Cảm nhận đức tin, Chia sẻ Lời Chúa, Tài liệu Phụng Vụ

“VƯƠNG ĐẠO” HAY “CON ĐƯỜNG KITÔ”

(Chúa Nhật 25 TN C 2022)

            Trong “triết lý chính trị”, và cả ngay trong lối ứng xử cuộc sống, người phương Đông thường phân biệt hai con đường, hai cách lựa chọn và hành xử: VƯƠNG ĐẠO và BÁ ĐẠO.

            VƯƠNG ĐẠO đó là cách hành xử hợp lẽ trời, hợp lòng người, từ mục đích đến phương thế thực hiện đều mang tính thiện lương, đạo đức. Vua chúa, quan quyền cai trị dân theo lối nầy gọi là “đức trị”. Trong sách ‘Lã Thị Xuân Thu’ có một câu chuyện có thể được xếp vào loại chính trị “vương đạo” hay “đức trị” như sau:

Hạ Hầu Tương đánh nhau với Hữu Hỗ ở Cam Trạch mà không thắng được. Lục Khanh xin cho đánh nữa. Hạ Hầu Tương bảo: “Không được! Đất của ta không hẹp, dân của ta không ít, vậy mà đánh không thắng, ấy là bởi đức của ta mỏng và giáo hóa của ta không tốt”.

Thế rồi chăm lo sửa đức, ngồi thì không trải chiếu đôi, ăn thì không dùng hai món, con trai con gái không chau chuốt trang điểm, thương yêu người thân, tôn kính bậc trưởng, trọng bậc hiền lương, dùng người tài giỏi. Chỉ một năm sau thì họ Hữu Hỗ đã quy phục.

BÁ ĐẠO là cách lựa chọn “bất kể giá nào” nhằm đạt được ý đồ, mục đích, cho dẫu phương thế sử dụng có đi ngược lại với ý Trời, lòng người và những nguyên tắc luân lý thiện lương. Người ta gọi cách cai trị đó là “pháp trị”.

            Trong tiểu thuyết dã sử ‘Tam Quốc Chí’ của La Quán Trung, người ta thường cho rằng nhân vật Tào Tháo xứng danh đại diện cho chủ trương “BÁ ĐẠO”, ít nhất qua hai sự kiện sau:

Có lần Tào Tháo gặp cảnh thiếu lương thực cho binh sĩ. Ông ta ra lệnh cho quan coi lương là Vương Cầu cắt bớt phần lương thực cho binh sĩ.  Binh sĩ vì thiếu ăn bất mãn định làm loạn. Để làm yên lòng quân, ông ra lệnh chém đầu Vương Cầu rồi loan tin rằng sở dĩ thiếu lương vì viên quan trông coi lương thực ăn cắp kho chứa quân lương. Cách giải quyết của Tào Tháo đã làm tình hình tạm yên nhưng giết một viên quan vô tội khiến người đời sau nguyền rủa Táo Tháo là một đại gian hùng. Cứu cánh là làm cho tình hình quân sĩ yên lòng bằng phương tiện lấy thủ cấp của một người vô tội là lối làm chính trị bá đạo.

Có lần Tào Tháo thất trận sa cơ chạy trốn đến trú ngụ tại nhà nọ. Chủ nhà tốt bụng tiếp rước nồng hậu. Tháo đang ở nhà trên thoáng nghe có tiếng nói thì thầm ở nhà bếp rằng : “Nên trói lại để giết hay để vậy mà giết”. Tào Tháo hoảng kinh, nghi chủ nhà tìm cách giết mình nên ra tay hạ thủ trước. Sau đó ông ta mới phát giác chủ nhà định giết con heo để đãi Tháo. Dù biết mình giết lầm người, Tháo ra lệnh giết tất cả những người trong nhà. Tào Tháo nói một câu còn lưu xú lại muôn đời: “Thà mình phụ người còn hơn để người phụ mình”. Giết những người vô tội vì lý do không chính đáng để biện minh cho sự an toàn của bản thân đúng là hành vi bá đạo !

            Đây chính là cách hành xử, là lựa chọn mà luân lý Kitô giáo không bao giờ chấp nhận đó gọi là “Lấy cứu cánh hay mục đích để biện minh cho phương tiện”.

            Đây không phải là chuyện mới ! Từ 8 thế kỷ trước Công Nguyên, căn cứ vào giáo huấn của sách ngôn sứ Amos (764-755 BC) trong Bài đọc 1 Chúa Nhật hôm nay, trong dân Israel cũng đã từng có kẻ dùng cách ứng xử “bá đạo” đó với anh em: “Hãy nghe đây, hỡi những ai đàn áp người cùng khổ và tiêu diệt kẻ nghèo hèn trong xứ. Các ngươi thầm nghĩ: “Bao giờ ngày mồng một qua đi, cho ta còn bán lúa; bao giờ mới hết ngày sa-bát, để ta bày thóc ra? Ta sẽ làm cho cái đấu nhỏ lại, cho quả cân nặng thêm; Ta sẽ làm lệch cán cân để đánh lừa thiên hạ. Ta sẽ lấy tiền bạc mua đứa cơ bần, đem đôi dép đổi lấy tên cùng khổ; cả lúa nát gạo mục, ta cũng đem ra bán.” (Am 8,4-6).

Và cũng giống như niềm tin bàng bạc của đại đa số nhân loại về một “chiếc võng trời” (Thiên võng khôi khôi) sẽ không để “lọt lưới” bất kỳ người nào manh tâm hành ác (Sơ nhi bất lậu), nhà tiên tri mang tính “cách mạng” của Do Thái đã nhân danh Chúa mà tuyên bố dứt dạc: “Ta sẽ chẳng bao giờ quên một hành vi nào của chúng.” (Am 8,7).

Riêng với Đức Kitô, để các môn sinh và những ai bước theo Ngài tránh xa tinh thần thế tục, chiến thắng não trạng “tìm lợi ích riêng bất cứ giá nào” hay con đường “bá đạo”, ‘lấy mục đích biện minh cho phương tiện”, Ngài đã khắc họa hình tượng “tay quản lý tinh ranh” trong một dụ ngôn mang tính xã hội của thánh sử Luca: Để bảo đảm cho tương lai bấp bênh của mình một khi bị đuổi việc, tay quản lý đã xúi các con nợ thay trắng đổi đen các giấy văn tự. Đúng là “tay quản lý bá đạo”, sẵn sàng bán đứng chủ mình chỉ vì lợi ích bản thân !

Qua dụ ngôn nầy, quả thật, Chúa Giêsu muốn dạy cách “phân định” đâu là sự khôn ngoan đích thực của “con cái sự sáng” và sự “tinh ranh” của “con cái đời này”. Thật vậy, đối với những con người không bước đi dưới ánh sáng của Lời Chúa, của Tin Mừng, thì tiêu đích của cuộc đời chỉ là “lợi nhuận”, là “có lợi cho bản thân”, là “được việc của mình”…; mối tương quan xã hội, con người với nhau không đặt nền tảng trên phẩm giá, trên nhân vị, trên tình yêu… mà đơn thuần, chỉ là “có lợi”, bất chấp cả luân thường, đạo lý. Đây chính là một chọn lựa với nguyên tắc hoàn toàn thế tục và đi ngược lại luân lý Tin Mừng: lấy cứu cánh biện minh cho phương tiện. Lênin, Stalin, Mao Trạch Đông, Pônpốt… của thế kỷ trước, và hôm nay, Kim yong un, Putin… hình như rất khoái và thực thi tới nơi tới chốn chủ trương trên !   

Sở dĩ xã hội hôm nay đầy dẫy những tiêu cực, bại hoại, giả dối, tham nhũng, lừa đảo… phải chăng vì thế giới đáng có quá nhiều “đầm lầy nhân loại” chọn cái “tinh ranh quái quỷ” đầy tham dục và ích kỷ, chọn cái nguyên tắc luân lý đầy tính tham sân si “vì mục đích tốt thì có thể sử dụng bất phương tiện nào, cho dù đó là những phương tiện tàn bạo, khát máu, gian dối, lừa gạt…”. Những người mang danh Kitô hữu, những người “con của sự sáng” chấp nhận “lội ngược dòng”, sẵn sàng chọn lựa “làm tôi Thiên Chúa”, môn sinh của Đức Kitô… cho dù phải trả giá bằng con đường “trắng tay khó nghèo”, con đường “quỳ xuống rửa chân cho anh em”, con đường “uống chén đắng thập giá”…

Thế nhưng, nếu Thiên Chúa không hề quên hành vi bạo tàn của kẻ dữ “Ta sẽ chẳng bao giờ quên một hành vi nào của chúng.”, thì chính Ngài sẽ ra tay thực hiện những điều tốt lành cho những kẻ thực thi công chình, như lời tuyên xưng của người phụ nữ “siêu công chính” là Đức Trinh Nữ Maria:

“Chúa hạ bệ những ai quyền thế,

Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.

Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư,

người giàu có, lại đuổi về tay trắng…” (Lc 1,52-53).

Nhưng Lời Chúa không chỉ dừng lại ở bình diện giáo dục con người “ăn ngay ở lành”, thực thi “vương đạo” trong cung cách ứng xử với nhau để thiết lập những mối tương quan xã hội tốt đẹp mà còn là kim chỉ nam để dẫn con người đạt tới ơn cứu độ, tới cùng đích vĩnh hằng, như niềm xác tín của Thánh Phaolô trong thư gởi người đồ đệ Timôthê: “Đó là điều tốt và đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta, Đấng muốn cho mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tm 2,3-4).

            Hy vọng tất cả mọi người tin vào Chúa Kitô trên thế giới, dẫu là Ukraina hay Liên bang Nga, những kẻ đều đã cùng nghe dụ ngôn “người Quản lý tinh khôn”, đều nhận chỉ thị của Tin Mừng “Không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ: vì hoặc nó ghét chủ này và mến chủ kia; hoặc phục chủ này và khinh chủ nọ. Các con không thể làm tôi Thiên Chúa mà lại làm tôi tiền của được”, sẽ bắt đầu chọn lựa lại con đường tiến về phía trước: con đường mang tên KITÔ, như chính Ngài đã từng tuyên bố: “Thầy là đường, sự thật, sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 14,6).

Trương Đình Hiền