Cảm nhận đức tin, Chia sẻ Lời Chúa, Tài liệu Phụng Vụ

NƠI “MÙA XUÂN KHÔNG BAO GIỜ PHAI”

(Bài giảng Thánh lễ An Táng linh mục Giacôbê Đặng Công Anh tức Ns. Ánh Đăng – 27.9.2022)

            Hôm nay cộng đoàn chúng ta họp nhau dâng Thánh lễ An Táng linh mục Giacôbê Đặng Công Anh, vừa được Chúa gọi về đêm thứ Bảy 24.9.2022 lúc 21.11 phút. Giây phút trút hơi thở của ngài, trời bỗng nổii sấm sét, một cơn mưa to đổ xuống ! Hình như có một chút gì đó giống “giờ ra đi” của Chúa Giêsu như Tin Mừng Matthêô kể lại: Từ giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ cả mặt đất, mãi đến giờ thứ chín… Đức Giêsu kêu một tiếng lớn, rồi trút linh hồn. Ngay lúc đó, bức màn trướng trong đền thờ xé ra làm hai từ trên xuống dưới. Đất rung đá vỡ. Mồ mã bật tung… (Mt 27,45-52).

            Cho dù chuyện kể của Tin Mừng chuyển tải một ý nghĩa thần học thâm sâu mang chiều kích cứu độ, thì trong cách nhìn nhân bản và văn hóa, chúng ta cũng có thể nói được rằng, có những cái chết, có những cuộc ra đi của một số người đã làm vang động đến cả thiên nhiên đất trời, như cách ví von thâm thúy của nhà thơ Chế Lan Viên:

Khi ta ở chỉ là nơi đất ở,

Khi ta đi đất đã hóa tâm hồn !

            Vâng, trong những ngày qua, với những gì được trao đổi trên các kênh truyền thông, chúng ta có thể nói: cả vùng đất của giáo phận Qui Nhơn và nhiều giáo phận khác trên toàn quốc và tận nơi hải ngoại, rồi đến đất Quảng Ngãi, Kim Châu, Qui Hiệp, Ghềnh Ráng, nơi ghi dấu những bước chân mục tử của cha Giacôbê, tất cả đều “bỗng hóa tâm hồn”, tâm hồn tiếc thương, ngưỡng vọng, cầu nguyện, hoài niệm về cha Giacôbê.

            Mà cũng phải thôi. Ngoài tư cách cá nhân là một linh mục thuộc hàng ưu tuyển của giáo phận, đã phục vụ liên tục 4 giáo xứ, nguyên Trưởng ban Giáo lý giáo phận, và trách nhiệm mục vụ cuối cùng là chánh xứ kiêm hạt trưởng Quảng Ngãi cho đến khi chính thức về hưu cách đây chưa đầy 3 tháng, ngài còn đảm nhận trách nhiệm đối với xã hội dân sự trong cương vị đại biểu HĐND tỉnh Bình Định, CT.UBĐK tỉnh Bình Định qua một thời gian khá dài…

            Nhưng có lẽ một nhân tố khiến ngài nổi tiếng từ lâu và được nhiều người hâm mộ trải rộng từ trong nước đến hải ngoại, lan tỏa qua nhiều cộng đoàn giáo xứ, Dòng tu, chạm đến cả giới showbitz trong lãnh vực ca nhạc… chính vì ngài là một nhạc sĩ, hoặc tự mình sáng tác, hoặc cùng với linh mục Thiên Cung, Trăng Thập Tự… có những tác phẩm thánh ca, thuộc hàng “đi cùng năm tháng”; đại để như các bài “Giao ước”, “Trên đĩa Thánh”, “Tình khúc hiến dâng, “Đến với trái tim Cha”, “Lạy Nữ Vương Mân Côi”, “Thân lạy Á Thánh Anrê”, “Về đi em”, “Khi cuộc đời là của lễ 1,2,3,4,5”…

            Tuy nhiên, có một bài hát, không thuộc dạng Thánh ca Phụng vụ mà có lẽ ít người biết; vì chỉ được chính ngài hát hoặc đồng ca cùng với vài người bạn thân trong hàng linh mục vào những dịp hội ngộ liên quan đến chức linh mục, đó là bài “VÌ ANH ÔI LINH MỤC”. Có một lý do để ngài sáng tác ca khúc nầy… Đó là vào khoảng thập niên 70, miền nam Việt Nam lúc đó xuất hiện một ca khúc khá đình đám được nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang phổ nhạc bài thơ của thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên, đó là bài “VÌ TÔI LÀ LINH MỤC”, mà ca từ hoàn toàn ngược lại với chân dung đích thực của linh mục:

Vì tôi là linh mục, Không mặc chiếc áo dòng,

Nên suốt đời hiu quạnh, Nên suốt đời lang thang…

Vì tôi là linh mục, Có được một tín đồ

Nhưng không một tín điều, Nên tín đồ đi hoang…

            Dĩ nhiên, thâm ý của tác giả lời ca khúc hát nầy, chỉ mượn danh xưng linh mục thôi để ngụ ý chuyện tình của một ai đó; nhưng với mấy từ “vì tôi là linh mục” cũng đã làm dị ứng nhiều người; đó là chưa kể, cũng vào thời điểm đó, xuất hiện cuốn tiểu thuyết tình cảm “TÓC MÂY” của nhà văn Lệ Hằng xoay quanh chuyện tình lãng mạn của một linh mục tuyên úy và cô sinh viên Đà Lạt; những sự kiện đó đã cổ súy cho cái nhìn “trần tục hóa linh mục”. Để phản ứng lại cái nhìn tiêu cực trên, cha Ánh Đăng đã quyết tâm khắc họa chân dung linh mục đích thực của chính mình hay của Hội Thánh, của Dân Chúa:

1. Vì Anh, ôi linh mục

Tên nào ghi trên màu áo

Vì Anh, ôi linh mục

Ân tình Anh không tàn úa

Dẫu men đam mê bừng sôi

Dẫu gai đau thương vương đời

2. Vì Anh, ôi linh mục

Giữa trần gian muôn ngàn lối

Vì Anh, ôi linh mục

Anh là hoa của tình ái

Dẫu bao vinh quang trần gian

Dẫu bao đau thương trên đời

Vì Anh, ôi linh mục

Ôi đời Anh chết cho tôi.

ĐK. Anh như hoa tiêu kiêu hùng

Vượt sông, vượt ngàn thác lũ

Anh như hoa xuân thơm nồng

Đượm hương tình người cay đắng

Hăng say đi gieo an bình

Niềm vui ngập hồn trong trắng

Gian truân Anh xin riêng mình

Đời Anh đã hiến tế Người.

            Quả thật, không phải ai cũng có thể diễn tả, khắc họa chân dung linh mục đẹp như thế, đúng như thế đâu; phải là người đã sống, đã cảm nghiệm sâu sắc hồng ân linh mục, hồng ân thánh chức, và bao nhiêu ân huệ khác, bao nhiêu mầu nhiệm thánh khác, mới có thể dệt nên những khúc thánh ca, những giai điệu ngọt ngào sâu lắng, mang tâm hồn người ta lên với Chúa, đi vào cõi nhiệm mầu.

            Đúng như lời tạ ơn của Chúa Giêsu: “… Vâng lạy Cha, đó là điều đẹp ý Cha”.

            Vâng. Tạ ơn Chúa đã cho giáo phận Qui Nhơn một linh mục tài hoa, đã cống hiến hết mình cho sứ vụ, đã hoàn tất tốt đẹp trách nhiệm chăn chiên; một sứ vụ, một trách nhiệm mà chặng đường 48 năm linh mục chắc chắn ngài đã bao lần phải nhứt buốt trái tim để ướp thành lễ tế; cũng như cắn răng đón nhận những cô đơn, cây đắng để hoàn tất chén thánh cuộc đời được dâng lên: “Trên đĩa thánh cuộc đời Chúa ơi, con tim con sẽ ướp thành lễ tế. Trong chén thánh cuộc đời Chúa ơi, này những giọt máu cô đơn trong đời…”.

            Và hôm nay, Chúa Giêsu đã vẫy gọi: “Hãy đến với ta, hỡi tất cả những ai lao nhọc và gánh nặng, ta sẽ bổ sức cho…”. Những lời nầy, làm tôi chợt nhớ những ca từ của ca khúc “Về Đi Em”, một bài thơ mang sứ điệp hoán cải Mùa Chay của cha Trăng Thập Tự mà ngài đã dệt nhạc: Trời tối rồi, trời tối rồi em, về nhà đi phố đã lên đèn…

            Vâng, cha Giacôbê của chúng ta đã về nhà Cha khi trời đã tối và phố đã lên đèn. Đây là cuộc “về nhà” đích thực để được giải thoát khỏi mọi lao nhọc và gánh nặng để được hưởng bình an trong tay Chúa, bình an dành cho những người công chính mà bao ngàn năm trước Sách Khôn Ngoan đã xác quyết: “Linh hồn những người công chính ở trong tay Chúa và nỗi khốn khổ của sự chết không đụng tới các ngài”; hay như Thánh Phaolô đã dạy cho dân thành Rôma: “Nếu chúng ta cùng chết với Đức Kitô, chúng ta tin rằng chúng ta cùng sống với Người…”.

            Chúng ta đều tin vì Lời Chúa đã dạy như thế. Nhưng ở đây, hôm nay, chắc chắn có một người không chỉ tin mà cảm nhận thật sự. Vâng, cho dù thân xác người anh em chúng ta đang nằm bất động ở đây, nhưng linh hồn đang ở trong Thiên Chúa, trong hạnh phúc của niềm vui Phục sinh, niềm vui mà khi còn tại thế, cha Ánh Đăng đã từng dự cảm với một niềm tin và hy vọng òa vỡ; và cũng làm cho nhiều người òa vỡ như thế, mỗi độ Phục Sinh về qua những ca từ trong điệp khúc của bài thánh ca “Khi cuộc đời là của lễ1” hay còn mang tên khác “Trên đĩa thánh”: “Nhưng hãy vui lên hãy ca lên hãy reo mừng, Al-le-lu-ia. Vì tận cuối đêm dài đã ló rạng bình minh của ngày sống lại. Nhưng hãy vui lên hãy ca lên hãy reo mừng, Al-le-lu-ia. Vì tận cuối đông dài đã xuất hiện mùa xuân không bao giờ phai.

            Cha Giacôbê kính mến, cha đang ở nơi mà “mùa xuân không bao giờ phai” đó, xin nhớ đến chúng con. Amen.

Trương Đình Hiền