TẤM LÒNG BIẾT NGHE ĐỂ TÌM VIÊN NGỌC QUÝ

(Chúa Nhật 17 TN A 2020)

Nếu theo quan niệm của một số khá đông cho rằng: cuộc đời chỉ là “Trăm năm trong cõi người ta”[1], và hạnh phúc được tính bằng chỉ số “có tiền mua tiên cũng được”, thì quả thật, cái kiểu chọn lựa của “Thằng Bờm” trong ca dao Việt Nam xem ra khá đặc biệt, nếu không nói là “lập dị”: “Bờm rằng Bờm chẳng lấy mồi, Phú ông xin đổi nắm xôi: Bờm cười !”[2]. Hiện tại hay vĩnh hằng, giàu có hay khó khăn, “Bè gỗ liêm của phú ông” hay “Nắm xôi của Thằng Bờm”…, tất cả đều là những chọn lựa để làm nên giá trị đích thực cho cuộc sống hôm nay và vĩnh cửu.

            Trong khi đó, người Kitô hữu chúng ta lại được dạy rằng: cuộc đời không chỉ là tại thế mà “neo bến vĩnh hằng”, như cách cắt nghĩa của Thánh Phaolô: “Quê hương chúng ta ở trên trời…!” (Pl 3,20). Và như thế, đứng trước những giá trị nhập nhằng phức tạp của đời sống, sự chọn lựa của mỗi người không giản đơn chỉ là “Nắm Xôi” của Thằng Bờm, hay “Bè gỗ lim của Phú ông”…, mà rất nhiều khi, phải chọn lựa những giá trị vượt trên những gì mà thường tình nhân loại cho là quí giá hay cần thiết.

            Chính trong ý nghĩa đó, sứ điệp phụng vụ hôm nay tiếp tục mời gọi chúng ta sống mầu nhiệm “Nước Trời”, một thực tại siêu nhiên có ảnh hưởng quyết định trên số phận và hạnh phúc vĩnh hằng mà chúng ta phải khẩn trương tìm kiếm và chọn lựa dứt khoát. Thái độ chần chừ, chậm trễ hoặc chọn lựa sai, có nguy cơ “Nước Trời’ sẽ vuột mất tầm tay, và chung cuộc sẽ đồng số phận với “những con cá xấu bị vứt ra ngoài” nơi “nghiến răng và khóc lóc” !

            Trong Bài đọc thứ nhất vừa được công bố hôm nay, Lời Chúa đã dạy ta chân lý ấy qua lời cầu xin của vua Salomon, vị minh quân của thời đầu triều đại quân chủ của dân Ít-ra-en: Vua Salomon đã không xin cho được sống lâu, của cải dư đầy, quân thù bị tiêu diệt nhưng đã xin Chúa ban cho tâm hồn khôn ngoan để đoán xét dân Chúa, và phân biệt lành dữ…”[3]. Có ai ngờ rằng, chính nhờ sự “chọn lựa khôn ngoan” đó, mà Salomon đã được Thiên Chúa ban cho dư đầy hồng ân và ngập tràn phú túc. Vâng, đó là bài học đầu tiên mà sứ điệp Lời Chúa muốn dạy bảo chúng ta hôm nay: trong cuộc sống, có những giá trị đích thực và cao cả phải được nhận chân và chọn lựa. Chúng ta thử đào sâu thêm bài giáo lý đặc biệt nầy.

            Còn nhớ, năm 2005, báo Người Hà Nội số ra ngày 8.6, có đăng một truyện ngắn nhan đề: “Chị Cả Bống” của tác giả Phạm Lưu Vũ ; sau đó, cũng vì nội dung đầy u uất của truyện ngắn nầy, toàn bộ số báo phát hành đã bị tịch thu. Những dòng kết của câu chuyện ngắn “Chị Cả Bống” tôi đọc được đó là: “Làm người lương thiện bây giờ vất vả quá…Biết đâu, đến một lúc nào đó, những nhà tù kia mới chính là địa chỉ mà người lương thiện cần đến cho mình”.

            Nếu “làm người lương thiện” mà đã vất vả, thì “làm người tín hữu Kitô”, làm đồ đệ của Chúa Giêsu, chắc chắn sẽ vất vả hơn nhiều ! Quả thật, chúng ta đang sống trong một xã hội nói được là quay cuồng hổn tạp, cái thiện cái ác nhập nhằng đứng cạnh nhau, cái giả cái thật cùng chen vai sát cánh, điều tốt điều xấu vàng thau lẫn lộn… Trong một bối cảnh bát nháo đó, người Kitô hữu được gọi mời hãy biết chọn lựa, hãy nhận ra những giá trị đích thực, hãy tìm kiếm cho được “Viên ngọc Quí” còn đang ẩn dấu đâu đó trong “chợ trời trần gian”, phải tìm cho ra “Kho Tàng vô giá đang ẩn mình đâu đó trong thửa ruộng thế giới ! Đó chính là cách “chọn khôn ngoan” của Salomon.

            Trong dụ ngôn Tin Mừng hôm nay, sự khôn ngoan đó chính là “viên ngọc quí”, là “kho tàng”, là chính là Chúa Giêsu và Nước Trời mà Ngài khai mở. Phải tìm cách để nhận ra Ngài. Và đây là vài đề nghị “nhận ra Chúa” trong đời thường cuộc sống:

– Những bậc làm cha, làm mẹ, hãy nhận ra Chúa Giêsu đang hiện diện trong những bào thai đang có nguy cơ bị tiêu diệt chỉ vì những ích kỷ và lắng lo vô ích ; hãy tìm thấy Chúa Giêsu đang hiện diện nơi những đứa con trai, con gái của mình để đêm ngày chăm sóc yêu thương mà không đòi đền đáp, để tận tình giáo dục và cầu nguyện mà không thất vọng nản lòng.

– Những người chồng hãy nhận ra Chúa Giêsu đang hiện diện trong bữa cơm thân mật gia đình do bàn tay cần mẫn của vợ, một “hình ảnh Chúa Giêsu vất vả, lam lủ, nhọc mệt…” mà quanh năm suốt tháng, trong nghĩa vụ làm chồng, làm cha, chẳng bao giờ quan tâm ngó ngàng để chia sẻ với vợ với con một tiếng cười, một lời động viên, một câu yên ủi…

– Những người vợ hãy nhận ra Chúa Giêsu nơi những giọt mồ hôi vất vả của chồng, hình ảnh của một “Chúa Giêsu với thân xác rã rời” sau một ngày lam lủ vật lộn để đem về miếng cơm manh áo, tiền học, viên thuốc cho con, cho cháu.

– Những người chủ doanh nghiệp, những giám đốc công ty, những đại gia triệu phú tỷ phú, hãy nhận ra Chúa Giêsu nơi nhưng người công nhân mệt nhoài đói khát, không chỉ qua công việc nặng nhọc hàng ngày của họ mà hãy nhìn xa hơn nữa vào trong gia đình của họ để biết chia sẻ và cảm thông, ân cần và kính trọng.

– Những anh chị giáo lý viên, những thầy cô Công Giáo, hãy tìm thấy Chúa Giêsu hiện diện trong bao nhiêu ánh mắt thiên thần của các thiếu nhi, bao trái tim nhiệt tình trong sáng của những học sinh, sinh viên đang bước vào đời để đồng hành và hướng đạo, để nên gương lành và quảng đại giúp đỡ.

– Những linh mục, tu sĩ, hãy nhìn thấy gương mặt  thánh thiện của Chúa Giêsu nơi những giáo dân, đặc biệt nơi những giáo dân nghèo nàn, bệnh hoạn, để học đòi bắt chước những nhân đức anh hùng và sự thánh thiện tuyệt vời của họ và để sẵn sàng cúi xuống phục vụ và yêu thương.

– Các bạn trẻ, các anh chị em dự tòng, tân tòng, các bạn hãy nhìn thấy Chúa Giêsu đang hiện diện ở đây trong Nhiệm tích Thánh Thể, trong Bàn tiệc Lời Chúa được công bố mỗi ngày, trong cộng đoàn đang họp nhau dâng lễ, và cả trong nhũng phút giây cô đơn giữa dòng đời, các bạn hãy nhìn thấy Chúa đang đồng hành bên cạnh…

            Vâng mọi người chúng ta đều được gọi mời nhận ra “viên ngọc quí, nhận ra Chúa Giêsu” trong mỗi người, mỗi biến cố, mỗi bước ngoặc hay khúc quanh của cuộc đời…Và như thế điều quan trọng thứ hai mà sứ điệp Lời Chúa hôm nay nhắn gởi đó chính là: Để tìm thấy viên ngọc quí phải thanh tẩy cõi lòng và khát khao tìm kiếm.

            Nếu cuộc sống Kitô hữu chỉ toàn thấy Chúa Giêsu “biến hình trên núi Tabo”, hoặc chứng kiến “phép lạ biến nước lã thành rượu ngon, hóa bánh ra nhiều”… thì việc chọn lựa Ngài, đứng về phe Ngài, được thuộc về Ngài e cũng chẳng khó chút nào ! Người Do Thái cách đây 2000 năm đã “đi tìm viên ngọc quí” theo cách đó và đã bị Chúa Giêsu quở trách: “Các ngươi tìm ta không phải vì được thấy dấu lạ nhưng vì được ăn no”. Và cũng chính vì thế, nên khi “Viên ngọc quí” đã bị đánh nhừ đòn, chỉ còn một “Ecce Homo” thân tàn ma dại, thì bọn họ đã đồng thanh hô hoán: “Đóng đinh nó đi, đóng đinh nó đi…Xin tha Baraba và đóng đinh Giêsu vào thập giá !”.

            Quả thật, ở giữa một xã hội “cạnh tranh khốc liệt” và tiêu chí ứng xử được xây dựng bằng “cân đo đong đếm” những lượng vàng, những đồng đôla, những bằng cấp học vị, những thân thế ô dù…thì quả thật, người Kitô hữu càng phải cầu nguyện và lắng nghe, tỉnh táo và quảng đại, nhất là biết trở về với những thực hành đức tin truyền thống, thì mới trụ vững giữa những thác loạn và mới tìm được “Viên Ngọc Quí” mà mình đã khám phá được qua đời sống con cái Chúa. Đó chính là “một tấm lòng biết lắng nghe”, là “sự khôn ngoan đích thực” mà Salomon đã kêu xin cùng Chúa. Hay theo ngôn ngữ của Thánh Phaolô trong thư gởi giáo đoàn Rôma, thì đó chính là “nên thánh”, là “kẻ yêu mến Thiên Chúa” và được “tiền định nên giống hình ảnh Con Người” (Bđ 2).

            Sau cùng, điều quan trọng không kém của sứ điệp Lời Chúa hôm nay đó chính là thái độ của người “tìm được viên ngọc quí, kho báu giấu trong ruộng”: “vui mừng bán tất cả”. Không phải ai cũng dễ dàng có được thái độ nầy. Chúng ta còn nhớ câu chuyện Người thanh niên giàu có…Anh ta đã sụ mặt xuống và quay đi vì anh ta có nhiều của cải khi nghe Chúa Giêsu bảo: “Anh hãy về bán hết của cải, phân chia cho người nghèo, rồi hãy đến theo Ta…”. Vâng, đã bao lần tôi cũng sụ mặt xuống quay đi, vì tôi có quá nhiều tham vọng và của cải…

            Thế nhưng đừng quên, suốt 2000 năm nay, trên muôn nẻo đường Hội Thánh, vẫn có những “chàng thu thuế Lêvi” sẵn sàng bỏ cả địa vị hái ra tiền để đi theo Đấng “không có viên đá gối đầu” ; vẫn có những Giakê, sẵn sàng chia nửa gia tài cho kẻ nghèo và đền gấp bốn những ai bị thiệt hại ; vẫn còn những Phanxicô Xavie, Phanxicô Asissi, Têrêsa Calcutta…bỏ cả cuộc đời để ra đi rao giảng Tin mừng và phục vụ người nghèo ; vẫn còn những Maximilien Kolbe, Anrê Phú Yên dám bỏ cả mạng sống để đáp đền mạng sống…

            Bàn Tiệc Thánh Thể hôm nay cũng là một “Nước trời trong dự báo” để chuẩn bị cho “Bàn Tiệc của Nước trời chung cuộc”. Hy vọng rằng, trong số chúng ta đây, sẽ có nhiều người có được “tấm lòng biết nghe của Salomon” để tìm được “viên ngọc quí”, viên ngọc của ân sủng và tình yêu Thiên Chúa, viên ngọc là chính Đức Kitô phục sinh, là sự khôn ngoan của Thánh Thần. Amen.

 

Trương Đình Hiền

[1] NGUYỄN DU, Truyện Kiều.

[2] Trích từ bài ca dao: “Thằng Bờm có cái quạt mo”

[3] Thay vì tâm hồn khôn ngoan”, bản dịch của lm. Nguyễn Thế Thuấn: “tấm lòng biết nghe”, và PVGK: “tâm hồn biết lắng nghe”.