VĂN TẾ CHA PAUL MAHEU (1869 – 1931)

Nhân dịp lễ Giỗ kỷ niệm 88 năm Cha Paul Maheu qua đời (27.02.1931 – 27.02.2019), xin giới thiệu đôi dòng lịch sử cuộc đời ngài qua bài Văn Tế sau đây :

Cho dẫu biết : “Ai tin Đức Ki-tô, dù có chết vẫn được vào cõi sống”

Nhưng phận người : “Thân cát bụi, cỏ dại hoa đồng mềm yếu, mỏng manh”.

Nên hôm nay, nhân ngày Giỗ 88 năm của cha Paul Maheu,

Đoàn chúng con, lớp hậu thế, cùng hoà chung ý hợp tâm đầu,

Nguyện xin Chúa, giàu xót thương, niệm tình thương giải thoát.

 

Nhớ thuở xưa,

Cha Maheu vốn người dân nước Pháp, sinh ngày 24 tháng 1 năm 1869.

Lớn lên vào đời nơi hoa lệ Paris, là giáo dân của cộng đoàn Thánh Gioan Tẩy Giả.

Là học sinh ngoan, cha cần mẫn chăm chuyên,

Sinh hoạt ca đoàn, cha tinh thông đàn hát.

Ngay từ thuở thiếu thời, cha đã chẳng từ nan bao việc làm nặng nhọc,

Còn trẻ dạ non lòng, nhưng luật Chúa cha luôn nghiêm cẩn thực thi.

 

Nhờ công hướng đạo của những mục tử địa phương,

nơi Tiểu chủng viện Thánh Nicolas, cha thành tâm hướng đến con đường tận hiến.

Ơn Chúa giúp trong lời kinh mỗi ngày,

qua bàn tay Giám Mục, năm 1895, cha long trọng lãnh hồng ân Linh mục Thánh chức.

 

Từ dạo ấy, tiếng gọi tông đồ thôi thúc trái tim đầy nhiệt huyết nhắm cõi Phương Đông,

Nên vào ngày 31 tháng 7 năm 1895,

cha giã từ chốn hoa lệ Pa-ris, chọn giáo phận Đông Đàng Trong làm quê hương đất sống.

 

Rồi những tháng ngày dài,

hết Phan Rang đến Kontum, cha miệt mài mỏi bàn chân mục tử,

Sức lực hao mòn,

Cha được về an dưỡng khi nơi đồng bằng, lúc sang tận Hồng Kông.

Nhưng chương trình Chúa thật diệu kỳ : cũng chính nơi đây,

Thời gian dưỡng bệnh : cha có cơ hội để học thêm nghề “in ấn”.

 

Chính tay cha đã trùng tu và thiết dựng,

biến nhà in Làng Sông trở thành khí cụ tuyệt vời trong công cuộc truyền giáo.

Và cùng với cơ sở văn hoá nầy,

Cha đã thiết lập viện tế bần, trạm xá, để phục vụ những người nghèo bệnh tật, khổ đau.

 

Sau những chuỗi ngày vất vả truân chuyên, cha đã nhiều phen kiệt sức nghỉ ngơi,

có lúc phải vâng theo luật đời, cha sẵn sàng lên đường tòng chinh nhập ngủ.

 

Để rồi đến năm 1929,

Cùng bác sĩ Le Moine, cha chèo ghe cập thung lũng Qui Hoà, để bắt đầu một chương trình mới.

Với trái tim nhân ái, cha quy tụ về các bệnh nhân phong, để từ đây chung tay xây lại cuộc đời…!

Nơi đây đất lành, cha cống hiến hết mình cho biết bao phận người khốn khổ chơi vơi,

Với mái ấm tình thương, nhiều mảnh đời héo úa được tận tình chăm sóc cho qua cầu sinh diệt !

 

Nhưng kiếp sống con người, như sách Giảng Viên, “có một thời để sinh và một thời để chết.”

Cuộc lữ hành dưới thế, như chuyến tàu đời, đã đến lúc đành bỏ lại những sân ga.

Sau những tháng năm miệt mài ra công rao giảng ở những miền đất lạ, quê xa,

Cha trở lại quê nhà với những bước chân tông đồ đã kiệt cùng thương tích.

 

Trong nắng bình minh của ngày định mệnh cách đây 88 năm (27.02. 1931), với những lời hàn huyên sau hết,

Giữa những vòng tay yêu thương và dưới ánh nhìn của Chúa, Cha lịm dần theo “giấc ngủ ngàn thu”.

 

Đã tới lúc về cội, như chiếc lá vàng rơi

Là hạt lúa mì, thân cha đã đi vào lòng đất.

Giữa những anh em đồng hội đồng thuyền nơi nghĩa trang Montparnasse,

“Gánh nặng đã qua, nhọc nhằn đã hết”, giờ cha đang ngủ giấc bình yên !

 

Hôm nay nhân ngày vọng tưởng,

Cộng đoàn hiệp dâng Thánh lễ nguyện cầu.

Cùng với nén hương thơm, đây thế hệ cháu con cung kính cúi đầu.

Xin cha đón nhận lòng thành của chúng con, và niệm tình thụ bái !

 

Người soạn : Sơn Ca Linh