(Chuyến hành hương Tuần Thánh về thăm Vực Đạo)
Là một “chi lưu” của dòng sông Vệ, không biết tự khi nào, con sông góp nước của ba dòng sông nhỏ khi nhập vùng Đức Phổ: sông Trường, sông Trà Câu, sông Lò Bó, đã mang một tên gọi thật dịu dàng nữ tính: sông Thoa. Tên là vậy nhưng không “nữ tính” chút nào. Nếu những ngày Xuân Hạ, sông Thoa thường êm đềm lờ lững men theo những cánh đồng xanh lúa Bàu Đĩa, Thủy Triều… của xã Phổ Văn; hay duyên dáng qua những bờ cát trắng Phổ An, Phổ Quang…; thì đến những tháng Thu Đông, lại cuồn cuộn thác lũ cuốn phù sa và nước bạc hùng hổ đổ về Mỹ Á để tan trong biển rộng !
Con sông nầy, có lẽ, cũng như bao dòng sông khác trên dãi đất chữ S Việt Nam, đã từng chứng kiến, kinh qua biết bao sự kiện, biến cố; và viết lên những “câu chuyện dòng sông”, “câu chuyện lịch sử”, nếu không bi tráng uy hùng như Như Nguyệt, Bạch Đằng Giang, Nhị Hà, Rạch Gầm, Xoài Mút[1]… trong những tàng thư lịch sử,thì chí ít, cũng vương vấn trong trái tim, trong ký ức của muôn con người, nhất là những con người mà nơi dòng sông Thoa nầy chính là nơi an nghỉ ngàn thu của cha ông, tiên tổ của họ !
Thật vậy, cách đây khoảng 136 năm, chính xác là vào năm 1885, khi “phong trào Văn Thân” khởi phát cùng với chiến dịch “bình Tây sát Tả” lan rộng khắp các tỉnh miền Trung, người Công Giáo khắp nơi, nhất là các cộng đoàn thuộc giáo phận Đông Đàng Trong, đã phải kinh qua một cuộc bách hại tàn khốc chưa từng có, như tóm tắt sau đây của tài liệu “GIÁO PHẬN QUI NHƠN QUA DÒNG THỜI GIAN”[2]: “Chỉ ít lâu sau ngày nhậm chức của Đức cha Van Camelbeke Hân, Giáo phận phải lâm vào một thời kỳ bách hại khủng khiếp chưa từng có. Sau vụ binh biến chống Pháp đêm 04.07.1885 tại đồn Mang Cá bất thành, Tôn Thất Thuyết rước vua Hàm Nghi ra chiến khu Ấu Sơn, Hà Tĩnh. Tại chiến khu, Tôn Thất Thuyết lấy quyền vua thảo hịch Cần Vương. Hịch được loan đi từ Thanh Hóa đến Bình Thuận và được nhiều nhân sĩ khắp nơi hưởng ứng nổi dậy chống Pháp, nhưng cũng khích động nhóm Văn Thân cực đoan vũ trang lôi kéo quần chúng đi đốt phá các làng Công giáo và sát hại giáo dân một cách công khai với khẩu hiệu “bình Tây sát tả”, nghĩa là đánh tan giặc Tây và tiêu diệt những người “tả đạo”, tức là người Công giáo. Phong trào Văn Thân hoạt động mạnh tại các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và Bình Thuận…”[3].
Và sau đây là những “con số biết nói” để làm chứng cho biến cố đau thương trên: “Trong cuộc sát hại của Văn Thân năm 1885, Giáo phận Đông Đàng Trong đã bị tổn thất nặng nề nhất từ trước đến nay. Về nhân sự: 8 thừa sai Pháp, 7 linh mục Việt, 60 thầy giảng, 270 nữ tu, trên 24.000 giáo dân đã bị sát hại hoặc bị chết vì đói khát, bệnh tật, khi lẩn trốn nơi rừng thiêng nước độc, cũng có người lập nghiệp nơi khác không trở về. Về cơ sở vật chất: Tòa Giám mục Làng Sông, 225 nhà thờ và nhà nguyện, 10 phước viện, 2 chủng viện (Làng Sông và Nước Nhỉ), 17 cô nhi viện, 2 phòng phát thuốc, 1 nhà in, 4 nông trại, bị phá hủy. Số giáo dân trước cuộc sát hại của Văn Thân năm 1885 là 41.828 người, chỉ còn lại khoảng 17.000 vào cuối năm 1885. Số tín hữu tại các tỉnh trong Giáo phận trước và sau cuộc sát hại của Văn Thân được ghi nhận như sau: Tại Quảng Nam: từ 5.428 còn lại 5.000; tại Quảng Ngãi: từ 6.600 còn lại 1.000; tại Bình Định: từ 16.940 còn lại 8.000; tại Phú Yên: từ 6.890 còn lại 1.109, tại Khánh Hòa: từ 2.848 còn lại 800; tại Bình Thuận: từ 1.892 còn lại 400”[4].
Sở dĩ “tản mạn” một thoáng lịch sử về cuộc bách hại của phong trào Văn Thân cuối thế kỷ 19, là cốt để quay về câu chuyện “dọc bờ sông Thoa”. Thật vậy, chính trong những năm “bình tây sát tả” kinh hoàng đó, địa sở Trà Câu, một cộng đoàn Công Giáo trù phú tập trung trên vùng đất ruộng phì nhiêu được tài bồi bởi hai con sông Trà Câu phía Tây Nam và sông Thoa phía Đông Bắc. Đây là một cộng đoàn Kitô hữu có lẽ xuất phát từ giáo xứ Bầu Gốc, một cộng đoàn giáo xứ lâu đời, và cũng thuộc “hàng tiên khởi” của giáo phận Tông tòa Đàng Trong mà mối liên quan với thừa sai lừng danh Đắc Lộ là một minh chứng cụ thể:“Khi nghe tin có linh mục ở Chợ Mới (Chai mi), giáo dân Bàu Gốc và Vom (Baobam) cử ba vị đầu mục đến Chợ Mới mời cha Đắc Lộ về thăm họ. Tại đây, nhờ sự nhiệt tình của một giáo dân Bàu Gốc là ông Giuong Ky, nguyên là quan chức ở kinh đã bị chúa Nguyễn Phước Lan cất chức vì theo đạo, nên các tín hữu rất sốt sắng, có nhà thờ to lớn và đẹp. Mười lăm ngày (hay 18 ngày) ở Bàu Gốc và Vom, cha Đắc Lộ ban các Bí tích và rửa tội được 300 người. Trong khi cha giải tội, ông Giêrônimô và ông Giuong Ky dạy giáo lý cho các dự tòng. Cha ghi lại tâm tình của cha trong những ngày ở Bàu Gốc như sau: ‘Thế là tôi tới Baobam. Không ngờ giáo dân tiếp đón tôi nồng hậu đến thế, không những người ở trong tỉnh mà cả những người vùng lân cận. Tôi thấy có một nhà thờ rất đẹp, khá rộng lớn và tôi cùng vào với cả đoàn thể giáo dân. Họ đói khát lời Chúa và các phép Bí tích, vì thiếu thốn từ rất lâu. Họ không để cho tôi được thong thả ăn uống hay ngủ nghỉ. Thực ra tôi rất sung sướng khi thấy họ, và cũng thật quá những gì tôi muốn nói. Ngay lúc này, viết tới đây, tôi còn nhớ đến giây phút êm đềm lúc đó và nước mắt tôi lại trào ra. Tôi coi như trên đời này không thể có một cảm xúc thấm thía hơn…’”[5].
Thật không may, vùng đất đã từng được mệnh danh là “Trưởng Nữ” của Giáo Hội Đàng Trong, Quảng Ngãi lại là một trong những vùng bị bách hại nặng nề nhất thời Minh Mạng, Tự Đức, nhất là thời Văn Thân. Trà Câu cũng không thoát khỏi “thân phận nạn nhân” của cuộc “nồi da xáo thịt” mù quáng và không đáng có nầy. Theo lời kể của Ông Ngoại tôi, mà vào thời điểm Văn Thân tàn sát Trà Câu đã là một cậu bé khoảng 7,8 tuổi, thìchính nhờ “Bà Cố ngoại” dẫn hai cậu con lánh nạn “bắt đạo” tại Trà Câu, đã chứng kiến phần nào bi kịch tại sông Thoa. Ngày đó, đang lúc thủy triều xuống, bà cố ngoại dẫn hai cháu lội qua sông Thoa tại Bến Đò Mốc, vào núp tạm tại cấm Bàng An, một khu rừng nhỏ gần bến sông phía Đông (thuộc xã Phổ Quang bây giờ). Trưa hôm ấy, từ trên cây, hai cậu bé đã nom thấy cả đoàn quân lính Văn Thân di lý những giáo dân Trà Câu trên đường “tư ích” xuống bến đò Mốc và men theo bên hữu ngạn xuôi về phía nam, cho tới đoạn sông rộng và sâu nhất mà dân địa phương gọi là “Vực Ô Rô”. Và tại đây, trong những chiếc “giỏ chiên” bằng tre, từng giáo dân bị trói chặt, xung quanh giỏ chiên đeo những hòn đá nặng… ; và cứ thế, bị ném xuống tại khúc sông sâu thăm thẳm nầy. Nếu có ai đó, vì tuột đá, bức dây trói, trồi lên mặt nước, lập tức bị quân Văn Thân dùng những cây dáo mác bén nhọn đâm ghì đầu xuống cho đến chết mới thôi… Và từ ấy, cái vực Ô Rô nầy đã được dân địa phương đổi thành “Vực Đạo”; và danh xưng ấy còn lưu truyền mãi tới hôm nay…
Sông Thoa bây giờ, so với hơn 60 mươi năm về trước, không còn mang nguyên dáng dịu dàng tự nhiên như một “cô Thoa” trẻ trung, hồn nhiên…; mà gần như đã trở thành một “bà Thoa” già với những can thiệp của bàn tay con người; và phải kể đến một số các công trình phúc lợi mang tính “ăn xổi ở thì” và non nớt, chụp giật không tính gì đến những quy luật của thiên nhiên và việc “bảo vệ môi trường sinh thái”.Nước dòng sông Thoa vẫn trôi qua cửa Mỹ Á, một cửa biển đẹp mà ở hai bờ Nam Bắc đều là những vách núi đá thiên nhiên mang dáng hình non bộ đẹp mắt. Chiếc cầu Hải Tân vừa hoàn thành (2020) đã nối hai bờ Mỹ Á, đoạn cuối Sông Thoa, biến con đường giao thương phía đông Đức Phổ trở nên thuận lợi và vùng đất biển, “đất cát”, vốn nghèo nàn với khoai lang khoai mì… bỗng dưng thay đổi diện mạo.
Tuần Thánh năm nay có dịp hành hương về Vực Đạo; men theo dọc bờ sông Thoa, ra tận cửa Mỹ Á, vượt cầu Hải Tân, để cử hành Tam Nhật Vượt Qua nơi một giáo điểm ở thị xã Đức Phổ. Cộng đoàn Đức Phổ – Trà Câu bây giờ chỉ vỏn vẹn mấy chục giáo dân; thế hệ Kitô hữu ít ỏi còn lại, không phải của một thời Văn Thân bách hại kinh hoàng, mà còn sau liên tiếp những cuộc chiến huynh đệ tương tàn, những cuộc di cư tản cư thất điên bát đảo, những cuộc oán thù ý thức hệ hiểm độc dai dẳng, những đòn trả thù nợ máu man rợ, bất nhân; hay những thiên tai, nhân tai khác…
Con sông vẫn ngàn đời im lặng ! Nhưng hình như dọc bờ sông Thoa, những cây cỏ dại, những bụi sậy lau…, đang thỏ thẻ những “câu chuyện dòng sông”, trong đó, hình như có câu chuyện: một số người đã bỏ mạng ở đây đang khi còn mang cây thập giá trên ngực !
Sơn Ca Linh (Tuần Thánh 2021 tại Trà Câu – Đức Phổ)
[1] Để biết thêm tư liệu lịch sử về những “trận hải chiến lịch sử” liên quan đến những con sông trên, xin đọc tác phẩm “MỘT SỐ TRẬN QUYẾT CHIẾN CHIẾN LƯỢC TRONG LỊCH SỬ DÂN TỘC” của nhóm biên soạn: Phan Huy Lê, Bùi Đăng Dũng, Phan Đại Doãn, Phạm Thị Tâm, Trần bá Chi. Nhà Xuất bản Hồng Đức 2019.
[2]BAN BIÊN SOẠN LỊCH SỬ GIÁO PHẬN, Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian, nxb. An Tôn & Đuốc Sáng 2017.
[3]SĐD, tr. 234-235
[4]Ibid., tr. 244-245
[5]Ibid., tr. 70-71