(Chúa Nhật 20 thường niên a 2023)
Quy tụ mọi dân mọi nước trong Vương quốc Nước Trời đó chính là tiêu đích của chương trình cứu độ của Thiên Chúa, như lời ngôn sứ Isaia tiên báo vừa được công bố nơi bài đọc 1: Ta sẽ dẫn chúng lên núi thánh, và Ta sẽ cho chúng niềm vui trong nhà cầu nguyện. Ta sẽ nhận những lễ toàn thiêu và hiến tế của chúng trên bàn thờ, vì nhà Ta là nhà cầu nguyện cho mọi dân tộc”.
Trong cuộc hành trình rao giảng Nước Thiên Chúa, Đức Ki-tô Con Một Thiên Chúa đã từ Bắc xuống Nam, từ Đông lên Tây, dọc ngang khắp vùng Palestina để “kiếm tìm” những con chiên lạc mà đưa về cho Thiên Chúa một đàn chiên và một chủ chiên: “Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (Ga 10,16).
Ngoài những con chiên lạc “con giòng cháu giống thuộc dân ưu tuyển Israel”, Chúa Giê-su lại bôn ba sang các miền ngoại giáo lân cận để tìm kiếm nơi cộng đồng dân ngoại những tâm hồn khao khát chân lý cứu độ để dẫn họ về trong chân lý và tình thương. Bởi vì trong “nhân sinh quan đức tin” của Ngài, bất cứ ai sống công chính, thực thi thánh ý Thiên Chúa đều là “bà con với Thiên Chúa: “Vì phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi” (Mt 12,50).
Tin mừng Matthêu hôm nay đã tường thuật những bước chân tiến về vùng ngoại giáo Tyrô và Siđon của Chúa Giêsu; và chính nơi vùng ngoại đạo nầy, Ngài đã gặp được một người đàn bà ngoại giáo Canaan nhưng “mạnh tin”.
Bà mạnh tin khi bà nhận ra chàng thợ mộc đến từ Nadarét kia chính là “Con Vua Đa-vít”: “Lạy Ngài là con Vua Đavít, xin thương xót tôi”, một danh xưng mà vào thời điểm đó, chỉ có những người Israel đạo hạnh với tấm lòng khát mong và đầy tràn niềm hy vọng vào một Đấng Thiên Sai đang đến mới sử dụng.
Bà mạnh tin khi bà xác tín rằng chỉ có Chúa Giêsu mới có đủ quyền năng chữa con bà khỏi quỷ ám, một quyền năng chỉ dành cho Thiên Chúa. Với bà, Đấng Thiên Sai chính là Thiên Chúa.
Bà mạnh tin khi vững vàng trông cậy vào tình yêu vô biên của chính Chúa Giêsu bất chấp những thử thách nặng nề là sự làm ngơ, chối từ và cả khinh miệt. Quyền năng và tình yêu Thiên Chúa mới là điều tối quan trọng… !
Chính ở nơi tâm hồn cương nghị và đầy khiêm hạ của người phụ nữ ngoại giáo Canaan nầy, Chúa Giêsu đã tìm được niềm an ủi trong công cuộc “đi bủa lưới giăng câu” các linh hồn trên những nẻo đường nơi vùng đất lạ: Bấy giờ, Chúa Giêsu trả lời cùng bà ấy rằng: “Này bà, bà có lòng mạnh tin. Bà muốn sao thì được vậy”.
Phải chăng từ kinh nghiệm nầy, Ngài đã truyền cho các Tông Đồ hãy mạnh dạn “đưa thuyền ra chỗ nước sâu”, “hãy đi khắp tứ phương thiên hạ để rao giảng Tin Mừng.”
Thế nhưng, chúng ta cũng đừng quên, Chúa Giêsu đã không ít lần đã thất bại thảm thương; mà cuộc thất bại cay đắng nhất trên con đường rao giảng Tin Mừng lại xảy ra trên chính quê hương Nadarét của Ngài. Chính tại nơi đây, Ngài đã “không làm được phép lạ nào” chỉ với lý do: “Vì họ cứng lòng tin” (Mc 6,5-6). Và nhất là thất bại “toàn tập” tại Giêrusalem, khi có đám đông người đã sẵn sàng chối từ Ngài để chọn Baraba, vì họ không thể đánh cược niềm tin vào một con người rách nát thảm thương sắp bị Philato tuyên án tử.
Vâng, những người ở Nadarét hay Giêrusalem đó cùng với các tư tế và biệt phái, hay những người quyền cao chức trọng lúc bấy giờ họ tin rằng họ đã có sẵn một “đức tin chân truyền đúng mực”, họ không cần phải mở lòng ra để đón nhận hay khát mong một “tin mừng” huyễn hoặc nào nữa, nhất là một “Tin Mừng” với “những giá trị” gần như đối nghịch hẳn với tâm thức và sự kiếm tìm của họ như “khó nghèo, hiền lành, trong sạch, yêu thương kẻ thù, tha thứ luôn luôn, chọn đường thập giá…”. Đặc biệt, “giải pháp thập giá” quả là một thử thách quá lớn mà họ không dễ gì vượt qua hay chọn lựa, bởi họ đã quen chọn cho mình con đường dễ dàng, nhung lụa, vinh quang…
Tuy nhiên, “niềm tin qua nẻo đường thập giá”, hay chọn lựa đức tin ngay trong lúc đối diện với dập vùi bế tắc vẫn có đấy thôi! Người đàn bà Canaan khi đối diện với những thử thách nghiệt ngã vẫn kiên cường “Vâng, lạy Ngài, vì chó con cũng được ăn những mảnh vụn từ bàn của chủ rơi xuống”; hay người trộm bên hữu đã sẵn sàng tin vào một con người chỉ còn tấm thân tàn ma dại: “Lạy Thầy, khi nào Thầy về Vương Quốc của Thầy, xin nhớ đến tôi” !
Như vậy, sứ điệp Lời Chúa hôm nay gần như truy vấn tất cả mọi người chúng ta về hành trình đức tin của chính mình. Chúng ta thường sống và thực hành đức tin như một chuyện “đã rồi”, một “chọn lựa dễ dàng và không hề thử thách”. Nhiều người thường vỗ ngực xưng mình là “đạo dòng, đạo gốc…!”, nhưng các giá trị và đòi hỏi của Phúc Âm thường “gác lại một bên” !
Vẫn còn đó nhiều người trong chúng ta sẵn sàng quay lưng lại với Giáo Hội với cộng đoàn, chỉ vì một tự ái không đâu trước một lời quở trách, một sĩ diện hảo trước một tiếng la rầy…
Vẫn còn đó nhiều tâm hồn khô khan nguội lạnh chẳng còn thiết tha cầu nguyện và trung thành đến với Chúa; thậm chí quay lưng bỏ đạo và sẵn sàng oán trách Chúa chỉ vì “cầu nguyện hoài sao Chúa không đáp ứng”, giữ đạo chính chuyên sao vẫn cứ gặp tai ương hoạn nạn !…
Thánh Tông Đồ Phaolô đã có một “kinh nghiệm đắt giá” về thái độ “cố chấp”, “cứng lòng”, “giữ nguyên trạng” của chính mình và nơi dân tộc mình khi ngài ra tay bách hại các Kitô hữu. Nhờ “bị cú đánh ngã ngựa trên đường Đamát”, ngài đã được mở mắt và “tin Chúa Kitô”, để từ đó nên “Tông đồ dân ngoại”. Ngài đã không ngừng chia sẻ “kinh nghiệm thiêng liêng nầy”, như được thuật lại trong Bài đọc 2 hôm nay: “Vì Thiên Chúa ban ơn và kêu gọi ai, thì Người không hề hối tiếc. Như xưa anh em không tin Thiên Chúa, nhưng nay vì họ cứng lòng tin, nên anh em được thương xót; cũng thế, nay họ không tin, vì thấy Chúa thương xót anh em, để họ cũng được thương xót” (Rm 11, 13-15. 29-32).
Trên những nẻo đường thế giới hôm nay Chúa vẫn sục sạo đi tìm. Nhưng con đường Chúa đề nghị để theo Ngài không bao giờ tầm thường và dể dãi. Câu trả lời của người phụ nữ ngoại đạo Canaan hôm nay và thái độ đức tin đầy khiêm nhu tín thác của bà mãi mãi là một điểm quy chiếu cho mọi cuộc lên đường tìm kiếm và gặp gỡ Thiên Chúa. Vâng, đó là một mô hình mẫu tuyệt vời của đức tin hôm qua, hôm nay và mãi mãi. Vâng, tin chính là lúc “cái tôi bỏ lại đằng sau” để “Chúa chính là ưu tiên một” ! Amen.
Trương Đình Hiền