Ở ĐÂY, BÂY GIỜ… HƠN CẢ VẠN LẦN “CÁI GẤU ÁO” !

(Chúa Nhật 13 TN B 2021)

            Cho dù bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi cơn đại dịch Covid-19, cả thế giới, đặc biệt các “tín đồ bóng đá” đang dồn mọi quan tâm cho “trái bóng lăn của giải vòng loại EURO 2020”; và giải đấu nầy đã khai mạc với trận đầu tiên của hai đội Đan Mạch và Phần Lan vào ngày 12/6 tại sân vận động Parken ở Copenhagen (Đan Mạch). Chính tại đây, một sự kiện hi hữu đã xảy ra làm chấn động cả thế giới: vào phút 43, tiền vệ Christian Eriksen của đội tuyển Đan Mạch bất ngờ đổ gục xuống sân, trong một tình huống di chuyển ra đường biên và không va chạm với ai. Cảnh tượng khi ấy: Trên khán đài, khán giả lặng thinh với những biểu hiện nguyện cầu; dưới sân, các cầu thủ Đan Mạch đứng xây vòng chung quanh che chắn cho người bạn cũng trong thái độ khẩn xin kèm với những giọt lệ… Trong khi đó, trên không gian mạng, hầu như khắp thế giới tràn ngập những lời cầu nguyện cho tiền vệ 29 tuổi nầy… May mắn thay, sau đó sức khoẻ của tiền vệ Eriksen đã ổn định !

            Sở dĩ nhắc đến Christian Eriksen đột quỵ và phản ứng của nhiều người trước sự cố nầy là muốn nói lên rằng: sự sống quý giá biết bao; và ai cũng hoang mang lo sợ trước sự đe doạ của cái chết ! Điều quan trọng là chúng ta cần sự chọn lựa nào dành cho sự sống và cả khi đứng trước cái chết. Và đây lại là câu chuyện, là sứ điệp mà Lời Chúa muốn nói với các cộng đoàn tín hữu Công Giáo trong Chúa Nhật 13 thường niên nầy.

            Thật vậy, ngay từ Bài đọc 1, sách Khôn Ngoan đã xác định rõ nguồn gốc của “cái chết”: Thiên Chúa không tạo dựng sự chết, chẳng vui mừng khi người sống phải chết… Người tạo dựng mọi sự trên mặt đất đều lành mạnh, chúng không có nọc độc sự chết, và không có địa ngục ở trần gian… Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa, để sống vĩnh viễn.”; và sách Khôn Ngoan tiếp tục xác minh: tác giả, nguyên nhân của sự chết đó chính là ác quỷ: “Nhưng bởi ác quỷ ghen tương, nên tử thần đột nhập vào thế gian: kẻ nào thuộc về nó thì bắt chước nó”.

Những lời cắt nghĩa của sách Khôn Ngoan làm chúng ta nhớ lại “câu chuyện” của sách Sáng thế ký: Chính ma quỷ đã xúi dại Ađam-Eva ăn trái cấm, phản bội Lời Chúa, để phải ôm trọn “bản án chết”: “Ngày nào các ngươi ăn trái cây nầy, các ngươi sẽ phải chết” (St 2,17). Thật vậy, thay vì vâng lệnh Thiên Chúa, “về phe” với Thiên Chúa, Tổ Tông loài người đã nghe lời cám dỗ của ma quỷ; hay như lời xác quyết của Sách Khôn Ngoan hôm nay: “kẻ nào thuộc về nó thì bắt chước nó”.

Vâng, chính ác quỷ và những kẻ thuộc về nó, mà theo ngôn ngữ của Thánh Phaolô đó là tội lỗi, đã mang sự chết vào trần gian: Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội” (Rm 5,12). Và ngày từ dạo đó, lịch sử của loài người là một chuỗi triền miên những đau thương chết chóc, mà hình ảnh cái chết của Abel bị chính người anh ruột Cain giết nơi cánh đồng là một dấu chỉ và cắt nghĩa rõ ràng về mối tương quan của tội lỗi và sự chết (St 4,1-14).

Phải chăng, cũng chính trong ý nghĩa nầy, mà thế giới ngày nay thường nói đến “tội ác chiến tranh, tội ác diệt chủng”. Vâng, chỉ những kẻ “thuộc về ma quỷ”, những tên đồ tể phạm tội ác chẳng gớm tay mới sẵn sàng kết liễu mạng sống của hàng triệu sinh linh; từ sinh linh của 6 triệu người Do Thái nơi những lò hơi ngạt của Đức quốc xã thời Hitler, đến sinh linh của 2 triệu người Campuchia trên những cánh đồng hoang thời Ponpốt; hay hàng triệu sinh linh khác là nạn nhân của những tội ác là tham vọng chính trị và ý thức hệ mà những trang sử hắc ám mang những tên gọi như “Cách mạng văn hoá”, “Cải cách ruộng đất”, “Thiên an môn”, “Bức tường Bá Linh”… vẫn hằn sâu trong ký ức loài người. Đó là chưa kể, ở ngay cái thời đại được đánh giá là văn minh tột đỉnh nầy, cái thời đại mà “nhà nhà, người người” đều vinh danh và bảo vệ quyền sống, quyền làm người, thì hàng ngày có hàng triệu sự sống thai nhi bị vứt bỏ, giết hại cách hợp pháp công khai hay âm thầm lén lút.

Nhưng chúng ta chỉ mới nói đến cái chết của sự sống phần xác. Còn có một cái chết đáng sợ, thê thảm hơn bội phần, đó là cái chết của cả thân xác và linh hồn, mà ngôn ngữ Kinh Thánh gọi là: chết đời đời trong nơi hỏa ngục: “anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục” (Mt 10,28).

            Và đây mới chính là cái chết mà ác quỷ đã gây ra và luôn bằng mọi cách cám dỗ để xô đẩy con người sa vào trong “cái chết” thê thảm đó.

            Thế nhưng, như lời Kinh Nguyện Thánh Thể IV, “Và khi con người đã mất tình nghĩa với Cha vì bất phục tùng, Cha đã không bỏ mặc con người dưới quyền lực sự chết… đến nỗi khi tới thời viên mãn, Cha đã sai Con Một đến làm Đấng cứu độ chúng con”; và chính Người Con Một ấy “Để chu toàn ý định của Cha, Người đã nộp mình chịu chết, và từ cõi chết sống lại, Người huỷ diệt sự chết và canh tân sự sống”.

            Có thể nói được, trong suốt 3 năm ngược xuôi rao giảng Tin Mừng, Đức Kitô bằng mọi cách, khai mở trí lòng nhân loại để “tin Ngài” và cùng với Người chọn lựa đi con đường sống đích thực, một sự sống không chỉ giới hạn với không gian và thời gian hiện hữu giữa trần gian nhưng là cuộc sống hạnh phúc vĩnh hằng trong Vương quốc Thiên Chúa:“Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống” (Ga 11,25).

            Và dĩ nhiên để làm bằng chứng cho những “quyết đoán trên”, Đức Kitô đã thực hiện nhiều “phép lạ” như “dấu chỉ” kẻ tin vào Ngài sẽ được sống, như chuyện kể của Tin Mừng Maccô hôm nay: một người phụ nữ bị bệnh xuất huyết suốt 12 năm lén chạm vào gấu áo của Ngài với niềm tin khỏi bệnh… và bã đã được cứu: “Hỡi con, đức tin của con đã chữa con, hãy về bình an và được khỏi bệnh”. Ai mà không nhận ra thâm ý của Thánh sử Maccô: máu là biểu thị của sự sống. Bị bệnh “xuất huyết” suốt 12 năm thì “sống mà như đã chết”; và dĩ nhiên, không thể “làm mẹ để trao ban sự sống cho đời”. Chỉ một “cú chạm nhẹ của niềm tin” người phụ nữ đã tìm lại sự sống, một phụ nữ, một người mẹ trọn vẹn. Tiếp đó, cũng trong trình thuật nầy, đứa con gái 12 tuổi của ông trưởng hội đường Giairô đã chết, nhờ Chúa đến “cầm tay” và nói: “Hỡi em bé, Ta truyền cho em hãy chỗi dậy!” Tức thì em bé đứng dậy và đi được ngay. Lại một “cú chạm của bàn tay”; nhưng lần nầy, đích thân Chúa “cầm tay” để một em bé gái qua đời ở ngưỡng tuổi 12, vĩnh viễn mất đi niềm hy vọng sẽ lớn lên để sống ơn gọi làm mẹ, ơn gọi trao ban sự sống cho đời. Nhờ “cái cầm tay” của Đấng là “đường, sự thật, sự sống”, bé gái 12 tuổi đã chỗi dậy, đứng lên và ngẫng cao đầu bước đi trong cuộc sống.

            Và những trang Tin Mừng gần như tràn ngập những “dấu chỉ”, những chứng từ của những kẻ tin vào Ngài hay được Ngài “chạm đến” và tìm được sự sống: Sự sống chợt về trong tim băng giá của người phụ nữ Samari khi trò chuyện với Ngài bên bờ giếng Giacob; sự sống ùa về choáng ngợp cõi lòng đen tối, tội lỗi khi Maria chạm những nụ hôn trên chân Ngài; sự sống hong lại niềm hân hoan sâu lắng để sẵn sàng làm lại cuộc đời khi anh trưởng ty quan thuế GiaKê mở tiệc đón Ngài về tệ xá; sự sống bừng lên niềm hy vọng được vào “Nước của Ngài” của tên trộm lành cho đù đang đứng bên bờ vực thăm của thần chết…

            Kể từ khi “sự sống Thần Linh” được tuôn tràn trong ngày “khai sinh Giáo Hội” dịp lễ Ngũ Tuần, các môn sinh của Chúa Kitô tiếp tục nối dài “cánh tay của Người” để qua Lời được rao giảng, qua các bí tích được cử hành…, Người vẫn tiếp tục chạm đến bao thân phận con người đang ngồi trong bóng tối sự chết; và cũng để nhiều người mở lòng ra, tin nhận Ngài, chạm đến Ngài, phục vụ Ngài… khi sẵn sàng cúi xuống “rửa chân cho anh chị em”, nhất là những anh chị em nghèo đói, khổ đau, tội tù… như Ngài đã dạy trong dụ ngôn “Ngày phán xét” (Mt 25,31-46) !

            Trong khi thế giới đang vật vã trước “lưỡi hái tử thần” là đại dịch Covid-19, người Kitô hữu được gọi mời sống niềm hy vọng và tin yêu phó thác; đồng thời chung tay xây đắp nền “văn minh sự sống, văn minh tình yêu” qua con đường “Tám Mối Phúc thật”, qua giới răn “Yêu thương” ! Thật ra, cho dù con người có văn minh và tài giỏi thế nào, có tìm được những phương thuốc hiệu nghiệm, tối hảo làm sao, mà chấp nhận “bán mình cho ác quỷ”, hay như sách Khôn Ngoan, “thuộc về nó”, về phe với nó, thì mãi mãi bước đi trong bóng tối sự chết. Chỉ có “niềm tin”, niềm tin đơn sơ chân chất của người phụ nữ “chạm vào gấu áo của Chúa”, niềm tin sẵn sàng để bàn tay Chúa chạm đến trên thân phận, trên cuộc đời…, mới cứu thế giới.

            Ở đây, giờ nầy, hơn cả vạn lần cái gấu áo ! Vì Chúa đang sẵn sàng mời tôi: “Hãy cầm lấy mà ăn… hãy cầm lấy mà uống…”. Vâng, Thịt và Máu của Chúa đó. Amen.

Trương Đình Hền