Chia sẻ Lời Chúa, Gương chứng tá, Tài liệu Phụng Vụ

CHỨNG NHÂN VÀ “3 NẺO ANH HÙNG”

(Lễ Thánh Anrê Kim Thông – 15.7.2020)

Ngày thứ Sáu hàng tuần, đặc biệt vào Mùa Chay, dân Công Giáo chúng ta thường cử hành một việc đạo đức rất truyền thống đó là “Gẫm Đàng Thánh Giá”, hay là suy niệm “Con đường khổ nạn của Chúa Giêsu” (Via Dolorosa). Con đường nầy bắt đầu từ Dinh trấn thủ Philatô và kết thúc nơi đồi Sọ (Golgota). Con đường nầy không dài lắm, chỉ loanh quanh qua mấy khu phố của thành Giêrusalem, nhưng lại đầy máu và nước mắt….

            Mười chín thế kỷ sau, năm 1855, có một con đường khổ nạn khác: Vị Trùm Cả của chúng ta, Anrê Kim Thông, với cái tuổi đã 65 tuổi, cổ mang gông, chân đeo xiềng, ngày đêm cuốc bộ trên con đường dài thăm thẳm, trên dưới 700 cây số từ  khám đường Bình Định tới Định Tường (Mỹ Tho); và ngài đã trút hơi thở cuối cùng khi vừa đặt chân lên “Núi Sọ của cuộc lưu đày” vào ngày 15.7.1855.  

            Con đường lưu đày của Thánh Trùm Cả chắc chắn là không “đẹp” như “con đường Giải phóng miền nam” của nhà thơ Tố Hữu:

Đường ta đi đẹp vô cùng,

Ngàn năm luyện bước anh hùng từ đây…

            Nhưng chắc chắn, con đường đó, không chỉ đã “luyện bước anh hùng”, mà đã làm cho Vị Trùm Cả của chúng ta trở thành anh hùng thực sự của đức tin, anh hùng của đời sống chứng nhân cho tình yêu Chúa Kitô và Hội Thánh.

            Dưới ánh sáng soi dẫn của Lời Chúa vừa được công bố, chúng ta có thể tìm thấy những “giá trị anh hùng” của Vị Chứng Nhân qua 3 chiều kích sau:

– Trước hết, Vị Trùm Cả của chúng ta là một “anh hùng đức tin” khi can đảm thực thi Thánh ý Chúa.

            Thật vậy, chúng ta có thể nói được rằng, mọi cuộc tử đạo: từ những cuộc tử đạo của các chứng nhân ngày xưa trong Cựu ước, đến cuộc tử đạo của Đức Kitô, các Tông Đồ và đông đảo những chứng nhân “đến từ đau khổ lớn lao, mặc áo trắng tinh, cầm cành vạn tuế”…đều có một điểm chung “anh hùng” là trung thành theo Thánh ý Chúa, mà nếu được diễn tả theo ngôn ngữ của Thánh Anrê Kim Thông, khi ngài khuyên can con cháu đừng vận động giảm án cho ngài, thì đó chính là: “Các con cứ để thánh ý Chúa được thể hiện”.

            Dĩ nhiên, Thánh ý Chúa ở đây chính là Lề Luật của Chúa. Câu chuyện tử đạo của cụ già Êlêazarô mà sách Macabêô tường thuật nơi Bài đọc 1 đã nói lên tất cả ý nghĩa của sự chọn lựa nầy: “Bởi thế nếu giờ đây tôi can đảm từ giã cuộc đời, tôi sẽ tỏ ra xứng đáng với tuổi già của tôi; tôi sẽ để lại cho các thiếu niên một tấm gương cao đẹp, nếu tôi tự ý và anh dũng chết cho các lề luật đáng kính, và thánh thiện của chúng tôi”.

            Thế giới ngày hôm nay đang bị cám dỗ quay lưng lại Lề Luật Chúa. Hôm 27.6 vừa qua tại Mỹ, những người biểu tình thuộc phong trào BLM (Black Lives Matter) đã phá đổ bia đá Mười Điều Răn trước Toà Án thành phố Montana, một thái độ nói lên việc muốn loại trừ Luật Chúa khỏi cuộc sống, khỏi xã hội…

            Thật vậy, ngày hôm nay, người ta quá dễ dàng tìm kiếm sự thoả hiệp với thế gian để tránh né phải trung thành với Lề Luật Thánh của Thiên Chúa, của Giáo Hội ; người ta sẵn sàng “đạp lên” thánh ý Chúa để tự do hận thù, khủng bố, phá thai, ly dị, bỏ ngày Chúa Nhật, bỏ xưng tội chịu lễ, xem thường các giá trị luân lý, đạo đức ngàn đời của Giáo Hội…

            Trong khi đó, ma quỷ và thế gian vẫn đưa ra trăm phương ngàn cách dưới cái bẫy “giả vờ”: “giả vờ ăn thịt heo” đối với cụ già Êlêazarô hay “giả vờ bước qua thập giá rồi đi xưng tội” đối với cụ già Anrê Kim Thông đều có chung mục đích: lôi kéo con người “uống một thứ thạch tín của thoả hiệp”, một thứ “thuốc độc bọc đường của cái tôi ích kỷ”… để tìm kiếm ý riêng mình và chà đạp lên Thánh ý của Thiên Chúa.

            Chúng ta tạ ơn Chúa, Thánh Trùm Cả Anrê Kim Thông của chúng ta, đã khôn ngoan khước từ cái thứ “thạch tín chết người đó”[1] để trung thành với Thập Giá Đức Kitô, một sự trung thành mà Hội Thánh đã ghi nhận và tóm tắt qua “hai tuyên ngôn” được chọn làm Điệp Ca thánh vịnh cho ngày lễ trọng kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam – 24.11: Điệp ca Thánh vịnh thứ 3 của Kinh Chiều nhất: “THÁNH KIM THÔNG ĐÁP LẠI QUAN TỈNH RẰNG: “THÁNH GIÁ TÔI KÍNH THỜ, TÔI GIẪM LÊN SAO ĐƯỢC”; và Điệp ca thánh vịnh 1 của Kinh Chiều Hai: “TÔI THÀ BỊ LƯU ĐÀY VÀ PHẢI CHẾT VÌ CHÚA, CHỨ TÔI KHÔNG CHỐI ĐẠO”.

            Tấm bia lề luật bằng đá ở Montana có thể bị những quân vô đạo đập nát; cũng vậy, “tấm bia thân xác” của Vị Trùm Cả Anrê Kim Thông có thể bị vùi dập dưới gông cùm, tù tội của bách hại, nhưng những Lề Luật được khắc ghi trong tâm hồn, trong trái tim của cụ đã biến cụ trở nên tượng đài anh hùng sống mãi với thời gian.

Thứ đến, Vị Trùm Cả của chúng ta là một “anh hùng đức tin” khi chấp nhận thuộc về Đức Kitô.

            Vào thời bách hại, không phải chỉ tại Việt nam mà bất cứ nơi đâu trên thế giới, để thuộc trọn về Đức Kitô và mãi mãi giữ được danh hiệu Kitô hữu cách trung thành và trọn hảo chắc chắn phải dẫn đến tử đạo. Đây chính là điều mà Đức Kitô đã từng báo trước cho các môn đệ, như Tin Mừng Matthêô chúng ta vừa nghe công bố: “Các con hãy coi chừng người đời vì họ sẽ nộp các con cho công nghị, và sẽ đánh đập các con nơi hội đường của họ. Các con sẽ bị điệu đến nhà cầm quyền và vua chúa vì Thầy, để làm chứng cho họ và cho dân ngoại được biết”…            

            Thật ra, giá trị anh hùng của của các chứng nhân đức tin không phải là “cái chết”, đích điểm không là “tử đạo”, mà chính là TÌNH YÊU, như chính Thánh Phaolô khẳng quyết: “Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi.” (1 Cr 13,3).

            Vâng, ý nghĩa của lựa chọn con đường “MARTIRIO” (CHỨNG NHÂN), nơi những thế hệ Kitô hữu ban đầu, hay cho đến mãi ngàn sau, đó chính là tình yêu thuộc trọn về Chúa Kitô, vì Tin Mừng. Chính vì thế, cái chết của các Chứng Nhân anh hùng tử đạo hoàn toàn khác cái chết của các anh hùng cách mạng, anh hùng khủng bố. Cái chết của những người thuộc về Chúa Kitô luôn mang theo nét đẹp của tình yêu, khoan dung, tha thứ. Đức Thánh Cha Phanxicô trong bài giảng ngày 28.06.2017 đã chú giải về sự khác nhau của hai loại “cái chết” đó bằng những từ ngữ: Các kitô hữu ghê tởm tư tưởng các người “đánh bom tự sát” được gọi là “tử đạo”: không có gì trong mục đích của nó có thể được để gần với thái độ của các con cái của Thiên Chúa.”[2]

            Vị Trùm Cả Kim Thông chỉ cần đơn sơ phủ nhận mình là Kitô hữu, mình không liên hệ gì đến ông Kitô và cái đạo mang tên ấy, chắc chắn cụ đã có một cuộc đời an nhàn hạnh phúc, đâu phải tội tù, lưu đày, và chết khổ nhục nơi đất khách quê người ! Quả thật, nhìn lại con đường mà Hội Thánh đã trải qua suốt 2000 năm, biết bao máu xương và nước mắt của các chứng nhân tử đạo trải đầy trên con đường đó, chỉ với một lý do duy nhất: thuộc về Đức Kitô, là Kitô hữu, như lời chứng chắc nịch của Thánh Tử Đạo Phaolô Hạnh: “Kitô hữu cho đến chết” !

            Đây là một lựa chọn mà chắc chắn chắn chỉ có thể cắt nghĩa được nhờ ân sủng của Thiên Chúa, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã xác nhận trong tông huấn kêu gọi nên thánh (Gaudete et Exsultate): “Đó là điều mà con người không hiểu được theo lẽ tự nhiên, và thế gian cười nhạo kiểu quan niệm như thế. Nhưng đây là một ân sủng chúng ta cần cầu xin: “Lạy Chúa, khi con bị sỉ nhục, , xin giúp con cảm thấy rằng con đang bước theo dấu chân của Chúa” (120).

            Ngày hôm nay, hình như cái danh hiệu và phẩm giá Kitô hữu không còn cao cả, quý giá nơi nhiều người đã từng thuộc về Chúa Kitô qua bí tích Rửa Tội. Cuộc tử đạo oai hùng của Thánh Trùm Cả Anrê Kim Thông lại một lần gọi mời chúng ta ý thức lại phẩm giá Kitô hữu cao quý của mình và can đảm làm cho phẩm giá đó, danh hiệu đó, càng ngày càng rực sáng lên, qua việc thực hành sống đạo trung kiên, sốt sắng, nhiệt thành.

– Cuối cùng, Vị Trùm Cả của chúng ta là một “anh hùng đức tin” khi trung thành yêu mến Chúa Kitô và Hội Thánh Người.

            Là một hương chức uy tín và đầy công trạng với đồng bào địa phương không phân biệt lương giáo, đã từng được ban sắc phong “Cần Nông” của vua Tự Đức do tài khẩn hoang lập ấp, cứu giúp nhiều người an cư lập nghiệp, tạo sự hoà giải kết đoàn…., Thánh Trùm Cả còn là một giáo dân nhiệt thành đạo hạnh, một gia trưởng gương mẫu đạo đức…, nhất là một người “giúp việc nhà Chúa, điều hành mục vụ giáo phận cách khôn ngoan, hiệu quả”, nên đã được Thánh Giám Mục Stêphanô Cuénot cắt đặt làm “Trùm Cả Bình Định”. Với chức danh đặc biệt nầy, Thánh Kim Thông chính là gương mặt sáng chói và đầy hiệu năng trong sứ mệnh Tông Đồ Giáo Dân của thời bách hại đầy khó khăn, thử thách, một cuộc đời đã sáng lên qua chính những kinh nghiệm mà Thánh Phaolô đã trải qua, như được kể lại trong thư gởi giáo đoàn Rôma: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?…Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta….Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô, Chúa chúng ta”.

            Vâng, anh hùng của đức tin chính là đó, là tình yêu son sắt nhiệt thành, được chắt chiu bằng từ những chi tiết nhỏ của phục vụ cho đến một tình yêu lớn khi hy sinh chính thân mình.

            Hôm nay, trong ngày kỷ niệm 165 năm sinh nhật trên trời của Thánh Trùm Cả Anrê Kim Thông, chúng ta một lần nữa được gọi mời chiêm ngắm một tượng đài, một cây đại thụ trong “khu vườn 400 năm” của Giáo Phận. Trong giây phút nầy, tôi chợt nhớ mấy câu hát trong bài “MỘT ĐỜI NGƯỜI MỘT RỪNG CÂY” của nhạc sĩ Trần Long Ẩn:

Cây đã mọc từ thuở nào

Trên đồi núi thật cằn khô

Cây có hiểu vì sao

Chim thường kéo về làm tổ

Và em như cụm lan mọc

Từ những cành cổ thụ già kia.

            Vâng, một cách nào đó, chúng ta ở đây, Giám mục, linh mục, chủng sinh, tu sĩ, chức việc, giáo dân…tất cả đều là những “cụm lan mọc từ những cành cổ thụ già kia”, từ những cây đại thụ như Anrê Kim Thông, Cuénot, Gagelin, Phaolô Châu…cùng bao nhiêu chứng nhân tử đạo khác. Chúng ta là thế hệ cháu con của các vị Tử Đạo, không thể chấp nhận “sống cuộc đời nhỏ nhoi”. Noi gương các Ngài sống anh hùng khi trung thành chọn Thánh ý Chúa, Luật Chúa, trung thành thuộc về Đức Kitô, trung thành với căn cước Kitô hữu, và trung thành yêu mến Chúa Kitô và Hội Thánh.

            Riêng các anh chị em chức việc, trong ngày mừng vị thánh Bổn mạng hôm nay, chút nữa đây khi ra về, xin anh chị em đừng quên mang theo chính lời di chúc của Thánh Anrê Kim Thông dành cho con cháu của ngài, cũng là dành cho tất cả chúng ta: “cứ để thánh ý Chúa được thể hiện.” Amen.

           

Trương Đình Hiền

[1] Thánh Anrê Kim Thông đã trả lời cách khôn ngoan với lời dụ dỗ “cứ bước qua thánh giá đi…rồi đi xưng tội là xong” của quan tỉnh: “Thạch tín là thuốc độc, uống vào thì chết, nhưng cũng có thuốc giải. Tuy nhiên, không ai liều lĩnh uống thạch tín bao giờ. Việc chối đạo cũng thế. Tôi nhất định dù có chết cũng không bỏ đạo”. (Theo tài liệu “CẨM NANG NĂM THÁNH GIÁO PHẬN QUI NHƠN 2017-2018, TOÀ GIÁM MỤC QUI NHƠN, TRANG 41).

[2] LINH TIẾN KHẢI. Kitô hữu là những người noi gương Chúa Giêsu đi ngược dòng đời. Nguồn: Đài Vatican.