(Bài chia sẻ với quý thầy phó tế dịp ôn tập chuẩn bị chịu chức)
Nội dung ôn tập : Linh mục trong tương quan với giáo dân
Dẫn nhập : Đang có một cuộc “khủng hoảng mô hình” !
Mới đây, ngày 28.8.2016, sau sự kiện sát hại đẫm máu ba quan chức chính quyền tỉnh Yên Bái (18/8/2016), đài BBC có một cuộc phỏng vấn bút đàm để nhận định về sự kiện trên, và ngang qua đó, về bối cảnh chính trị xã hội Việt Nam hôm nay. Một trong những nhân vật chính tham dự cuộc “bút đàm” đặc biệt nầy, là nữ giáo sư Tiến sĩ văn chương và là nhà nghiên cứu chính trị Nguyễn thị Từ Huy,[1] bà đã có những nhận định mà đại ý có thể cô đọng qua một đoạn ngắn trong toàn bộ nội dung phỏng vấn được Ban biên tập BBC ghi lại với tựa đề “KHỦNG HOẢNG MÔ HÌNH” như sau : Xin trích :
“Cái giá mà đảng phải trả là sự hoen ố tột cùng của hình ảnh đảng trong lòng nhân dân. Và cái giá mà nhân dân phải trả rất có thể là họ sẽ bắt chước lãnh đạo, tự xử lý lẫn nhau không cần đến pháp luật. Cái giá mà xã hội phải trả là bạo lực cách mạng mà đảng nuôi dưỡng trong từng trang sách giáo khoa đã trở thành một thứ bạo lực xã hội đen được sử dụng trong ánh sáng trắng của cuộc sống thường nhật. Nếu đến lúc này mà lãnh đạo và người dân không chịu hiểu điều đó thì hỗn loạn xã hội ở Việt Nam là điều mà tất cả mọi người đều phải chờ đợi.”.[2]
Cùng với những ý kiến đó và các nội dung tọa đàm chung quanh vấn đề, ban biên tập BBC đã nhận định nguyên do chính đưa tới những sự kiện bi đát trên và dự báo những hổn loạn có thể tiếp tục xảy ra là Việt Nam đang đối diện với một cuộc “khủng hoảng trầm trọng về mô hình” : “mô hình lãnh đạo”, “mô hình xã hội”, “mô hình luật pháp”. Xin trích :
“Cho đến thời điểm này, trước cách thức vừa đưa tin vừa làm nhiễu loạn thông tin như ta đang thấy, thì chưa có thể có bình luận nào khả tín hoàn toàn về nguyên nhân vụ việc, ngoài việc thừa nhận đây là một sự kiện bạo lực giết người diễn ra trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp của đảng. Nó là một biểu hiện của sự khủng hoảng trầm trọng của mô hình lãnh đạo, mô hình xã hội, mô hình luật pháp ở Việt Nam.”.[3]
Không phải chỉ Việt Nam và cũng không hẵn chỉ vào thời điểm nầy, hầu như trên toàn thế giới, ở đâu và thời nào cũng đều xảy ra những cuộc khủng hoảng như thế. Dĩ nhiên, trong thời đại “toàn cầu hóa” và tốc độ truyền thông “không biên giới” của internet đã khiến chúng ta có cảm tưởng như trong thời đại nầy thế giới đang chìm ngập trong cuộc khủng hoảng tồi tệ trên ; nhất là với những sự kiện như Tổng thống Saddam Hussein (1937-2006) bị lật đổ và xử án, nhà độc tài Gaddafi (1942-2011) bị săn đuổi và giết chết như một con chó, cuộc cách mạng Hoa Lài vang trời dậy đất ở Ai Cập…lại càng cho thấy rõ cái vóc dáng “to đùng và dị hợm” của cuộc khủng hoảng trên.
Và mới đây nhất, với kết quả không ai ngờ của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, cả thế giới lại tốn nhiều giấy mực và nước bọt để nhận định, phân tích về “hiện tượng thất cử của ứng cử viên Hilary Clinton” mà nguyên do cuối cùng là vì dân chúng Mỹ muốn thay đổi một “mô hình lãnh đạo” !
Trong môi trường xã hội dân sự là như thế, còn đối với cộng đoàn Dân Chúa, môi trường mục vụ của Hội Thánh Công Giáo thì sao ? Có một cuộc khủng hoảng mô hình đã, đang và sẽ có trong Hội Thánh Chúa Kitô không ?
Nếu bình thản mà đọc lại những trang Thánh Kinh Cựu ước qua các trích đoạn của các sứ ngôn Êdêkien, Dacaria về mối tương quan giữa mục tử và đoàn chiên,[4] rồi những cuộc tranh chấp nội bộ trong nhóm Mười Hai[5], huấn dụ về chân dung “Mục tử nhân hiền”[6], hay những lời cầu nguyện cho hiệp nhất cách tha thiết của Đức Kitô trước khi chịu nạn[7]…chúng ta sẽ cảm nhận được phần nào những thách đố về tương quan trong đời sống Dân Chúa.
Trong khi đó, với chặng đường lịch sử của con thuyền Hội Thánh suốt 2000 năm nay, chúng ta không thể phủ nhận, cho dù là một “Nhiệm Thể”, Giáo Hội vẫn phải trải qua những nẻo chông chênh, đôi khi lệch lạc, của thân phận “Hội Thánh lữ hành”, một Hội Thánh “luôn có những tội nhân” và luôn “yêu thương ôm ấp tất cả những ai đang sầu khổ trong thân phận cùng khốn của kiếp nhân sinh”,[8] một Hội Thánh mà Đức thánh Giáo hoàng Pio X đã không ngần ngại phát biểu :
“Giáo hội này tự bản chất là một xã hội bất bình đẳng, nghĩa là xã hội gồm có hai hạng người: những người chăn chiên và đàn chiên, những người chiếm một địa vị ở các cấp bậc khác nhau trong giáo phẩm, và đám đông những tín hữu (giáo dân); và hai hạng này khác nhau đến nổi chỉ trong hàng ngũ mục tử mới có quyền lực và uy quyền cần thiết để khuyến khích và lãnh đạo mọi thành phần đưa đến mục tiêu của cộng đoàn. Còn đám đông kia chỉ có phận sự duy nhứt là để cho mình được dẫn dắt và, như một đàn chiên ngoan ngoản, đi theo những người chăn chiên.” [9]
Nhưng chấp nhận “tiền đề” đó không có nghĩa chúng ta chọn con đường “thỏa hiệp” với khủng hoảng, với những tiêu cực, nhất là những tiêu cực tác động nguy hiểm đến sự hiệp nhất cộng đoàn, đánh mất năng lực thuyết phục của sứ vụ truyền giáo và làm biến chất “căn tính mục tử” nơi các chủ chăn cũng như của anh chị em giáo dân, đặc biệt, nơi những anh em sắp sửa dấn thân vào một sứ mệnh thánh thiêng và đầy thách đố : chức linh mục thừa tác của bí tích Truyền Chức Thánh.
Chính trong nội dung và ý nghĩa đó, xin được trình bày đôi nét về mối tương quan giữa linh mục và giáo dân vừa trong viễn tượng “giáo lý và định hướng” vừa trong đề nghị “mục vụ thực hành” với các nội dung sau :
– Tương quan linh mục-giáo dân trong viễn tượng đức tin. (Qua 3 chiều kích : Tương quan từ cội nguồn Chức linh mục duy nhất của Chúa Kitô ; tương quan trên nền tảng hiệp thông và sứ vụ ; tương quan nhằm mục tiêu phục vụ và thăng tiến).
– Tương quan linh mục – giáo dân trong viễn tượng hoán cải mục vụ (Nhận diện một số nguy cơ tục hóa có thể dẫn đến sự đổ vỡ tương quan, đặc biệt theo gợi ý của tông huấn Niềm Vui Tin Mừng).
– Tương quan linh mục – giáo dân : những nẻo đường gặp gỡ (Nhận diện các đối tượng “giáo dân” mà linh mục cần ưu tiên trong thực hành đức ái mục vụ).
– Củng cố tương quan linh mục – giáo dân theo định hướng “Đi Ra”. (Củng cố mối tương quan với giáo dân qua ba tác vụ chính Tư tế, Ngôn sứ, Vương đế theo định hướng “Đi Ra” của Tông huấn Niềm vui Tin Mừng).
- TƯƠNG QUAN LINH MỤC – GIÁO DÂN : VIỄN TƯỢNG ĐỨC TIN HÔM NAY
Nói tới “viễn tượng đức tin hôm nay” là cố ý nhấn mạnh tính cập nhật và hiện thời của giáo huấn Hội Thánh trong cái nhìn về tương quan giữa linh mục và giáo dân. Bởi chưng, để có được một quan niệm thần học, một nền huấn giáo quân bình và chuẩn xác như hôm nay, Giáo Hội đã trải qua bao nhiêu thăng trầm, cọ xát, sàng lọc, như chứng từ của Đức Hồng Y Avery Dulles, một thần học gia Hoa Kỳ và là chuyên viên về Công Đồng Vatican II, được tác giả bài viết “Ơn gọi tông đồ giáo dân” Nguyễn Tri Sử tường thuật lại như sau : Xin trích :
Avery Dulles nói rằng lược đồ cho Công Đồng Vaticanô I đã có những câu như thế này:
“Giáo Hội của Chúa không phải là một cộng đồng của những người bình đẳng trong đó mọi tín hữu đều có những quyền như nhau. Đây là một Giáo hội gồm những người không bình đẳng, không phải chỉ vì trong số tín hữu một số người là giáo sỉ một số người là giáo dân mà thôi, song đặc biệt vì lý do trong Giáo Hội Thiên Chúa chỉ ban quyền lực cho một số người để thánh hoá, dạy dỗ, và cai trị, còn những người khác thì không.”
Và lược đồ ấy đã được lấy lại phần nào làm lược đồ cho Công Đồng Vaticanô II, khiến cho có nhiều tranh cãi và lược đồ phải bị sửa đổi 3 lần, và Avery Dulles viết:
“Trong phiên họp Khóa I của Vaticanô II, Giám mục Emile De Smedt, giáo phận Bruges, (Bỉ quốc) đã mô tả đặc điểm của lược đồ này với ba “từ” trở thành nổi tiếng đến nay: clericalism, juridicism, and triumphalism” (xin tạm dịch là: “chủ nghĩa giáo quyền” (có người còn gọi là “giáo sĩ trị”), “chủ nghĩa pháp trị”, và “chủ nghĩa đắc thắng” (theo Tự Vựng Triết Thần Căn Bản của Ngô Minh và Nguyễn Thế Minh).
Cũng theo Avery Dulles thì Giám mục Emile De Smedt đã cắt nghĩa tại sao dùng từ “chủ nghĩa giáo quyền” để mô tả tinh thần của lược đồ, vì nó “nhìn giáo sĩ, đặc biệt là những giáo sĩ ở cấp trên như là nguồn gốc của mọi quyền hành và sáng kiến”. De Smedt “còn nói đến tháp phẩm trật trong đó mọi quyền hành phát xuất từ trên xuống, từ giáo hoàng đến giám mục rồi linh mục, ở dưới nền là giáo dân với một vai trò thụ động và vị trí thấp kém trong Giáo hội. Quan niệm “duy pháp trị” thì xem Giáo hội như một nhà nước trong đó đặt nặng luật pháp và hình phạt…“Chủ nghĩa đắc thắng” xem Giáo Hội như một đạo binh dàn trận chống lại Satan và quyền lực sự dữ”[10] (Hết trích)
Thật là may mắn ! Công Đồng Vatican đã thổi vào Giáo Hội một làn gió mới để “canh tân mọi sự trong Đức Kitô” ; Công Đồng đã canh tân mạnh mẽ nền giáo lý về mầu nhiệm Giáo Hội, mà trong đó, tương quan giữa linh mục và giáo dân là một chiều kích không thể không nói đến.
Và đây là những chiều kích của mối tương quan đó. (theo Huấn Quyền của Giáo Hội qua các văn kiện nền tảng) :
- Từ một “xuất phát điểm” và trên cùng một mặt bằng : Ơn gọi Kitô hữu và Chức Tư Tế phổ quát.
Khởi đi từ “Dòng nước Thanh tẩy”, linh mục và giáo dân đều là “những người anh em giữa các anh em” như Thánh Công Đồng Vaticanô dạy : “Thật vậy, cùng với tất cả những ai đã được tái sinh trong dòng nước Thánh tẩy, các linh mục là những người anh em giữa các anh em, như những chi thể trong cùng một thân thể duy nhất của Đức Kitô mà mọi người đều có nhiệm vụ xây dựng” (Sắc lệnh về tác vụ và đời sống linh mục (Presbyterorum Ordinis), viết tắt PO số 9)
Điểm giáo lý nầy, có thể nói, được cắt nghĩa cách sống động, cụ thể và truyền thống qua “thành ngữ” sau đây của Thánh Giáo Phụ Augustinô : “Cho anh chị em, tôi là Giám mục, cùng với anh chị em tôi là Kitô hữu. Tước hiệu thứ nhất là trách vụ đã lãnh nhận, tước hiệu thứ hai là của ân sủng. Tước hiệu đầu nói lên mối nguy hiểm, tước hiệu sau nói lên ơn cứu độ.”
Thật vậy, linh mục và giáo dân có chung một tước hiệu cao cả, “nói lên ơn cứu độ”, diễn tả một hồng ân vĩ đại đó là được làm Kitô hữu, làm “hàng tư tế thánh”, cùng “tham dự vào chức tư tế duy nhất của Chúa Kitô”. Ấn tín của bí tích Rửa Tội và Thêm Sức đã làm cho mọi thành phần Dân Chúa đều có được một phẩm giá cao cả như nhau, chẳng bên trọng chẳng bên khinh, như Hiến chế Giáo Hội và Sách GLHTCG khẳng định :
– “Thật vậy, nhờ sự tái sinh và việc xức dầu Thánh Thần, những người đã nhận ơn Thánh tẩy được thánh hiến trở nên ngôi nhà thiêng liêng và hàng tư tế thánh…Chức tư tế cộng đồng của các tín hữu và chức tư tế thừa tác hay phẩm trật….theo cách thức riêng của mình, mỗi bên đều tham dự vào chức tư tế duy nhất của Đức Kitô” (GH 10)
-“Như vậy, toàn thể cộng đoàn các tín hữu là tư tế. Các tín hữu thực thi chức tư tế do Phép Rửa qua việc họ tham dự, mỗi người theo ơn gọi riêng của mình, vào sứ vụ của Đức Kitô là Tư Tế, Tiên tri và Vương đế. Nhờ bí tích Rửa tội và Thêm Sức, các tín hữu “được thánh hiến để trở nên…một hàng tư tế thánh” (GLHTCG 1546).
Chính từ ý nghĩa nầy, tài liệu Kim Chỉ Nam về tác vụ và đời sống linh mục đã dẫn tới kết luận dành riêng cho linh mục trong việc ứng xử mục vụ với giáo dân như sau :
“Nhận ra phẩm giá con Thiên Chúa nơi giáo dân, linh mục sẽ làm thăng tiến vai trò riêng của họ trong Giáo Hội, và đem tất cả tác vụ linh mục cũng như đức ái mục vụ mà phục vụ họ” (KCN 41).
Và Kim Chỉ Nam cũng lưu ý rằng : nhận thức trên hoàn toàn xa lạ với ý nghĩa “cào bằng” tất cả hoặc “giáo dân dân hóa linh mục” để “làm pha loãng đi nơi các linh mục căn tính của các ngài”[11]. Điều cốt yếu là cùng nhận ra khuôn mặt của Đức Kitô đang hiện diện !
- Quan hệ Hiệp thông – Sứ vụ thay vì đẳng cấp hay địa vị :
Từ xuất phát điểm “chức Tư Tế duy nhất của Đức Kitô”, quan hệ giữa linh mục và giáo dân là quan hệ mang tính hiệp thông và hướng tới sứ vụ chứ không nhằm khẳng định đẳng cấp hay địa vị. Chính Đức Kitô đã lưu ý đặc biệt các Tông Đồ về tinh thần hiệp thông và sứ vụ nầy qua nghĩa cử và lời huấn dụ về việc “rửa chân cho nhau” (Ga 13,17).
– Hiến chế Giáo Hội đã xác định rõ chiều kích hiệp thông và sứ vụ đó trong gia đình Hội Thánh : “Được Đức Kitô thiết lập để đi vào hiệp thông sự sống, bác ái và chân lý, dân tộc nầy cũng được Người sử dụng như khí cụ để cứu chuộc mọi người, và được sai đi vào thế giới như ánh sáng trần gian và muối đất”. (x. Mt 5,13-16)[12]
– Hiệp thông : Linh mục và giáo dân cùng được tháp nhập vào “Thân thể mầu nhiệm của Đức Kitô” như các chi thể [13], như những cành nho trong một thân nho.[14]
– Cả hai đều được tham dự vào ba sứ vụ Ngôn sứ, Tư tế và Vương đế theo cách thế riêng của mình. “Chức tư tế cộng đồng của các tín hữu và chức tư tế thừa tác hay phẩm trật, dù khác nhau về yếu tính chứ không phải chỉ về cấp bậc, nhưng cả hai đều được đặt định tương quan với nhau; thật vậy, theo cách thức riêng của mình, mỗi bên đều tham dự vào chức tư tế duy nhất của Đức Kitô” (GH 10).
– Trong Tông huấn Kitô hữu giáo dân, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II đã cắt nghĩa chiều kích hiệp thông trong Giáo Hội chính là “sự thông hiệp nhiệm mầu giữa các môn đệ với Đức Giêsu và giữa các môn đệ với nhau”, ngài dùng hình ảnh “Ta là cây nho, chúng con là cành” (Ga 17, 21) để diễn tả sự hiệp thông ấy. Ngài còn nói đó là một sự “hiệp thông có cơ cấu” gồm những phần thân thể sống động”, “sự hiệp thông ấy là một ân huệ”, các tín hữu phải nhận ơn ấy và “sống bằng tinh thần trách nhiệm”.[15]
– Không phải sự hiệp thông lỏng lẻo, mơ hồ, lý thuyết, mà là sự gắn kết mật thiết trong tình huynh đệ thật sự, trong Đức Kitô như xác quyết của Sắc lệnh về Tác vụ và đời sống linh mục : “Được tuyển chọn giữa loài người, và được đặt làm đại diện cho con người trong những việc liên quan đến Thiên Chúa, để hiến dâng lễ vật và hy tế đền tội, các linh mục sống với người khác như với những người anh em. Thật vậy, chính Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, Người được Cha sai đến với loài người, đã ở giữa chúng ta và muốn nên giống chúng ta là anh em Người trong mọi sự, ngoại trừ tội lỗi.” [16] (PO 3)
Từ nhận thức trên, Kim Chỉ Nam cũng dẫn tới đề nghị thực hành dành cho các linh mục :
“Chiều kích nầy của việc xây dựng cộng đoàn tín hữu đòi các linh mục vượt qua mọi thái độ thiên tư kỳ thị; …linh mục sẽ đem hết sức để khơi dậy và phát huy tinh thần đồng trách nhiệm trong cùng một sứ mạng cứu độ duy nhất, nhiệt tình và hết lòng làm triển nở mọi đặc sủng và chức năng mà Chúa Thánh Thần ủy thác cho các tín hữu để xây dựng Giáo Hội” (KCN 41)
- Quan hệ phục vụ – thăng tiến thay vì cai trị và nô dịch :
– Điểm quy chiếu đầu tiên là chính Đức Kitô, Đấng “ở giữa anh em như một người phục vụ” (Lc 22,24-27). Là Thiên Chúa mà chấp nhận ở giữa loài người chúng ta, “loài sâu bọ tội lỗi”, như “một người phục vụ”, thì hà cớ gì linh mục lại ở giữa anh chị em mình như “một kẻ bề trên” !
– Cũng với ý nghĩa trên, thật thích hợp để chúng ta nghe lại lời của Thánh Giáo phụ Augustinô chia sẻ trong dịp lễ tấn phong của một Giám Mục đương thời : “Người đứng đầu trên dân trước hết phải biết rằng mình là tôi tớ của nhiều người. Đừng khinh chê việc trở nên tôi tớ cho nhiều người bởi vì Chúa các chúa đã không khinh chê việc trở nên tôi tớ cho chúng ta” (PDV 21)
– Vã lại, chiều kích “phục vụ” đã được “đóng ấn” ngay trong tên gọi “Thừa Tác”, tức chức linh mục loại biệt dành riêng cho linh mục mà Hiến chế Giáo Hội cũng như sách GLHTCG đã minh định : “Nhiệm vụ Chúa trao phó cho các chủ chăn của dân Người đích thực là một việc phục vụ mà Thánh Kinh gọi rõ ràng là “diakonia” hay thừa tác vụ” (GH 24; Xem thêm GLHTCG 1551)
– Sắc lệnh về Tác vụ và đời sống linh mục đã cắt nghĩa thêm chiều kích nầy : “Giữa lòng Dân Chúa, các tư tế của Giao Ước Mới, do ơn gọi và chức thánh, một cách nào đó cũng đã được dành riêng, không phải để tách biệt khỏi đoàn chiên hoặc khỏi bất cứ một ai, nhưng để được thánh hiến hoàn toàn cho công việc Chúa trao phó. Các Ngài không thể là thừa tác viên của Đức Kitô nếu không trở nên chứng nhân và nên người ban phát một đời sống khác với đời sống trần thế nầy, tuy nhiên các ngài không thể phục vụ nhân loại nếu lại trở nên xa lạ với cuộc đời và những hoàn cảnh sống của nhân loại” (PO 3).
– Phục vụ khiêm nhường phải được linh mục ưu tiên chọn lựa không phải chỉ như một “ứng xử nhân bản” mà là một chiều kích linh đạo thuộc đời sống thiêng liêng cần được tập luyện và thực hành xuyên suốt như khuyến dụ của Tông huấn Pastores Dabo Vobis : “Đời sống thiêng liêng của các thừa tác viên Tân ước phải được đóng ấn bằng thái độ tiên khởi ấy, thái độ phục vụ đối với dân Thiên Chúa (x. Mt 20,24-28; Mc 10,43-44), và phải được loại trừ khỏi mọi cao ngạo và mọi tham vọng “làm vua làm chúa” trên đoàn chiên được giao phó” (x. 1 Pr 5,2-3).(PDV 21).
– Sự hiệp thông trong Giáo Hội chỉ được “bảo đảm và phát triển” khi nào “phía” linh mục xác tín về “tác vụ phục vụ” của mình và “phía giáo dân” ý thức sự cần thiết của “thừa tác vụ phục vụ” đó.[17]
– Việc phục vụ cũng là một phương thế để được sống cái mối “phúc nghèo” của Phúc Âm, tự “bóc lột chính mình”, biết quảng đại “cho đi” nhằm để giáo dân “được sống và sống phong phú”, để cộng đoàn được thăng tiến. (Ga 10,10 ; Xem thêm KCN số 77 : linh mục cho cộng đoàn).
- TƯƠNG QUAN LINH MỤC – GIÁO DÂN : VIỄN TƯỢNG HOÁN CẢI MỤC VỤ
- Chủ nghĩa công chức (fonctionnaliste) :
“Ngày nay, đức ái mục tử có nguy cơ bị đánh mất ý nghĩa, do bởi điều mà người ta có thể gọi là chủ nghĩa công chức. Thật vậy, không khó để thấy rằng ngay cả nơi một số linh mục, ảnh hưởng của một nảo trạng sai lạc muốn giảm trừ chức linh mục thừa tác vào các khía cạnh chức năng mà thôi. “Làm” linh mục, cung cấp các dịch vụ chuyên biệt và bảo đảm một số lời thề hứa, đó là tất cả lý do hiện hữu của đời sống linh mục. Nhưng linh mục không chỉ thi hành một “công việc”, xong rồi thì được tự do nghỉ ngơi. Một khái niệm giản lược như thế về căn tính và tác vụ linh mục có nguy cơ biến đời sống linh mục thành trống rỗng, thường được đền bù bằng những lối sống không phù hợp với tác vụ của mình” (KCN 55)
- Trào lưu tục hóa (Theo gợi ý của Tông huấn Niềm vui Tin Mừng) :
a/. Tâm thức hưởng thụ : “Mối nguy lớn trên thế giới hôm nay, một thế giới hầu như thấm nhiễm chủ nghĩa tiêu thụ, đó là cảm giác cô đơn và lo lắng phát sinh từ một con tim tự mãn nhưng tham lam, sôi nổi chạy theo những thú vui phù phiếm, và một lương tâm chai lỳ. Khi mà đời sống nội tâm của chúng ta bị trói chặt trong những lợi ích và những mối quan tâm riêng của nó, thì không còn chỗ cho người khác, không còn chỗ cho người nghèo. Tiếng nói của Thiên Chúa không còn được nghe thấy, niềm vui an bình của tình yêu của Người không còn được cảm thấy, và ước muốn làm điều thiện bị phai mờ.” (Số 2)
b/. Tâm thức phô phương : “một sự quan tâm phô trương đối với phụng vụ, giáo lý hay uy tín của Hội Thánh, nhưng không hề lo cho Tin Mừng có một tác động thực sự đối với các tín hữu và các nhu cầu cụ thể của thời đại.” (Số 95)
c/. Tâm thức hãnh tiến : “muốn được người khác để ý tới, xuất hiện với đủ vẻ sang trọng trong đời sống xã hội, trong các buổi gặp gỡ, tiệc tùng và tiếp tân.” (SĐD)
d/. Tâm thức hành chánh : “luôn bận bịu với các công việc quản lý, các vấn đề thống kê, kế hoạch và đánh giá mà lợi ích chính không phải là dân Chúa mà là Giáo Hội được nhìn như là một tổ chức.” (SĐD)
e/ Tâm thức sỹ diện : “thói háo danh của những người có chút ít quyền lực và thà làm tướng của một đạo quân thất trận hơn chỉ là người lính quèn vẫn tiếp tục chiến đấu.” (Số 96)
f/. Tâm thức nhàn hạ : “Điều tương tự cũng xảy ra đối với các linh mục sợ mất thời giờ rảnh rỗi của mình. Lý do thường là vì người ta cảm thấy nhu cầu quá mạnh muốn bảo vệ sự tự do riêng của họ, họ coi nhiệm vụ loan báo Tin Mừng như thể là một chất độc nguy hiểm thay vì là một lời đáp hân hoan trước tình yêu của Thiên Chúa mời gọi chúng ta truyền giáo, hoàn thiện bản thân và sinh hoa kết quả. Một số người hoàn toàn từ chối hiến thân cho truyền giáo và rốt cuộc đi đến một tình trạng tê liệt và nhàm chán thiêng liêng.” (Số 81)
g/. Tâm thức vô cảm : “Hầu như vô tình, rốt cuộc chúng ta trở nên vô cảm trước tiếng kêu của người nghèo, không còn có thể khóc trước nỗi đau của người khác hay cảm thấy cần cứu giúp họ, coi như tất cả đều là trách nhiệm của một ai khác chứ không phải của chính chúng ta. Văn hoá của sự thịnh vượng làm chúng ta mất đi sự mẫn cảm; chúng ta phấn khích nếu thị trường cung cấp cho chúng ta một món hàng mới; trong khi tất cả những mảnh đời cằn cỗi vì thiếu cơ hội có vẻ chỉ là một cảnh tượng bình thường, không hề làm chúng ta mủi lòng.” (EG 54)
h/. Tâm thức đường mòn : “Cứ thế, chúng ta cố bám vào một công thức trong khi không chuyển đạt được nội dung cơ bản của nó. Đây là mối nguy lớn nhất. Chúng ta đừng bao giờ quên rằng “chân lý có thể được diễn tả bằng những hình thức khác nhau. Việc đổi mới các cách diễn tả này trở thành cần thiết để thông truyền cho con người ngày nay sứ điệp Tin Mừng trong ý nghĩa không thay đổi của nó” (Số 41)
III. TƯƠNG QUAN LINH MỤC – GIÁO DÂN : NHỮNG NẺO ĐƯỜNG “GẶP GỠ” :
- Mạo hiểm vào những cuộc gặp gỡ trực diện, vươn tới tha nhân :
“Trong khi đó, Tin Mừng không ngừng dạy chúng ta mạo hiểm vào những cuộc gặp gỡ trực diện với người khác, với sự hiện diện thể chất của họ vốn thách thức chúng ta, với nỗi đau và các lời kêu xin của họ, với niềm vui của họ lan toả sang chúng ta trong mối tương tác gần gũi và liên tục. Lòng tin đích thực vào Con Thiên Chúa nhập thể thì không thể tách rời khỏi sự tự hiến, tư cách thành viên của cộng đoàn, sự phục vụ, sự hoà giải với người khác. Bằng việc nhập thể, Con Thiên Chúa kêu gọi chúng ta tới cuộc cách mạng của sự dịu dàng.” (EG 88 ; Xem thêm số 9)
- Giáo dân : trước hết đó là người nghèo, những kẻ bị tổn thương :
“Nếu chúng ta, những người được Chúa dùng để lắng nghe người nghèo, mà bịt tai trước tiếng kêu xin này, chúng ta chống lại ý muốn và kế hoạch của Người; người nghèo kia “có thể sẽ kêu lên Ðức Chúa tố cáo anh (em) và anh (em) sẽ mang tội” (Đnl 15:9). Thiếu tình liên đới với các nhu cầu của người nghèo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mối quan hệ của chúng ta với Thiên Chúa: “Ai cay đắng trong lòng mà nguyền rủa con, thì Ðấng tạo thành ra nó sẽ nghe lời nó thỉnh nguyện” (Hc 4:6). (EG 187)
“tôi muốn nói với lòng đau buồn rằng sự kỳ thị tồi tệ nhất mà người nghèo phải chịu là thiếu chăm sóc thiêng liêng. Đa số người nghèo có một sự mở lòng đặc biệt với đức tin; họ cần Thiên Chúa và chúng ta không thể không cống hiến cho họ tình bạn, sự chúc lành, lời nói, việc cử hành các bí tích và một hành trình lớn lên và trưởng thành trong đức tin. Chọn lựa ưu tiên của chúng ta vì người nghèo phải chủ yếu trở thành một sự chăm sóc tôn giáo đặc biệt và ưu tiên cho họ.” (Số 200 ; Xem thêm số 209, 199)
- Giáo dân : Đó là những người tội lỗi, yếu đuối, bị loại trừ…đang khao khát được chăm sóc :
“Nếu có cái gì đáng phải khiến chúng ta trăn trở và áy náy lương tâm, thì đó chính là sự kiện nhiều anh chị em chúng ta đang sống mà không có sức mạnh, ánh sáng và niềm an ủi phát sinh từ tình bạn với Đức Giêsu Kitô, không có một cộng đoàn đức tin nâng đỡ họ, không tìm thấy ý nghĩa và mục tiêu trong đời. Tôi mong rằng, thay vì sợ đi lạc, chúng ta nên sợ bị giam hãm trong những cấu trúc làm cho chúng ta có một cảm giác an toàn giả tạo, những qui tắc biến chúng ta thành những quan toà tàn nhẫn, với những thói quen làm chúng ta cảm thấy an thân, trong khi ở ngoài cửa người ta đang chết đói và Đức Giêsu không ngừng nói với chúng ta: “Anh em hãy cho họ ăn đi!” (Mc 6:37). (EG 49)
- Đó là những người ngoại đạo, những kẻ từ chối Chúa :
“Sau cùng, chúng ta không thể quên rằng loan báo Tin Mừng trước hết và trên hết là giảng Tin Mừng cho những người không biết Đức Giêsu Kitô hay luôn luôn chối bỏ Ngài.” (Số 14)
- Đó là các gia đình :
“Gia đình đang trải nghiệm một khủng hoảng văn hoá sâu xa, và mọi cộng đồng và quan hệ xã hội cũng thế. Trong trường hợp gia đình, sự suy yếu các mối quan hệ này đặc biệt nghiêm trọng vì gia đình là tế bào cơ bản của xã hội, ở đó chúng ta học cách sống với người khác bất chấp các khác biệt giữa chúng ta, và học cách thuộc về lẫn nhau; gia đình cũng là nơi cha mẹ truyền thụ đức tin cho con cái.” (EG 66)
- Đó là giới trẻ :
“Giới trẻ thường không thể tìm thấy những giải đáp cho các mối quan tâm, nhu cầu, vấn đề và các thương tổn của họ trong các cơ cấu bình thường. Là người lớn, chúng ta cảm thấy khó kiên nhẫn lắng nghe họ, trân trọng các mối quan tâm và đòi hỏi của họ, và nói với họ bằng một ngôn ngữ họ có thể hiểu.” (Số 105)
- Đón nhận và học hỏi những người tốt lành :
“Tôi biết ơn vì gương sáng tôi nhận được từ rất nhiều Kitô hữu khi họ vui vẻ hi sinh cuộc đời và thời giờ của họ. Những chứng tá này an ủi và nâng đỡ tôi trong cố gắng của chính mình để khắc phục tính ích kỷ và để tôi hiến mình trọn vẹn hơn.” (Số 76)
- CỦNG CỐ TƯƠNG QUAN THEO ĐỊNH HƯỚNG “ĐI RA” (Tông huấn NIỀM VUI TIN MỪNG – EVANGELII GAUDIUM)
- Tương quan trong mục vụ ngôn sứ (Rao giảng) :
a/. Đừng dập tắt ngọn lửa tông đồ, truyền giáo :
“Nếu chúng ta muốn có một cuộc sống xứng đáng và sung mãn, chúng ta phải vươn ra tới người khác và mưu cầu lợi ích cho họ. Hiểu theo nghĩa này, một số câu nói của Thánh Phaolô sẽ không làm chúng ta ngạc nhiên: “Tình yêu của Đức Kitô thúc bách tôi” (2C 5:14); “Vô phúc cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1C 9,16). (Số 9 ; Xem thêm Số 45)
b/. Luôn trở thành người rao giảng vui tươi :
“Và chớ gì thế giới của thời đại chúng ta, một thế giới đang kiếm tìm, khi thì trong lo âu, khi thì trong hi vọng, có thể nhận được tin mừng không phải từ những người rao giảng rầu rĩ, chán nản, mất kiên nhẫn hay lo âu, nhưng từ những thừa tác viên Tin Mừng đang sống một cuộc đời đầy nhiệt huyết, những người trước đó đã nhận được niềm vui của Đức Kitô”. (Số 10 ; Xem thêm Số 6)
c/. Canh tân không ngừng việc rao giảng, không chọn giải pháp dễ giải, lối mòn :
“Đức Giêsu cũng có thể chọc thủng những phạm trù nhàm chán mà chúng ta dùng để giam hãm Ngài và Ngài luôn luôn làm chúng ta ngạc nhiên bằng sự sáng tạo thần linh của Ngài. Mỗi khi chúng ta cố gắng trở về nguồn và khôi phục lại sự tươi mới của Tin Mừng, những đại lộ mới sẽ xuất hiện, những con đường sáng tạo mới sẽ mở ra, với những hình thức biểu hiện khác nhau, những dấu chỉ và từ ngữ phong phú mang theo ý nghĩa mới cho thế giới hôm nay. Mọi hình thức loan báo Tin Mừng đích thực đều luôn luôn là “mới”. (Số 11 ; Xem thêm Số 39)
d/. Dành ưu tiên cho mục vụ truyền giáo thay vì “mục vụ bảo tồn” :
“Chúng ta cần phải chuyển đổi “từ một nền mục vụ thuần tuý bảo tồn sang một mục vụ dứt khoát mang tính truyền giáo”.[18] Nhiệm vụ này tiếp tục là một nguồn vui vô biên cho Hội Thánh: “Quả thật, tôi bảo anh em, trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn hối cải hơn chín mươi chín người công chính không cần ăn năn hối cải” (Lc 15:7). (Số 15)
e/. Trung thành với Lời Chúa – Lời Chúa và đời sống – Lời Chúa và việc dạy giáo lý (Xin xem Kim Chỉ Nam về tác vụ và đời sống linh mục với các số 62,63,64,65)
- Tương quan trong mục vụ tư tế (Phụng Vụ) :
a/. Môi trường Phụng Vụ : một không gian mở, đón tiếp, gặp gỡ :
“Hội Thánh được kêu gọi trở thành Nhà Cha, luôn luôn mở rộng cửa. Một dấu hiệu của sự mở ra này là các nhà thờ của chúng ta phải luôn luôn mở cửa, để nếu có ai được Chúa Thánh Thần thúc đẩy đến đây tìm Thiên Chúa, họ sẽ không thấy cửa nhà thờ đang đóng.” (Số 47)
“Nhưng Hội Thánh không phải là một trạm thu phí; Hội Thánh là Nhà Cha, có chỗ cho mọi người, với tất cả các vấn đề của họ.” (Số 47)
b/. Thánh lễ và bài giảng Phụng Vụ :
“Chúng ta biết các tín hữu rất coi trọng bài giảng, và cả các tín hữu lẫn các thừa tác viên có chức thánh đều khổ sở vì các bài giảng: giáo dân vì phải nghe các bài giảng, còn các giáo sĩ vì phải giảng bài! Đây là trường hợp đáng buồn. Bài giảng thực ra có thể là một trải nghiệm sâu đậm và vui sướng về Thần Khí, một cuộc gặp gỡ đầy an ủi với lời Thiên Chúa, một nguồn mạch canh tân và tăng trưởng thường xuyên.” (Số 135 ; Xem thêm Số 138 và các số từ 139-159)
“Lời Chúa khi được lắng nghe và cử hành, trước hết trong Thánh Thể, sẽ nuôi dưỡng và kiện cường tâm hồn các Kitô hữu, giúp họ cống hiến một chứng tá đích thực cho Tin Mừng trong đời sống hằng ngày.” (EG 174)
c/. Tòa giải tội, nơi gặp gỡ của tình thương :
“Tôi muốn nhắc nhớ các linh mục rằng toà giải tội không phải là một buồng tra tấn nhưng là một nơi gặp gỡ lòng từ bi của Chúa, thúc đẩy chúng ta làm hết sức mình.” (Số 44)
d/. Bí tích luôn là những “cánh cửa mở” :
“và các cửa của bí tích cũng không được đóng vì bất cứ lý do gì. Điều này đặc biệt đúng đối với bí tích được gọi là “cửa”: bí tích Rửa Tội. Bí tích Thánh Thể, tuy là sự sung mãn của đời sống bí tích, nhưng không phải là một phần thưởng cho người hoàn thiện, mà là một phương thuốc và lương thực cho người yếu đuối.[51] Các xác tín này có những hệ quả mục vụ mà chúng ta cần phải xem xét một cách thận trọng và mạnh dạn. Chúng ta nhiều khi hành động như là người ban phát ân sủng thay vì là người tạo điều kiện cho ân sủng. Nhưng Hội Thánh không phải là một trạm thu phí; Hội Thánh là Nhà Cha, có chỗ cho mọi người, với tất cả các vấn đề của họ” (Số 47)
e/. Tôn trọng quy luật Phụng Vụ : “Các tín hữu có quyền tham dự các cử hành phụng vụ đúng ý Giáo Hội, chứ không phải theo sở thích cá nhân của một thừa tác viên nào đó, hoặc theo những nghi thức đặc thù cá biệt không được chuẩn nhận…” (KCM 59)
f/. Trân trọng các việc đạo đức bình dân :
“Tôi nghĩ đến lòng tin kiên vững của các bà mẹ chăm sóc những đứa con bệnh tật của họ, họ là những người rất yêu mến chuỗi mân côi dù có lẽ họ chỉ biết sơ sài những điểm của Kinh Tin Kính; tôi cũng nghĩ đến niềm hi vọng trọn vẹn được đổ vào một cây nến đốt lên trong nhà để cầu xin ơn trợ giúp của Đức Mẹ, hay cái nhìn trìu mến hướng lên tượng Chúa Kitô chịu nạn. Không một ai yêu mến dân thánh của Thiên Chúa mà có thể coi những hành động này chỉ là biểu hiện của một cố gắng thuần tuý phàm trần trong cuộc tìm kiếm Thiên Chúa. Chúng là biểu hiện của một đời sống hướng thần được nuôi dưỡng bởi tác động của Chúa Thánh Thần, Đấng đã được đổ vào lòng chúng ta”. (xem Rm 5:5). (Số 125)
g/. Lưu ý 3 cử hành Phụng vụ trọng điểm : Bí Tích Thánh Thể, Bí tích Giải Tội, Phụng Vụ Giờ kinh của Kim Chỉ Nam (Với các số 66-76)
- Tương quan trong mục vụ vương đế (Quản trị) :
a/. Xây dựng đời sống cộng đoàn làm chứng tá Phúc âm, hiệp nhất :
“Ở đây và bây giờ, đặc biệt ở những nơi chúng ta là một “đoàn chiên nhỏ” (Lc 12:32), các môn đệ Chúa Kitô được kêu gọi sống như một cộng đoàn là muối cho đời và ánh sáng cho trần gian (xem Mt 5:13-16). Chúng ta được kêu gọi làm chứng cho một cách sống chung luôn luôn mới mẻ trong sự trung thành với Tin Mừng.[70] Chúng ta đừng để mình bị cướp mất đời sống chung!” (EG 92)
b/. Xây dựng một cộng đoàn biết sẻ chia và đồng hành với mọi người :
“Một cộng đoàn loan báo Tin Mừng dấn mình vào đời sống hằng ngày của dân chúng bằng lời nói và hành động; công đoàn ấy vượt qua các khoảng cách, sẵn sàng hạ mình khi cần, và ôm ấp đời sống con người, chạm vào thân thể đau khổ của Đức Kitô nơi người khác. Như vậy, các người loan báo Tin Mừng mang lấy “mùi của đàn chiên” và đàn chiên sẵn sàng nghe tiếng của họ. Một cộng đoàn loan báo Tin Mừng cũng nâng đỡ, đồng hành với dân chúng ở mỗi bước đi trên đường, bất kể con đường này có thể dài hay khó đi bao nhiêu.” (EG 24)
c/. Xây dựng một cộng đoàn cởi mở, ra đi, phục vụ bác ái :
“Mỗi Kitô hữu và mỗi cộng đoàn phải nhận ra con đường mà Chúa chỉ cho, nhưng tất cả chúng ta phải vâng theo tiếng gọi của Ngài là ra đi từ vùng đất tiện nghi của mình để đến với mọi vùng “ngoại vi” đang cần ánh sáng Tin Mừng.” (Số 20)
“Điều này có nghĩa là giáo xứ thực sự tiếp xúc với các gia đình và các cuộc đời của những con người, và không trở thành một cơ chế cách ly với con người hay một nhóm khép kín gồm một ít người được tuyển chọn.” (EG 28)
d/. Hiệp nhất trong các kế hoạch mục vụ : “Đi theo những khuynh hướng riêng rẽ trong lãnh vực mục vụ có thể làm suy yếu chính công cuộc loan báo Tin Mừng” (KCN 60)
e/. Tất cả vì và cho cộng đoàn : “Là mục tử của cộng đoàn, theo hình ảnh Chúa Kitô Mục tử nhân lành dâng hiến tất cả cuộc đời cho Giáo Hội, linh mục sống và hiện hữu cho công đoàn; chính vì cộng đoàn mà ngài cầu nguyện, học hỏi nghiên cứu, làm việc và tự hiến; chính vì cộng đoàn mà ngài sẵn lòng để cho đi cuộc sống của mình, yêu thương cộng đoàn như Chúa Kitô, bằng tất cả tình yêu và lòng quý mến, tiêu hủy cả sức lực và không tiếc thời gian để làm cho cộng đoàn trở thành hình ảnh của Giáo Hội, Hiền Thê Chúa Kitô, ngày càng mỹ miều và xứng đáng hơn với lòng nhân hậu của Chúa Cha và tình yêu của Chúa Thánh Thàn” (KCN 77)
Lời thưa cuối : Kính thưa quý Thầy Phó Tế,
Người xưa bảo : “Biết người biết ta trăm trận trăm thắng”. Chuyện mà hôm nay chúng ta cùng chia sẻ cũng xoay quanh mối tương quan “ta” và “người”, linh mục và giáo dân.
Để “biết ta” thì chúng ta đã có một thời gian đào tạo, huấn luyện ở gia đình, ĐCV và trong môi trường mục vụ khi thực tập…và sẽ còn thường huấn dài dài….
Nhưng “biết người”, biết giáo dân, biết cộng đoàn mà mình được sai đến để phục vụ thì cả là một “ẩn số”, một thách đố, cho dù, trong cuộc đời Kitô hữu, mình đã từng hiện diện trong một cộng đoàn, từng là một giáo dân.
Thật sự giáo dân ngày nay đã khác trước nhiều lắm. Họ không còn tự khép mình với 3 chuyện cơ bản “pray, pay, and obey” (cầu nguyện, cúng tiền, và vâng phục)[18] mà một số đông đảo đã trưởng thành và được trang bị nhiều kiến thức và kỷ năng chuyên môn vượt xa các linh mục. Chính vì thế, để xây dựng mối tương quan mục tử-đoàn chiên sao cho được tốt đẹp, phong phú, điều cần nhất vẫn là đi theo những hướng dẫn khôn ngoan ngàn đời của Mẹ Hội Thánh.
Chúng ta đang chuẩn bị bước vào Năm Thánh của Giáo phận kỷ niệm 400 năm đón nhận Tin Mừng. Đây là cơ hội thuận tiện để mỗi người chúng ta trân trọng những di sản của bao thế hệ mục tử cha ông cùng với mẫu gương sống động của bao nhiêu anh chị em giáo dân đã vun đắp tài bồi cho ngôi nhà giáo phận.
Ước mong sao đừng để ai trong chúng ta trở nên những mục tử như lòng “Chúa không mong ước” và cũng đừng để cho một người giáo dân nào (và ngay cả chúng ta) “bị lạc phía đằng sau” trong nổi sầu cô đơn thất vọng.
Xin mượn lời của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, gởi đến các thầy những lời chúc tốt đẹp nhất :
“Tôi cầu chúc tất cả anh em được ơn canh tân mỗi ngày ân huệ của Thiên Chúa mà anh em đã lãnh nhận do việc đặt tay, ơn hưởng nhờ nguồn khích lệ nơi tình bạn sâu xa là tình bạn nối liền anh em với Đức Giêsu và hiệp nhất anh em lại với nhau, ơn cảm nếm niềm vui vè sự tăng trưởng của đoàn chiên Thiên Chúa hướng về một tình yêu ngày càng lớn rộng hơn đối với Ngài và đối với mọi người, ơn bảo tồn niềm xác tín thanh thản rằng Đấng đã khởi sự nơi anh em công trình tốt đẹp chắc hẳn sẽ đưa công trình ấy đến chỗ hoàn thành cho tới ngày của Đức Kitô Giêsu (x. Ph 1,6); hiệp nhất với mọi người và với từng người trong anh em, Tôi trao gởi lời nguyện cầu của Tôi cho Đức Maria, người mẹ và nhà giáo dục của các linh mục chúng ta.”[19]
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
[1] Tiến sỹ Nguyễn Thị Từ Huy, người có bằng tiến sĩ văn chương bảo vệ tại Pháp năm 2008 và từng giảng dạy tại một số trường đại học ở Việt Nam. Hiện bà đang làm luận án tiến sĩ về triết học chính trị tại Đại học Paris Diderot.
[2] Quốc Phương, BBC Việt Ngữ, 28 tháng 8.2016, Vụ Yên Bái là “khủng hoảng mô hình” ? (Link : http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam/2016/08/160828_nguyenthituhuy_yenbai_shooting_inv
[3] Ibid.
[4] Êd 34,1-30 ; Dc 11,1-17
[5] Mt 20,20-27
[6] Ga 10,11-18
[7] Ga 17,1-26
[8] Công Đồng Vaticanô II, Bản dịch Ủy Ban giáo lý đức tin trực thuộc HĐGMVN, Hiến chế Giáo Hội số 8, trang 82.
[9] Piô X, Thông điệp Vehementer Nos, (ngày 11 tháng 2 năm 1906), câu 8. (Xem thêm bài viết Ơn gọi tông đồ giáo dân của Nguyễn Tri Sử trên trang mạng http://ttntt.free.fr/archive/NguyentriSu2.html)
[10] Avery Dulles. Models of the Church (N.Y., N.Y.: Doubleday; rev. edition 2002), t. 28-32. (Xem thêm bài viết Ơn gọi tông đồ giáo dân của Nguyễn Tri Sử trên trang mạng http://ttntt.free.fr/archive/NguyentriSu2.html)
[11] Bộ Giáo sĩ, Kim Chỉ Nam về tác vụ và đời sống linh mục (Ấn bản mới), số 41, trang 66
[12] GH 9
[13] 1 Cr 10,17; 12,12.27 ; 1 Cr 12,1-11
[14] Ga 15,1-5
[15] ĐGH Gioan-Phaolô II, Tông huấn Kitô hữu giáo dân, 12 (Christifideles Laici, Viết tắt : CL)
[16] Dt 2,17; 4,15
[17] CL 22
[18] Shaw, Russell. Understanding your rights: Your rights and responsibilitirs in the Catholic Church (Ann Arbor, Michigan: Servant Publications, 1994), t. 22-23. Câu “pray, pay, and obey” được lấy ra từ mẫu giai thoại đầy tính cười u mặc được chính các dấng trong hàng giáo phẩm cao cấp kể. Y. Congar: “Trong bài tiểu luận “Người giáo dân trong giáo xứ dưới thời Tiền Thệ phản” xuất bản cách đây bốn mươi năm trong tập san Catholic Truth Society, cho biết Hồng Y Aidan Gasquet có kể lại giai thoại một người đến hỏi một linh mục vị thế của người giáo dân trong giáo hội công giáo là như thế nào, linh mục kia trả lời: người giáo dân có hai vị thế, một là quỳ trước bàn thờ, hai là ngồi ở dưới trước tòa giảng. Hồng Y nói còn có một vị thế thứ ba mà linh mục đã quên: người giáo dân còn thò tay vào ví lấy tiền” (Y. Congar, sđd bản anh văn Lay People…, t. XXVII).
[19] ĐGH Gioan Phaolô II, Tông huấn Pastores Dabo Vobis, 82