Cảm nhận đức tin, Chia sẻ Lời Chúa, Tài liệu Phụng Vụ

TẤM LÒNG BIẾT LẮNG NGHE VÀ VIÊN NGỌC QUÝ

(Chúa Nhật 17 TN A 2023)

Sứ điệp phụng vụ hôm nay tiếp tục mời gọi chúng ta sống mầu nhiệm “Nước Trời”, một thực tại siêu nhiên có ảnh hưởng quyết định trên số phận và hạnh phúc vĩnh hằng mà chúng ta phải khẩn trương tìm kiếm và chọn lựa dứt khoát. Thái độ chần chừ, chậm trễ hoặc chọn lựa sai, có nguy cơ “Nước Trời” sẽ vuột mất tầm tay, một sự thất bại hay đánh mất vĩnh viến mà Chúa Giêsu diễn tả bằng những hình ảnh “mang tính dụ ngôn” đó là: cá tốt thì bỏ vào giỏ, còn cá xấu thì ném ra ngoài… kẻ dữ vào lò lửa, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng.

Nhưng làm sao để nhận ra “chân dung Nước Trời” mà “chọn lựa đúng”; nhất là trong một xã hội nhập nhằng thiện ác, đen trắng bất phân minh, biên giới giữa thiện và ác, giữa đúng và sai, giữa lợi và hại… gần như bị xóa nhòa, hay đan xen phức tạp…, khiến con người như bị cuốn hút vào một mớ bòng bong lóa mắt, bị bao vây bởi những giá trị ảo ảnh phù vân… !

Thật ra, nếu để tự sức mình, chắc chắn chúng ta không thể “chọn đúng giá trị Nước Trời” hay con đường của Thiên Chúa. Chính vì thế, tiên vàn chúng ta hãy khiêm hạ đặt mình trước Lời Chúa; chính Lời Ngài sẽ là “ngọn đèn rọi bước” (Tv 119,105), là “lời sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi” (Dt 4,12)… giúp chúng ta chọn lựa, “phân định”, như trích đoạn Lời Chúa trong Sách Các Vua cuốn thứ nhất kể lại cách chọn lựa của Vua Salomon vừa được công bố qua bài đọc 1 hôm nay: Chúa hiện ra cùng Salomon trong giấc mộng và phán rằng: “Ngươi muốn gì thì hãy xin, Ta sẽ ban cho ngươi”. Salomon thưa: “Lạy Chúa là Thiên Chúa, Chúa khiến tôi tớ Chúa cai trị kế vị Đavít thân phụ con. Nhưng con chỉ là một trẻ nhỏ, không biết đường đi nước bước… Vậy xin Chúa ban cho tôi tớ Chúa tâm hồn khôn ngoan để đoán xét dân Chúa, và phân biệt lành dữ,…”.

Hoàn toàn trái ngược với tâm thức chung của nhân loại, vua Salomon đã không xin cho được sống lâu, của cải dư đầy, quân thù bị tiêu diệt nhưng đã xin Chúa ban cho “tâm hồn khôn ngoan để đoán xét dân Chúa, và phân biệt lành dữ…”[1]; và đây lại là điều đẹp lòng Chúa, hoàn toàn phù hợp thánh ý Ngài: “Vì ngươi đã xin điều đó, mà không xin sống lâu, được giàu có, của cải, mạng sống quân thù, lại xin cho được khôn ngoan để biết xét đoán, thì đây Ta ban cho ngươi điều ngươi xin, và ban cho ngươi tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi không có ai giống ngươi, và sau ngươi không có ai bằng ngươi”.

Vâng, đó là bài học đầu tiên mà sứ điệp Lời Chúa muốn dạy bảo chúng ta hôm nay: trong cuộc sống, có những giá trị đích thực và cao cả phải được nhận chân và chọn lựa. Vào thời Cựu ước, sự khôn ngoan đích thực chính là Lời Chúa, là Luật Chúa. Dân Israel, phải chăng, nhờ gắn bó mật thiết với Lời Chúa, luôn trung thành lắng nghe tuân giữ, học hỏi đào sâu… mà họ xứng danh là dân tộc khôn ngoan nhất địa cầu; là quốc gia gồm nhiều người tài giỏi, khôn ngoan xuất chúng…

Thế nhưng, Lời Chúa và Luật Chúa nơi Cựu ước lại là một thực tại mang tính loan báo dọn đường, để “khi tới thời viên mãn”, “Lời hóa thành nhục thể và cắm lều ở giữa chúng ta” (Ga 1,14). Nói cách khác “Lời” chính là hiện thân của Đức Kitô, Lời không còn là tiếng nói suông mà “Thiên Chúa phán dạy qua các tổ phụ, tiên tri” (Dt 1,1)… nhưng là ‘lời bằng xương bằng thịt… bằng cả “một Con loài người sinh ra trong hang lừa máng cỏ, lớn lên trong thân phận của chàng thợ mộc, đi rao giảng như một Rabbi 3 năm, chịu chết như một tên tội đồ phản động và sống lại vinh quang…”.

Trong ngôn ngữ của Tin Mừng hôm nay, sự chọn lựa khôn ngoan nhất, đúng đắn nhất đó là chọn lựa Nước Trời, như chọn lựa một “viên ngọc quý”, như một “kho tàng được cất giấu trong ruộng: “Nước trời giống như kho tàng chôn giấu trong ruộng, người kia tìm được, vội chôn vùi xuống, vui mừng trở về bán tất cả những gì anh có mà mua thửa ruộng ấy. Nước trời cũng giống như người buôn nọ đi tìm ngọc quý. Tìm được một viên ngọc quý, anh về bán mọi của cải mà mua viên ngọc ấy…”. Ở đây, chúng ta có thể hiểu cách cụ thể: “Nước Trời” chính là Đức Kitô và Tin Mừng cứu độ của Ngài. Đón nhận và chọn lựa Đức Kitô và Tin Mừng do Ngài rao giảng đó chính là đã chiếm được “kho tàng” hay “viên ngọc quý” là Nước Trời, là thuộc về Vương quốc Nước Thiên Chúa…”; và đây luôn là một “chọn lựa” đầy nhiêu khê và thách đố, nếu không nói là “trầy vi tróc vảy” ! Hầu hết các Thánh Tử đạo xua cũng như nay đều là những “chứng nhận cụ thể và hung hồn” cho chọn lựa cơ bản nầy. Đơn cử như cách chọn lựa của Thánh Trùm Cả Anrê Kim Thông vào thời bách hại: Tại công đường, quan tỉnh khuyên ông trùm giẫm chân lên thập tự cách kín đáo rồi đi xưng tội là xong, nhưng ông Trùm nghiêm nghị đáp: “Không, thập giá tôi thờ kính mà giẫm lên sao được”…. Sau ba tháng lao tù, ông trùm Thông lãnh án phát lưu vào Vĩnh Long. Các con dự định bỏ tiền ra xin giảm án nhưng ông cản: “Các con cứ để Thánh Ý Chúa được thực hiện”…

          Vâng mọi người chúng ta đều được gọi mời nhận ra “viên ngọc quí, nhận ra Chúa Giêsu” trong anh chị em xung quanh, trong mỗi biến cố, mỗi bước ngoặc hay khúc quanh của cuộc đời… nhất là nhận ra Đức Kitô và chọn lựa Ngài qua những hoàn cảnh và thời điểm khắc nghiệt mang dáng đứng thập giá !

          Thật vậy, nếu cuộc sống Kitô hữu chỉ toàn thấy “Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabo”, hoặc chứng kiến “phép lạ biến nước lã thành rượu ngon, hóa bánh ra nhiều”… thì việc chọn lựa Ngài, đứng về phe Ngài, được thuộc về Ngài e cũng chẳng khó chút nào ! Người Do Thái cách đây 2000 năm đã “đi tìm viên ngọc quí” theo cách đó và đã bị Chúa Giêsu quở trách: “Các ngươi tìm ta không phải vì được thấy dấu lạ nhưng vì được ăn no”. Và cũng chính vì thế, nên khi “Viên ngọc quí” đã bị đánh nhừ đòn, chỉ còn một “Ecce Homo” thân tàn ma dại, thì bọn họ đã đồng thanh hô hoán: “Đóng đinh nó đi, đóng đinh nó đi… Xin tha Baraba và đóng đinh Giêsu vào thập giá !”.

          Quả thật, ở giữa một xã hội “cạnh tranh khốc liệt” và tiêu chí ứng xử được định vị bằng những lượng vàng, những đồng đôla, những căn biệt thự, những xe con đắt tiền, những sổ đỏ bất động sản, những bằng cấp học vị, những thân thế ô dù…, người Kitô hữu càng phải cầu nguyện và lắng nghe, tỉnh táo và quảng đại…; nhất là biết trở về với những thực hành đức tin truyền thống ! Chỉ như thế mới trụ vững giữa những thác loạn và mới tìm được “Viên Ngọc Quí” mà mình đã khám phá được qua đời sống con cái Chúa. Đó chính là “một tấm lòng biết lắng nghe”, là “sự khôn ngoan đích thực” mà Salomon đã kêu xin cùng Chúa. Hay theo ngôn ngữ của Thánh Phaolô trong thư gởi giáo đoàn Rôma, thì đó chính là “nên thánh”, là “kẻ yêu mến Thiên Chúa” và được “tiền định nên giống hình ảnh Con Người” (Bđ 2).

          Bàn Tiệc Thánh Thể hôm nay cũng là một “Nước trời trong dự báo” để chuẩn bị cho “Bàn Tiệc của Nước trời chung cuộc”. Hy vọng rằng, trong số chúng ta đây, sẽ có nhiều người sẵn sàng cầu xin cho được “tấm lòng biết lắng nghe của Salomon”; hay sẵn sàng “bán hết mọi sự”: những đam mê trần tục, những dục vọng đớn hèn, những tham lam vô độ sự giàu có thế gian… để dấn thân và kiên nhẫn lên đường đi tìm cho được “kho tàng” hay “viên ngọc quí”, là chính Đức Kitô phục sinh, là sự khôn ngoan của Thánh Thần, là Tin Mừng Cứu độ; cho dù phải trả giá, thường khi, là cái giá của nước mắt, máu đào, hy sinh và cả cái chết. Nhưng có sao đâu, vì “phần thưởng dành cho chúng ta ở trên trời thật lớn lao”. Amen.

Trương Đình Hiền


[1] Thay vì tâm hồn khôn ngoan”, bản dịch của lm. Nguyễn Thế Thuấn: “tấm lòng biết nghe”, và PVGK: “tâm hồn biết lắng nghe”.