(Chúa Nhật 13 TN A 2023)
Có thể nói được, Tin mừng Gioan là một “câu chuyện tình dài” giữa một bên là Thiên Chúa và một bên là con người mà nhân vật Trung Gian chính “Lời đã hóa thành nhục thể” (Ga 1,14). Thật vậy, ngay từ “Bài Tựa mở đầu”, Thánh sử Gioan đã cho thấy sự “hào phóng vô tiền khoáng hậu” của Thiên Chúa, Đấng sẵn sàng “trao ban Con Một” (Ga 3,16), và sự “vô ơn phũ phàng” của con người, kẻ đã đóng cửa, chối từ “chẳng chịu đón nhận” (Ga 1,11). Tuy nhiên, ngài cũng khẳng định rằng: “Còn những ai đón nhận, tức là những kẻ ai tin danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa” (Ga 1,12).
Vâng, Lịch sử cứu độ phải chăng là một “quy trình biện chứng” của ba tác động đó: Thiên Chúa viếng thăm – con người tiếp nhận – và ơn cứu độ phát sinh. Và ngay từ Cựu ước, Thiên Chúa đã cho thấy ngài đã chuẩn bị cho chương trình Cứu độ cũng đi qua chu kỳ nầy, như các trình thuật sách Sáng Thế được công bố trong những ngày qua: Bài đọc 1 (Năm I) của thứ Bảy tuần 12 TN đã kể chuyện Thiên Chúa viếng thăm nhà Abraham, Abraham niềm nỡ đón tiếp và sau đó bà Sara mang thai trong lúc tuổi đã già.
Bàn Tiệc Lời Chúa của Chúa Nhật 13 TN A cũng chuyển tải đến chúng ta sứ điệp “Viếng thăm – Đón tiếp – và Tin Mừng cứu độ”.
Trước hết, Bài đọc 1 sách Các Vua hôm nay kể chuyện một bà sang trọng ở Shunem hào sảng đón tiếp tiên tri Ê-li-sê và nhờ đó được người của Thiên Chúa thông báo cho tin vui sẽ được sinh con: Một ngày nọ, Êlisê đi ngang qua miền Sunam. Ở đó có một bà sang trọng mời ông ở lại dùng bữa… Êlisê bảo gọi bà ta. Nghe gọi, bà liền đến đứng trước cửa, ông nói với bà rằng: “Năm tới cũng vào thời kỳ này, bà sẽ bồng bế một bé trai”. “Viếng thăm – Đón tiếp và Sinh con”. Phải chăng đây là ý nghĩa đầu tiên của sứ điệp Phụng vụ hôm nay muốn lôi kéo chúng ta liên tưởng tới hai tác động nầy của việc chọn lựa và sống đức tin: Đức tin chính là kết quả của việc Thiên Chúa đến viếng thăm và con người sẵn sàng mở rộng cửa lòng đón tiếp. Càng tỏ ra hào sảng bao nhiêu trước cuộc viếng thăm nầy sẽ nhận được “gấp trăm vạn lần hồng ân của Thiên Chúa tặng ban”.
Thực ra, thái độ “mở lòng niềm nỡ đón tiếp…”, xét cho cùng chỉ là một thái độ hay hành vi mang tính “nhân bản” trong tương quan xã hội, người với người… Khi nhắc đến khía cạnh này, tôi chợt nhớ tới hai câu chuyện đã một thời là “sự kiện hot” của thế giới truyền thông và làm chấn động khắp nước Mỹ, Anh và thế giới.
– Trước hết là câu chuyện “Cô bồi bàn Liz Woodward và bữa điểm tâm của hai chàng lính cứu hoả”: một cô bồi bàn nghèo sẵn sàng niềm nỡ đón tiếp và “bao” bữa điểm tâm cho hai chàng lính cứu hỏa vừa thức thâu đêm xông vào nơi hiểm nguy để cứu người… Cảm kích trước lòng tốt đón tiếp đầy quảng đại của cô, sau đó hai chàng lính cứu hỏa đã đăng thông tin lên facebook và kêu gọi mọi người đến điểm tâm tại quán nầy… Lòng tốt đó đã đánh động cộng đồng mạng và cô Liz Woodward đã nhận được sự quyên góp của thập phương một số tiền lớn để giúp cho người cha khuyết tật…
– Câu chuyện thứ hai liên quan đến hai cửa hàng McDonald’s tại thành phố New York (Mỹ) và thành phố York, hạt North Yorkshire (Anh). Cả hai tiệm ăn nhanh nổi tiếng nầy đã bị cộng đồng mạng tẩy chay, kết án…, đến độ sau đó phải lên tiếng xin lỗi và hứa đền bù, khi các nhân viên của hai tiệm nầy một mực từ chối không tiếp nhận những người lính cứu hỏa đang làm nhiệm vụ vô quán mà không mang tiền theo…
Trên bình diện đời thường là như thế. Bánh sắt trao đi thì bánh chì trao lại. Riêng trong bình diện đức tin, Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương, không bao giờ hẹp hòi đối với những kẻ khiêm hạ luôn biết mở lòng đón nhận thánh ý Thiên Chúa. Phải chăng, Đức Maria là người cảm nhận sâu xa về chân lý nầy; và đã hát lên trong bài ca bất hủ “Magnificat”: “… Phận nữ tỳ hèn mọn Ngài đoái thương nhìn tới; từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều ca cả…” (Lc 1,46-55). Bao nhiêu chuyện kể trong Tin Mừng đã cho thấy: tất cả những kẻ đến với Đức Kitô, Ngài đều đón tiếp và thương ban giải cứu, cho dù chỉ cần “chạm vào gấu áo của Ngài thôi” (Lc 8,43-48)…
Đặc biệt, trong Tin Mừng Matthêô vừa được công bố, Đức Kitô muốn xây dựng vương quốc Nước Trời trong giai đoạn cơ bản phải được đặt trên nền tảng “văn hóa đón tiếp”: “Kẻ nào đón tiếp các con là đón tiếp Thầy; và kẻ nào đón tiếp Thầy, là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy… Kẻ nào cho một trong những người bé mọn này uống chỉ một bát nước lã mà thôi với danh nghĩa là môn đệ, thì quả thật, Thầy nói với các con, người ấy không mất phần thưởng đâu”.
Nếu thế hệ những người Việt Nam vào thế kỷ 17 mà không có những bậc hiền nhân biết mở rộng vòng tay đón tiếp các thừa sai Dòng Tên như ông Khám lý Trần Đức Hòa…, thì chắc còn lâu nước Việt chúng ta mới có chữ Quốc ngữ và Giáo Hội Công Giáo Việt Nam chưa chắc được lớn mạnh như hôm nay…
Thế nhưng, cái ơn cả cả nhất mà Thiên Chúa muốn tặng ban cho con người đó chính là “Người Con Một”; và một khi “Người Con Một” đó cắm lều ở giữa nhân loại, thì hồng ân cao cả nhất mà Ngài muốn tặng ban cho chúng ta chính là Lời chân lý, là Tin Mừng, là “Máu Thịt Người”, một thứ “Bánh Trường Sinh” mang lại sự sống đời đời (Ga 6,51).
Chính vì thế, việc mở lòng đón tiếp và tin nhận Đức Kitô vào chính cuộc đời mình luôn là một thách đố, một phân định, một chọn lựa “một mất một còn”, như chính Ngài khẳng quyết: “Kẻ nào yêu mến cha mẹ hơn Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy, và kẻ nào yêu mến con trai, con gái hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Kẻ nào cố tìm mạng sống mình thì sẽ mất, và kẻ nào đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm lại được nó”.
Sở dĩ thế giới hôm nay có rất ít người được thuyết phục để tin Đức Kitô phục sinh và gia nhập vào Hội Thánh bởi vì có quá ít những người như Thánh Phêrô: “Bỏ Thầy con biết đến cùng ai; vì Thầy có lời ban sự sống đời đời” (Ga 6,67-69); hay như thánh Phaolô: “Đối với tôi, sống là Đức Kitô và chết là một mối lợi” (Pl 1,21)…; và đó lại không là gì khác, chính là sống trọn hảo hồng ân của nhiệm tích Thánh Tẩy; hồng ân được biến đổi tận căn khi được cùng chết với Đức Kitô để được sống lại trong đời sống mới, như Thánh Phaolô xác quyết nơi thư gởi giáo đoàn Rôma mà chúng ta vừa nghe qua Bài đọc 2: “tất cả chúng ta đã chịu phép rửa trong Ðức Kitô, tức là đã chịu phép rửa trong sự chết của Người… Cả anh em cũng thế, anh em hãy tự kể như mình đã chết đối với tội lỗi, nhưng sống cho Thiên Chúa, trong Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”.
Và chắc chắn, kẻ sống trọn hảo tâm tình “tiếp đón Thiên Chúa” thì cũng hiện thực thái độ đó, nhân đức đó trong tương quan với tha nhân. Hơn lúc nào hết, Giáo Hội, người Kitô hữu, muốn thực hiện thành công chương trình “Tân Phúc Âm” hóa cho thế giới hôm nay thì phải” mở toang mọi cánh cửa” để con người gặp được Tin Mừng. Thay vì một nền mục vụ đóng cửa “bảo tồn” phải chuyển sang một mục vụ mở cửa “đi ra” để đón tiếp; như hình ảnh của “cánh cửa nhà thờ luôn mở” để mọi người đến và tìm thấy ơn cứu độ, mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã minh họa trong tông huấn “Niềm vui của Tin mừng”: Hội Thánh được kêu gọi trở thành Nhà Cha, luôn luôn mở rộng cửa. Một dấu hiệu của sự mở ra này là các nhà thờ của chúng ta phải luôn luôn mở cửa, để nếu có ai được Chúa Thánh Thần thúc đẩy đến đây tìm Thiên Chúa, họ sẽ không thấy cửa nhà thờ đang đóng” (x. Tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng của Đức Giáo hoàng Phanxicô, số 47).
Theo thần học của Thánh Phaolô, mỗi người chúng ta là những viên đá sống động để xây nên ngôi đền thờ của Thiên Chúa. Vâng, nhưng đó phải là những ngôi nhà thờ với những cánh cửa đang mở. Amen.
Trương Đình Hiền