Khoá trình Linh Đạo cơ bản (tt)
Trước khi đi vào nội dung nầy, chúng ta cùng lắng nghe chính lời huấn dụ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong Chương III (TRONG ÁNH SÁNG CỦA VỊ TÔN SƯ) của tông huấn Gaudete et Exsultate về tầm quan trọng và sự cần thiết của Tin Mừng, tức những “lời giảng dạy của Chúa Giêsu” về đàng nên thánh :
“Có thể có nhiều lý thuyết về điều gì làm nên sự thánh thiện, với nhiều cách giải thích và phân biệt khác nhau. Suy tư như vậy có thể hữu ích, nhưng không gì giúp soi sáng hơn là quay về với những lời của Chúa Giêsu và nhìn xem cách Người giảng dạy chân lý.(số 63)
“Một lần nữa, chúng ta hãy lắng nghe Chúa Giêsu với tất cả lòng yêu thương và kính trọng mà vị Tôn sư đáng nhận được. Chúng ta hãy để cho những lời của Người khuấy động, thúc bách và đòi hỏi chúng ta phải thật sự thay đối cách sống của mình. Bằng không, sự thánh thiện vẫn chẳng khác gì một từ ngữ trống rỗng.” (số 66)
I. GHI NHẬN MỞ ĐẦU
- Đức Kitô chính là “hiện thân đích thực của linh đạo” :
Tất cả những “thuyết minh” về “Lịch sử cứu rỗi”, về “Mặc khải”, về “Ơn Cứu Độ”, về mầu nhiệm Hội Thánh…, nói cho cùng, đều là những “chú giải” hay “cắt nghĩa mở rộng” chính câu “Lời Chúa” được cô đọng súc tích như một “công thức tuyên xưng”, một “tín điều”, mà chúng ta tìm thấy trong thư gởi giáo đoàn Do Thái : “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ ; nhưng vào thời sau hết nầy, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử.” (Dt 1,1-2).
Thế nhưng, chính Vị “Thánh Tử” và cái “thời sau hết” mà thư Do Thái nhắc tới đó lại đã được Tin Mừng Gioan thông báo trước, không phải bằng lời phát biểu của loài người, nhưng bằng lời khẳng định thẳng thừng của chính “Đương Sự” về bản thân mình : “Ta là đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Cha mà không qua Ta” (Ga 14,6), và về cái thời điểm, cái “GIỜ”, mà ở đó : “những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật…” (Ga 4,21-23).
Chính vì thế, chúng ta có thể khẳng định rằng : nét chủ đạo của toàn bộ “Linh đạo Kitô” trong thời Tân ước, đặc biệt, thời Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng cùng với các môn sinh của Ngài, đó chính là CON NGƯỜI GIÊSU, một Ngôi Vị sống động, mà tất cả phải quy hướng về, phải “đi ngang qua”, phải là “điểm xuất phát”. Đây chính là điểm “khác biệt căn cội” đối với các nền linh đạo của các tôn giáo khác (Phật giáo, Khổng giáo, Hồi giáo…), là những tôn giáo mà nền tảng linh đạo không nhằm quy chiếu vào bản thân của Đấng sáng lập cho bằng vào giáo lý, lời dạy, con đường gợi mở…của Đấng ấy.[1]
Mà không chỉ là điểm cốt yếu của “cái thời đầu tiên” nầy thôi đâu. Đức Kitô chính là “hiện thân của một linh đạo đích thực” cho mọi nơi, mọi thời, mà bất cứ một “cố gắng nào nhằm xây dựng một linh đạo có tính “hợp thời hơn” đều chỉ là ảo tưởng”[2]
Nếu “linh đạo” là con đường nhằm giúp con người hoàn thiện bản thân để tiến tới gặp gỡ Thiên Chúa, thì quả thật, không có một con đường nào khác, ngoài “con đường Giêsu”; bởi vì chính Ngài, Đấng vừa mạc khải rõ ràng về Thiên Chúa, vừa vén mở mọi chiều kích về thân phận con người, như Công Đồng Vatican II đã minh giải trong hiến chế Mục Vụ :
“Mầu nhiệm con người chỉ thật sự được sáng tỏ trong mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể. Thật vậy, Ađam, con người đầu tiên, chính là hình ảnh của Đấng sẽ đến là Chúa Kitô. Chúa Kitô, Ađam mới, trong khi mặc khải về Chúa Cha và tình yêu của Ngài, cũng giúp con người hiểu biết đầy đủ về chính mình và nhận ra ơn gọi vô cùng cao quý của mình. Bởi thế, không lạ gì khi những chân lý đã nói ở trên đều tìm thấy nguồn gốc và đạt tới đỉnh điểm nơi Chúa Kitô”.[3](Xem thêm : ĐGH Gioan-Phaolô II, Tông huấn GIÁO HỘI TẠI Á CHÂU”- Ecclesia in Asia, số 13 : Đức Giêsu Kitô : Chân lý của Nhân loại; Sách GLHTCG số 516[4]).
Cũng chính vì lẽ đó mà “lời khuyên thường hằng” của Hội Thánh về “con đường hoàn thiện” dành cho mọi Kitô hữu, cách riêng cho những người chọn sống đời thánh hiến, là phải luôn “xuất phát lại từ Đức Kitô” :
“Vì thế cần gắn bó ngày càng mật thiết hơn với Đức Ki-tô, trung tâm của đời sống thánh hiến và lại một lần nữa đi lại con đường hoán cải và canh tân, giống như kinh nghiệm đầu tiên của các tông đồ, trước và sau biến cố phục sinh, đó là xuất phát lại từ Đức Ki-tô. Vâng, ta phải xuất phát lại từ Đức Ki-tô bởi vì chính từ nơi Người mà các môn đệ đầu tiên đã khởi hành tại Ga-li-lê; từ nơi Người mà suốt giòng lịch sử, những người nam nữ thuộc mọi cấp bậc và văn hoá, được Chúa Thánh Thần hiến thánh theo ơn gọi của họ, đã khởi hành; vì Người, họ đã từ bỏ gia đình và quê hương, theo Người cách vô điều kiện, chuẩn bị sẵn sàng để loan báo Nước Trời và làm điều lành cho mọi người (x. Cv 10,38).”[5].
Mà quả thật, ngoài Đức Kitô, Hội Thánh muôn nơi muôn thuở, những ai nối bước các Tông Đồ Phêrô, Gioan…của một thuở ban đầu, nào có gì để “trao cho thế giới” ngoài chính Đức Kitô : “Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây : nhân danh Đức Giêsu Kitô người Na-da-rét, anh đứng dậy mà đi !” (Cv 3,6).
Nếu chính Đức Kitô là “hiện thân đích thực của linh đạo”, thì việc “tham dự vào mầu nhiệm Đức Kitô” lại chính là đích điểm mà linh đạo nhắm tới; bởi vì chỉ qua con đường duy nhất đó con người mới “được tái sinh và được nâng lên trong trật tự siêu nhiên”.[6] (Xem thêm Mary Milligan, R.S.H.M, Linh đạo Kitô giáo, Ngô Công Đức dịch. Nguồn : Trang mạng Xuân Bích. Link : https://xuanbichvietnam.wordpress.com/2009/04/11/dan-vao-than-hoc-chuong-ix/)[7]
Nói cách khác, đúng như nhận định của nhà thần học Dom Columba Marmion : “Tất cả đời sống Kitô giáo, tất cả sự thánh thiện, đó là nhờ ơn sủng mà trở nên điều vốn là bản tính của Đức Giêsu : Trở nên Con Thiên Chúa”[8]
- Tin Mừng : Bảng chỉ đường linh đạo Kitô :
Thế nhưng, làm sao biết rõ và biết đúng về Chúa Kitô để bước theo Ngài ?
Chúng ta đã tìm thấy câu trả lời của Thánh Giêrônimô mà Hiến chế Mạc Khải của Công Đồng chung Vatican II đã nhắc đến : “Thật vậy, không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô”[9]; và Công Đồng lại xác quyết : “Không ai không biết rằng trong tất cả các Sách Thánh, kể cả các sách Tân Ước, thì các sách Tin Mừng xứng đáng có địa vị trổi vượt, vì là chứng tích chính yếu về đời sống và giáo huấn của Ngôi Lời Nhập Thể, Đấng Cứu chuộc chúng ta”.[10]
- Vài điểm lưu ý tổng quát về việc đọc Tin Mừng :
3.1 : Khái quát “quá trình hình thành” :
Khi nói đến “yếu tố Tin Mừng” ở đây không có ý nhấn mạnh đến một “giai đoạn”, một “thời điểm” (liên quan đến cuộc đời của Đức Kitô) cho bằng là “địa chỉ” để cùng nhau tìm lại những giáo huấn ban đầu của chính Đức Kitô; vì khi Đức Kitô rao giảng Tin Mừng, thì chắc chắn Ngài không soạn tác một cuốn sách, một tài liệu, một thủ bản nào. Trong khi đó, 4 cuốn Tin Mừng Matthêu, Máccô, Luca và Gioan mà chúng ta đang nói tới lại hình thành sau khi Chúa về trời khá lâu (khoảng 30 năm) theo ba giai đoạn sau :
– Đầu tiên Chúa Giêsu truyền giảng trực tiếp (khoảng năm 30-33)
– Tiếp đến : Các Tông Đồ ra đi làm chứng về Đấng Phục Sinh và nhắc lại những lời nói và việc làm của “Thầy mình” (Khoảng năm 33 – 80).
– Sau cùng : 4 Thánh sử đã gom góp lại các lời rao giảng của các Tông Đồ, các ký ức sống động của các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, được ơn Linh Hứng, đã viết lại thành 4 Tin Mừng như chúng ta có hôm nay, theo trình tự thời gian khác nhau : Tin mừng Matthêu khoảng năm 80-90; Tin mừng Máccô khoảng năm 65-70; Tin mừng Luca khoảng năm 80 và Tin mừng Gioan khoảng năm 90-95.[11]
3.2 : Khái quát nội dung cốt yếu : “TIN MỪNG CỦA MỘT THỰC TẠI LỊCH SỬ” :
Bốn cuốn Tin Mừng hay còn được gọi là “PHÚC ÂM” có chung một tên gọi xuất phát từ một từ Hy Lạp : ev-angélion có nghĩa “Tin Vui”, “Tin Mừng”, “Tin tốt lành”…; và cái “TIN MỪNG” đặc biệt đó lại liên quan đến một “nhân vật lịch sử”, một “thực tại lịch sử” : GIÊSU THÀNH NA-DA-RÉT”. Còn hơn thế nữa, “Tin Mừng về Con Người” đặc biệt đó không phải được “tung ra”, được “thông báo” như một “tin tức đơn thuần” rồi bỏ mặc cho mọi suy tưởng, cắt nghĩa tuỳ nghi; nhưng đó là một “Tin Vui” tốt lành, mang ơn cứu độ, nguồn sống và hy vọng cho toàn thể loài người.[12]
3.3. Tin Mừng với những sắc thái riêng và thái độ cần có để tiếp cận :
Thật sự ra, chỉ có một Tin Mừng duy nhất, đúng như lời giới thiệu mở đầu của Thánh sử Máccô : “Khởi đầu Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa” (Mc 1,1); và nội dung cốt yếu đó chính là “giải thích một biến cố lịch sử để biến cố ấy giao tiếp với những người mà Phúc âm đến với họ…”; hoặc cụ thể hơn, đó là “lời huấn thị dựa vào một biến cố dĩ vãng chất vấn mỗi người, sau khi cho biết ý nghĩa sâu xa của biến cố đó, phải thâm nhập vào lịch sử từng người một, ngày xưa cũng như ngày nay…”[13]
Tuy nhiên, tuỳ theo cách cảm nhận riêng của từng tác giả cùng với những ảnh hưởng đi theo hoặc do “nguồn” tiếp cận, do văn hoá vùng miền, do yêu cầu cộng đoàn, do thời điểm soạn tác…, truyền thống xưa nay vẫn cho rằng : Tin Mừng Máccô thiên về “giảng để nghe”, Matthêu thích hợp để “đối chiếu nghiên cứu”, Luca mang chất hoài niệm để “đọc” và Gioan lại hướng tâm hồn đến chỗ trầm sâu “suy niệm”[14].
Riêng Jordan Aumann trong “Lịch sử linh đạo Công Giáo” đã lưu ý 3 thái độ cần có để đọc Tin Mừng, Tân Ước trong chiều kích “linh đạo” :
– Sống sự hiện diện mầu nhiệm của Đức Kitô ngay trong đời sống hiện tại (Không phải chỉ tìm hiểu Đức Kitô lịch sử, một câu chuyện của quá khứ…).
– Sống mầu nhiệm Chúa Kitô phát triển trong hiện tại và hướng đến kiện toàn trong tương lai (Không cố chấp giữ nguyên trạng và bảo thủ quá khứ)
– Sống Tin Mừng (linh đạo Tin Mừng) trong hiện thực cuộc sống và môi trường xã hội muôn nơi, muôn thuở.[15]
II. LINH ĐẠO TIN MỪNG TRONG CÁI NHÌN TỔNG QUAN
Khi nhắc đến “Tin Mừng” trong ý nghĩa “4 tác phẩm đầu tiên của Tân Ước”, cho dù đều có chung một nội dung cốt lỏi : CON NGƯỜI VÀ SỨ ĐIỆP CỦA CHÚA KITÔ, nhưng truyền thống xưa nay vẫn phân làm “hai nhánh” : Tin Mừng Nhất Lãm với 3 tác giả Matthêu, Máccô, Luca; và Tin Mừng Gioan.
Chúng ta sẽ dừng lại “các điểm nhấn linh đạo” riêng của hai “nhánh” nầy.
1 : Điểm nhấn chung của Tin Mừng Nhất Lãm:
a/. Thuộc về Nước Thiên Chúa :
Chúng ta không dừng lại phạm vi “chú giải” mang tính thần học chuyên biệt về Kinh Thánh hay tín lý; chúng ta ghi nhận ý nghĩa liên quan đến linh đạo, đến đời sống thiêng liêng.
Theo tác giả Jordan Aumann thì “Trong bối cảnh thiêng liêng, Nước Thiên Chúa thuộc nội tâm, nó ở bên trong chúng ta (Lc 17,21), nó có thể lớn lên và tiến hoá, và từ mỗi người nó sẽ vươn ra tới toàn nhân loại, toàn thế giới. Nước Thiên Chúa là đời sống trong Đức Kitô, với Ngài và cả Chúa Cha và Chúa Thánh Thần cùng hiện diện (Ga 14,23). Đó là nước có mặt nhưng luôn luôn chuyển hoá, và do đó chúng ta phải luôn luôn cầu nguyện cho “Nước Cha trị đến”.[16]
– Nước Thiên Chúa chính là Đức Kitô : “Nếu ta nhờ ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỉ, thì Nước Thiên Chúa đã ở giữa các ngươi” (Lc 11,20)
– Nước Thiên Chúa là của Đức Kitô : “Thầy trao Vương quyền cho anh em, như Cha Thầy đã trao cho Thầy, để anh em được đồng bàn ăn uống với Thầy trong Vương quốc của Thầy” (Lc 22,29-30)….
– Nước Thiên Chúa dành cho những kẻ bé nhỏ, khó nghèo : “Thầy bảo thật anh em, nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng vào được Nước Trời” (Mt 18,1-4; Mc 9,33-37; Lc 9,46-48)…
Từ giáo lý nền tảng đó, chúng ta gặp lại ý nghĩa cốt yếu của linh đạo Kitô : thuộc về Nước Thiên Chúa là thuộc về Đức Kitô, được tham dự vào Nước Thiên Chúa là tham dự vào mầu nhiệm Đức Kitô, xây dựng Nước Thiên Chúa là làm cho Đức Kitô được lớn lên trong nhân loại nầy, thế giới nầy.
b/. Từ bỏ chính mình và đi theo Chúa Giêsu. (Lc 9,23, Mt 16,24; Mc 8,34)
Theo linh mục P. Pourrat, thì toàn bộ sứ điệp về tu đức của Tin Mừng có thể tóm tắt qua những lời sau của Chúa Giêsu :
Rồi Đức Giêsu nói với mọi người : “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”.
“Từ bỏ” và “theo Chúa” chính là hai “chọn lựa nền tảng và có tương quan mật thiết với nhau” làm nên “linh đạo của Tin Mừng”[17]
Như vậy, muốn hiểu rõ hơn những con đường được đề nghị để thuộc về “Nước Thiên Chúa” và những hướng dẫn thực hành cụ thể việc “từ bỏ mình, vác thập giá mỗi ngày theo Chúa”, chúng ta phải dừng lại nơi từng Tin Mừng.
- Điểm nhấn riêng của mỗi Tin Mừng :
3.1. Tin Mừng Máccô và Chiều kích Khổ Nạn :
Trước hết, Tin Mừng Máccô xuất hiện sớm nhất (khoảng năm 65-70) so với 3 Tin Mừng còn lại; và nội dung chủ yếu cũng là tập trung “giới thiệu con người và cuộc đời của Đức Giêsu” : “Khởi đầu Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa” (Mc 1,1), đặc biệt, cho các cộng đoàn ngoại giáo (ngoài Do Thái giáo).
Nói cách khác, Máccô muốn mang lại câu trả lời “dứt dạc” cho các vấn nạn : “Ông ta là ai vậy ?” (Mc 4,41); “Ông không phải là một bác thợ mộc đấy ư ?” (Mc 6,2); “Anh em thử nói xem tôi là ai ?” (Mc 8,27.29)…
Thoạt đầu, cũng như các Tin Mừng khác, “con đường sơ khởi” Máccô dùng để người ta tiếp cận và khám phá Chúa Giêsu đó chính là các phép lạ, vừa là những “dữ liệu để minh chứng tính cách siêu phàm của của Đức Giêsu”, vừa là một “sự úp mở” để dẫn tới một câu trả lời dứt dạc, chuẩn xác .[18]
Và đây chính là “nhân vật Giêsu đích thực” mà Tin Mừng Máccô muốn chuyển tải : ĐỨC KITÔ KHỔ NẠN.
Nó cách khác, muốn khám phá dung mạo đích thực của Chúa Giêsu, muốn tin nhận Ngài, phải chiêm ngắm cuộc khổ nạn, phải đi ngang qua “diễn trình thập giá”.[19]
Cũng theo Máccô, đi theo con đường thập giá cụ thể đó là :
– Từ bỏ mình vì Đức Kitô và vì Tin Mừng : Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; con ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” (8,5).
– Chia sẻ của cải cho người nghèo, thanh thản lên đường theo Chúa : Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi” (10,21).
– Phục vụ và hiến mạng sống : “Vì con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (10,45).
– Đích điểm của khổ nạn, thập giá là phục sinh, sau mất mát thiệt thòi là vinh quang và hạnh phúc vĩnh cửu : “Thầy bảo thật anh em : Chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giời, ở đời nầy, lại không nhận được nhà cửa,, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau…” (10,28-31).[20]
3.2. Tin Mừng Matthêu và Con đường Tám mối Phúc Thật. (Mt 5,1-12; Lc 6,20-23)
Nếu “Nước Thiên Chúa” là một chủ đề chung” của Tin Mừng Nhất Lãm, thì theo Matthêu, một trong những con đường chính yếu để “đi vào Nước Thiên Chúa”, “thuộc về Nước Trời”, đã được Chúa Kitô nhấn mạnh như một “Hiến Chương”, một quy luật tối thượng của “nền công chính mới” đó chính là “TÁM MỐI PHÚC THẬT”.
Tuy nhiên, trước khi phân tích rõ hơn “điểm nhấn quan trọng nầy, chúng ta cũng cần nhắc đến một vài nét “đặc trưng” của Tin Mừng Matthêu, một Tin Mừng “dành cho các cộng đoàn Kitô hữu gốc Do Thái”, và luôn chứng tỏ một tương quan mật thiết giữa Cựu ước và Tân ước, đặc biệt giữa việc trung thành với luật cũ Mô-sê và việc kiện toàn luật cũ theo nhãn giới (luật mới) của Tin Mừng. (Xem thêm Phan Tấn Thành)[21]
Và sau đây là những nét đặc trưng của Matthêu :
– Kiện toàn lề luật : Luật tôn trọng sự sống con người (Mt 5,21-22); luật về sự trung tín trong hôn nhân và sự trong sạch (5,21-22); luật về giá trị lời thề (5,33-37); luật về công bằng, bác ái (5,38-42); luật về yêu thương (5,43-45)[22]…
– “Ngũ đạo hành thiện” của Tân ước : Được Matthêu trình bày qua 5 bài giảng quan trọng (tương đương Ngũ thư của Mô-sê) : Bài giảng trên núi (Hiến chương Nước Trời) (Chương 5-7); bài giảng truyền giáo (Chương 10); bài giảng về Nước Trời qua các dụ ngôn (Chương 13); bài giảng về đời sống cộng đoàn Giáo Hội (Chương 18); bài giảng về Cánh chung (Chương 24).[23]
– Đức Kitô đang hiện diện : Hiện diện thường xuyên cho đến tận thế (28,20); hiện diện khi tín hữu họp nhau cầu nguyện (18,20); hiện diện nơi những kẻ khổ đau, ốm đói…(25,31-46)[24]
– Trang bị tinh thần :
– Tinh thần phó thác cho sự quan phòng : “Chim sẻ, hoa đồng” (6,25-32; 10,29-31)
– Tinh thần khiêm hạ, nội tâm (6,1-6) : Bố thí kín đáo (6,2-4); cầu nguyện kín đáo (6,5-6).
– Tinh thần sẻ chia tha thứ (18,35) : “Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình”.
– Tinh thần truyền giáo (28,19) : “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần”.
– Tinh thần trông cậy vững vàng, hy vọng cánh chung : (13,3-8.31-32; 13,36-43).
– Con đường Tám Mối phúc :
Khi đề nghị “con đường” có vẽ “ngược dòng nầy, Chúa Kitô muốn một đàng “kiện toàn việc thực hành Luật Cựu ước” và một đàng “hướng đến một chân trời mới trong tương quan của con người với Thiên Chúa và với đồng loại”[25]
Riêng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã dành trọn cả chương III trong tông huấn Gaudete et Exsultate với tựa đề “TRONG ÁNH SÁNG CỦA VỊ TÔN SƯ” để khai triển chủ đề “Tám Mối Phúc Thật” mà ngài đặt cho một tên gọi là “căn cước của người Kitô hữu”. Xin trích :
“Có thể có nhiều lý thuyết về điều gì làm nên sự thánh thiện, với nhiều cách giải thích và phân biệt khác nhau. Suy tư như vậy có thể hữu ích, nhưng không gì giúp soi sáng hơn là quay về với những lời của Chúa Giêsu và nhìn xem cách Người giảng dạy chân lý. Đức Giêsu giải thích một cách rất giản dị nên thánh có nghĩa là gì khi Người ban cho chúng ta các Mối Phúc (x. Mt 5,3-12; Lc 6,20-23). Các Mối Phúc tựa như thẻ căn cước của người Kitô hữu. Vì vậy, nếu ai hỏi: “Ta phải làm gì để trở nên một Kitô hữu tốt?” thì câu trả lời rất đơn giản. Chúng ta phải làm, mỗi người theo cách riêng của mình, điều Chúa Giêsu nói với chúng ta trong Bài Giảng về các Mối Phúc. Trong các Mối Phúc, chúng ta tìm thấy một chân dung của vị Tôn Sư, và chúng ta được mời gọi phản chiểu chân dung ấy trong cuộc sống hằng ngày của mình.”[26]
Để có thể dễ dàng tiếp cận giáo lý của Đức Giáo Hoàng về việc nên thánh qua nẻo đường “Tám Mối Phúc Thật”, cũng là “điểm nhấn đặc biệt của “Linh đạo Tin Mừng”, chúng ta có thể theo chân cha Phan Tấn Thành tóm tắt các ý tưởng chính như sau :
“Đâu là con đường nên thánh? Câu trả lời có thể tìm nơi tám mối phúc thật (GE 63). “Phúc” (hạnh phúc) và “Thánh” đồng nghĩa với nhau, bởi vì diễn tả con người đã đạt tới hạnh phúc vì đã trung thành với Thiên Chúa, hiến thân phụng sự Chúa (GE 64). Thiết tưởng nên nhắc lại điều nhận xét của các giáo phụ, – được Sách Giáo lý Hội thánh Công giáo lấy lại ở các số 1716-1717) -, đó là: các mối phúc thật không chỉ là tóm lược các lời giảng của Thầy Giêsu nhưng nhất là chúng phác họa dung mạo của Chúa Giêsu. Nói khác đi, việc nên thánh không chỉ là tuân giữ lời dạy của Thầy Giêsu nhưng còn là chiêm ngắm và kết hợp với Người. Nói ngược lại cũng đúng: nếu ai muốn đi theo Thầy Giêsu thì hãy thực hành chương trình sống mà Người đã vạch ra, chứ đừng nên chỉ nhìn ngắm rồi bỏ đó (GE 97). Mặt khác, chúng ta cũng đừng quên những lời nhắn nhủ vừa nói ở chương trước: đường nên thánh không phải là ngọn núi mà ta gắng sức leo trèo; cần đến ân sủng của Chúa nữa. Đức Kitô không chỉ là một Thầy dạy (hoặc nhà lập luật), nhưng còn là Đấng dẫn ta đi bằng ân sủng.
Trong chương này, Đức Thánh Cha giải thích từng mối phúc và áp dụng vào những hoàn cảnh cụ thể, dưới lăng kính của truyền thống tâm linh Kitô giáo (GE 69-94). Bản văn chính là Mt 5,3-12, nhưng cũng được đối chiếu với Lc 6,20-23.
1/ Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.
Nghèo khó trong tinh thần không chỉ được hiểu về thái độ đối với tài sản vật chất, mà còn là thái độ tự do về tinh thần, “dửng dưng” đối với mọi tình huống xảy ra (tư tưởng của thánh Inhaxio: “santa indifferenza” (GE 69). Nghèo khó cũng có nghĩa là chấp nhận một lối sống khắc khổ đạm bạc.
2/ Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Ðất Hứa làm gia nghiệp.
Hiền lành là bình thản chấp nhận những khuyết điểm của tha nhân. Cần giữ thái độ hiền lành ngay cả khi phải cương quyết bảo vệ đức tin và chân lý. Tiếc thay, trong quá khứ, nhiều lần Giáo Hội đã quên lời dạy của Thầy về đức hiền lành và khiêm tốn (Mt 11,29). (GE 73)
3/ Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
Chân phúc này được liên kết với ơn nước mắt, đặc biệt khi chia sẻ những thống khổ của tha nhân.
4/ Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng.
Công chính có nghĩa là trung thành với ý Chúa. Công chính cũng được hiểu là công lý (hoặc công bình) mà ta khao khát thực hiện cho những người yếu kém. Tiếc rằng chúng ta thường trở thành đồng lõa với bất công khi bị lôi cuốn vào nạn tham nhũng (GE 78).
5/ Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
Chúng ta biểu lộ lòng thương xót của Thiên Chúa qua việc trao ban và tha thứ
6/ Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
Trái tim trong sạch khi yêu mến Chúa và tha nhân thật tình, chứ không chỉ bằng môi mép.
7/ Phúc thay ai xây dựng hoà bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
Xây dựng hòa bình kể cả bằng lời nói, ít là không nói xấu người khác.
8/ Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ. Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời rất lớn lao” (Mt 5,3-12).
Bị bách hại vì sống công chính có nghĩa là sống theo lý tưởng, chứ không lê thê kéo dài cuộc đời tầm thường. Đức Thánh Cha nhắc nhở chúng ta là không dễ gì sống tám mối phúc, bởi vì không chỉ vì những yêu sách của nó trái ngược với tính ươn lười của ta, nhưng bởi vì khung cảnh xã hội hiện nay hầu như đi ngược với tinh thần ấy.
Đường nên thánh Kitô giáo cũng cần liên kết với chương 25 của Tin Mừng thánh Matthêu (câu 31-46), kêu gọi cứu giúp những người thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nơi nương tựa, thiếu tự do (GE 95-109). Vào thời nay, đó là những người di dân, những người bị gạt bỏ, những hình thức nô lệ mới, vv. Việc thờ phượng Chúa không thể nào tách rời khỏi các công việc bày tỏ lòng thương xót.
Có lẽ không phải là thừa khi nhắc lại rằng những lời kết thúc “tuyên ngôn bát phúc” đã được dùng làm lời mở đầu cho tông huấn: “Anh em hãy vui mừng và hớn hở” (Gaudete et exsultate).[27]
3.3. Tin Mừng Luca : Lòng thương xót – Niềm vui :
a/. Lòng thương xót :
Là một “Thầy thuốc” và được mệnh danh là “văn sĩ của lòng nhân hậu”, cho nên chủ đề “lòng thương xót” chính là nét đặc trưng của Tin Mừng Luca :
“Xem ra đạo của Đức Giêsu quá cam go, đòi hỏi quá nhiều. Tuy nhiên, Luca được đặ biệt hiệu là “văn hào của lòng nhân hậu” (scriba mansuetudinis), bởi vì ông thích trình bày Thiên Chúa như là Đấng giàu lòng thương xót”[28]
– Sự hoàn thiện của Thiên Chúa chính là lòng thương xót : “Anh em hãy có lòng thương xót như Cha anh em là Đấng xót thương” (Lc 6,36)[29]
– Những dụ ngôn điển hình hoàn hảo về lòng thương xót : Người Samari nhân hậu (Lc 10,25-37) và Người con hoang đàng (Lc 15,11-32).[30]
– Lòng thương xót được biểu hiện qua sự kiếm tìm, đợi chờ hoán cải, tha thứ và niềm vui : thiếu phụ tai tiếng (Lc 7,36-50), Giakê (19,1-10); đặc biệt với 3 dụ ngôn của chương 15…
– Thái độ khiêm tốn để lãnh ơn tha thứ : Người thu thuế trong đền thờ (18,13-14), tên trộm bị đóng đinh (23,42-43)…
– Tha thứ ngay trong cuộc khổ nạn : Cái nhìn dành cho Phêrô (22,61-62)…
b/. Niềm vui :
Song song với chủ đề “Lòng Thương xót”, “Niềm vui” cũng chiếm một chỗ quan trọng trong sứ điệp Tin Mừng Luca, đặc biệt trong các trình thuật về thời thơ ấu.[31]
Sau đây là 5 “chiều kích vui” theo phân tích của tác giả Pierre Dumoulin :
– Niềm vui của Tin Mừng (Tin mừng Nhập Thể, Tin vui cứu độ…) : “Ông sẽ được vui mừng hớn hở, và nhiều người cũng được hỷ hoan ngày con trẻ chào đời” (1,14); “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng Bà” (1,28); “Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng” (1,44); “Nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà” (1,58); “thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ tôi” (1,47); “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân :…”[32]
– Niềm vui được làm con Thiên Chúa : Ngay giờ ấy, được Thánh Thần tác động, Đức Giêsu hớn hở vui mừng và nói : “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha…” (Lc 10,21-22)
– Niềm vui vì được tha thứ : “Vậy tôi nói cho các ông hay : trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn” ( 15,7); “Cũng thế, tôi nói cho các ông hay : giữa triều thần Thiên Chúa, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối” (15,10);
– Niềm vui của sứ vụ : Nhóm Bảy Mươi Hai trở về, hớn hở nói : “Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy, cả ma quỷ cũng khuất phục chúng con” (10,17); “Tuy nhiên, anh em chớ mừng vì quỷ thần phải khuất phục anh em, nhưng hãy vui mừng vì tên anh em dã được ghi trên trời” (10,20)
– Niềm vui của Phục Sinh : Các ông còn chưa tin vì mừng quá, và còn đang ngỡ ngàng, thì Người hỏi : Ở đây anh em có gì ăn không?” (24,41); “Bấy giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giêrusalem, lòng đầy hoan hỷ…” (24,52)[33]
– Cùng với “đặc sản lòng thương xót” và “niềm vui” đó, sứ điệp Tin Mừng Luca còn nhấn mạnh đến vai trò của Chúa Thánh Thần (1,35; 11,20…), và đời sống cầu nguyện (3,21; 6,12-13; 9,18; 22,41; 23,46…); đặc biệt, Tin Mừng Luca còn chứa đựng những mẫu kinh nguyện chúc tụng ngợi khen mà hiện nay Giáo Hội sử dụng thường xuyên trong các Giờ kinh Phụng vụ : Kinh Magnificat (1,46-55); Kinh Benedictus (1,68-79); kinh Nunc dimittis (2,29-32)[34]
- Tin Mừng Gioan : kinh nghiệm gặp gỡ Đức Kitô :
Nếu “linh đạo” được hiểu đó là con đường dẫn đến sự gặp gỡ trọn vẹn Đức Kitô để thuộc về Ngài, trở nên môn sinh đích thực của Ngài…thì quả thật, Tin Mừng Gioan đã cho chúng ta những chỉ dẫn rất cần thiết để hiểu và thực hiện.
a/. Từ xác thể tới tâm linh :
Thánh Gioan, ngay từ đầu trang Tin Mừng, đã chia sẻ kinh nghiệm gặp gỡ độc đáo nầy như sau :
Thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói : “Đây là chiên Thiên Chúa.” Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giêsu. Đức Giêsu quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi : “Các anh tìm gì thế ?” Họ đáp : “Thưa Ráp-bi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đau ?” Người bảo họ : “Đến mà xem.” Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười” (Ga 1,36-39).
– Trước hết, với kinh nghiệm của Gioan, “nghe” Lời Chúa, tiếng Chúa, ý Chúa…không chỉ là một “mở đầu cho cuộc gặp gỡ Đức Giêsu mà còn là thái độ căn bản kéo dài suốt hành trình Đức tin” [35]:
– Tin là luôn chú ý nghe lời Thầy dạy : “Ai nghe Lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết sống lại” (Ga 5,24).
– Tin là cảm nhận mối tương quan đặc biệt khi nghe tiếng của nhau : “Chiên nghe tiếng của mục tử, ông gọi tên từng con rồi dẫn chúng ra” (10,4); “Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rể. Còn người bạn của chú rể đứng đó nghe chàng thì vui mừng hớn hở vì được nghe tiếng nói của chàng” (3,29).
– Từ cái nhìn, xem, thấy “dấu lạ” (bên ngoài) tiến tới “nhận thấy” một Đức Kitô đích thực : “Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy” (Ga 1,39); “Nếu không thấy dấu lạ điềm thiêng, các ông sẽ chẳng tin đâu” (4,48); “Đức Giêsu đã làm dấu lạ đầu tiên nầy tại Cana miền Galilê và bày tỏ vinh quang của Người. các môn đệ tin vào Người” (Ga 2,11); qua dấu lạ “bánh hoá nhiều” để nhận ra “Bánh Hằng Sống” (Ga 6,51); từ dấu lạ chữa lành người mù để nhận ra Chúa Giêsu là ánh sáng dẫn đưa đến ánh sáng bất diệt (8,12); qua dấu chỉ vết thương để Tôma nhận ra Đấng Phục Sinh : “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc cho những ai không thấy mà tin” (20,29); phải thấy ông Giêsu đến từ Nadaret để nhận ra Con Người đến từ Chúa Cha và Cha ở trong Người (7,27-29; 14,9)[36]
Đặc biệt Thánh Gioan, người Tông Đồ được Chúa Giêsu yêu mến, lại có “đôi mắt tinh tường” để “ngộ ra Thầy”, mà đôi khi những người khác không thấy được : Bấy giờ người môn đệ kia, kẻ đã tới mộ trước, cũng đi vào. Ông đã thấy và đã tin. (Ga 20,8); Người môn đệ được Đức Giêsu thương mến nói với ông Phêrô : “Chúa đó !” (Ga 20,7)
Gioan đúng là “le Voyant” !
– Để tin và thuộc về Đức Kitô phải tiếp xúc thân mật với Ngài : rờ, đụng chạm : “Điều vẫn có ngay từ lúc khởi đầu, điều chúng tôi đã nghe, điều chúng tôi đã chiêm ngưỡng, và tay chúng tôi đã chạm đến, đó là Lời sự sống.” (1 Ga 1,1); những hành vi yêu thương và hoán cải của các bà Maria : Xức dầu ở Bêtania (Ga 12,3); ôm chân (20,17); Tôma đặt tay vào cạnh sườn (20,25); môn đệ ngồi dựa vào ngực Chúa (13,25); người lính lấy giáo đâm cạnh sườn Người. Tức thì máu cùng nước chảy ra (19,34-37)
b/. Từ “Biết” tới ‘Yêu” :
Có lẽ, từ thời Thánh Gioan, trào lưu triết học “Ngộ Đạo” (Gnosticism) đã ảnh hưởng không nhỏ trên lãnh vực niềm tin, giáo lý, cho nên ngài đã khai triển “sự hiểu biết của đức tin” để phân biệt với sự hiểu biết như một cảm nghiệm tâm linh thuần tuý nhân loại (vốn là chủ trương của Ngộ Đạo thuyết).[37] “Sự sống đời đời là nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha sai đến là Giêsu Kitô” (15,3).
Và cái “Biết” mà Thánh Gioan khai triển chính là một “cảm nhận của tình yêu”, tình yêu của Thiên Chúa và trong Thiên Chúa : “Còn chúng ta, chúng ta đã biết tình yêu của Thiên Chúa nơi chúng ta, và đã tin vào tình yêu đó. Thiên Chúa là tình yêu : ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa, và Thiên Chúa ở lại trong người ấy”. (1 Ga 4,16).
Từ cái “biết của tình yêu đó”, Đức Kitô đã thực hiện tình yêu với Cha và cho nhân loại; và Ngài cũng muốn các môn sinh thể hiện “cái biết tình yêu” đó dành cho nhau : Rửa chân (13,1-20), trao hiến bản thân (10,17-18).
c/. Từ “biết”, “yêu” tới “ở lại” :
Phúc âm thứ tư nhiều lần dùng từ “ở lại”. Ý nghĩa “Ở Lại” vừa diễn tả chiều kích sinh động của mầu nhiệm Nhập Thể : “Ngôi Lời đã làm người và ở giữa chúng ta’ (Ga 1,14) vừa nói lên mối tương quan thân mật hiệp nhất giữa Thiên Chúa và con người, giữa Đức Kitô và các môn sinh của Ngài : “hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em (…) Thày là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo…” (Ga 15,4-10) (Xem thêm Phan Tấn Thành, ĐỜI SỐNG TÂM LINH II)[38]
Kết luận :
Những gì nêu ra ở trên thật ra chỉ là những “nét chấm phá”. Hội Thánh muôn nơi muôn thuở vẫn miệt mài bước đi dưới ánh sáng của ngọn đuốc Tin Mừng. Mọi nền tu đức, mọi lối đi nên thánh, mọi định hướng đức tin…đều cần thiết và phải quy chiếu vào Lời dạy của chính Đức Kitô trong Tin Mừng. Vì thế, “Linh đạo Tin Mừng”, như tác giả Jordan Aumann, là “linh đạo Kitô giáo ở mức toàn bích” và khả năng “thích nghi với mọi thời đại”.[39]
Nhận định trên có thể dễ dàng được tìm thấy trong những lời đầu tiên của một tác phẩm tu đức nổi tiếng từ thế kỷ 15 được cho là của Thomas à Kempis (1380-1471), cuốn GƯƠNG CHÚA GIÊSU (THE IMITATION OF CHRIST) :
- Lời Chúa Giêsu : “Ai theo Ta, người ấy không đi trong đường tối” (Ga 8,12). Lời ấy, Chúa dùng để khuyên nhủ ta bắt chước tính hạnh và hành vi Chúa, nếu ta muốn được sáng thật và thoát ly mọi tối tăm trong tâm hồn. Bài học chính của ta sẽ là suy gẫm về tính hạnh Chúa Kitô vậy.
- Học thuyết Chúa Kitô trỗi vượt trên học thuyết các thánh. Ai thấu nhập được tinh thần Chúa Giêsu, người ấy gặp được lương thực giấu ẩn trong đó. Sở dĩ nhiều người nghe giảng Phúc Âm luôn mà vẫn không xúc động, là vì họ không có tinh thần Chúa Kitô. Muốn hiểu rõ và nếm thử thi vị của Lời Chúa, cần phải tập sống đời sống của Chúa.[40]
Đối với những người đang dấn thân trong “đời sống thánh hiến”, Tin Mừng chính là con đường gần nhất để cùng “xuất phát lại từ Đức Kitô” như Huấn Thị của Thánh Bộ Giáo sĩ đã nhấn mạnh :
“Con đường mà đời sống thánh hiến được mời gọi đi theo khi khởi đầu ngàn năm mới được hướng dẫn bởi việc chiêm ngưỡng Đức Ki-tô, cái nhìn chúng ta hơn bao giờ hết, chăm chú vào khuôn mặt của Đức Chúa. Nhưng ta chiêm ngưỡng cách cụ thể khuôn mặt Đức Ki-tô ở đâu? Có vô vàn sự hiện diện cần được khám phá ra theo những cách thức luôn luôn mới mẻ.(…)
Đức Ki-tô thực sự hiện diện trong Lời của Người (…) Thánh thiện là hoa quả của cuộc gặp gỡ với Người trong nhiều cách thế hiện diện qua đó chúng ta có thể khám phá khuôn mặt của Người như là Con Thiên Chúa, một khuôn mặt đau khổ và đồng thời khuôn mặt của Đấng phục sinh. (…)
Đức Gio-an Phao-lô II nhắc nhở các người thánh hiến rằng sống linh đạo trước tiên có nghĩa là xuất phát lại từ ngôi vị Đức Ki-tô, Thiên Chúa thật và người thật, hiện diện trong Lời của Người, “nguồn mạch đầu tiên của mọi linh đạo” Thánh thiện không thể có được nếu không lắng nghe lời Thiên Chúa. (…)
“Lời Thiên Chúa là của ăn cho đời sống, cho việc cầu nguyện và cho cuộc hành trình hằng ngày, nguyên lý hiệp nhất cộng đoàn nên một lòng một ý, cảm hứng cho việc canh tân của thường huấn và những sáng kiến tông đồ. Công đồng Vatican II đã chỉ rõ rằng nguyên tắc canh tân quan trọng đầu tiên là trở về với Tin mừng.
Trong các cộng đoàn và trong các nhóm người thánh hiến, cũng như trong toàn thể Giáo hội, một sự tiếp xúc sống động và trực tiếp hơn với Lời Chúa đã phát triển trong những năm gần đây. Đó là một con đường cần phải tiếp tục bước đi với một năng động lớn hơn. Đức Giáo hoàng đã nói: “Anh chị em đừng mệt mỏi suy niệm Kinh Thánh và nhất là Tin mừng…”[41]
(Còn tiếp)
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
[1] Joseph Doré, Dictionnaire de Théologie Chrétienne, Bản dịch của Hoàng Xuân Việt, hiệu đính Thiên Hựu, nxb. Tôn giáo 2015, tr. 48 : “Trong Chúa Giêsu Kitô, hết các kích thước của con người được đảm thụ và sử dụng để phô diễn Lời Chúa như : ngôn ngữ, hành vi, cử điệu, chết, sống lại. Chính trong đó, có sai biệt nền tảng giữa Chúa Kitô và các nhà lập giáo khác (như Đức Phật, Đức Khổng, Đức Mahomet v.v…). Các chư vị nầy không tự bản thân mình đề nghị cho các môn đồ có đức tin. Còn Chúa Giêsu, chính Người trình bày coi như dứt điểm cho phần rỗi cái lập trường mà người ta phải có đối với Người. Bởi lẽ Chúa Giêsu là lời nói yêu thương của Thiên Chúa tự hiến cho nhân thế và tự truyền thông cho ai chấp nhận Người.”
[2] Jordan Aumann, O.P. CHRISTIAN SPIRITUALITY IN THE CATHOLIC TRADITION. Bản Việt ngữ : LỊCH SỬ LINH ĐẠO CÔNG GIÁO, Lm. Giuse Lê Công Đức, nxb. Phương Đông 2013. Tr. 23 : “Đức Kitô, vì thế, là hiện thân của linh đạo đích thực và ta hoàn toàn có cơ sở để nói rằng đời sống thiêng liêng phải là một sự tham dự vào “mầu nhiệm Đức Kitô”. Vậy thì, Đức Kitô là của mọi thời – hôm qua, hôm nay và mãi mãi – và bất cứ cố gắng nào nhằm xây dựng một linh đạo có tính “hợp thời hơn” đều chỉ là ảo tưởng”.
[3] GS 22
[4] HĐGMVN, UBGLĐT, SGLHTCG, nxb. Tôn giáo 2012, số 516, tr. 163 : “Cả cuộc đời của Đức Kitô là một Mạc khải về Chúa Cha : những lời Người nói, những việc Người làm, những lúc Người im lặng, những đau khổ Người chịu, cách thế Người sống và giảng dạy. Chúa Giêsu có thể nói : “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14,9), và Chúa Cha nói : “Đây là Con Ta, Người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe Lời Người” (Lc 9,35). Vì Chúa chúng ta đã làm người để chu toàn thánh ý Chúa Cha, nên ngay cả những điểm nhỏ nhặt nhất trong các mầu nhiệm của Người đều biểu lộ cho chúng ta thấy tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta”.
[5] Thánh Bộ Đời sống Thánh hiến và Hiệp hội Tông đồ, Huấn thị “XUẤT PHÁT LẠI TỪ ĐỨC KITÔ”, số 21
[6] Jordan Aumann, O.P. CHRISTIAN SPIRITUALITY IN THE CATHOLIC TRADITION. Bản Việt ngữ : LỊCH SỬ LINH ĐẠO CÔNG GIÁO, Lm. Giuse Lê Công Đức, nxb. Phương Đông 2013. Tr. 26-27 : “Vì thế, tham dự vào mầu nhiệm Đức Kitô có nghĩa là chia sẻ trong cùng một sự sống của vị Thiên Chúa làm người, sự sống mà Lời nhập thể chia sẻ với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần; và qua sự sống nầy, con người được sinh lại và được nâng lên tới trật tự siêu nhiên”.
[7] SĐD : “Thật vậy, đời sống Đức Giêsu là gương mẫu của mọi linh đạo Kitô giáo, và hành trình tâm linh của Kitô hữu luôn luôn là chính hành trình mà Đức Giêsu đã bước đi. “Để biết chính Đức Kitô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người” (Pl 3,10) – đó là mục tiêu của đời sống Kitô hữu. Mối quan tâm noi gương sống của Đức Giêsu vốn được ghi nhận rõ ràng trong các trang Tân Ước.”
[8] Ibid., tr. 29.
[9] HĐGMVN, Uỷ ban Giáo Lý Đức Tin, Công Đồng Vaticanô II (Bản dịch Việt ngữ), HIẾN CHẾ TÍN LÝ VỀ MẶC KHẢI THIÊN CHÚA (DEI VERBUM), viết tắt : MK, nxb. Tôn Giáo 2012, số 25, tr. 212 : “Cũng vậy, Thánh Công Đồng ân cần và đặc biệt khuyến khích mọi Kitô hữu, nhất là các tu sĩ, hãy đạt đến “sự hiểu biết tuyệt vời về Chúa Giêsu Kitô” (Pl 3,8) nhờ năng đọc Sách Thánh. “Thật vậy, không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô”. Vì thế, họ phải năng tìm đến với chính bản văn Thánh Kinh, hoặc nhờ Phụng vụ thánh chứa đựng dồi dào Lời Chúa, hoặc nhờ việc sốt sắng đọc Sách Thánh, hoặc nhờ những lớp học hỏi thích hợp và những phương tiện khác hiện đang được phổ biến khắp nơi với sự chuẩn nhận và quan tâm của các vị Chủ chăn trong Giáo Hội”.
[10] Ibid. 18
[11] GS. Đaminh Phạm Xuân Uyển, SDB, NHẬP MÔN KINH THÁNH, nxb. Đồng Nai 2014, tr. 137-140
[12] Để làm giàu kiến thức Kinh Thánh, nhiều tác giả trong tạp chí En ce temps Là Le Journal De La Bible, chuyển ngữ : Lm. Fx. Lã Thanh Lịch, , hiệu đính : Lm. Aug. Nguyễn Văn Trinh, Phần Tân ước Tập 2, nxb. Tôn giáo 2012, tr. 1074 : “Trước hết là một tin, hay việc loan báo một biến cố : “Bạn có biết tin không?”. Phúc âm khác hẳn với một ý thức hệ thông thái, một triết học, một suy tưởng tinh thông, kết quả của khối óc tinh xảo loài người. Phúc âm cho biết một thực tại lịch sử. Thực tại đó là Giêsu thành Nazareth. Khởi điểm không thể chối cãi được và ngày nay chỉ còn một số ít người lạc hậu phản đối thực tại đó. Lại nữa, tin tức về biến cố mới đó lại là tin mừng. Phúc âm không đưa ra một tin đơn thuần, rồi bỏ mặc cho độc giả suy tưởng, Nhưng Phúc âm giới thiệu sự kiện mang sẵn một ý nghĩa : sự kiện đó, biến cố đó tốt lành, tế độ, là nguồn sống và hy vọng của mọi người…” (Jean Pièrre Charlier O.P).
[13] Ibid. Tr. 1074 -1075.
[14] Ibid. Tr 1075 -1076 : “Thực sự, Marcô loan Tin mừng, “giảng” hơn là “viết”. Đó là một lời nói trực tiếp hơn là một sản phẩm văn chương, lời nói được hăng hái gào lên, không hoa hoè nhưng mãnh liệt, có sức va chạm mạnh. (…) Theo sát bản văn chúng ta đang có, ý định của Matthêu lại khác : ông đã viết một cuốn sách, chính ông nói điều ấy: “Sách gia phả của Đức Giêsu Kitô” (Mt 1,1). Thời đại ông, một cuốn sách được viết ra để được tra cứu hơn là để đọc một hơi…Phúc âm Matthêu ra đời khoảng năm 85 và viết cho một giáo đoàn đã có tổ chức vững vàng…như một cuốn “sách giáo lý” dạy những chân lý và phương pháp mục vụ. Như thế không còn phải là một Tin Mừng được loan truyền nữa mà là cuốn sách tuỳ thân được soạn đàng hoàng để bất cứ tời nào khi cần đến thì tra cứu. (…) Luca lại khác nữa. Tác giả là một văn sĩ giỏi. Như ông nói, ông soạn một bản tường thuật về những biến cố đã xảy ra (Lc 1,1). Với ông lần đầu tiên trong văn chương Kitô giáo xuất hiện một tác phẩm thời danh : Đời sống của Đức Giêsu. Đang khi sách của Marcô thì 9/10 các động từ được dùng ở hiện tại (“Đây việc xảy ra”) còn trong sách của Luca tường thuật đối chiếu đó được đặt vào quá khứ như trọng tâm là kỷ niệm : “Đây việc đã xảy ra”. Do đó “Phúc âm thứ ba” với giọng điệu rất nhiệt thành, rất cảm động, kiệt tác của văn chương thời cổ, không ngừng gây ấn tượng. Còn về Gioan, chẳng có gì nói rõ bản chất tác phẩm của ông. Nhưng không ai còn lầm lẫn gì nữa. “Tin Mừng” coi như được độc giả biết đến từ lâu rồi, nên sách của Gioan mời họ suy gẫm sâu xa hơn nữa. Ở đây khoa thần bí tiếp nối kinh nghiệm đã được Marcô tiết lộ, với những âm điệu được các bậc hiền triết xưa kia đã gióng lên. Nếu sách của Marcô để nghe, của Matthêu để tra cứu, của Luca để đọc thì sách của Gioan đem lại những cái nhìn vô tận trong chiêm niệm”.
[15] Jordan Aumann, O.P. CHRISTIAN SPIRITUALITY IN THE CATHOLIC TRADITION. Bản Việt ngữ : LỊCH SỬ LINH ĐẠO CÔNG GIÁO, Lm. Giuse Lê Công Đức, nxb. Phương Đông 2013. Tr. 23-25.
[16] Ibid. Tr. 30
[17] P. Pourrat. Christian Spirituality. London Bunrs Oates and Washbourne LTD. P. 1 : “The Christian life and, a fortiori, the perfect life consist in two fundamental and correlative dispositions, each of which calls for the other, unable to exist without each other, which should inspire all our acts. (1) the renuntiation of self; (2) the firm determination to follow or imitate Christ” (Tạm dịch : Đời sống Kitô hữu, nhất là đời sống hoàn thiện luôn cần hai nhân tố nền tảng và hỗ tương, tác động lẫn nhau và cần thiết cho nhau để định hướng mọi hành động của chúng ta. Hai nhân tố đó là (1)sự từ bỏ chính mình; (2) quyết tâm bước theo hay noi gương Chúa Kitô”
[18] Phan Tấn Thành. “ĐỜI SỐNG TÂM LINH II” – NHỮNG ĐƯỜNG HƯỚNG LINH ĐẠO NỔI BẬT TRỌNG LỊCH SỬ KITÔ GIÁO. NXB. Phương Đông 2015. Tr. 28 : “Thực vậy, một đàng thánh Máccô cung cấp khá nhiều dữ liệu để minh chứng tính cách siêu phàm của Đức Giêsu qua các phép lạ; (một phần ba tác phẩm được dành để thuật lại các phép lạ chữa lành, trữ quỷ). Nhưng đồng thời, ông Máccô ra như che dấu cái gì đó, (điều được các học giả đặt tên là “bí mật Đấng Mêsia”, – secretum messianicum-, bởi vì Đức Giêsu buộc những người được phép lạ và thậm chí các môn đệ phải im lặng, không được tiết lộ về Người : 1,25.44; 3,12; 5,43; 7,36; 8,30; 9,9). Phải chăng đây là một kỷ thuật trình bày úp mở, vừa hé mở, vừa che dấu? Thiết tưởng có thể trả lời như thế nầy : các phép lạ tự nó cho ta thấy rằng Đức Giêsu là Đấng siêu phàm; nhưng đừng ai vội vàng tự hào rằng mình đã thấu hiểu bản tính của Đấng siêu phàm đó ! Chúng ta sẽ hiểu sai lầm về Người nếu chỉ nhìn thấy một danh sư chữa bệnh hay một pháp sư quyền năng. Thậm chí nếu ai tiếp tục nuôi dưỡng hình ảnh đó trong đầu óc thì sớm sẽ bị thất vọng”.
[19] Ibid. Tr. 29 : “Các học giả nhìn nhận tài bố trí của thánh Marcô. Ở đầu tác phẩm, ông muốn trình bày Tin Mừng đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa (Mc 1,1). Người đọc tưởng chừng như đã khám phá được điều gì đó khi nghe các bài giảng hoặc chứng kiến các phép lạ. Nhưng không, các cảm giác đó đều trật hết ! Chân lý về Đức Giêsu Con Thiên Chúa chỉ được bộc lộ rõ rệt khi Người bị chết treo trên thập giá, với lời tuyên xưng của viên đại đội trưởng phụ trách cuộc hành hình (15,39), đang khi các môn đệ bỏ chạy tán loạn (14,50). Qua đó, ra như ông Marcô muốn nói rằng : ai muốn hiểu biết về Đức Giêsu thì cần phải chiêm ngắm cuộc Tử Nạn của Người. Những thứ cảm nghiệm bên ngoài Thập Giá có nguy cơ rơi vào hão huyền. Con đường dẫn tới cảm nghiệm tâm linh chân chính không thể nào tách rời khỏi thập giá…”
[20] Ibid. Tr. 30 : “Dĩ nhiên là chúng ta không thể nào hiểu các phần thưởng đó theo nghĩa vật chất, nhưng theo nghĩa tinh thần. Phải chăng đó chẳng phải là chính cảm nghiệm tâm linh đó sao, một thứ cảm nghiệm tâm linh tinh ròng, đã được thanh luyện khỏi những áo tưởng ?”
[21] Ibid. Tr. 30.
[22] Ibid.
[23] Ibid. Tr. 31
[24] Ibid. Tr. 33-34
[25] Jordan Aumann, O.P. CHRISTIAN SPIRITUALITY IN THE CATHOLIC TRADITION. Bản Việt ngữ : LỊCH SỬ LINH ĐẠO CÔNG GIÁO, Lm. Giuse Lê Công Đức, nxb. Phương Đông 2013. Tr. 33
[26] SĐD (GE) 63
[27] Linh mục Giuse Phan Tấn Thành, OP. (Giới thiệu) Tông huấn GAUDETE ET EXSULTATE. Nguồn : Trang mạng Tổng giáo phận Hà Nội. Link : http://www.giaolyductin.net/gioi-thieu-tong-huan-gaudete-et-exsultate.html
[28] Phan Tấn Thành. “ĐỜI SỐNG TÂM LINH II” – NHỮNG ĐƯỜNG HƯỚNG LINH ĐẠO NỔI BẬT TRỌNG LỊCH SỬ KITÔ GIÁO. NXB. Phương Đông 2015. Tr. 35
[29] Đức Hồng y Walter Kasper, La Miséricorde Notion fondamentale de l ‘ Évangile Clé de la vie chretienne (LÒNG THƯƠNG XÓT cốt lõi của Tin Mừng và chìa khoá của đời sống Kitô hữu), bản dịch tiếng Việt ; Bayard Việt Nam. Dịch thuật : Lm. Gioakim Nguyễn Khương Duy, AA, Nt. Marie Paulina Nguyễn Thị Chung, RNDM, Nt. Maria Phạm Thị Bích Giang, OA, nxb Tôn giáo 2016, tr. 81 : “Thánh sử Luca đã chỉ đúng vào những gì quan trọng trong thông điệp của Chúa Giêsu : nơi mà Thánh Matthêu nói về sự trọn hảo của Thiên Chúa (Mt 5,48), thì Thánh Luca nói về lòng thương xót của Người (Lc 6,36). Vậy, đối với Thánh Luca, lòng thương xót là sự trọn hảo của cả chính Thiên Chúa. Người không kết án, Người tha thứ. Người cho và cho mãi; đấu đo của Người là một đấu tràn đầy, lèn lắc, đầy đến ngọn và trào tràn ra. Lòng thương xót của Thiên Chúa có thể nói được là vượt quá mọi kích thước; nó vượt xa mọi mức đo khác”.
[30] Ibid. Tr. 82-85 “Chính qua những dụ ngôn mà Chúa Giêsu đã trình bày cách hoàn hảo nhất thông điệp lòng thương xót của Chúa Cha. Nhất là đối với những dụ ngôn về người Samari nhân hậu (Lc 10,25-37) và người con hoang đàng (lc 15,11-32). Chúng ta được khắc sâu vào trong ký ức của nhân loại và hầu như đã trở thành những ngạn ngữ điển hình. (…). Tuy nhiên, sẽ là sai, nếu đem gán cho thông điệp của những dụ ngôn một chủ nghĩa nhân văn nói chung. Các dụ ngôn được dùng là để nói lên cách xử sự của Chúa Giêsu và để thấy nơi Người, cách cư xử của Cha trên trời. “Ai thấy tôi, là thấy Cha tôi” (Ga 14,7.9). Nơi Người thể hiện lòng nhân từ và sự yêu thương của Thiên Chúa, Vị Cứu tinh của chúng ta (Tt 3,4)”. Nơi Người, chúng ta có một vị Thầy Cả có khả năng động lòng trắc ẩn trước các yếu đuối của chúng ta, vì Người đã thấu hiểu các thử thách và cám dỗ như chúng ta, nhưng không hề phạm tọi (Dt 4,15). Đòng thời Chúa Giêsu cũng muốn nói với chúng ta điều nầy : trong dụ ngôn người con hoang đàng, câu chuyện được kể lại chính là câu chuyện của con. Chính con là đứa con hư hỏng đó, con cũng vậy, con cần phải sám hối và thay đổi đời sống. Đừng sợ ! Chính Thiên Chúa đang đến với con và ôm con vào lòng. Người không hạ thấp con; người trả lại cho con phẩm giá làm con của người.”
[31] Pierre Dumoulin, LUC – L ‘ ÉVANGILE DE LA JOIE, EdB 2013, p. 162 : “Luc est vraiment le témoin d’ une Bonne Nouvelle ; on trouve plus d’ une vingtaine de fois le mot “joie” et ses dérivés dans l’ évangile. Dans les récits de l’ Enfance, l’ insistance est plus forte qu’ ailleurs…” (Luca thật đúng là chứng nhân của Tin Mừng: trong phúc âm (Luca), từ “vui” và những gì liên quan được tìm thấy hơn 20 lần. Trong các trích đoạn về thời thơ ấu, ý nghĩa đó lại càng được nhấn mạnh.”
[32] Ibid. P. 163 : “Tous les personnages sont donc présentés comme porteurs de joie : les anges, Zacharie, Marie, Jean Baptiste, EElisabeth, les bergers vivent cette joie sous l’ action de l’ Esprit Saint ou lors de la visite des anges, et ils la rayonnent autour d’ eux : le Ciel se fait proche. Par l’ annonce de la Bonne Nouvelle en marche, ils recoivent interieurement cet emerveillement joiyeux.” (Như những người đang mang niềm vui, tất cả các nhân vật như các thiên sứ, ông Zachacrie, mẹ Maria, Gioan Tẩy giả, bà Êlisabeth, các mục đồng, tất cả họ đang sống chính niềm vui được tác động bởi Chúa Thánh Thần hoặc niềm vui khi họ được các thiên sứ viếng thăm chiếu toả : trời cao gần lại. Nhờ Tin Mừng được loan báo, họ đón nhận niềm vui diệu kỳ nầy trong tâm hồn.)
[33] Ibid. Tr. 162-168.
[34] Phan Tấn Thành. “ĐỜI SỐNG TÂM LINH II” – NHỮNG ĐƯỜNG HƯỚNG LINH ĐẠO NỔI BẬT TRỌNG LỊCH SỬ KITÔ GIÁO. NXB. Phương Đông 2015. Tr. 36-37.
[35] Ibid. Tr. 66-67
[36] Ibid. Tr. 67-68
[37] ĐGH Phanxicô, Tông huấn GE, Chương II, HAI KẺ THÙ CỦA SỰ THÁNH THIỆN.
[38] SĐD (Phan Tấn Thành) tr. 71 : “Từ ngữ ở, ở lại được sử dụng khá nhiều trong Phúc âm thứ bốn để diễn tả sự thân mật giữa Thiên Chúa với nhân loại. Quyển sách mở đầu bằng biến cố “Lời Thiên Chúa” đến làm người và cư ngụ (cắm lều) ở giữa chúng ta (1,14). Mối tương quan giữa Thiên Chúa với nhân loại được lồng trong khung cảnh một cuộc đối thoại : Thiên Chúa đến với loài người qua Lời của Ngài. Đối lại, ai tiếp đón Lời của Chúa thì “ở lại” trong Chúa, và Chúa ở lại trong họ (15,4-10), như cành nho ở lại trong cây nho. Dĩ nhiên việc “ở lại” nầy hàm ngụ tình yêu hợp nhất.”
[39] Jordan Aumann, O.P. CHRISTIAN SPIRITUALITY IN THE CATHOLIC TRADITION. Bản Việt ngữ : LỊCH SỬ LINH ĐẠO CÔNG GIÁO, Lm. Giuse Lê Công Đức, nxb. Phương Đông 2013. Tr. 39 : “Tới đây ta có thể khép lại sự mô tả vắn tắt của mình về linh đạo của các Tin Mừng, cũng là linh đạo Kitô giáo ở mức toàn bích. (…) Linh đạo Tin Mừng tự thích nghi nói với mọi thời đại, nhưng mỗi hoàn cảnh lịch sử và mỗi nền văn hoá đáp lại các mệnh lệnh của Tin Mừng theo các nhu cầu và các khả năng riêng của mình. Do đó linh đạo của Tin Mừng là một tiến hoá năng động không thể bị giới hạn ở bất cứ nơi nào hoặc cột chặt vĩnh viễn vào bất cứ bối cảnh lịch sử nào…”
[40] GƯƠNG CHÚA GIÊSU, Cứu thế Tùng thư, nxb Hà Nội 2004, tr. 9
[41] Thánh Bộ Đời sống Thánh hiến và Hiệp hội Tông đồ, Huấn thị “XUẤT PHÁT LẠI TỪ ĐỨC KITÔ”, số 23,24