THÁNH THỂ VÀ “TRẢI NGHIỆM HOANG MẠC”

(Mình và Máu Thánh Chúa Kitô – Năm A 2020)

Điều nầy có thể đúng: Chưa đi vào hoang mạc sẽ chưa biết thế nào là “nắng, khát kinh hoàng…”; cũng vậy, chưa qua cảnh nghèo kiết xác hay ăn mày mạt hạng, sẽ không có được trải nghiệm đói rách lầm than…

            Vâng, khi dân Do Thái sung sướng thoả thê bên nồi thịt ở đất Ai Cập, cho dẫu trong kiếp nô lệ lưu đày, làm sao họ cảm thấy “một chút Manna” thật là quý giá, một “giọt nước từ tảng đá vọt ra” là kỳ diệu? Đúng là “đoạn trường ai có qua cầu mới hay”.

            Cho nên, ở giữa cuộc sống đời thường “tiệc tùng liên miên”, “ăn mặc no đủ”, nếu có những ai nói bô bô rằng: “Mình Máu Chúa là sức sống vô cùng cần thiết của tôi, Thánh lễ là điều tôi khao khát hết mình…” , có lẽ chúng ta phải xem lại những lời đó “thiệt” được bao nhiêu phần trăm !

            Cho nên, để hiểu, để cảm, để sống Mầu Nhiệm Thánh Thể, sứ điệp Phụng vụ hôm nay gọi mời chúng ta trước hết trở về với kinh nghiệm của một thời xuất hành trong hoang mạc.

            Đúng vậy, qua trích đoạn sách Đệ Nhị Luật, ông Môsê đã long trọng nhắc lại cho dân Ít-ra-en “đoạn đường gian nan thử thách” mà ở đó họ được Thiên Chúa dưỡng nuôi bằng một thứ lương thực từ trời: Manna và một thứ “lương thực khác” quý hơn nữa: “LỜI”: “Người đã để các ngươi vất vả thiếu thốn, và ban cho các ngươi manna làm của ăn mà các ngươi và cha ông các ngươi chưa từng biết tới, để tỏ cho các ngươi thấy rằng: Con người sống không nguyên bởi bánh, mà còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.…” (Đnl 8,2-3.14b-16a).

            Phải chăng, qua những lời trên, Môsê muốn thuyết minh cho dân Ít-ra-en điều nầy: nếu cùng đích của cuộc sống, giá trị của kiếp người là chỉ cần “tấm bánh nhét cho đầy bụng” thì đâu cần gì phải “xuất hành về Đất hứa”, đâu cần gì phải “lang thang trong hoang mạc với cái giá của nắng nôi đói khát, chết chóc, lầm than…? Cứ “ở lì trong kiếp nô lệ Ai Cập” cũng có “nồi thịt với củ hành củ tỏi” mà ! Nhưng làm thân của một “dân được chọn” thì không chấp nhận điều đó. Họ cần một thứ lương thực khác để “lấp đầy ước vọng”, một thứ “Manna” để nuôi sống hiện tại và hướng tới tương lai. Mà để có được thứ “lương thực” nầy, họ phải kinh qua “nẻo đường hoang mạc”; phải, từ trong đói khát lầm than, họ mới thật sự cần thứ Manna từ trời, khi quyết định xa rời kiếp nô lệ, họ mới thực sự tin vào “mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra”.

            Nhưng câu chuyện “Manna” và “Lời do miệng Thiên Chúa phán ra” của một thuở “Xuất Hành hoang mạc” cũng chỉ là một “hình ảnh tiên trưng” cho một câu chuyện khác cũng liên quan đến nội dung nầy nhưng với một “hậu duệ của Môsê” xuất hiện gần 2000 năm sau: Bấy giờ Đức Giê-su được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ. Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Người thấy đói. Bấy giờ tên cám dỗ đến gần Người và nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi!”. Nhưng Người đáp: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.” (Mt 4,1-4).

            Chúng ta thấy đó, như một cảnh “xuất hành” tái hiện, với đầy đủ các yếu tố: “hoang mạc”, “40 ngày chay”, “đói”, “bánh” và “mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra”. Và sau sự kiện nầy không lâu, chúng ta lại được cả 4 Tin Mừng đồng thanh tường thuật câu chuyện đầy hiện thực khác cũng vẫn xoay quanh “hoang mạc”, “bánh” và “Lời”: Chúa Giêsu hoá bánh ra nhiều để nuôi đám dân vào nơi hoang vắng để nghe lời người giảng dạy; và sau sự kiện đặc biệt mang “dấu chỉ tiên báo, dọn đường” nầy, Chúa Giêsu đã minh định một chân lý lạ lùng, đã làm dị ứng cho độc giả đương thời và trở thành “nhiệm mầu cao cả” cho muôn thế hệ những người tin: “Tổ tiên các ông đã ăn man-na trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống….Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6,49-56).

            Khi tuyên bố những lời đó, quả thật chẳng ai hiểu “mô tê” gì; phải chờ đến “Ngày Thứ Năm trước khi bước vào cuộc khổ nạn”; và cũng chỉ có nhóm “Mười Hai Tông Đồ”, và Thánh Phaolô, kẻ được Chúa mạc khải riêng, mới tường tận thế nào là “Bánh” trở thành “Thân Mình” và “rượu” trở thành “Máu Giao Ước”, khi các ông cùng với Thầy mình chung chia “Bữa Tiệc Vượt Qua” sớm: “Thật vậy, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.” Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: “Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy.” Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết. Vì thế, bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa” (1 Cr 11,23-27).

            Chúng ta thấy đó, mầu nhiệm Mình và Máu Chúa Kitô mà Hội Thánh cử hành long trọng hôm nay đã được Thiên Chúa chuẩn bị dài lâu như thế: từ một thứ “Manna” của một thuở xuất hành hoang mạc cùng với “Lời do miệng Thiên Chúa phán ra” đã cô đọng thành một “Bánh Hằng Sống” chính là Đấng “Emmanuel” từ trời hoá thân nhập thể, rồi sẵn sàng hy sinh thân mình làm “Tấm Bánh” bẻ ra trong mầu nhiệm Khổ nạn, để từ đó trở thành “Lương thực trường sinh nuôi sống loài người”.

            Như vậy, để hiểu, để cảm và nhất là, để sống Mầu Nhiệm Thánh Thể, hay nói theo ngôn ngữ của Thánh Phaolô trong thư gởi giáo đoàn Côrintô, để “thông hiệp vào Máu Chúa Kitô…thông hiệp vào Mình Chúa Kitô” (Communion au sang du Christ…Communion au corps du Christ) (1 Cr 10,16-17), chúng ta cần phải “trải nghiệm hoang mạc”, phải “xuất hành” khỏi sự thèm khát “tấm bánh mì của sa tan” hay nồi thịt” của một thời nô lệ Ai Cập”… mà biểu hiện rõ nét của hôm nay chính là “đam mê dục vọng, tìm kiếm và thoả mãn thú vui hạ cấp thế tục…

            Đây không là chuyện ảo tưởng mà đã được chứng thực qua những chứng nhân sống về Thánh Thể như Vị Tôi Tớ Chúa, Đức cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận. Chúng ta thử đọc lại chứng từ của Ngài về Thánh Thể trong thời bị tù tội: “Thánh lễ trở thành một sự hiện diện âm thầm và đầy khích lệ cho tôi và các Kitô hữu khác giữa đủ mọi khó khăn. Chúa Giêsu Thánh Thể được các bạn tù Công Giáo thờ phượng một cách kín đáo, như bao nhiêu lần đã xảy ra trong các trại tù của thế kỷ XX.

            Trong trại cải tạo, chúng tôi được chia thành từng nhóm 50 người. Chúng tôi ngủ chung trên một cái giường thật dài, mỗi người được 50 centimét. Mỗi đêm, chúng tôi thu xếp làm sao để có 5 người Công Giáo nằm cạnh tôi. Vào lúc 9 giờ rưỡi tối, tất cả chúng tôi phải tắt đèn đi ngủ. Lúc ấy, tôi cúi mình trên giường để làm lễ thuộc lòng, và phân phát Mình Thánh Chúa bằng cách luồn tay dưới mùng muỗi. Chúng tôi chế cả những túi giấy nhỏ bằng bao thuốc lá, để giữ Mình Thánh và mang cho người khác. Tôi luôn mang Mình Thánh Chúa trong túi áo sơ mi. (…). Ban đêm, các tù nhân thay phiên nhau chầu Mình Thánh. Sự hiện diện âm thầm của Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể đã làm nên những việc kỳ diệu: nhiều người Công Giáo đã bắt đầu tin tưởng trở lại cách nhiệt tình….Ngay cả anh em Phật tử và bên lương cũng tìm được đức tin. Sức mạnh tình yêu của Chúa Giêsu thật manh mẽ không thể cưỡng lại…”[1]

            Cũng vậy, chúng ta có thể tìm thấy một chứng từ khác về Thánh Thế qua những “trải nghiệm hoang mạc Siberi” của cha Walter Ciszek: Trong cuốn sách He Leadeth Me (Người đã dẫn dắt tôi), cha Walter Ciszek đã mô tả những rủi ro mà ngài gặp mỗi ngày khi dâng Thánh Lễ tại trại lao động Siberia nơi ngài đang bị cầm tù: “Tôi đã lầm bất cứ điều gì cần thiết, chịu đựng mọi sự bất tiện, đón nhận mọi rủi ro để sẵn sàng nên bánh sự sống cho những con người này”. Những con người đã lao động hàng giờ trong nhiệt độ lạnh lẽo. Nhưng vào buổi trưa, cha Ciszek đã cử hành Thánh Lễ bất cứ nơi nào mà không bị phát hiện ra, cho dù trong một lều của nhà kho hoặc chui rúc trong một hầm của tòa nhà. “Những phiền nhiễu gây ra bởi nỗi sợ bị phát hiện… không làm ảnh hưởng gì đến hiệu quả mà một chút bánh mì và vài giọt rượu thánh hiến đã mang lại cho linh hồn”, ngài viết.”[2]

            Ở trong những hoàn cảnh như thế, hay nói cách khác, khi con người bị đặt trong một hoàn cảnh bị cắt đứt khỏi những “tấm bánh mì”, những “Manna” của an toàn, hưởng thụ và thừa mứa, trước một “cái tôi không còn gì”…, thì sẽ dễ dàng nhận ra “những Lời do miệng Thiên Chúa phán” và sẵn sàng lao mình đến “Lương thực Trường Sinh” là chính Chúa Kitô. Hy vọng, sau những ngày “nhà thờ bị đóng cửa, Thánh Lễ bị bãi bỏ”, người tín hữu Công Giáo khắp nơi trên thế giới sẽ học được cuộc “trải nghiệm của một thời hoang mạc đói khát” để tìm đến với Manna Thánh Thể sốt sắng hơn, nhiệt tình hơn, như trải nghiệm năm nào của “tù nhân F.X. Nguyễn Văn Thuận và các bạn tù của ngài”. Amen.

Giuse Trương Đình Hiền

 

[1] TGM F.X NGUYỄN VĂN THUẬN, Chứng Nhân Hy Vọng, các Bài giảng Tĩnh Tâm cho Đức Thánh Cha và Giáo Triều Rôma. Vatican, Năm Thánh 2000. Tr. 141-142.

[2] Bài dịch tiếng việt của sr. Maria Trần Thị Ngọc Hương: “Thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống” (Ga 6,55). Nguồn: trang mạng Dòng Đa Minh Tam Hiệp: http://daminhtamhiep.net/2020/06/thit-toi-that-la-cua-an-va-mau-toi-that-la-cua-uong-le-minh-va-mau-thanh-chua-kito/