(Chúa Nhật 33 TN A 2023 A)
Với Chúa Nhật 33 TN, có thể nói được: cuộc hành trình của “Năm Phụng Vụ 2023” đã chạm đến chặng áp chót, trước khi “vào bến cuối cùng” với Chúa Nhật tuần tới mừng kính Chúa Kitô Vua. Và theo một truyền thống đã gần như cố định, Lời Chúa của Chúa Nhật hôm nay (chu kỳ năm A) luôn gióng lên sứ điệp gọi mời cộng đoàn Dân Chúa hướng về ngày “Tận thế” để biết “tỉnh thức sống như con cái sự sáng” trước mọi biến cố (Bđ 2), nhất là biết “cần mẫn chu toàn bổn phận Chúa trao và thực thi thánh ý Ngài cách trọn hảo” (Bđ 1 + TM).
Thật ra, “ngày tận thế” chẳng phải là chuyện xa xôi gì. Riêng đối với dân tộc và đất nước Ukraina bên Đông Âu, hay những người dân Palestine ở dãi Gaza, thì gần như cảnh “tận thế” xảy ra hằng ngày. Thật vậy, mỗi ngày có hàng trăm người chết, hàng trăm thành phố bị tàn phá, hàng vạn công trình và cơ sở vật chất bị phá hủy tan tành… Nào chẳng phải là “tận thế” đang xảy ra mỗi ngày đó sao ?
Thế nhưng, “sứ điệp tận thế” mà Lời Chúa trong Chúa Nhật cuối cùng của Năm Phụng vụ (chu kỳ Năm A) muốn nhấn mạnh đầu tiên đó chính là một “chọn lựa sống”, một “nhân sinh quan” trước cuộc đời, trước thời gian cuộc sống; thời gian từ lúc khởi đầu hay đang đến hồi kết thúc ! Bàn tiệc Lời Chúa hôm nay sẽ cho chúng ta những giải đáp.
Trước hết, với trình thuật Tin Mừng Matthêô, Chúa Giê-su đã dùng hình ảnh một ông chủ trao tài sản là những nén bạc cho các đầy tớ. Vào thời Chúa Giê-su, một nén bạc (talent) tương đương với thu nhập của 15 năm đối với một người lao động bình thường. Có một chi tiết rất đáng lưu ý: số vốn được “ông chủ” trao cho các đầy tờ gọi là “nén bạc”; thế nhưng, trong một số ngôn ngữ khác, như tiếng Anh, tiếng Pháp, chữ “nén bạc – talent” này đồng nghĩa với “tài năng – talent”. Như vậy, “số vốn” hay “nén bạc” theo ngôn ngữ Tin mừng cần được hiểu thật rộng: đó chính là các giá trị thể chất cũng như tinh thần (sức khỏe, trí khôn, tài sắc…), là các tài năng, kỷ năng, cơ hội, điều kiện…, là mọi ân huệ thiêng liêng (được làm con Chúa, được lãnh nhận các bí tích, được tham dự vào mối giây hiệp thông và sứ vụ tông đồ…) mà ta nhận được kể từ khi được trao ban hồng ân sự sống, được làm người, làm con Chúa…
Những ngày cuối năm phụng vụ hoàn toàn thích hợp để chúng ta “xét mình” về việc sử dụng và phát huy những “nén bạc” mà Chúa đã ân trao trong suốt một năm. Trong cái nhìn đức tin và niềm trông cậy phó thác vào bàn tay quan phòng của Chúa, mỗi người đều nhận ra những “nén bạc” của riêng mình; cho dù đôi lúc, những “nén bạc” ấy lại mang những hình thức “nhỏ bé khiêm hạ, tầm thường xấu xí…”; hoặc có khi, đó lại là thương đau, bệnh hoạn, đói nghèo, tai nạn ! Với chọn lựa khôn ngoan của một người tỉnh thức theo Tin Mừng, mọi sự đều có thể trở thành “nén bạc sinh lợi”, đều có thể trở thành “hoa hồng”, đều có thể “nên thánh”.
Phải chăng, chính trong ý nghĩa đó mà bài đọc 1 trong sách Châm Ngôn, Lời Chúa muốn giới thiệu cho chúng ta chân dung của một “người phụ nữ nội trợ”: “Trọn đời, nàng sẽ mang lại cho chồng sự lành, chứ không phải sự dữ. Nàng tìm lông chiên và sợi gai, rồi nàng cần mẫn dùng tay làm việc. Nàng ra tay đưa thoi dệt vải, và ngón tay nàng cầm xe kéo sợi. Nàng rộng tay bố thí cho người nghèo khó, và giơ tay hướng dẫn kẻ bần cùng.”.
Đức Tổng Giám Mục Giuse Vũ Văn Thiên trong Bài giảng Chúa Nhật 33 TN A hôm nay đã nhận xét: “Đó là một người phụ nữ đảm đang việc nhà, khiêm tốn và âm thầm phục vụ chồng con. Bà làm việc trong tâm thế an bình, không đua đòi, không giận hờn tranh chấp. Tác giả sách Châm Ngôn nói với chúng ta: nên thánh không đòi hỏi những việc phi thường, nhưng là chu toàn bổn phận trong khiêm nhường và phục vụ, với ý thức mình đang sống dưới cái nhìn yêu thương của Chúa, và đang tận tuỵ phục vụ tha nhân”[1].
Chân dung “người phụ nữ trong sách Châm Ngôn trên làm ta chợt nhớ tới hình ảnh “nàng Penelope” trong sử thi “Cuộc chiến thành Troa”: nàng Penelope chờ đợi chồng là tráng sĩ Ullisse chiến đấu phương xa không nản lòng, không mệt mỏi và khước từ mọi cám dỗ bằng cách “dệt cho xong tấm khăn”. Ban ngày dệt, ban đêm tháo. Mãi 20 năm sau mới gặp lại chồng…
Ý nghĩa “tỉnh thức” của những ngày cuối năm Phụng vụ, một cách nào đó, cũng là một cuộc “dệt cho xong tấm khăn của cuộc đời mình” để gặp gỡ Thiên Chúa. Vì thế, sự “tỉnh thức mang dáng đứng đức tin” nầy không bao giờ là một “giải pháp tình thế”, một thái độ mang tính “đối phó” đột xuất chỉ cần phải có khi đối diện với hiểm nguy, khi cận kề sự chết. Không, tỉnh thức của đức tin là chuyện của cả con người, của cả cuộc đời, chứ không là chuyện một hai lần trong năm dọn mình xưng tội để mừng lễ trọng, hay để khi tới cơn hấp hối “dọn mình chết lành”. Tỉnh thức đó chính là “để sống cho ra sống”; là không ngừng trang bị cho mình một đôi tai thính để biết lắng nghe tiếng Chúa, lắng nghe lẽ phải, lắng nghe lương tâm, lắng nghe Hội Thánh…; là luôn có đôi mắt sáng để nhận ra Chúa nơi anh chị em và thấy Chúa hiện diện trong mọi biến cố của đời thường; là luôn có đôi tay mở rộng để phục vụ, đôi chân nhiệt thành loan báo Tin Mừng, và trái tim nhạy cảm để yêu thương và biết nghiêng mình trên những thân phận khổ đau bất hạnh của đồng loại…
Phải chăng đó cũng là chân dung của “những thánh sát bên nhà chúng ta” như cách diễn giải của Đức Giáo Hoàng Phanxicô về sự thánh thiện giữa đời thường: “Trong sự kiên trung hằng ngày của họ, tôi nhìn thấy được sự thánh thiện của Hội Thánh đang chiến đấu. Sự thánh thiện ấy rất thường được nhìn thấy nơi những người sống ngay bên chúng ta, chính những người đang sống giữa chúng ta phản chiếu sự hiện diện của Thiên Chúa” (Tông huấn Gaudete et Exsultate số 7).
Vâng, đó chính sự tỉnh thức của những người tin vào Đức Kitô, những “con cái sự sáng”, như khẳng định của Thánh Phaolô dành cho cộng đoàn Thêxalônica, khi ngài rao giảng cho họ về việc tỉnh thức đợi chờ Chúa đến: “anh em không còn tối tăm, đến nỗi ngày đó bắt chợt anh em như kẻ trộm, vì tất cả anh em là con cái sự sáng, con cái ban ngày; chúng ta không thuộc về ban đêm và tối tăm. Vậy chúng ta đừng mê ngủ như những người khác, nhưng hãy tỉnh thức và điều độ”.
Sống mỗi ngày với sự “chọn lựa khôn ngoan tỉnh thức” đó, chắc chắn “nén bạc cuộc đời” sẽ trổ sinh hoa trái để cuối cùng sẽ lãnh nhận được lời chúc phúc của “Vị Chủ Nhân đầy lòng thương xót”: ‘Hỡi đầy tớ tốt lành và trung tín, vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ đặt ngươi làm những việc lớn, ngươi hãy vào hưởng sự vui mừng của chủ ngươi’.
Trương Đình Hiền
[1] Website “Yến bạc cuộc đời” – Giáo Phận Cần Thơ (gpcantho.com)