CUỐI ĐƯỜNG HẦM SẼ LÀ ÁNH SÁNG

(Chúa Nhật 20 TN Năm C 2022)

            Vào sáng Chúa Nhật V Phục Sinh ngày 15.5.2022, tại giáo đô Rôma, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tuyên phong Hiển thánh cho 10 vị Chân phước; trong đó có một vị xứng đáng được gọi là “chứng nhân tử đạo vì sứ vụ ngôn sứ”: đó là Thánh Titus Brandsma, một linh mục tu sĩ người Hà Lan thuộc Dòng Cát Minh, một giáo sư thần học, một nhà viết báo và là một cố vấn tinh thần cho các tờ báo Công Giáo trực thuộc Hàng Giám Mục Hà Lan từ năm 1930. Vì trung thành với “truyền thông sự thật” của Giáo Hội và không chấp nhận biến báo chí thành công cụ tuyên truyền cho chủ nghĩa Quốc xã đang thống trị, vào tháng giêng năm 1942, Brandsma bị bắt giam. Sau khi bị tra tấn dã man, chúng đưa ngài đến trại giam tập trung Dachau.Trong trại có khoảng hai ngàn bảy trăm giáo sĩ đang bị giam cầm. Dù bị hành hạ khắc nghiệt, Brandsma vẫn không sờn lòng. Ngài an ủi những người cùng cảnh ngộ và khuyên nhủ họ siêng năng cầu nguyện. Ngài nói: “Chúng ta đang ở đây như đang bước đi trong một đường hầm tối tăm. Chúng ta phải cố gắng vượt qua. Cuối đường hầm sẽ là ánh sáng rực rỡ chiếu rọi cho đến muôn đời.”. Sau đó không lâu, ngài đã bị giết bằng một mũi thuốc độc, hoàn thành sứ mệnh “chứng nhân cho một đời ngôn sứ” !

Lời Chúa Chúa Nhật 20 TN C hôm nay cũng đang chuyển tải đến chúng ta chính nội dung sứ điệp “chứng nhân sứ vụ ngôn sứ” mà chân dung cuộc đời Thánh Titus Brandsma vừa nói tới là một minh họa rõ nét.

            Trước hết, Bài đọc 1 vừa thuật lại cho chúng ta “sự cố bị thả giếng” của chàng ngôn sứ thích nói chuyện ngược đời Giêrêmia: “Thực sự tên này không tìm hoà bình cho dân, mà chỉ tìm tai hoạ”. Vua Sêđêcia phán rằng: “Đấy nó ở trong tay các ngươi, vì nhà vua không thể từ chối các ngươi điều gì”. Họ liền bắt Giêrêmia và quăng xuống giếng của Melkia con Amêlec, giếng này ở trong sân khám đường, họ dùng dây thả Giêrêmia xuống giếng…”.

            Vì sứ mệnh ngôn sứ, quả thật, Giêrêmia đã phải đi qua “con đường tăm tối tận dưới giếng sâu” !

            Để hiểu thêm về sự cố nầy, có lẽ chúng ta phải ngược dòng thời gian, trở về khoảng thế kỷ thứ 7 trước Công Nguyên, thời hoạt động ngôn sứ của Giêrêmia; thuở mà vương quốc Giuđa đang rơi vào khủng hoảng để rồi đi tới diệt vong bởi hoàng đế Na-bu-co-no-so (626-587).

            Như lời trần tình của chính đương sự, Giêrêmia thi hành sứ mệnh ngôn sứ trong một tình trạng đầy giằng co và thử thách, vừa nơi tâm hồn mình vừa những áp lực ngoài xã hội: “Lạy Đức Chúa, Ngài đã quyến rũ con và con đã để cho Ngài quyến rũ. Ngài mạnh hơn con, và Ngài đã thắng. Suốt ngày con đã nên trò cười cho thiên hạ, để họ nhạo báng con. Mỗi lần nói năng là con phải la lớn, phải kêu lên: ‘Bạo tàn! Phá hủy!’ Vì lời Đức Chúa mà con đây bị sỉ nhục và chế giễu suốt ngày. Có lần con tự nhủ: ‘Tôi sẽ không nghĩ đến Người, cũng chẳng nhân danh Người mà nói nữa’. Nhưng lời Ngài cứ như ngọn lửa bừng cháy trong tim, ầm ỉ trong xương cốt. Con nén chịu đến phải hao mòn, nhưng làm sao nén được!” (Gr 20, 7-9).

            Quả thật, Lời Chúa qua tâm sự của ngôn sứ Giêrêmia đã cho chúng ta thấu hiểu phần nào thân phận nghiệt ngã muôn nơi muôn thuở của những ngôn sứ: Phải nói Lời của Thiên Chúa cho dù Lời đó đi ngược lại tâm thức và xu hướng của con người; phải chấp nhận hậu quả thương đau chứ không chịu thoả hiệp để yên thân (như mẫu gương của Thánh Titus Brandsma, bị sát hại vì không chịu dùng ngòi bút để tuyền truyền cho chủ nghĩa Quốc xã…).

            Và đó lại chính là con đường, là chọn lựa của chính vị Đại Ngôn Sứ Giêsu, mà Giêrêmia mới chỉ là hình bóng tiên trưng và Thánh Brandsma sau nầy học đòi bắt chước. Vâng, Tin Mừng Luca chúng ta vừa nghe, đã cho thấy chính Đức Kitô đã thi hành sứ mệnh ngôn sứ “mang lửa Thánh Thần và tình yêu đến cho thế giới” và sẵn sàng “dấn thân vào Phép rửa của khổ nạn” để cứu độ con người. Và con đường để Ngài hoàn tất sứ mệnh ngôn sứ đầy nhiêu khê đó phải trả giá bằng một cuộc chiến thương đau: “Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên. Thầy phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất. Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ…”

            Thế nhưng, cũng kể từ khi “Cây Thập Giá” được dựng lên trên đồi Sọ và “treo Vị Đại Tiên Tri Giêsu trên đó”, thì sự chia rẽ sâu thẳm nhất giữa đất và trời, giữa nhân loại với nhau đã khép lại, để nhường chỗ cho một Vương Quốc Nước Trời mở ra, Vương quốc của sự thật và tình yêu, của hoà bình và công lý.

            Nối tiếp “con đường ngôn sứ” của Giêrêmia, nhất là của Chúa Giêsu, suốt 2000 năm nay, đã có hàng hàng lớp lớp những con người nam nữ dấn thân chọn lựa và thực thi sứ mệnh ngôn sứ cao cả nhưng cũng đầy gian nan nầy, một đoàn thể đông đảo mà thư Do Thái trong Bài đọc 2 hôm nay đã mô tả: “chúng ta cũng có một đoàn thể chứng nhân đông đảo như đám mây bao quanh”. Và không chỉ được sự nâng đỡ chắc chắn bởi “đám mây nhân chứng” nầy, chúng ta, mọi Kitô hữu thuộc bất cứ đấng bậc nào, ơn gọi nào, nhờ nhiệm tích Thánh Tẩy, được gọi mời đi làm nhân chứng, tham dự vào sứ mệnh ngôn sứ của chính Chúa Kitô.

            Dĩ nhiên, trước những giới hạn và mõng dòn của phận người, làm sao không có những lúc chúng ta nản lòng, mệt mỏi, muốn chùn bước thối lui trước “chén đắng” của sứ mệnh (như trải nghiệm của Giêrêmia và của cả Chúa Giêsu). Tuy nhiên, như lời động viên của Thánh Titus Brandsma trong những giờ phút đen tối nhất của cuộc đời tù ngục: “Chúng ta đang ở đây như đang bước đi trong một đường hầm tối tăm. Chúng ta phải cố gắng vượt qua. Cuối đường hầm sẽ là ánh sáng rực rỡ chiếu rọi cho đến muôn đời.”, chúng ta càng xác tín hơn vào những lời động viên của Lời Chúa nơi Thánh vịnh 139 mà Hội Thánh vang ca hôm nay: “Tôi đã cậy trông, tôi đã cậy trông ở Chúa, Người đã nghiêng mình về bên tôi, và Người đã nghe tiếng tôi kêu cầu. Người đã kéo tôi ra khỏi hố diệt vong, khỏi chỗ bùn nhơ; Người đã đặt chân tôi trên đá cứng, và đã làm vững bước chân tôi… Phần con, khốn khổ cơ bần, nhưng mà có Chúa ân cần chăm nom. Người là Đấng phù trợ và giải thoát con, ôi lạy Chúa, xin Ngài đừng chậm trễ…”.

            Cùng với niềm xác tín vào Lời Chúa đó, thư Do Thái trong Bài đọc 2 hôm nay còn đề nghị một phương thế kiến hiệu và nền tảng khác, đó chính là “hãy nhìn thẳng vào Đức Kitô”: “Chúng ta hãy nhìn thẳng vào Đức Giêsu, Đấng khơi nguồn đức tin và làm cho nó nên hoàn tất; vì trông mong niềm vui đang chờ đón mình, Người đã chịu khổ giá, bất chấp sự hổ thẹn, và rồi lên ngự bên hữu ngai Thiên Chúa.”. Nhìn vào Đức Kitô, bước trên lối bước của Đức Kitô, mang tâm tình của Đức Kitô, yêu như chính Đức Kitô… là hành trang thiết yếu của mọi cuộc đời ngôn sứ ! Vâng, Đức Kitô chính là Vì Ngôn Sứ vĩ đại duy nhất và đã trở nên chứng nhân trọn hảo cho sứ vụ ngôn sứ qua 33 năm hành trình dương thế mà đỉnh điểm chính là cuộc khổ nạn thập giá đầy đau thương và sự chiến thắng lẫy lừng của phục sinh vinh hiển.

            Cộng đoàn chúng ta vừa được lắng nghe Lời Ngài, thì giờ đây hãy sốt sắng “nhìn thẳng vào Ngài”. Vì thật ra, Chúa Giêsu không ở đâu xa. Ngài đang ở đây, trong bàn Tiệc Thánh Thể nầy; và chút nữa đây, Ngài hiện diện trong Tấm Bánh đơn mà mỗi người chúng ta cùng đón lấy với lời tuyên tín đơn sơ “Amen” sau lời giới thiệu của linh mục cho rước lễ: “Mình Thánh Chúa Kitô”… Chúng ta tin rằng khi mang Thánh Thể Chúa trong tim và có Đức Kitô cùng đồng hành, con đường ngôn sứ của Hội Thánh, của mỗi ngườ chúng ta, như xác tín của Thánh Brandsma, “Cuối đường hầm sẽ là ánh sáng rực rỡ chiếu rọi cho đến muôn đời.”. Amen.

Trương Đình Hiền.