Cảm nhận đức tin, Chia sẻ Lời Chúa, Tài liệu Phụng Vụ

CÙNG NHAU VIẾT TIẾP “CÂU TRẢ LỜI”

(Chúa Nhật 6 Phục Sinh năm A 2023)

Suốt 5 tuần sau đại lễ Phục Sinh, sứ điệp Lời Chúa gần như tập chú “nhiệm huấn” cộng đoàn Kitô hữu, đặc biệt, các anh chị em Tân Tòng, về các chủ đề trọng tâm của Mầu nhiệm Vượt Qua: Cuộc tái sinh qua nhiệm tích Thánh Tẩy, được dưỡng nuôi với Thánh Thể, liên kết mật thiết với Đức Kitô Mục tử trong mầu nhiệm hiệp thông của Hội Thánh và trong Chúa Ba Ngôi.

Trước khi cử hành đại lễ Thăng Thiên và Hiện Xuống, trong tuần Phục Sinh cuối cùng nầy, sứ điệp Lời Chúa gần như tiếp tục “nhiệm huấn” chúng ta với chủ đề bí tích Thêm Sức và vai trò tác động của Đấng Bảo Trợ là Chúa Thánh Thần, để chúng ta trở nên những chứng nhân loan báo Tin Mừng Phục Sinh và ơn cứu độ cho thế giới; hay theo ngôn ngữ của Thánh Phêrô trong bài đọc 2, đó là: “luôn luôn sẵn sàng trả lời thoả mãn cho mọi kẻ hỏi lý do của niềm hy vọng nơi anh em…”

            Nếu đặt “sứ điệp về Đấng Bảo Trợ” nầy trong bối cảnh Tin Mừng Thánh Gioan, thì chúng ta nhận ra một dấu chỉ rất rõ, đó là: Trước khi hoàn tất những ngày “nhập thể” ở trần gian, Đức Kitô chuẩn bị cho các Tông Đồ, cũng như cho Hội Thánh ngàn sau, giữ mối tương quan với Ngài qua một “sự hiện diện mới” là Chúa Thánh Thần mà Ngài đặt tên là Đấng Phù Trợ: “Dầu vậy Thầy phải nói sự thật cho các con: Thầy đi thì ích lợi cho các con, vì nếu Thầy không đi, thì Đấng Phù Trợ sẽ không đến với các con, nhưng nếu Thầy ra đi, Thầy sẽ sai Người đến với các con.

            Thật vậy, đời sống của Hội Thánh hôm nay, hay nội dung cốt lõi của sự thực hành đức tin của mỗi người chúng ta chính là sự hoạt động của Chúa Thánh Thần; Ngài hướng dẫn, đốt nóng, tác động và qui tụ chúng ta trong Đấng Phục Sinh để cử hành Phụng vụ, thực thi Lời Chúa, nhất là thực hành Giới luật yêu thương của Ngài: Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy giữ giới răn Thầy. Và Thầy sẽ xin Cha, và Người sẽ ban cho các con một Đấng Phù Trợ khác, để Ngài ở với các con luôn mãi.”.

Tuy nhiên, đây lại là điều chỉ hiện thực, chỉ xảy ra, chỉ được biết đến đối với các môn sinh Chúa Kitô và những ai tin nhận lời rao giảng của Ngài để gia nhập cộng đoàn Hội Thánh, như chính Đức Kitô khẳng quyết: Ngài là Thần Chân Lý mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết được Ngài; còn các con, các con biết Ngài, vì Ngài sẽ ở nơi các con và ở trong các con”.

Chúng ta đừng quên: việc Chúa Giêsu mạc khải dung mạo và hoạt động của Chúa Thánh Thần trong bối cảnh Ngài sắp lìa xa các Tông Đồ để dấn thân vào cuộc khổ nạn, và sau đó sống lại lên trời. Ngài muốn dự báo trước con đường mà các môn sinh sẽ bước đi cùng với một Hội Thánh non trẻ mà các ngài thiết lập; một con đường đầy nhiêu khê thách đố và một Hội Thánh sẽ đối diện với truân chuyên và bách hại. Nhưng mọi sự sẽ được giải quyết cách tốt lành và bình an, đơn giản, vì: một Đấng Phù Trợ khác ở với các con luôn mãi.”.

Nhưng chúng ta cần xác tín: hoạt động của Chúa Thánh Thần không phải chỉ có vào thời khai sinh Giáo Hội, khi “ngọn lửa Thánh Thần tràn ngập trên các Tông đồ và Mẹ Maria vào ngày Chúa Thánh Thần Hiện Xuống”… Chúa Thánh Thần đã, đang và sẽ hoạt động thường xuyên trong Giáo Hội và thế giới; nhất là những lúc, những nơi, tưởng rằng “thế gian đã thắng”, “bóng tối đã lên ngôi”, Thập giá và Tin mừng của Chúa Giêsu bị vứt vào sọt rác của thời gian… Không, mọi sự lại khác hoắc ! Bởi vì: ngay trước “ngưỡng cửa thập giá, Đức Kitô đã long trọng củng cố niềm tin của các môn sinh: “Lòng anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”; và điểm tựa của niềm tin đó chính là: “Thầy không để anh em mồ côi đâu… Thầy sẽ xin Chúa Cha và Ngài sẽ ban cho anh em một Đấng Phù Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi” .

Và như thế, nhiệm tích Rửa Tội, Thêm Sức không chỉ khi được lãnh nhận một lần là đóng lại như một chuyện đã rồi, mà là một khai mở để tiếp nối con đường loan báo và làm chứng tá đức tin như phó tế Philipphê, các Tông đồ Phêrô, Gioan mà sách Công Vụ Tông Đồ hôm nay tường thuật: “Trong những ngày ấy, Philipphê đi xuống một thành thuộc sứ Samaria, rao giảng Đức Kitô cho họ….Khi các tông đồ ở Giêrusalem nghe tin Samaria đón nhận lời Thiên Chúa, liền gởi Phêrô và Gioan đến với họ… hai ông cầu nguyện cho họ, để họ nhận được Thánh Thần…Hai ông đặt tay trên họ, và họ nhận được Thánh Thần” (BĐ 1).

Và như thế, có thể nói được, sứ điệp lời Chúa hôm nay lại hướng chúng ta đến câu chuyện về “một câu trả lời”.

Vâng, ơn Thánh Thần mà các Kitô hữu ban đầu đã nhận lãnh đó để giúp họ viết lên những câu trả lời tuyệt đẹp cho thế giới, cho con người của thời đại họ, cũng chính là ơn Chúa Thánh Thần của mỗi người chúng ta hôm nay tiếp tục nhận lãnh qua hồng ân của bí tích Rửa Tội, Thêm Sức, Thánh Thể và bao nhiêu cơ hội khác để viết câu trả lời cho nhân loại hôm nay, như lời nhắn nhủ của Thánh Tông Đồ Phêrô trong Bài đọc 2: anh em hãy tôn thờ Chúa Kitô trong lòng anh em, hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời thoả mãn cho mọi kẻ hỏi lý do của niềm hy vọng nơi anh em, nhưng phải làm cách hiền từ, kính cẩn, hãy có lương tâm ngay chính, để những kẻ lăng mạ đời sống đạo đức của anh em trong Đức Kitô, phải hổ thẹn về điều họ gièm pha anh em”.

            Nhờ tình yêu mà Chúa Thánh Thần đổ tràn vào lòng chúng ta biến cuộc sống chúng ta luôn giữ được gam màu hồng của tin yêu, gam màu xanh của hy vọng, giữa muôn vạn gam màu tối của gian truân và thử thách, của thất bại đắng cay, của vô ơn bội nghĩa, của đố kỵ bất công… Chính Đức Kitô đã biến “nỗi ô nhục thập giá thành phương thế cứu rỗi con người”; và hôm nay, Thánh Thần cũng sẽ làm cho phương cách ấy của Đức Kitô được tái diễn nơi thập giá cuộc đời của các Kitô hữu, để, như chứng từ bất diệt ngày nào của Thánh Phanxicô khó khăn: “Đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm. Để con đem tin kính vào nơi nghi nan, chiếu trông cậy vào nơi thất vọng. Để con dọi ánh sáng vào nơi tối tăm, đem niềm vui đến chốn u sầu…”.

            Phải chăng đó chính là những “câu trả lời hay nhất và chính xác nhất về niềm hy vọng của người Kitô hữu”; của hàng ngũ những nhân đông đảo là các Thánh Tông Đồ, Tử Đạo, hiển tu, đồng trinh…; của những chứng nhân âm thầm nhưng vĩ đại như Anrê Phú Yên, như Têrêsa hài Đồng, Mẹ Têrêsa Calcutta, như vị thánh trẻ thời @ như Acutis… ! Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau được đứng chung trong hàng ngũ của những người đó để viết tiếp câu trả lời về niềm hy vọng Kitô hữu, tiếp tục lời chứng sống động về tình yêu Thiên Chúa được thể hiện nơi Đức Kitô và trong Chúa Thánh Thần. Amen.

Trương Đình Hiền