(Thánh lễ Giáng Sinh ban ngày 2021)
Hôm nay chúng ta cử hành Đại lễ Giáng Sinh trong chiều kích vừa trang trọng vừa đầy niềm hân hoan vui mừng, một niềm vui mà cách đây 16 thế kỷ, chính Đức Thánh Giáo Hoàng Lêô Cả đã khuyến dụ Dân Chúa phải thực hiện như một mệnh lệnh: “Hôm nay Đấng Cứu Độ chúng ta đã giáng sinh, chúng ta hãy vui mừng. Chúng ta không được phép buồn khi mừng ngày sự sống xuất hiện. Ngày kỷ niệm nầy phá tan sự sợ hải trước cái chết và ban cho chúng ta niềm hân hoan được sống đời đời” (Bài đọc 2 Giờ Kinh Sách Lễ Giáng Sinh).
Và khi “ra lệnh” ‘không được phép buồn’ trong dịp mừng lễ Giáng Sinh, chắc chắn Vị Thánh Giáo Hoàng Tiến Sĩ nầy không chỉ nhằm tới “niềm vui tinh thần”, hay “niềm vui trong khung cảnh Phụng vụ”, mà là “niềm vui hiện thực nơi giữa lòng cuộc sống”, niềm vui hiện sinh trong mọi ngỏ ngách của đời thường, như xác nhận của Đức nguyên Giáo Hoàng Bênêđictô XVI trong bài giảng ngày 5.3.2008: “Đặc biệt Đức Leo Cả dạy cho tín hữu biết rằng phụng vụ Kitô không phải là việc nhớ lại các biến cố quá khứ, mà là hiện tại hóa các thực tại vô hình hoạt động trong cuộc sống của từng người”.
Và “thực tại vô hình” mà dân Kitô giáo đang cử hành, đang “tưởng-niệm-tái-diễn” (anamnèse) chính là “Đấng Emmanuel”, là “Hài Nhi Giêsu giáng sinh trong hang lừa máng cỏ”, là “Lời đã thành xác phàm và cắm lều ở giữa chúng ta”. Tuy nhiên, chính Thiên Chúa, khi mạc khải “chân dung và sứ mệnh của Ngôi Lời” đã nhất quyết lựa chọn “con đường hành động”, lựa chọn phương thế tích cực sinh hoa kết trái cho trái đất, cho con người như ngôn sứ Isaia đã từng tiên báo: “Như mưa tuyết từ trời rơi xuống và không trở lên trời nữa, nhưng chúng thấm xuống đất, làm cho đất phì nhiêu, cây cối sinh mầm, cho người gieo có hạt giống, cho người ta có cơm bánh ăn, cũng thế, lời từ miệng Ta phán ra sẽ không trở lại với Ta mà không sinh kết quả, nhưng nó thực hiện ý muốn của Ta, và làm tròn sứ mạng Ta uỷ thác”.
Mặc cho ai đó xuyên tạc rằng “tôn giáo là thuốc phiện”, mặc cho những lập luận sai lạc và ác ý về Chúa Giêsu, về Tin Mừng và Giáo Hội của Ngài…, thì thế giới, kể từ sự kiện Giáng Sinh cách đây hơn 2000 năm, đã thay đổi tận căn, đã sinh hoa kết trái của hy vọng, niềm vui, bình an, bác ái…; một niềm vui tràn trào mà cho dù đang bị vùi dập trong cảnh lưu đày, cầu thực tha phương, nô lệ, mất nước, cũng không ngăn được Isaia phải thốt lên một lời tiên báo: “Hỡi Giêrusalem hoang tàn, hãy vui mừng, hãy cùng nhau ca ngợi! Vì Chúa đã an ủi dân Người, đã cứu chuộc Giêru-salem. Chúa đã chuẩn bị ra tay thánh thiện Người trước mặt chư dân; và khắp cùng bờ cõi trái đất sẽ nhìn xem ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta”.
Vâng, khi nói đến tác dụng lạ lùng của mầu nhiệm Giáng Sinh trên cuộc sống, chắc nhiều người vẫn còn nhớ giai thoại về khúc hát Giáng Sinh trong cuộc chiến Pháp-Phổ vào thế kỷ 19: Chuyện kể rằng: trong cuộc chiến tranh Pháp – Phổ (1870-1871), vào một ngày Giáng sinh tại mặt trận ác liệt, một lính Pháp bỗng nhảy lên khỏi chiến hào, hát to lên bài Cantique de Noel (Thánh ca đêm Noel) của nhạc sĩ người Pháp – Adolphe Adam – bản carol rất quen thuộc của người Pháp. Từ bên kia chiến tuyến, không có phát đạn nào của lính Phổ đã bắn vào anh ấy. Và thật bất ngờ, một lính Phổ cũng đã vụt đứng lên khỏi chiến hào đáp lại bằng bài carol cổ truyền của Phổ: bài Vom himmel hoch (Từ Thiên đường trên cao) – do Martin Luther viết. Trong khoảnh khắc đặc biệt nầy, một sự kiện hi hữu đã xảy ra: khi hai bài hát của hai anh lính chiến đối địch vang lên, toàn thể các chiến hào lặng im phăng phắt và sau đó là một tràng pháo tay vang dội thay thế cho những tiếng bom đạn gào thét trước đó…
Đó không là một cách “hiện tại hóa các thực tại vô hình hoạt động trong cuộc sống”, hiện tại hóa Giáng Sinh giữa đời thường đó sao ! Và chúng ta cũng đừng quên khi Thiên Chúa trao ban Người Con Một cho chúng ta thì đó không hề là một “thần linh trên các tầng mây” hay một tạo vật vô cảm, bất động không ăn nhập gì với thế giới nầy, cuộc sống nầy… mà là một “Người Con mà Ngài đã tác thành vũ trụ. Nguyên vốn là phản ảnh sự vinh quang và là hình tượng bản thể Ngài, Người Con đó nâng giữ vạn vật bằng lời quyền năng của mình, quét sạch tội lỗi chúng ta, và ngự bên hữu Ðấng Oai Nghiêm trên cõi trời cao thẳm…” (Thư Do Thái trong Bđ 2).
Nếu trong Phụng vụ Thánh lễ Đêm Giáng Sinh chúng ta đã được Tin Mừng Thánh Luca dẫn dắt chúng ta đến chiêm ngưỡng một Hài Nhi vấn tả nằm trong máng cỏ, dấu chỉ của một Thiên Chúa xuống thật thấp, thật gần với chúng sinh; thì trong Thánh lễ Ban ngày nầy, Tin Mừng Thánh Gioan qua “Bài tựa mở đầu” muốn chúng học biết ngọn nguồn lý lịch của “Hài Nhi” yếu ớt, nghèo hèn đó ngõ hầu mở lòng ra đón nhận, tin thờ. Vâng, “nhân thân” của Ngài không phải tầm thường đâu: “Từ nguyên thuỷ đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời vẫn ở với Thiên Chúa, và Ngôi Lời vẫn là Thiên Chúa. Người vẫn ở với Thiên Chúa ngay từ nguyên thủy. Mọi vật đều do Người làm nên, và không có Người, thì chẳng vật chi đã được tác thành trong mọi cái đã được tác thành…”. Nhưng, như câu ca dao của Việt Nam: “Yêu nhau vạn sự chẳng nề, một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”, Thiên Chúa yêu thương con người, muốn nâng con người lên nên “Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng tôi, và chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang Người nhận được bởi Chúa Cha, như của người Con Một đầy ân sủng và chân lý…”.
Sứ điệp nầy, chân lý nầy cứ mỗi mùa Giáng Sinh lại được khơi lên, nhắc nhớ. Nhưng hình như con người muôn nơi muôn thuở và thế giới mãi cho tới hôm nay vẫn còn những “quán trọ Bê lem cửa đóng then cài” để chối từ phủ nhận, vẫn còn những bạo chúa Hêrôđê tìm cách để loại trừ, bách hại: “sự sáng chiếu soi trong u tối, và u tối đã không tiếp nhận sự sáng… Người vẫn ở trong thế gian, và thế gian đã do Người tác tạo, và thế gian đã không nhận biết Người. Người đã đến nhà các gia nhân Người, và các gia nhân Người đã không tiếp nhận Người…”.
Chính sự khước từ và quay lưng lại với Thiên Chúa đang có mặt, với Thiên Chúa muốn đồng hành đó đã khiến cho nhiều nơi trên thế giới trở thành “địa ngục ở trần gian”; đã khiến nhiều gia đình tan vỡ, ly tán; đã khiến nhiều tâm hồn thất vọng đau thương… Khi người Đức tôn thờ triết lý “giết chết Thượng Đế” của Nietzsche thì thế giới tan tành với Đệ nhị thế chiến cùng với những trại tập trung tàn sát bao nhiêu triệu sinh linh; cũng vậy, khi chủ tịch Pônpốt chủ trương một xã hội không cần tôn giáo, thần linh thì hơn hai triệu người Campuchia bị tàn sát !
Riêng, đối với chúng ta, những anh chị em thuộc (giáo xứ….), chúng tạ ơn Chúa, vì chắc chắn chúng ta không thuộc “những quán trọ Bêlem khước từ đôi vợ chồng trẻ đến từ Nadarét”, cũng chẳng phải là một “Hêrôđê tìm cách để loại trừ Hài Nhi Giêsu”; nhưng biết đâu, trong đời thường cuộc sống, chúng ta cũng đã bao lần đối xử tàn tệ, ích kỷ, nhỏ nhen với những người chung quanh; đã bao lần kết án, loại trừ, ước muốn điều xấu cho những kẻ nghịch cùng ta…
Chính vì thế, sứ điệp Giáng Sinh hôm nay một lần nữa lại trở về để chúng ta tiếp tục lên đường tìm Chúa, đón nhận Chúa, để như lời Tin Mừng Gioan: “Nhưng phàm bao nhiêu kẻ đã tiếp nhận Người, thì Người cho họ được quyền trở nên con Thiên Chúa, tức là cho những ai tin vào danh Người”.
Chúng ta đang họp nhau nơi đây chắc chắn đã “Trở nên con Thiên Chúa và tin vào danh Người”. Nhưng trở thành một Kitô hữu đích thật thì còn phải phấn đấu mỗi ngày. Vì thế, mừng Chúa Giáng Sinh cách đúng đắn nhất, đó là chúng ta có trách nhiệm làm cho Tin Mừng Giáng Sinh hiện thực trong cuộc sống nầy, cuộc đời nầy, để Chúa Giêsu một lần nữa đến và ở lại trong cuộc đời mỗi người chúng ta, để chúng ta yêu bằng trái tim bao dung quảng đại của Ngài; để chúng ta phục vụ bằng đôi tay khiêm hạ vị tha của Ngài; và để mỗi bước chân của chúng ta là những bước chân nhân chứng, những bước chân loan báo Tin Mừng, như lời ngôn sứ Isaia đã dự báo từ bao ngàn năm trước: “Ðẹp thay chân người rao tin trên núi, người rao tin thái bình, người rao tin mừng, người rao tin cứu độ, nói với Sion rằng: Thiên Chúa ngươi sẽ thống trị! Tiếng của người canh gác của ngươi đã cất lên. Họ sẽ cùng nhau ca ngợi rằng: Chính mắt họ sẽ nhìn xem, khi Chúa đem Sion trở về”. Vâng, hôm nay Chúa đang trở về không phải chỉ với những biểu tượng, hình ảnh nơi hang đá máng cỏ kia… mà Ngài thật đang trở về giữa chúng ta trong Thánh lễ nầy, trong Mình Máu là quà tặng tuyệt vời sâu thẳm ban tặng cho chúng ta. Lạy Đấng Emmanuel, Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin ở lại với chúng con. Amen.
Trương Đình Hiền