Cảm nhận đức tin, Chia sẻ Lời Chúa, Tài liệu Phụng Vụ

NGƯỜI GIEO GIỐNG HÔM NAY TRÊN THỬA RUỘNG NƯỚC TRỜI

(Chúa Nhật 16 TN A 2020)

Khi đứng trước những tai ương hoạn nạn ụp xuống trên cuộc sống vốn dĩ rất yên bình hạnh phúc, ông Gióp đã có những lời than thân trách phận thật bi thương: “Phải chi đừng xuất hiện ngày tôi đã chào đời, cũng như đêm đã báo: ‘Đứa con trong bụng mẹ là một nam nhi!’… Sao tôi không chết đi lúc vừa mới chào đời, không tắt thở ngay khi lọt lòng mẹ?” (G 3,3.11).        Sau nầy, năm 1952, một nhà văn Nam Phi – Gerald Gordon (1909-1998) đã dùng những từ đầu của câu 3 chương 3 sách Gióp trên làm tựa đề cho cuốn tiểu thuyết luận đề chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid: cuốn “LET THE DAY PERISH” (HÃY ĐỂ NGÀY ẤY LỤI TÀN)[1] mà nội dung là thân phận bi đát và tiếng kêu não nùng của người da đen được khắc hoạ nơi nhân vật Steve…

            Sở dĩ nhắc đến “câu chuyện liên quan đến nỗi bi đát của ông Gióp” là muốn liên tưởng tới hiện trạng của “cánh đồng thế giới hôm nay” cũng đầy ắp những lầm than, bi đát, oan khúc não nề…Thật vậy, trong khi cơn đại dịch Covid-19 vẫn đang gieo rắc nỗi kinh hoàng của chết chóc dịch bệnh khắp nơi, thì thiên tai: lũ lụt, động đất, cuồng phong…, hay nhân tai: chiến tranh, hận thù tôn giáo, chủng tộc, bạo lực, khủng bố dưới mọi hình thức… cũng liên tục ập đến mọi miền từ Á sang Âu, từ Đông sang Tây…

            Đứng trước một thế giới đầy những “gam màu tối om” như thế, không ít người bỗng xuyến xao trăn trở: Chúa ở đâu ? Sao Chúa im lặng ? Bao giờ mới hiện thực Nước Chúa, Vương quốc của thái bình thịnh trị ?…Sứ điệp Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay muốn giới thiệu cho chúng ta một cách nhìn thế giới của Tin Mừng, của chính Chúa Giêsu, để từ đó lựa chọn một cách sống, cách hành xử thích hợp và đúng đắn.

            Quả thật, mầu nhiệm “Nước Chúa” mà Đức Giêsu đã từng giới thiệu và công bố đã xuất hiện từ 2000 năm trước xem ra vẫn còn mịt mờ chân mây, đòi hỏi phải kiên nhẫn đợi chờ ! Phải chăng, đó cũng chính là dụng ý của Chúa Giêsu khi dạy về mầu nhiệm Nước Chúa qua các Dụ ngôn “Lúa tốt và cỏ lùng”, “Hạt cải trong ruộng”, “Men trong bột” mà Tin Mừng mới vừa công bố.

            Thật vậy, nếu Chúa Nhật tuần trước, hình ảnh “Người Gieo Giống” bất chấp nắng nôi sỏi đá, gai góc phủ đầy giăng mắc khắp nơi, vẫn tung gieo hạt giống Lời Chúa trên khắp cánh đòng trần gian và nắm chắc một mùa bội thu ở cuối trời hy vọng. Thì Lời Chúa của Chúa Nhật hôm nay, lại khắc họa một “Người Gieo Giống” nhẫn nại, bao dung, sẵn sàng đối mặt, và nhiều khi, chấp nhận sánh bước với những “cỏ lùng” tai ác hiện diện tràn lan trong “Thửa ruộng Nước Trời”, sẵn sàng chờ đợi để mở những con đường sao cho “cỏ lùng bật gốc” để chỉ còn lại những cây lúa tốt tươi. Nếu không như thế, thì cũng phải đợi cho đến phút tận cùng mới thực thi án xử công minh rạch ròi: lúa tốt thì vào kho và cỏ lùng thì vô lửa…

            Xem ra, sự nhẫn nhục, đợi chờ…lại chính là con đường, là “chiến lược” mà Thiên Chúa, Đấng được mệnh danh là từ bi, nhân hậu, chậm bất bình, rất mực khoan dung” (Tv 85,15) đã lựa chọn để thực hiện chương trình cứu độ của Ngài, như sách Khôn Ngoan (Bđ 1) đã xác nhận: Vì là chủ sức mạnh, nên Chúa xét xử hiền lành, Chúa thống trị chúng ta với đầy lòng khoan dung: vì khi Chúa muốn, mọi quyền hành tuân lệnh Người. Khi hành động như thế, Người dạy dỗ dân Người rằng: Người công chính phải ăn ở nhân đạo, và Người làm cho con cái Người đầy hy vọng rằng: Người ban cho kẻ tội lỗi ơn ăn năn sám hối.”

            Vâng, Thiên Chúa đã tiêu diệt Sôđôma, sau khi đã sẵn sàng đợi chờ cuộc mặc cả của Abraham tìm cho được 10 người lành mà cũng chẳng có (St 18,22-33) ; nhưng Ngài cũng không chấp nhận thái độ “cứng nhắc của Giona” buộc phải phạt thành Ninivê, khi Ngài sẵn sàng tha thứ vì trong thành ấy có biết bao người công chính, có những em thơ…(Gn 4,1-10).

            Khi Đức Giêsu tiến vào trần gian công khai rao giảng và thiết lập Nước Trời, nhất là khi Ngài chấp nhận bị treo trên thập giá, đó chính là lúc “quyền lực của sự dữ bị ném ra ngoài”, sức mạnh của ơn cứu độ và tình yêu Thiên Chúa đã đến lúc chiến thắng. Tuy nhiên, đó là cuộc chiến thắng tiệm tiến, từ từ, không ầm ĩ, rầm rộ như “một cây đang đổ” nhưng âm thầm, nhẹ nhàng thẩm thấu tận những miền sâu thẳm của trái tim như “một cánh rừng đang mọc” ; hay nói theo ngôn ngữ dụ ngôn hôm nay, như viên men trong bột, như hạt cải nhỏ vùi sâu trong lòng đất. Vâng, sức mạnh của ơn cứu độ, sức mạnh của tình thương, sức mạnh của “Nước Trời”, sẽ từ từ lớn lên trong cõi lòng mỗi người, trong trái tim của tất cả nhân loại để triệt tiêu dần dần thế lực của sự ác, của hận thù chia rẽ, của chiến tranh khủng bố, của xảo trá bất công, của vô luân đồi bại…Chúa Kitô hôm nay một lần nữa nói với chúng ta rằng: Thế giới rồi đây sẽ trở thành một thúng bột được “dậy men Tin Mừng”, sẽ trở thành “cây cao bóng cả” để khắp dân thiên hạ cùng bay về núp bóng hoan ca.

            Ai dám bảo những công việc bác ái xem ra nhỏ bé, tầm thường trên những con đường khu ổ chuột ở Calcutta của người nữ tu già Têrêsa là vô giá trị và chẳng tới đâu ? Không, hàng triệu người đói, khổ bệnh tật, phung cùi, bị bỏ rơi…, không phải chỉ ở Calcutta, mà trên nhiều miền khắp thế giới đã tìm được mái ấm chở che, bàn tay chăm sóc…

            Vâng, con đường của “viên men”, của “hạt cải”, của “cây lúa tốt”… đã nhập thể trong những con người như Mẹ Thánh Têrêsa Calcutta, như thánh linh mục Maximilien Kolbe hy sinh vì bạn tù, như Giám mục của những anh chị phung cùi Jean Cassaigne…

            Đó cũng là những con người như đại tướng quân lực Mỹ Douglas MacArthur (1880-1964), nhờ lòng khoan dung và cách ứng xử đầy thiện lương của một người bạn, thay vì một kẻ “chiến thắng thống trị”, đã chinh phục con tim của cả một dân tộc Nhật Bản và giúp dân tộc nầy canh tân thể chế chính trị và vươn lên vượt bực từ đống tro tàn của cuộc thảm bại trong đệ nhị thế chiến…Cũng vậy, cuộc tranh đấu giành được độc lập của Ấn Độ phải kể công đầu thuộc về Thánh Mahatma Gandhi (1860-1948), mà con đường “tranh đấu bất bạo động” của Ngài phần nào ảnh hưởng “nẻo đường Tám Mối Phúc Thật” của Tin Mừng, hay con đường “lúa tốt và cỏ lùng” nơi dụ ngôn Tin Mừng hôm nay !

            Những kẻ muốn thể hiện cái tôi, những nhà độc tài, những hạng kiêu căng… thường muốn “nhổ sạch cỏ” bằng bất cứ giá nào. Cũng không ít những môn sinh của Chúa Giêsu muốn chọn con đường “tàn bạo một thời” của “hai anh em con của sấm sét” Giacôbê và Gioan: “Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không?” (Lc 9,54) để dọn sạch những bất công, tộc ác, đồi truỵ…đang diễn ra hằng ngày trên cánh đồng thế giới. Không, Đức Kitô không đến để xây dựng một nền “văn minh sự chết” mà là “văn minh tình thương”. Ngay từ buổi khai mạc sứ vụ Ngài đã không chấp nhận giải pháp ngoạn mục nhất thời của ma quỷ là “nhảy xuống từ tháp đền thờ Giêrusalem”, cũng như không thoả hiệp với thách thức “xuống khỏi cây thập giá” của đám luật sĩ và biệt phái trong giây phút cuối đời trên đồi Sọ. Ngài chấp nhận làm “hạt lúa mì gieo vào lòng lòng đất và mục nát với thời gian”. Ngài chấp nhận “ra đi” và trao thời gian còn lại cho đến ngày tận thế cho Ngôi Ba Thiên Chúa.

            Vâng, sự phát triển và thành tựu của Nước Trời hôm nay chính là công cuộc của Chúa Thánh Thần. Đây cũng chính là ánh sáng, là chân lý… mà ngay trong những ngày khai sinh Hội Thánh, giữa những cơn bách hại của bạo chúa Nêrô, Thánh Phaolô đã cảm nhận và chuyển tải cho cộng đoàn tín hữu Rôma như một phương thế để chiến đấu và chiên thắng: “Thánh Thần nâng đỡ sự yếu hèn của chúng ta. Vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho xứng hợp, nhưng chính Thánh Thần cầu xin cho chúng ta bằng những tiếng than khôn tả. Mà Đấng thấu suốt tâm hồn, thì biết điều Thánh Thần ước muốn. Bởi vì Thánh Thần cầu xin cho các thánh theo ý Thiên Chúa…”.

            Trên mảnh ruộng Nước Trời hôm nay, người gieo giống Lời Chúa cũng chỉ có một con đường “hướng theo Thánh Thần mà tiến bước” (Gl 5,25) trong nhẫn nại đợi chờ, trong khoan dung tha thứ ; và như thế, một ngày không xa, mùa xuân Cứu thế sẽ chợt về để tất cả cùng hân hoan ca hát: “Người đi trong nước mắt, đem hạt lúa gieo trong ruộng mình. Người về miệng vui ca tay ôm bó lúa lòng mừng bao la”.

 

Trương Đình Hiền

[1] G 3,3: Let the day perish where in I was born(Hãy để ngày ấy lụi tàn, ngày mà tôi sinh ra đời…; hay bản dịch của PVGK: Phải chi đừng xuất hiện ngày tôi đã chào đời ); cũng có bản dịch: Perish the day on which I was born… Tại Việt Nam, tác phẩm “HÃY ĐỂ NGÀY ẤY LỤI TÀN” đã được tin và tái bản tới lần thứ sáu. (Xem: nguồn: https://tailieu.vn/doc/tieu-thuyet-hay-de-ngay-ay-lui-tan-1449089.html)