ANH XE ÔM TỐT BỤNG

Bác xe ôm hơn 10 năm chở người nghèo miễn phí

Giúp người không cần trả ơn

“Hôm đó, tôi có việc phải đi vào Hội khuyết tật tỉnh Hà Tây cũ. Tôi xuống bến xe Mỹ Đình thì gặp Thuận đến mời chào đi xe. Lúc đầu tôi cũng thấy nghi ngờ nên có hỏi giá trước, Thuận bảo: “Chị cứ lên xe đi, tiền nong không phải lo”. Sau khi chở tôi đến tận địa điểm an toàn, Thuận có đề nghị không lấy tiền của tôi vì tôi là người khuyết tật. Giữa cuộc sống vàng thau lẫn lộn nên việc làm của Thuận khiến tôi ghi nhớ mãi đến bây giờ”, chị Phạm Dung, Hội trưởng Hội Người khuyết tật huyện Đông Hưng (Thái Bình) kể về kỷ niệm gặp anh Thuận “xe ôm” mà sau nhiều năm chị vẫn nhớ mãi.

Không khó để chúng tôi gặp được anh Thuận bởi từ mờ sáng anh đã có mặt tại khu vực trước cổng bến xe Mỹ Đình (Hà Nội). Thậm chí, trên mạng xã hội còn đăng tải hình ảnh, số điện thoại của anh với nội dung: “Anh Thuận xe ôm Mỹ Đình nhận chở miễn phí cho tất cả các bệnh nhân từ các tỉnh xuống Hà Nội khám chữa bệnh…”.

Ấn tượng ban đầu của chúng tôi là sự chu đáo và tận tụy hiếm thấy đối với công việc của người đàn ông ở tuổi 43 này. Dừng xe ở một góc quán nước ven đường, anh cẩn thận dựng chân chống giữa của chiếc xe máy đã ngả màu cũ kĩ lên rồi lấy ra sợi dây cao su cột chặt từng gói hàng cho chắc chắn.

Anh Nguyễn Văn Thuận đến từ thôn Ngọc Than, xã Ngọc Mỹ (Quốc Oai – Hà Nội). Hàng ngày, khi kim đồng hồ vừa chỉ đúng 3 giờ sáng cũng là lúc anh thức dậy, sửa soạn “đồ nghề” cần thiết gồm hộp sữa, bánh mì cùng chiếc bơm, săm xe, cờ – lê, mỏ – lết… rồi dắt chiếc xe Honda Dream di chuyển đến bến Mỹ Đình đợi đón khách. Song song với công việc chạy xe ôm miễn phí cho bệnh nhân, người nghèo, anh vẫn thường xuyên chở những chuyến hàng từ thiện từ nơi này đi nơi khác.

Tuy nhiên, nghĩa cử cao đẹp anh dành cho những hành khách có hoàn cảnh khó khăn hay ốm đau bệnh tật không phải lúc nào cũng được đón nhận, đôi khi lòng tốt còn bị hiểu nhầm. Anh kể lại với nụ cười hóm hỉnh: “Thời gian đầu, khi thấy những hành khách cần được giúp đỡ, mình đã ngỏ ý muốn chuyên chở họ một chuyến xe không tính phí. Họ còn không tin và nghĩ mình là kẻ lừa đảo, chỉ dùng chiêu trò để câu dụ khách. Nhưng cũng không ít người cảm động đến nơi nước mắt khi đón nhận tình cảm chân thành của mình”.

“Cách đây cũng mấy năm rồi, hôm đó khoảng 3 giờ sáng tôi đang từ nhà đi đến đầu hầm chui ở đường Đại Mỗ thì bắt gặp một đứa trẻ tầm 13 tuổi. Trên tay đứa bé xách theo một chiếc túi, dáng vẻ co ro sợ hãi. Hỏi ra thì được biết đứa trẻ này người dân tộc Mông, muốn ra bến xe Mỹ Đình để bắt xe về Mù Cang Chải (Yên Bái). Trong đầu tôi nảy ra nhiều nghi vấn về chiếc túi đứa bé mang theo, khi kiểm tra thì đúng thật ở bên trong có 1 điện thoại Iphone 5, 1 laptop và gần 20 bộ hồ sơ của nhân viên phục vụ nhà hàng. Gặng hỏi mãi mà đứa trẻ vẫn không chịu nói thật, tôi liền đưa về nhà. Sau khi cho cháu ăn, tôi phải nhờ cô em dâu cùng là người dân tộc Mông hỏi khéo, thằng bé mới chịu nhận là do nó lấy trộm. Rồi tôi gọi điện cho số điện thoại ghi trong hồ sơ rồi hẹn gặp trả lại tất cả đồ đạc. Còn đứa bé tôi đưa ra bến xe Mỹ Đình mua một vé xe để cháu về với gia đình. Mọi chuyện thế là được giải quyết êm xuôi”, anh Thuận kể lại một câu chuyện đã qua với tâm niệm “giúp người không cần trả ơn”.

Vượt qua quá khứ lỗi lầm

Qua cuộc trò chuyện, chúng tôi được biết gia đình anh Thuận cũng không khá giả gì. Vợ anh làm phụ hồ, con trai duy nhất năm nay 20 tuổi đang làm công nhân lắp đặt điện nước. Khi chúng tôi hỏi về duyên cớ vì sao anh làm xe ôm và lại nhận chở từ thiện trong khi hoàn cảnh của mình cũng còn nhiều thiếu thốn, anh trầm ngâm rồi thẳng thắn chia sẻ: “Ngày còn trẻ, tôi vốn ham chơi, lười làm nên sa chân vào con đường tù tội. Hơn 4 năm lĩnh án trong trại giam cũng là quãng thời gian khiến tôi có nhiều trăn trở. Ở đây, tiếp xúc với đủ mọi loại người, chứng kiến biết bao hoàn cảnh khổ đau khác khiến tôi có một mong ước rất mãnh liệt đó là được trở lại với cuộc sống cộng đồng, trở lại làm một người có ích cho xã hội”, anh Thuận chia sẻ.

Năm 2007, sau quãng thời gian vạ vật với đủ các thứ nghề, anh Thuận với chiếc xe cũ của gia đình ra đứng bến Mỹ Đình, bắt đầu cái nghề làm xe ôm. Anh Thuận cho biết, khi mới bắt đầu ra đứng bến, anh chỉ coi đây là công việc tạm thời trong lúc chờ đợi cơ hội từ những công việc khác. Sau nhiều lần giúp đỡ người nghèo, anh quen rồi thành ra yêu cái nghề này.

Hoàn cảnh không khá giả gì nhưng niềm an ủi động viên anh tiếp tục làm việc thiện chính là gia đình và người thân. Mỗi lần chở khách miễn phí, anh Thuận đều kể với vợ. Anh vui vẻ kể rằng mình rất chăm chỉ làm việc nhà từ dọn dẹp nhà cửa đến nấu ăn cho cả gia đình rồi rửa bát, quét nhà. “Số mình không giàu được, chỉ mong có sức khỏe để còn làm việc thiện, cộng thêm nữa là gia đình luôn ấm êm. Với mình vậy là mãn nguyện rồi”, anh Thuận cười hiền.

Chở khách về tận 30 Tết.

Đêm 30 Tết vừa qua, sau khi vừa trả xong chuyến hàng đêm, định bụng sẽ về nhà tắm rửa chuẩn bị đón giao thừa với gia đình thì anh Thuận thấy một nam thanh niên lỡ chuyến xe khách cuối cùng về quê đang loay hoay ở bến. Tiến lại hỏi, biết người khách là công nhân bị chủ “bùng” tiền không trả nên anh lại tình nguyện chở miễn phí người này về nhà cách bến xe gần trăm cây số. Khách đoàn viên, anh vội vã quay xe trở về để kịp sum vầy đón giao thừa cùng gia đình.

 

Ngọc Tuấn

Nguồn : http://giadinh.net.vn/xa-hoi/bac-xe-om-hon-10-nam-cho-nguoi-ngheo-mien-phi-20180403083941168.htm