(Chúa Nhật 33 TN A 2020)
Câu chuyện “Nước Trời” rồi cũng tới lúc phải khép lại. Những bôn ba xuôi ngược suốt ba năm loan báo Tin Mừng đã đến lúc dừng chân ! Thôi thì điều gì cần nói cứ tuôn ra trên quãng đường về Giêrusalem lần cuối, sau những “mòn hơi mỏi cổ”, cố gắng thổi vào tai, đánh vào lòng của một đám dân “cứng đầu” để cho họ hiểu thế nào là “Thánh ý Thiên Chúa” phải vâng nghe, đâu là tiêu đích của nẻo đường cứu độ để khát khao vươn tới, đâu là giá trị đích thực để chắt chiu, tỉnh táo, thực hiện ngay cuộc sống nầy…. Và một trong những câu chuyện cuối của Nhà Tiên Tri đến từ Nadaret chính là “Dụ ngôn những nén bạc” mà Bàn Tiệc Lời Chúa của Chúa Nhật áp chót Năm Phụng vụ đã chọn làm “điểm nhấn giáo lý”.
Thật vậy, những đề tài giáo lý từ bàn Tiệc Lời Chúa trong thời điểm sắp kết thúc Năm Phụng vụ thường xoay quanh chủ điểm: Nước Trời rồi sẽ ra sao khi Đức Kitô đã “đi xa” ? Cuộc đời rồi sẽ trôi dạt về bến đổ nào ? Cuộc sống hôm nay phải làm gì cho có ý nghĩa ? v.v.
Vâng, trong dụ ngôn “những nén bạc”, Chúa Giêsu đã tự giới thiệu về chính mình: “Có một người kia sắp đi phương xa”. Viễn ảnh cuộc “lên trời ngự bên hữu Chúa Cha” đã gần kề; một cuộc “đi xa” vời vợi để trở về “nơi từ đó Ngài đã ra đi”, xuống thế làm người. Nước Trời, cho dẫu đã bắt đầu, đã hiện diện, nhưng ngày viên mãn, ngày kết thúc chung cuộc để kiện toàn trong vóc dáng một “trời mới đất mới” thì vẫn còn tít tắp bạt ngàn ! Nhưng, chính nơi “cùng trời cuối đất” đó lại chính là nơi Thiên Chúa ngự trị, nơi mà “ông chủ đã phán chắc nịch” với những người tôi tớ cần mẫn tín trung làm giàu thêm “năm nén, hai nén”: ‘Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ đặt ngươi làm những việc lớn, ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi’. Đó cũng là những lời mà Vị Thẩm Phán của Ngày phán xét cuối cùng đã dành cho những người đã từng yêu thương, bác ái với những kẻ nhỏ nhất: “Hỡi những kẻ được Cha ta chúc phúc, hãy vào hưởng Nước Trời đã sắm sẵn cho các ngươi từ thuở khai thiên lập địa” (Mt 25,34).
Ơn cứu độ mà Thiên Chúa đã dày công thực hiện trong lịch sử để rồi “dứt dạc” qua “hành trình Vượt Qua” của Người Con Một đâu phải là “chuyện đùa” hay chỉ là những biến cố, sự kiện “có cũng được mà thiếu cũng chẳng can chi”; nhưng là một nhân tố nền tảng, quyết định vận mệnh của cả thế giới và của mỗi một con người. Sự cao quý đó được “tác giả dụ ngôn” khéo léo lồng trong biểu tượng “NÉN BẠC”, một đơn vị “hóa kim” có giá trị bằng 6.000 đồng bạc hay tương đương với 6.000 ngày công thuở ấy. Trước khi “đi xa, về trời”, Chúa Giêsu không muốn những “nén bạc cứu độ” nầy phải chịu hoang phí, mốc meo, xem thường; nhưng cần phải được các thế hệ môn sinh của Ngài phải cật lực, chuyên chăm để làm “bội thu” những hoa trái gấp đôi, lên “năm nén, hai nén” mới !
Chỉ có tình yêu thương, sự tín nhiệm tuyệt đối, ông chủ mới sẵn sàng giao một tài sản lớn lao như thế cho những người vốn chỉ là hạng tôi tớ. Nhưng nếu xét cho cùng: “Thiên Chúa đã yêu thương đến độ đã ban Con Một” (Ga 3,16), thì việc trao các “nén bạc” như thế nào có lớn lao chi !
Như vậy, điều quan trọng còn lại của sứ điệp Lời Chúa muốn chuyển tải đó chính là “sự đáp trả” của những người được “gọi” và được “trao”: “Có một người kia sắp đi xa, liền gọi các đầy tớ đến mà giao phó tài sản của ông. Ông trao cho người này năm nén bạc, người kia hai nén, người khác nữa một nén, tuỳ theo khả năng của mỗi người, đoạn ông ra đi…”.
Cuộc đời của mỗi người, đặc biệt, người Kitô hữu, là một “ơn gọi” và luôn đi kèm với một “sứ mệnh được trao”. Xuyên suốt qua dòng lịch sử cứu độ, từ Cựu ước đến Tân ước, chúng ta gặp thấy bao nhiêu “ơn gọi” và “sứ mệnh được trao” cho những con người như Abaham, Môsê, Đavit, Êlia…; rồi Giuse, Maria, Gioan Tẩy Giả, Phêrô, Phaolô…; và gần đây thôi, như Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Mẹ thánh Têrêsa Calcutta…. Hầu hết đó là những gương mặt đã sáng lên như những tôi tớ đã cẫn mẫn, khôn ngoan…; nhất là tín trung “chu toàn ý muốn của chủ nhân”, như chính Người Con Một khi vào đời đã thân thưa với Chúa Cha “Nầy con xin đến để thi hành thánh ý Cha” và khi lìa đời cũng đã thân thưa “mọi sự đã hoàn tất; con xin phó thác tâm hồn trong tay Cha”.
Thế nhưng, thế gian nầy đâu phải chỉ có những “tôi tớ tốt lành” như thế; mà mọi thời, khắp nơi, đều đan xen những “cỏ lùng” vô tích sự, phá đám; hay những kẻ xem thường thánh ý của Cha như chân dung của người “nhận một nén”: Còn người lãnh một nén, thì đi đào lỗ chôn giấu tiền của chủ mình. Hình ảnh tên này khiến chúng ta nhớ lại “Người con trưởng” nói “vâng” mà không đi làm cho cha trong dụ ngôn “hai người con”. Khi khắc họa chân dung của những người tôi tớ đó, chắc chắn Chúa Giêsu muốn các môn sinh của Ngài phải luôn cảnh giác trước những cơn cám dỗ ù lì, biếng nhác; hoặc chọn một lối sống hoàn toàn nghịch lại thánh ý Thiên Chúa và theo những đam mê dục vọng riêng của mình. Điểm đến của những người như thế thì chúng ta biết rồi: “Nơi khóc lóc và nghiến răng…!”. Hình ảnh đó nhắc chúng ta nhớ lại lời của Thánh Phaolô trong thư gởi giáo đoàn Thêxalônica (Bđ 2) khi phân biệt giữa hai loại người: người thuộc bóng tối, thuộc về đêm; và người thuộc ánh sáng, thuộc ban ngày: “tất cả anh em là con cái sự sáng, con cái ban ngày; chúng ta không thuộc về ban đêm và tối tăm. Vậy chúng ta đừng mê ngủ như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và điều độ”.
Ngày hôm nay, trước bao nhiêu hỗn loạn, tai ương, đồi trụy…, xem chừng “lực lượng của bóng tối” đang mạnh lên, và đang ra sức triệt hạ, đẩy lùi ánh sáng. Câu chuyện thời sự của đại dịch Covid-19 và cuộc bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ trong những ngày nầy đã như một bức tranh sống động cho thực tại oái ăm nầy !
Vào những ngày cuối năm Phụng vụ, quả thật, sứ điệp Lời Chúa vang lên thật đúng lúc và cần thiết; chẳng khác nào những “gợi ý sinh động, cụ thể” của một “bảng xét mình” để mọi thành phần Dân Chúa gẫm suy và soát xét lại toàn bộ cuộc sống Kitô hữu của mình; ít ra, rà soát lại cuộc sống đức tin, thực hành mến Chúa yêu người và cử hành phụng vụ trong suốt một năm. Làm sao không biếng lười, làm sao không lãng phí… ?
Điều quan trọng làm “ông chủ” vui chắc chắn không phải là chuyện “nhiều nén” hay “ít nén”; mà chính ở chỗ, có hoàn thành nghiêm túc “ý muốn của ông chủ” không. Đừng quên một “nghịch lý của Tin Mừng” đó là “càng ít nhưng yêu nhiều” lại càng trở nên vĩ đại, to lớn. Đồng xu ten của bà góa nghèo là của bố thí nhiều nhất. Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta khi dấn thân vào những con hẻm nghèo ở Ấn Độ chỉ võn vẹn có hai đô la trong túi áo. Thế nhưng rồi sau đó, với đôi vai còng, với đôi bàn tay nhen nheo của một nữ tu già…, Mẹ đã làm giàu cho thế giới không phải “gấp năm, gấp hai nén” mà hàng trăm, hàng ngàn những công trình bác ái yêu thương, sẻ chia và phục vụ.
Vâng, Thiên Chúa hay dùng những người “phận nữ yếu hèn” để minh họa cho những công trình kỳ diệu mà nhân tố quyết định chính là tình yêu và lòng khiêm nhu phó thác. Hèn chi, sách Châm Ngôn hôm nay đã ca tụng hết lời chân dung người phụ nữ đảm đang, cần mẫn: Nàng ra tay đưa thoi dệt vải, và ngón tay nàng cầm xe kéo sợi. Nàng rộng tay bố thí cho người nghèo khó, và giơ tay hướng dẫn kẻ bần cùng.
Chỉ trong một câu ngắn mà “tay của nàng” đã được sách Châm Ngôn nhắc lại 4 lần: tay đưa thoi dệt vải, tay nàng cầm xe kéo sợi, tay bố thí cho người nghèo khó, tay hướng dẫn kẻ bần cùng. Vâng, thế giới, Giáo Hội, con người hôm nay và mãi mãi luôn cần những “bàn tay” như thế. Amen.
Trương Đình Hiền