Cảm nhận đức tin, Chia sẻ Lời Chúa, Giáo Hội Việt Nam, Gương chứng tá

ĐIỆP KHÚC TÌNH YÊU BẰNG MÁU ĐỎ

(Mừng kỷ niệm 376 năm “Sinh nhật trên trời” của Chân phước Anrê Phú Yên 26.7.1644 – 26.7.2020)

Xét cho cùng, cuộc đời của Chân phước Anrê Phú Yên là một “phép lạ”; riêng cuộc tử đạo của ngài là một “phép lạ đặc biệt”, “phép lạ xảy ra ngay khi cái đầu của vị tử đạo đang lìa khỏi cổ” vào chiều ngày 26.7.1644 cách đây đúng 376 năm. Nếu có ai nghi ngờ “phép lạ đặc biệt” nầy, thì xin mời lắng nghe chính lời tường thuật của cha Đắc Lộ, người thầy và cũng là người chứng kiến tận mắt, giây phút tử đạo của Á Thánh Anrê Phú Yên, được tài liệu sách “Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian” trích lại nguyên văn nơi trang 75: “…Người thanh niên thánh thiện này vẫn không ngớt đọc Thánh Danh Chúa Giêsu; ngay khi đầu của thầy đã rời khỏi cuống họng, và nằm ngả trên vai bên phải, tôi nghe thấy rõ ràng tên cực trọng Giêsu phát ra từ vết thương nơi cổ, cùng một giọng giống hệt như từ cửa miệng phát ra lúc trước; tôi nghe thấy thế rất rõ ràng và tất cả những người gần tôi lúc ấy đều nói như vậy, vừa vui mừng, lại vừa kinh ngạc. Thánh Danh Giêsu không thể phát ra từ miệng thầy nữa, thì lại phát ra từ trái tim thầy, ngay đang lúc thôi đập, để tỏ rằng trái tim này dầu có chết, cũng còn giữ mãi Thánh Danh kia, và khi không thể dùng miệng lưỡi mà ca ngợi Danh Thánh Giêsu được, thì thầy dùng chính vết thương mình mà ca ngợi Danh Chúa…”[1]

            Thế nhưng, để có được tiếng “GIÊSU” cuối cùng như một điệp khúc tình yêu trọn hảo vang lên, chắc chắn, Anrê Phú Yên đã nhận được tiếng “Giêsu đầu tiên” nơi người mẹ đạo đức thánh thiện là bà Gioanna khi anh còn nằm nôi hay trên gối mẹ hiền. Chúng ta có thể thấy hình ảnh của Bà Gioanna, mẹ của Chân phước Anrê Phú Yên, trong chân dung của “bà mẹ chứng kiến bảy người con tử đạo” mà sách Macabêô đã khắc hoạ: “Đặc biệt là bà mẹ đáng ca tụng và ghi nhớ: chỉ trong một ngày, bà chứng kiến bảy đứa con mình chết, bà vui lòng chịu đựng và trông cậy vào Thiên Chúa…Bà đầy khôn ngoan, dùng tiếng nói của cha ông, can đảm khuyên bảo từng đứa con; bà dùng sự hăng say nam nhân mà nâng đỡ tâm hồn phụ nữ của bà…”.

            Dĩ nhiên, vào chiều ngày 26.7.1644, tại pháp trường Dinh Chiêm không có mặt của Bà Gioanna để khuyên Anrê Phú Yên những lời cuối cùng (như bà mẹ thời Macabêô); nhưng chắc chắn, tận sâu thẳm cõi lòng, nếu có lời nào của mẹ ngài vang lên lúc đó thì phải là những lời của người mẹ mà sách Macabêô nhắc đến: “Con ơi, … đừng sợ tên lý hình nầy, một hãy nhận lãnh cái chết, để nhờ lòng lân tuất của Chúa, mẹ sẽ gặp con cùng với các anh con”.

            Từ người mẹ khuyên con can đảm tử đạo thời Cựu ước đến người mẹ Gioanna truyền thụ đức tin cho người con Anrê, chúng ta gặp thấy một người mẹ khác, mới đây thôi, mẹ của hai bé dính đôi Trúc Nhi và Diệu Nhi, đã cầm tay hai con giúp làm dấu Thánh Giá trước khi lên bàn mổ. Nếu thế giới nầy, quê hương nầy còn có những người mẹ đạo hạnh, niềm tin can trường như thế, thì chúng ta hy vọng vẫn còn những Anrê Phú Yên “lấy tình yêu đáp trả tình yêu” trong cuộc đời nầy!

            Mà thực ra, để có được lựa chọn anh hùng và thái độ trung thành cho đến chết vì đức tin, chắc chắn người thanh niên tân tòng nầy, ngoài việc được đón nhận lời dạy và gương lành từ người mẹ, niềm tin và đức hạnh của Anrê Phú Yên còn được hun đúc bởi một vị tôn sư lỗi lạc Dòng Tên là linh mục Đắc Lộ và được tôi luyện, thử thách qua những lần mò, trải nghiệm trong cuộc sống tông đồ giữa một thời gian khó. Tất cả những “may mắn diệu kỳ” đó đã trở thành con đường của ân sủng để dẫn lối đưa đường tới ân huệ cao cả cuối cùng: ơn tình yêu đáp trả, ơn thuộc về Chúa Giêsu trọn hảo, ơn Tử đạo, như di chúc bất tử của ngài còn lưu lại: “Hỡi anh em, đối với Chúa Giêsu yêu dấu của chúng ta, chúng ta hãy lấy tình yêu đáp lại tình yêu. Chúa đã chịu chết đau khổ vì chúng ta, nên chúng ta hãy lấy mạng sống đáp đền mạng sống…Hỡi anh chị em, chúng ta hãy giữ nghĩa cùng Đức Chúa Giêsu cho đến hết hơi, cho đến trọn đời”[2]. Vâng, “Tử Đạo”, trước hết và trên hết, chính là một hồng ân cao cả. Cảm tạ Chúa !

            Chúng ta cũng đừng quên một chi tiết rất đặc biệt nầy: mấy câu “chúng ta hãy giữ nghĩa cùng Đức Chúa Giêsu cho đến hết hơi, cho đến trọn đời” được cha Đắc Lộ ghi lại bằng chính chữ quốc ngữ của thời mới khai nguyên. Điều đó cũng cho thấy một ý nghĩa sâu xa và phong phú của cuộc đời Chân phước Anrê Phú Yên: Ngài chính là “cuộc gặp gỡ của đức tin và văn hoá”. Đức tin: là chứng nhân tiên khởi của Giáo Hội tại Việt Nam vào thời “mở cõi Tin Mừng”; Văn hoá: Đánh dấu giai đoạn đầu tiên của việc hình thành chữ quốc ngữ, mà cha Đắc Lộ và Hội Thầy Giảng (hay Nhà Đức Chúa Trời)  chính là một trong những viên đá nền móng.

            Có một điều rất đáng lưu ý. Theo như chứng từ của cha Đắc Lộ, cuộc tử đạo của Thầy Giảng Anrê Phú Yên và chiều ngày 26.7.1644 được nhiều người chứng kiến, trong số đó, có rất đông anh em lương dân và đều dành cho ngài một sự trân trọng, kính mến. Trong bản tường thuật sau đó 5 ngày (1.8.1644), cha Đắc Lộ ghi rõ: Dân chúng đến thật đông, cả Kitô hữu lẫn người lương. Đặc biệt những người lương này thật ngỡ ngàng khi thấy một việc chưa từng có trong xứ sở của họ: có người muốn chết vì Đạo và vì chân lý; đó là hoa quả đầu mùa của vùng đất này, và điều này càng quý hơn nữa, đến nỗi cả những người lương cũng khóc lên trước cảnh tượng ấy”.[3] Riêng đối với thầy Anrê, thì đi ra pháp trường mà thanh thản, vui tươi giảng đạo và bước nhanh như đi trẩy hội: “Vào lúc 5 giờ chiều, người ta điệu Thầy ra pháp trường, hay nói đúng hơn là dẫn đến nơi lãnh triều thiên tử đạo vinh quang. Tâm hồn mọi người cảm thấy se lại khi thấy nét mặt thanh thản của Thầy trong lúc bước đi, và bước chân của Thầy nhanh nhẹn đến nỗi chúng tôi phải chạy theo và vất vả lắm mới đuổi kịp Thầy”.[4]

            Quả thật, trước những con mắt và con tim chưa biết Đức Kitô là ai và chưa tin nhận Ngài, thì “tử đạo” quả là một việc dị thường, một chuyện phải “ngỡ ngàng”. Những thị dân Rôma 2000 năm trước, khi thấy từng đoàn Kitô hữu, miệng ca hát, vui vẻ tiến ra hý trường Côlôsêum để chịu hành hình, cũng đã từng ngỡ ngàng hỏi nhau “Tại sao họ lại hát?”. Nhưng đối với ai đã thuộc về Đức Kitô và chứng nhân của Ngài, thì, như Thánh Phaolô (Bđ 2), chết chóc, thua thiệt…đã trở thành dấu chỉ của niềm vui và hạnh phúc, của hy vọng và sức sống: “…bị coi như là đang dẫy chết, nhưng nầy chúng tôi vẫn sống ; bị coi như bị gia hình, mà nào đã chết đâu; bị coi như phải ưu sầu, nhưng chúng tôi vẫn luôn an vui, bị coi là kẻ nghèo túng, nhưng chúng tôi lại làm cho nhiều người được giàu có, bị coi như không có gì, nhưng chúng tôi làm chủ tất cả”. Không biết, trong số những người chúng ta đang hiện diện ở đây có được bao nhiêu người cảm được, sống được một chút gì đó của những lời chứng trên ?

Riêng Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt, Giám Mục Bắc Ninh, khi còn là linh mục, đã cảm nhận cái “nét vui” của cuộc đời theo Chúa và làm chứng cho Chúa của Chân phước Anrê bằng những dòng sau: “Tôi nhớ đến anh, một người trẻ vui khi bị bắt, vui khi bị hành hình. Anh không phải là một triết gia lạnh lùng trước sự sống và cái chết. Anh có một niềm hy vọng. Khi theo đạo, anh bước theo Đức Giêsu. Khi nhập Hội Thầy Giảng, anh muốn trở thành cộng sự viên của Chúa. Khi tử đạo, anh hân hoan thấy mình nên giống Chúa trên thánh giá. Đức Kitô đã phục sinh: đó là hy vọng duy nhất của anh. Anh vui vì tìm được niềm hy vọng. Anh vui hơn vì dấn thân với niềm hy vọng. Anh vui nhất khi đạt được niềm hy vọng. Anh trở thành chứng nhân của niềm hy vọng. Những lời cuối cùng từ miệng anh, từ lòng anh, là Chúa Giêsu. Tôi hiểu hết. Đó là trái tim của anh.”[5]

            Sau 376 năm, trên bầu trời Giáo Hội Việt Nam, Anrê Phú Yên vẫn là một “vì sao rực sáng”, như dấu chỉ của một “lựa chọn anh hùng”, một “cuộc đời trung tín” và một “lời chứng vui tươi”; và như lời của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II trong Bài giảng lễ phong Á Thánh cho ngài ngày 5.3.2000, Anrê Phú Yên vẫn còn là “mẫu gương và niềm gợi hứng” cho công cuộc loan báo Tin Mừng tại Việt Nam.[6] Nói cách khác, cuộc đời và cuộc tử đạo của ngài là một điểm quy chiếu sinh động và cần thiết cho những ai lựa chọn con đường mà Đức Kitô đã đề nghị từ 2000 năm trước: “Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thập giá hằng ngày và theo Ta”.

            Riêng các bạn giáo lý viên, các bạn trẻ, nếu trên sân khấu cuộc đời các bạn đã từng nghe “Hãy sống như đời sông để biết yêu nguồn cội. Hãy sống như đời núi, vươn tới những tầm cao…Và sao không là bão, là giông là ánh lửa đêm đông; và sao không là hạt giống cho đất mẹ bao dung. Sao không là đàn chim gọi bình minh thức giấc; sao không là mặt trời gieo hạt nắng vô tư…”[7], thì hôm nay, trong Bàn Tiệc Thánh Thể nầy, các bạn một lần nữa nghe lại di chúc: “Tình yêu đáp trả tình yêu, mạng sống báo đền mạng sống” của “Người trẻ anh hùng Anrê Phú Yên”; mà không chỉ là “di chúc bằng giấy mực” mà là một “điệp khúc tình yêu” bằng máu đỏ, một “lời chứng đức tin bằng tử đạo”. Vâng, chúng ta không được quên cội nguồn và phải lên đường viết tiếp những trang sử anh hùng của Anrê Phú Yên trên quê hương chúng ta, trong giáo phận chúng ta. Amen.

 

Trương Đình Hiền

[1] BAN BIÊN SOẠN LỊCH SỬ GIÁO PHẬN. Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian. NXB. Antôn & Đuốc sáng 2017. Tr. 75.

[2] Ibid. Tr. 74-78; (xem thêm: LM. GIUSE TRƯƠNG ĐÌNH HIỀN, Rực sáng một vì sao, nxb. Tôn Giáo 2006, tr.152-153).

[3] Ibid. (Rực sáng một vì sao). Tr. 14-15.

[4] Ibid. Tr. 15.

[5] Ibid. Tr. 145-146.

[6] Ibid. Tr. 133: “Chân phước Anrê, Vị Tử Đạo tiên khởi của Việt Nam, hôm nay trở nên gương mẫu cho Giáo Hội tại quê hương của ngài. Chớ gì tất cả môn đệ Chúa Kitô tìm được nơi ngài sức mạnh và nâng đỡ trong thử thách và lo lắng giữ gìn vững chắc mối thân tình với Chúa, lòng hiểu biết các mầu nhiệm Kitô, lòng trung thành với Giáo Hội và tinh thần truyền giáo”.

[7] Những lời trong bài hát “KHÁT VỌNG” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn.