Cảm nhận đức tin, Chia sẻ Lời Chúa, Tài liệu Phụng Vụ

CHIẾC THUYỀN BÉ BỎNG VÀ MẺ CÁ DIỆU KỲ

(Chúa Nhật 5 TN C 2022)

            Khi nghe các trích đoạn Lời Chúa được công bố hôm nay, Chúa Nhật 5 thường niên, chu kỳ năm C, chúng ta có cảm giác đây là Chúa Nhật Truyền Giáo; cho dù liên tiếp các Chúa Nhật trước đó, Lời Chúa đã phần nào giới thiệu các hoạt động của Chúa Giêsu trong giai đoạn khai mạc cuộc đời công khai !

            Thật vậy, toàn thể cả ba Bài đọc hôm nay gần như đều quy hướng về ơn gọi và sứ mệnh truyền giáo, loan báo Lời Chúa, loan báo Tin Mừng.

            Trước hết, ngay từ Bài đọc 1, trích đoạn sách ngôn sứ Isaia đã cho chúng ta thấy hai điểm quan trọng liên quan đến sứ vụ ngôn sứ, sứ mệnh loan báo Lời Chúa: Thiên Chúa chọn lựa, thánh hóa kẻ được sai đi loan báo Lời và thái độ sẵn sàng đáp trả của người được chọn: Thần Sốt Mến bay đến tôi, tay cầm cục than cháy đỏ mà ngài đã dùng cặp lửa gắp ở bàn thờ. Ngài đặt than lửa vào miệng tôi và nói: “Hãy nhìn xem, than lửa này đã chạm đến lưỡi ngươi, lỗi của ngươi được xoá bỏ, và tội của ngươi được thứ tha”. Và tôi nghe tiếng Chúa phán bảo: “Ta sẽ sai ai đi? Và ai sẽ đi cho chúng ta?” Tôi liền thưa: “Này con đây, xin hãy sai con”.

            Thứ đến, Bài đọc hai với trích đoạn thư thứ nhất gởi giáo đoàn Côrintô, Thánh Phaolô nhắc đi nhắc lại nhiều lần các từ mà nội hàm chất chứa đầy ý nghĩa truyền giáo: “rao giảng”, “rao truyền”, “Tin Mừng”. “tông đồ”…: “… tôi xin nhắc lại cho anh em Tin Mừng mà tôi đã rao giảng cho anh em,… Tôi đã rao truyền cho anh em trước tiên điều mà chính tôi đã nhận lãnh… Tôi vốn là kẻ hèn mọn nhất trong các tông đồ, và không xứng đáng được gọi là tông đồ,… chúng tôi đều rao giảng như thế cả…”

            Trong khi đó, trích đoạn Tin Mừng Luca lại là một bức tranh sống động, một mô tả cụ thể công cuộc rao giảng Tin Mừng của Đức Kitô và việc Ngài chọn lựa, sai các môn sinh tiếp tục thực hiện sứ mệnh truyền giáo của Ngài: Người xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simon, và Người xin ông đưa ra khỏi bờ một chút. Rồi Người ngồi trên thuyền, giảng dạy dân chúng….“Đừng sợ hãi: từ đây con sẽ là kẻ chinh phục người ta”. Bấy giờ các ông đưa thuyền vào bờ, và đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người…; và rất đặc biệt, chính Chúa Giêsu đã sử dụng bốn hình ảnh gợi hình sinh động “đẩy thuyền, chỗ nước sâu, thả lưới, bắt cá” để chuyển tải những ý nghĩa thâm thúy liên quan đến sứ mệnh đặc biệt nầy: “Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu, và thả lưới bắt cá”.

            “Bối cảnh tổng quan” của sứ điệp Lời Chúa là như thế, nhưng các bài học mà chúng ta có thể “chiết xuất” ra từ đó để áp dụng cho chính mình, cho cộng đoàn mình, cho Giáo hội mình thì phải nói là đa diện và phong phú. Ở đây hôm nay, chỉ xin dừng lại nơi 3 điểm nhấn qua ba nhân vật tiêu biểu được nhắc đến cách đặc biệt qua các trích đoạn Lời Chúa trên: Isaia, Phaolô, Phêrô.

            Trước hết, ngôn sứ Isaia đã tự thuật về chính ơn gọi tiên tri của mình qua một thị kiến mà thời điểm được ngài xác định là thời vua Ozias băng hà, tức khoảng năm 740 trước Chúa Cứu Thế; một thời điểm mà toàn dân tộc Israel đang hoang mang, lo sợ trước sự đe dọa của đế quốc Assyria phương bắc. Qua khải thị nầy, Chúa muốn biểu lộ uy quyền vì sự hiện diện và đồng hành của Ngài để củng cố niềm tin cho Dân Chúa tôi nhìn thấy Chúa ngự trên ngai cao, và đuôi áo của Người bao phủ đền thờ. Các Thần Sốt Mến đứng trước mặt Người, và luân phiên tung hô rằng: “Thánh, Thánh, Thánh! Chúa là Thiên Chúa các đạo binh, toàn thể địa cầu đầy vinh quang Chúa”; và kẻ được chọn để loan “Tin Vui” đó, để dân biết “phân định” đúng là chọn lựa đứng về phía Thiên Chúa thay vì những giải pháp trần tục chính là Isaia. Nhưng trước sự chọn lựa nầy Isaia đã khiêm hạ tự nhận mình là kẻ bất xứng: “Vô phúc cho tôi! Tôi chết mất, vì lưỡi tôi nhơ bẩn, tôi ở giữa một dân tộc mà lưỡi họ đều nhơ nhớp, mắt tôi đã trông thấy Đức Vua, Người là Chúa các đạo binh”. Và rồi, chinh Thiên Chúa đã ra tay can thiệp: Ngài đã sai thiên thần dùng than hồng thanh tẩy miệng lưỡi và Isaia đã đáp trả: Và tôi nghe tiếng Chúa phán bảo: “Ta sẽ sai ai đi? Và ai sẽ đi cho chúng ta?” Tôi liền thưa: “Này con đây, xin hãy sai con”.

            Hành trình ơn gọi ngôn sứ, ơn gọi Tông đồ luôn là như thế. Mục tiêu chính là loan báo sứ điệp cứu độ của Thiên Chúa và kẻ được chọn cho sứ vụ nầy phải được chính Chúa kêu gọi, thánh hóa; và là người biết khiêm hạ nhìn nhận sứ khiếm khuyết, yếu hèn để đáp trả trong sự vâng phục.

Điều nầy, chúng ta lại gặp cách cụ thể qua ơn gọi và sứ mệnh Tông Đồ của thánh Phaolô mà ngài đã tường thuật khái quát qua trích đoạn thư Côrinto: “vì tôi đã bắt bớ Hội Thánh của Thiên Chúa. Nhưng nay tôi là người thế nào, là nhờ ơn của Thiên Chúa, và ơn của Người không vô ích nơi tôi, nhưng tôi đã chịu khó nhọc nhiều hơn tất cả các Đấng: song không phải tôi, nhưng là ơn của Thiên Chúa ở với tôi. Dù tôi, dù là các Đấng, chúng tôi đều rao giảng như thế cả, và anh em cũng đã tin như vậy”. Ơn gọi tông đồ của Phaolô đã không bắt đầu cách trang trọng nơi đền thờ như Isaia mà lại xảy ra ngay trên đường Damas khi Phaolô đang bắt bớ Hội Thánh của Thiên Chúa. Thế nhưng chính vị “Tông đồ sinh non” và “mạt hạng” nầy lại mang về Thiên Chúa và Hội Thánh những thành quả vĩ đại.

Và cao điểm hay trọng tâm của “câu chuyện truyền giáo, tông đồ, rao giảng…” hôm nay lại xoay quanh “chiếc thuyền của Phêrô” hay với câu Tin Mừng ngắn ngủi nầy của thánh sử Luca: “Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu, và thả lưới bắt cá”. Như vậy, chúng ta có thể nói được rằng: câu chuyện truyền giáo và ơn gọi tông đồ đã mở ra một chiều kích mới vừa “thật” hơn, “gần gũi” hơn; nhưng cũng bao la, vĩ đại hơn. Thật hơn, vì Thiên Chúa, Đấng là chủ của mọi công cuộc truyền giáo, là Đấng sai đi, đã không còn hiện diện cách oai phong lẫm liệt giữa các triều thần thánh trên trời như câu chuyện ơn gọi của Isaia; hay quyền uy bí nhiệm nơi cuộc “trở lại của Phaolô” trên đường Damas; mà là một Thiên Chúa nhập thể dấn thân vào đời, đồng hành với nhân loại như cách khắc họa tài tình của Tin mừng Luca: Người xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simon, và Người xin ông đưa ra khỏi bờ một chút. Rồi Người ngồi trên thuyền, giảng dạy dân chúng. Và Simon, kẻ là chủ của chiếc thuyền đó, nào có phải một kẻ tốt lành, một người tiếng tăm, học thức gì đâu, mà là một người tội lỗi như chính ngài tự nhận: Thấy thế, ông Simon sụp lạy dưới chân Chúa Giêsu và thưa Người rằng: “Lạy Chúa, xin Chúa hãy tránh xa con, vì con là người tội lỗi”.

            Vâng, Hội Thánh hôm nay, “chiếc thuyền Phêrô hôm nay” cũng bao gồm toàn “những người tội lỗi như thế” ! Chân lý nầy sẽ nhắc nhở cho những ai đang ảo tưởng rằng “Hội Thánh phải gồm toàn những thánh nhân” và củng cố niềm tin cho những ai đang thất vọng ngã lòng trước bao nhiêu tội lỗi, gương mù gương xấu đang xảy ra hằng ngày giữa cộng đoàn Giáo Hội.

            Thế nhưng, chiều kích “thật” và “gần gũi” đó lại mở ra một chân trời vĩ đại bao la của thế giới, một thế giới như một đại dương mênh mông mà hình ảnh “chỗ nước sâu” là một biểu tượng đầy ý nghĩa ! Vâng, công cuộc truyền giáo luôn đòi hỏi một cuộc “đẩy thuyền tra chỗ nước sâu”, một cuộc lên đường, xông pha mà theo ngôn ngữ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong tông huấn Niềm vui Tin Mừng đó là “vùng ngoại vi”: “Mỗi Kitô hữu và mỗi cộng đoàn phải nhận ra con đường mà Chúa chỉ cho, nhưng tất cả chúng ta phải vâng theo tiếng gọi của Ngài là ra đi từ vùng đất tiện nghi của mình để đến với mọi vùng “ngoại vi” đang cần ánh sáng Tin Mừng.” (Số 20). Mà “chỗ nước sâu” hay “vùng ngoại vi” đều có chung một hứa hẹn dành cho người “chài lưới người”, cho các tông đồ… đó là sự thử thách, hiểm nguy, bầm dập và cả cái chết, như cảm nhận của chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng trong Niềm vui Tin Mừng: “Tôi thà có một Hội Thánh bị bầm dập, mang thương tích và nhơ nhuốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội Thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình. Tôi không muốn một Hội Thánh chỉ lo đặt mình vào trung tâm để rốt cuộc bị mắc kẹt trong một mạng lưới các nỗi ám ảnh và các thủ tục.” (Số 49).

Phải chăng, chính trong ý nghĩa nầy, mà Giáo Hội Việt Nam, Cộng đoàn tu sĩ Đa Minh, thanh thản bình an khi đón nhận cái chết tàn khốc vào chiều cuối năm Tân Sửu vừa qua của một vị linh mục tu sĩ trẻ, cha Giuse Trần Ngọc Thanh, đang truyền giáo tại vùng anh em dân tộc thuộc giáo phận Kontum. Vâng, nếu cha Thanh chọn ở lại môi trường thành phố hoa lệ Sài Gòn, có lẽ cha đã có một cái Tết ấm êm hạnh phúc bên gia đình với những người thân; nhưng vì cha đã chọn “chỗ nước sâu”, “vùng ngoại vi” Kontum nên cha đã có một “lễ dâng tuyệt vời” của đời dâng hiến, một “cái Tết vĩ đại hơn, cao cả hơn”, hạnh phúc viên mãn hơn”, cái Tết trên quê trời hằng sống.

Như vậy, sứ điệp lời Chúa của Chúa Nhật đầu tiên năm Nhâm Dần 2022 gọi mời toàn thể Hội Thánh, mỗi người chúng ta cùng “khăn gói lên đường”, cùng “đẩy thuyền ra chỗ nước sâu”, cho dù thân phận có như một “Isaia miệng lưỡi nhơ bẩn”, một “Phaolô kẻ sinh non” hay “Phêrô ngập tràn tội lỗi”. Chúa có trăm phương ngàn cách để biến những tấm lưới tầm thường, chiếc thuyền bé bỏng hay những tay chài lưới khiếm khuyết để làm nên một “mẻ cá diệu kỳ” ! Cứ yên tâm và mạnh dạn lặp lại lời của ngôn sứ Isaia: “Này con đây, xin hãy sai con”. Amen.

Trương Đình Hiền