnh đạm trước những dấu chỉ và tiếng gọi mời của Thiên Chúa để buông thả cuộc sống trong kiêu ngạo chủ quan, trong hưởng thụ mù quáng. Phải chăng, “nạn hồng thuỷ Covid-19” đang tàn phá khắp thế giới, đã vượt qua cái ngưỡng thời gian không phải “40” và là “400” ngày đêm, lại không là một “tín thư” để cảnh báo và thanh tẩy địa cầu đó sao ? Biến cố “Covid” đang diễn ra trong Mùa Chay có lẽ nhắc chúng ta nhớ lại cách hành xử của vua Edward III của vương quốc Anh và một số người thuộc các tôn giáo khi đối diện với cơn đại dịch “Cái Chết Đen”[1] vào thế kỷ 14: “Một số người, như vua Anh Edward III, quay sang ăn chay và cầu nguyện, và Edward đề nghị các Giám Mục của ông cũng làm theo. Những sổ tay tiêng Á Rập viết vào khoảng 1350 chỉ dẫn các tín hữu Hồi Giáo làm tương tự, khuyên họ rằng đọc một bài kinh cụ thể 11 lần sẽ có ích, và rằng ca vang những bài liên quan tới cuộc đời Muhammad sẽ giúp bảo vệ họ khỏi nhọt dịch hạch. Ở Rome, những lễ rước nghiêm trang được tổ chức nơi những người sám hối và sợ hải đi chân trần, mặc áo tang, tự lấy roi đánh mình để cho thấy sự ăn năn tội lỗi của họ”[2]. Và trong cuộc chiến thắng đại dịch “Cái Chết Đen” cũng cần phải kể đến những nghĩa cử anh hùng của làng Công Giáo Eyam miền Bắc nước Anh mà lời khuyên của vị linh mục vẫn còn lưu lại: “Không ai trong chúng ta biết rằng dân phía bắc có nhiễm bệnh hay không. Nếu đã nhiễm bệnh, dù chạy trốn hay không đều phải chết, thoát khỏi nơi đây nhất định sẽ làm nhiều người hơn nữa bị lây nhiễm. Xin mọi người hãy ở lại, mang sự thiện lương của chúng ta truyền tới đời sau, để các thế hệ tương lai được ban phước lành, nhân họa đắc phúc”[3].
Đối với chúng ta, những người đã được nhận lãnh hồng ân của Nhiêm Tích Thanh Tẩy, chúng ta luôn ý thức rằng: dòng nước Rửa tội không chỉ chảy một lần trên trán, trên đầu, để sau đó cuộc sống Kitô hữu là những chuổi ngày lười biếng, đam mê, không sinh quả phúc đức “như cây vả không trái, nho cành nho trơ trọi, như căn nhà xây trên cát…”…mà phải là một cuộc đời luôn luôn được đâm chồi nẩy lộc, được sinh hoa kết trái đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến; hay như ngôn ngữ của ThánhTông Đồ Phêrô trong bài đọc 2 hôm nay: “vì phép ấy không phải chỉ rửa sạch thân xác, mà đó là lời cầu xin Thiên Chúa ban cho một lương tâm ngay thẳng…” (BĐ 2).
Vâng, một lương tâm ngay thẳng và thiện lương như những người Công Giáo làng Eyam: chấp nhận ở lại, cho dù phải chết để anh em mình được sống. Nhưng đừng quên, đó là “những cái chết đã trở thành bất tử” ! Amen.
Giuse Trương Đình Hiền
[1] PETER FRANCOPAN, The Silk road, a new history of the world. Những con đường tơ lụa, một lịch sử mới về thế giới. Trần Trọng Hải Minh dịch và Huỳnh Hoa hiệu đính. NXB. Đà Nẵng 2019. PHẦN 10: CON ĐƯỜNG CỦA CÁI CHẾT VÀ SỰ HUỶ DIỆT. Tr. 310-352.
[2] Ibid. Tr. 333.
[3] KHUYẾT DANH: Thống khổ lớn nhất của người Vũ Hán không phải trên thể xác, mà là ở tâm hồn. Đăng lại từ Facebook Pham Thi Thuy, do Facebook Vũ Thế Minh dẫn lại. Tựa bài do TTVN đặt. Vui lòng xem bài dẫn lại tại đây.