Suy niệm Lời Chúa Chúa Nhật 4 Thường Niên C
Chúa Nhật tuần trước (3 TN C), sứ điệp phụng vụ tập chú vào việc “cử hành Lời Chúa”, đặt Lời Chúa làm tâm điểm của đức tin, là sức mạnh, là điểm tựa cho đời sống của dân Chúa chọn thời Cựu ước cũng như sinh hoạt của Hội Thánh Chúa Kitô thời Tân ước. Chúa Nhật hôm nay, phụng vụ tiếp tục khai triển nội dung nầy, nhưng muốn quy chiếu vào thái độ của con người đứng trước những thách đố của Lời Chúa và của ơn gọi ngôn sứ, ơn gọi mang Lời Chúa ra đi loan báo, làm chứng.
Thật vậy, như một “lời trấn an”, một sự “bảo đảm” và “hậu thuẩn vững vàng” cho sứ mệnh ngôn sứ, sứ mệnh nói Lời Thiên Chúa, trích đoạn sách ngôn sứ Giê-rê-mia trong Bài đọc 1 đã nhắc lại thật rõ ràng chính Lời của Thiên Chúa khi trao gởi sứ mệnh ngôn sứ :
“Ðừng run sợ trước mặt họ, vì Ta không làm cho ngươi kinh hãi trước mặt họ. Hôm nay Ta làm cho ngươi nên một thành trì vững chắc, một cậy cột bằng sắt, một vách thành bằng đồng trước mặt các vua Giuđa, các hoàng tử, các tư tế và dân chúng xứ này. Họ sẽ chiến đấu chống ngươi, nhưng họ không thắng được ngươi, vì Ta ở với ngươi để giải thoát ngươi”.
Và Thiên Chúa cũng khẳng định rõ : ơn gọi nầy, sứ mệnh nầy không là chuyện “ngẫu hứng”, hay đột xuất, bất ngờ để đối phó với một thực trạng mang tính thời sự, mà là một kế hoạch, một chương trình đã có tự đời đời trong ý định vĩnh cửu của Thiên Chúa :
“Trước khi Ta tạo thành ngươi trong lòng mẹ, Ta đã biết ngươi, và trước khi ngươi ra khỏi lòng mẹ, Ta đã hiến thánh ngươi. Ta đã đặt ngươi làm tiên tri trong các dân tộc.”
Hơn ai hết, chính Đức Kitô là người ý thức trọn vẹn và dấn thân hết mình cho ơn gọi và sứ mệnh nầy khi Ngài thân thưa với Chúa Cha ; “Nầy con xin đến để thực thi ý Ngài”, hoặc ở một nơi khác “Của ăn của ta là làm theo ý Đấng đã sai ta”.
Đối với loài người chúng ta thì không hẵn như thế.
Chúng ta thường “đón nhận Lời Chúa” theo ý của mình, phù hợp cho mình hoặc “có lợi” cho mình thay vì đón nhận Lời Chúa “như là của Chúa”.
Điều nầy đã được biểu hiện rõ nét trong câu chuyện diễn ra tại hội đường Na-da-rét mà Tin Mừng Luca tường thuật :
Vừa nghe Chúa công bố lời của Ngôn sứ I-sa-ia “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, sai tôi đem Tin Mừng cho người nghèo khó…” dân Na-da-rét liền phấn khởi “tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người”. Nhưng sau đó, khi nghe chính những Lời của Đấng là “Ngôn sứ trên mọi sứ ngôn” phán “Không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình…vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người phung hủi ở trong nước Ít-ra-en, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Sy-ri thôi”, thì “mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ”, đến độ muốn thủ tiêu Người bằng cách xô xuống núi.
Quả thật, đúng như lời tục ngữ : “Lời thật thì hay mất lòng”; Lời Chúa thường hay gây dị ứng là thế. Tin Mừng đã chẳng cho chúng ta thấy một thanh niên đạo đức giàu có, khi nghe Lời đề nghị : “về bán hết của cải, bố thí cho người nghèo, rồi đến theo Ta”, đã xịu mặt bỏ đi; hay ngay chính các môn đệ Chúa Giêsu, khi nghe bài giảng về “Bánh Hằng Sống” cũng đã càm ràm “Lời gì mà chói tai quá”, rồi cũng bỏ đi !
Không chỉ có dân Na-da-rét cách đây 2000 năm mới dị ứng với lời của Đức Kitô, mà gần như trong suốt chiều dài lịch sử con người, kể từ biến cố sa ngã của A-đam, E-va nơi vườn địa đàng, thái độ con người gần như muốn đi ngược với Lời Chúa, ý định của Thiên Chúa.
Xã hội con người hôm nay lại càng muốn quay lưng lại với Lời Chúa để chạy theo những đam mê và hạnh phúc trần tục. Những giá trị của Tin Mừng Bát Phúc đã gần như xa lạ và khó chấp nhận đối với nhiều người; lý tưởng sống theo Tin Mừng gần như bị xem thường, lãnh đạm, nhường chỗ cho lối sống thực dụng, hưởng thụ. Phải chăng đó chính là lý do của sự giảm sút ơn gọi tu trì trầm trọng trong các Hội Thánh Kitô hôm nay, nhất là trong thế giới Tây phương, trong các xã hội mà văn minh kỷ thuật, kinh tế phát triển đang ảnh hưởng.
Từ thái độ không “mặn mà” gì, hay tệ hại hơn, “quay lưng” lại với Lời Chúa đó, dĩ nhiên, việc mang Lời Chúa, loan báo Lời Chúa, hay chính xác, việc thực thi “sứ mệnh ngôn sứ” lại trở thành một “vấn nạn khó khăn”, một thách đố “chằng ăn trăn quấn”.
Cũng vậy, chuyện khó khăn nầy không chỉ mới hôm qua đây, mà đã xảy ra bao ngàn năm trước, như Mô-sê tìm cách thoái thác : “Con là ai mà dám đến với vua Pha-ra-ô…” (Xh 3,11), như Ê-li-a xin cho được chết “Lạy chúa, đủ rồi ! Bấy giờ xin Chúa lấy mạng con đi, vì con chẳng hơn gì cha ông con” (1 V 19,4), như Giê-rê-mi-a từ chối khéo : “Ôi lạy Đức Chúa là Chúa Thượng, con đây còn quá trẻ, con không biết ăn nói” (Gr 1,6), và đặc biệt như trường hợp Giô-na : Chúa bảo “mang Lời Chúa tuyên rao” ở đi Ni-ni-vê, ông ta đã trốn đi lối khác : “Ông Giô-na đứng dậy nhưng là là để trốn đi Tác-sít, tránh nhan Đức Chúa” (Gn 1,3).
Trong vấn đề nầy, chúng ta lại phải quay về với chính thái độ của Đức Kitô, Vị Đại Ngôn Sứ trên mọi ngôn sứ đã đón nhận sứ mệnh bất chấp mọi đắng cay, thử thách, cả đến mạng sống mình : “Xin đừng theo ý con một vâng theo ý Cha”; và đã thực thi sứ mệnh ngôn sứ cho đến khi nói lời hoàn tất trên Thập Giá : “Mọi sự đã hoàn tất…Con xin phó thác linh hồn trong tay Cha” !
Và cũng từ “điểm xuất phát Thập Giá” đó, suốt 2000 năm nay, trên muôn nẻo đường thế giới, đã có không ít những con người chấp nhận “phiêu lưu với sứ mệnh ngôn sứ đầy oan nghiệt” nầy. Tiếp theo cuộc tử đạo đầu tiên của Kitô giáo, thầy phó tế Stêphanô, sau đó là các Tông Đồ Giacôbê, Phêrô, Phaolô…cho đến vị thánh Giám Mục gần đây, Rômêrô, cùng với bao chứng nhân kiên cường khác, trong đó có vị Á Thánh trẻ Anrê Phú Yên của Việt Nam, đã tô thêm nét đẹp và oai hùng cho “sắc áo màu cờ” của “đạo quân ngôn sứ”, của hàng hàng lớp lớp những người mang Lời Chúa đi rao giảng trên những nẻo đường thế giới hôm qua và hôm nay.
Có lẽ nhiều người sẽ tự hỏi : lý do nào, động lực nào…đã khiến những con người đó, những chứng nhân đó, hay cả chính Chúa Giêsu, đã dấn trọn vẹn, hết mình cho Lời Chúa, cho sứ mệnh ngôn sứ ?
Câu trả lời đã có sẵn trong trích đoạn thư Cô-rin-tô của Thánh Phaolô trong Bài đọc 2 hôm nay :
“Giả như tôi nói được các thứ tiếng của loài người, và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm chọe xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì…” (1Cr 13,1-2)
Đúng vậy, chính sức mạnh của “Đức Ái”, sức thuyết phục của “Tình Yêu” chính là động lực, là điểm tựa, là đòn bẩy để các tông đồ, các thế hệ chứng nhân ra đi thi hành sứ mệnh ngôn sứ, loan báo Lời Chúa, chia sẻ tình yêu cứu độ cho con người.
Nếu thiếu vắng tình yêu, Đức ái, thì hoạt động tông đồ của Hội Thánh chỉ là sự tuyên truyền mị dân, giống như các hệ thống chính trị, xã hội phàm tục.
Cũng đừng quên : yếu tố “Đức Ái” không chỉ thích hợp cho hoạt động ngôn sứ thôi đâu, nhưng còn là kim chỉ nam, là sự sống, là linh hồn cho mọi chiều kích đức tin, sống đạo của người Kitô hữu muôn nơi muôn thuở.
Gia đình mà thiếu Đức Ái sẽ tan vỡ; hôn nhân thiếu Đức Ái sẽ ly tan; giáo xứ, hội dòng, linh mục, tu sĩ, tông đồ giáo dân…mà thiếu Đức Ái sẽ chẳng làm được chuyện gì…và cả Hội Thánh mà thiếu Đức Ái, sẽ bị thế giới, con người tẩy chay, và giáo lý Tin Mừng sẽ bị “vứt vào sọt rác”…
Như vậy, sứ điệp phụng vụ của Chúa Nhật hôm nay (Chúa Nhật cuối cùng của năm Mậu Tuất) gọi mời chúng ta mở lòng đón nhận Lời Chúa và can đảm mang Lời Chúa ra đi thực thi sứ mệnh ngôn sứ bằng tất cả tình yêu – tình yêu dành cho Thiên Chúa và cho con người.
Nói cách khác, cuộc đời của người Kitô hữu chính là một bài ca được dệt bằng “những nốt nhạc của Lời Chúa và mang giai điệu tình yêu” để không ngừng vang lên như lời đáp vịnh ca của Thánh vịnh 70 :
“Miệng con sẽ loan truyền sự Chúa công minh, và suốt ngày kể ra ơn Ngài giúp đỡ. Lạy Chúa, Chúa đã dạy con từ hồi niên thiếu, và tới bây giờ con còn kể (ra) những sự lạ của Ngài.”
LM. Giuse Trương Đình Hiền