(Lễ Thánh Giuse 19.3.2023 tại nhà thờ Chính Tòa Qui Nhơn)
Hôm nay, trong lịch phụng vụ giáo phận ghi rõ: Thánh Giuse, Bạn Trăm Năm Đức Trinh Nữ Maria, lễ trọng, lễ cầu cho giáo dân; vì là “lễ cầu cho giáo dân” nên tất cả chúng ta không trừ ai, đều được hưởng nhờ “ý lễ được dâng” của Đức Cha cai quản giáo phận và của các linh mục cai quản giáo xứ (cũng như các linh mục quản nhiệm GHBL)…
Sở dĩ nhắc đến điều nầy để tất cả chúng ta đều cảm nhận một niềm vui chung, một niềm tạ ơn chung trong ngày lễ trọng kính Thánh Giuse hôm nay, một Vị Đại Thánh, mà trong truyền thống đức tin của Giáo Hội hoàn vũ và Giáo Hội Việt Nam, đã trở thành một điểm quy chiếu, một dấu ấn hay cột mốc lịch sử đi cùng năm tháng với cuộc hành trình của Dân Chúa.
Thật vậy, cuối thế kỷ 19, chính xác là vào ngày 8.12.1870, Chân phước giáo hoàng Pio IX đã công bố Thánh Giuse làm Vị Bổn Mạng của Hội Thánh. Riêng Giáo Hội tại Việt Nam, từ năm 1670, trong cuộc kinh lý Đàng Ngoài, Đức Cha Lambert De La Motte, trong Công Nghị Phố Hiến, đã chọn Thánh Giuse làm Bổn mạng của Giáo Hội Đàng Ngoài; sau đó, vào năm 1671, khi lập Dòng Mến Thánh Giá Đàng Trong, chính Đức Cha Lambert đã chọn “Thánh Giuse làm Bổn mạng của Tu hội này”. Hơn 300 năm sau, ngày 11.10.1997, trong cuộc Hội nghị thường niên của HĐGMVN tại Hà Nội, Thánh Giuse được chính thức tôn vinh là Quan Thầy của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam…
Hôm nay, khi cử hành long trọng lễ Thánh Giuse – Bạn trăm năm của Đức Trinh Nữ Maria, Bổn mạng của Hội Thánh, của nhiều cộng đoàn và nhiều người…, là chúng ta đang hiệp thông trong dòng chảy đức tin truyền thống của Giáo Hội, một đức tin luôn được Chúa Thánh Thần không ngừng dẫn dắt và canh tân qua những con người công chính thánh thiện, cả trong gương lành để học đòi bắt chước, lẫn trong niềm trông cậy để nguyện giúp cầu thay…; mà Thánh Giuse là gương công chính tuyệt hảo !
Nói về gương lành của thánh Giuse thì nhiều lắm; cho dù đây là vị Thánh chưa bao giờ được phong nhưng lại chiếm vị trí đầu trong hàng ngũ các Thánh như nhận xét của ĐGH Phanxicô trong Tông thư “Patris Corde” (Trái tim của người cha): “Sau Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, không có vị thánh nào được nhắc đến thường xuyên trong huấn quyền của Giáo hoàng hơn Thánh Giuse, bạn trăm năm của Mẹ” ! Cũng chính trong Tông thư nầy, Đức Phanxicô đã khai triển bảy chiều kích trong “linh đạo Người Cha” của Thánh Giuse. Riêng, trong Kinh Cầu Thánh Giuse, chúng ta tìm thấy 24 tước hiệu hay nhân đức được Hội Thánh nêu tên; trong đó có hai tước hiệu liên quan đến nhân đức khiết tịnh: “Thánh Giuse cực thanh cực tịnh”, “Thánh Giuse che chở kẻ giữ mình đồng trinh” mà Đức Cha Matthêô trong bài giảng sáng nay tại Hội Dòng Mến Thánh Giá nhấn mạnh cách đặc biệt cùng với 4 câu thơ “Thánh Giuse, nhánh huệ Nước Trời” được ngài sáng tác để đối lại 4 câu ca dao như một ám chỉ “Đức Mẹ, nhánh sen giữa lầy”:
Trong vườn đẹp nhất huệ trinh
Dáng cao hoa trắng thắm xinh ngọt ngào.
Ngọt ngào hoa trắng dáng cao,
Đất đen mặc đất huệ nào nhiễm lây.
Nhưng cụ thể hơn cả, chính bàn Tiệc Lời Chúa hôm nay sẽ cho chúng ta những chỉ dẫn cần thiết để giúp chúng ta hiểu và sống “sứ điệp cuộc đời” của Thánh Giuse.
Trước hết, sách Samuel quyển thứ hai, qua miệng của ngôn sứ Nathan, đã hé mở chính cái “lý lịch hay gia thế khủng” của anh chàng thợ mộc Giuse người Nadarét ! “Hãy đi nói với Ðavít tôi tớ Ta rằng: Khi ngày của ngươi đã viên mãn, ngươi sẽ yên nghỉ với các tổ phụ ngươi; sau đó, Ta sẽ cho miêu duệ ngươi lên kế vị và Ta sẽ làm cho triều đại người được vững bền…”. Vâng, Giuse quan trọng, Giuse cao cả, đơn giản, vì Ngài là một “mắt xích” không thể thiếu trong chương trình cứu độ, một tiếp nối tự nhiên cần thiết trong dòng phả hệ của Đấng Mêsia khởi đi từ “gốc tổ Giêsê-Đavít”: Bản Gia phả Đấng Cứu Thế của Tin mừng Matthêô ghi rõ: “… Gie-sê sinh Đa-vít… Gia-cóp sinh Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô.” (Mt 1,1-16). Vâng, chính trong ánh sáng của “dòng tộc mang tính cứu độ” đó, người Do Thái, cho dù là một người “đàn bà ngoại giáo Canaan” (Mt 15,22), hoặc “hai anh chàng mù cù bơ cù bất bên đường” (Mt 20,30), hay anh mù Bactimê ở Giêricô (Mc 10,47), đều đã nhận ra chân dung đích thực của một Đấng Mêsia trong con người của Giêsu Nadarét: “Lạy ông Giêsu, Con vua Đavít, xin thương xót tôi” …
Từ niềm tin nhuần nhuyễn của Dân được chọn luôn khao khát hướng về ngày xuất hiện của Đấng Mêsia, cọng thêm với ánh sáng Thần Linh soi chiếu trong “thị kiến lặng thầm của giấc mơ”, Giuse đã cảm, đã hiểu và đã xác tín về chính ơn gọi và sứ mệnh của mình: cọng tác vào chương trình Cứu Độ của Thiên Chúa, như Tin Mừng Matthêô mà chúng ta vừa nghe: “Hỡi Giuse con vua Ðavít, đừng ngại nhận Maria về nhà làm bạn mình, vì Maria mang thai là bởi phép Chúa Thánh Thần; bà sẽ sinh hạ một con trai mà ông đặt tên là Giêsu: vì chính Người sẽ cứu dân mình khỏi tội”. Cho dẫu làm một “cái bóng âm thầm” bên cạnh Đức Maria và Chúa Giêsu, một ông chồng hờ, một người cha nuôi… “để hợp thức hóa tờ khai lý lịch của Đấng Cứu Thế”, Thánh Giuse đã tận tuỵ một đời để thực thi vai trò và sứ mạng đó: Khi tỉnh dậy, Giuse đã thực hiện như lời Thiên thần Chúa truyền.
Vâng, đó là “cái bóng” của một tình yêu hy sinh và chia sẻ, không lấy mình làm trung tâm nhưng hướng đến tha nhân, như Đức Phanxicô đã nhận xét trong tông huấn Patris Corde: “Thánh Giuse biết cách yêu thương với thái độ tự do phi thường. Ngài không bao giờ biến mình thành trung tâm của mọi sự. Ngài không nghĩ về mình, mà luôn nghĩ về cuộc đời của Mẹ Maria và Chúa Giêsu”. Điều này không đáng để chúng ta học hỏi và noi gương sống mỗi ngày sao?
Thật ra, không chỉ Giuse, mỗi một cuộc đời, mỗi một ơn gọi của mỗi người chúng ta đều là một “mắt xích”, một “sứ mạng” trong công trình của Chúa; điều quan trọng, đó là biết “tỉnh dậy mỗi ngày” để chấp nhận làm cái bóng lặng thầm phục vụ, hy sinh, bằng một tình yêu cao cả…
Khi nói đến điều này, tôi chợt nhớ đến bao nhiêu chứng nhân âm thầm hy sinh vì tình yêu của bao nhiêu vị tiền nhân của giáo phận chúng ta trong suốt chiều dài hơn 400 năm; các “dấu chỉ của vẻ đẹp và niềm vui của tình yêu” nơi 4 vị thánh và 16 tôi tớ Chúa, của hàng nghìn giáo dân, thầy giảng và nữ tu Mến Thánh giá tử đạo trải qua các thời bách hại…; và hôm nay biết bao nhiêu người cha, người mẹ âm thầm nêu gương thủy chung đạo đức trong các gia đình, bao nhiêu các chức việc, giáo lý viên, ca viên, huynh trưởng, hội viên Legio, MTG tại thế… dẫu nghèo nàn, túng thiếu, ít học, có khi bệnh nạn tật nguyền… vẫn âm thầm cần cù phục vụ trong “vườn nho Giáo phận”… Vâng họ xứng đáng thuộc về những “người công chính như cách cắt nghĩa thâm thuý của Thánh Phaolô trong thư gởi giáo đoàn Rôma khi nhắc đến tổ phụ Abraham, hình ảnh tiên trưng và là tổ phụ của một Giuse công chính: “Mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin… Bởi thế, ông được kể là người công chính” (Rm 4,18.22).
Sự công chính của Thánh Giuse không chỉ được ấn chứng vì đức tin tuyệt đối vào thánh ý Thiên Chúa để sẵn sàng cúi đầu vâng phục, nhưng còn được làm sáng tỏ thêm qua thái độ tin tưởng, kính trọng tha nhân để bao dung đón nhận, mà đối tượng cụ thể, đó chính là “Người bạn đời Maria đang mang thai ngoài hôn phối”: Giuse bạn của bà là người công chính, không muốn tố cáo bà, nên định tâm lìa bỏ bà cách kín đáo…
Thế giới hôm nay, Giáo hội hôm nay cần biết bao những “chứng nhân về đức công chính” nầy, như lời của Chân phước Giáo Hoàng Pio IX: “Thánh Giuse đã chinh phục được danh hiệu “Đấng công chính” và đã sống như một nhân chứng sống động của đức công chính Kitô giáo ấy, đức tính nầy cần được đề cao trong đời sống xã hội”.
Chúng ta đừng quên, từ thời xa xưa trong thời Cựu Ước, khi dân Ai Cập đang đối diện với nạn hạn hán đói khát, họ đã được khuyên bảo “Ite ad Joseph” (St 41,55). Cũng vậy, vào cuối thế kỷ 19 (1870), khi đứng trước những làn sóng cách mạng vô thần duy vật đe dọa sự bình yên của thế giới, Giáo Hội đã chọn Thánh Giuse làm Quan Thầy bảo vệ. Hôm nay, trước những trào lưu tục hoá, đang đe doạ sự hiệp nhất và truyền thống giáo lý tinh tuyền, trước những cơn cám dỗ mời chào con cái Giáo Hội sống xa lìa “nẻo đường công chính”, một lần nữa, Dân Chúa phải đi lại con đường “Ite ad Joseph”, con đường , biết “tỉnh dậy mỗi ngày để đón nhận ý Chúa và đón nhận nhau” và sẵn sàng chấp nhận làm “chiếc bóng âm thầm để yêu thương và phục vụ, để dựng xây căn nhà Hội Thánh”, như Thánh cả Giuse ngày xưa: “tỉnh dậy, Giuse đã thực hiện như lời Thiên thần Chúa truyền”.
Cùng với lựa chọn và quyết tâm đó, để kết thúc bài chia sẻ hôm nay, xin được mượn một đoạn trong kinh nguyện (Oratio ad Sanctum Josephum) “Chúng con thân lạy Thánh Giuse” để cầu nguyện với Ngài, đoạn kinh có trong Tông thư Quamquam Pluries của ĐGH Lêô XIII mà chính Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nhắc đến trong Tông huấn “Custos Redemptoris” (Người trông nom Đấng Cứu Thế): “Lạy Đấng Bảo hộ chúng con rất mạnh mẽ bởi trời, xin xuống tiếp giúp chúng con giao chiến cùng quỷ thần u ám dưới đất. Lại như xưa đã cứu Đức Chúa Giêsu Hài Đồng, cho khỏi cơn rất nguy hiểm mà được sống thế nào, thì rày cũng xin cứu chữa Hội Thánh Chúa, cho khỏi chước kẻ thù cùng mọi sự khốn khó như vậy…” (CR 31) Amen.
Giuse Trương Đình Hiền.