(Thánh lễ Đêm GS 2021)
Trong cái thời đại dịch Covid nầy, người ta nghe nhiều nhất nhất những từ sau đây: giản cách xã hội, cách ly tập trung, tự cách ly, khu biệt lập, chốt chặn, giăng dây, F 1, F 0…; và cùng với những từ ngữ mang ý nghĩa tiêu cực, ly cách, loại trừ, chết chóc… đó là âm thanh đầy hốt hoảng của tiếng còi xe cấp cứu vang lên mỗi ngày trên mọi nẻo đường thành thị lẫn thôn quê, càng gieo vào tâm thức con người nỗi hoang mang lo sợ.
Vâng, tất cả những điều trên toàn là những “dấu chỉ” ngược lại với những điều thiện hảo tích cực, bình yên của cuộc sống; và nhất là, ngược lại với tiêu đích và ý nghĩa trọng tâm của huyền nhiệm Giáng Sinh mà chúng ta đang cử hành.
Thật vậy, ngày “Chúa Đến”, ngày “Chúa Giáng Sinh”, có mục đích chính là mang hòa bình, hiệp nhất, yêu thương, gần gũi, ấm áp… đến cho loài người, như sứ điệp mà các thiên sứ đã truyền cho các mục đồng thành Bêlem trong đêm Con Chúa Trời giáng thế: “Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”. Tuy nhiên, để hiểu được dụng ý của toàn bộ sứ điệp Giáng Sinh mà Lời Chúa muốn chuyển tải trong phụng vụ Lễ Đêm nầy, chúng ta cùng lắng đọng tâm hồn trước các trích đoạn Lời Chúa mà chúng ta vừa nghe.
Trước hết, hơn 700 năm trước biến cố Chúa Giáng Sinh tại Bêlem, ngôn sứ Isaia đã cho thấy thảm cảnh của dân tộc Do Thái khi vương triều Israel phía Bắc bị đế quốc Assyria xâm chiếm và bắt đi lưu đày: Dân Chúa bắt đầu một cuộc đời trong tăm tối, thất vọng: “Dân tộc bước đi trong u tối,… Vì cái ách nặng nề trên người nó, cái gông nằm trên vai nó, cái vương trượng quyền của kẻ áp bức…”.
Thật ra, cái “hiện thực thê thảm” nầy của dân Israel lại là “mẫu số chung” của thân phận loài người kể từ sau “biến cố sa ngã”, khi Ađam, Eva “ăn trái cấm” và bị trục xuất khỏi địa đàng để sống kiếp lưu đày trên nẻo đường thế giới đầy “chông gai thử thách”: Đức Chúa là Thiên Chúa đuổi con người ra khỏi vườn Ê-đen để cày cấy đất đai (St 3,23); và cũng từ đó “Đất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi” (St 3,18).
Thì ra, nhân loại muôn nơi muôn thuở đã gánh chịu chung một “cái ách nặng nề” mà nguyên nhân cốt yếu đó chính là “tội lỗi” (Rm 5,12); tội của Tổ Tông loài người hay tội của muôn thế hệ con người trong lịch sử mà trong đó chắc chắn có tội của mỗi người chúng ta. Vì thế, những “bước đi trong u tối” của dân Israel nô lệ ngày xưa hay những tháng ngày đau thương chết chóc trong các trại tập trung của dân Do Thái thời đệ nhị thế chiến, những thảm cảnh của chiến tranh, khủng bố, bạo lực, độc tài đó đây trên khắp thế giới…, hoặc đại dịch “Covid tang thương” trong những ngày này…, chắc chắn không đi ngoài cái nguyên do chết tiệc “tội lỗi” đó !
Và cái kinh nghiệm mang “chiều kích lịch sử cứu độ” nầy, nếu đem soi chiếu vào đời sống của mỗi người chúng ta, mỗi gia đình chúng ta, nào chúng ta không nhận ra một sự thật tương hợp đó sao ? Thật vậy, nếu không có sự phản bội và ích kỷ trong tình yêu thì làm gì có cái chết đau thương của cô gái Trần Thị Triều Tiên bị người yêu thiêu chết ngay trong đêm Giáng Sinh 25.12.2013 tại Đà Nẵng. Cũng vậy, nếu không vì tham lam và hận thù tranh chấp đất đai quyền lợi… thì làm gì cụ Lê Đình Kình, một cụ già khả kính có công Cách Mạng, phải thiệt thân trong “biến động Đồng Sênh” ngày 9.1.2020…; và thế giới vẫn đang hồ nghi rằng, sở dĩ tồn tại cái con virus Covid chết tiệc đang làm thế giới điêu linh, chết chóc nầy cũng là tại con người âm mưu triệt hạ lẫn nhau, để giành quyền bá chủ thế giới…
Nhưng Thiên Chúa lại không là “Thiên Chúa của những kẻ chết” (Mt 22,32); và như Lời kinh Nguyện Thánh Thể Thứ IV: “Và khi con người đã mất tình nghĩa với Cha vì bất phục tùng, Cha đã không bỏ mặc con người dưới quyền lực sự chết. Thật vậy, Cha đã thương cứu giúp mọi người, để những ai tìm Cha đều gặp Cha”. Vâng, đó là điều mà chính ngôn sứ Isaia với ơn linh hứng đã cảm nhận và dự báo ngay trong cảnh tang thương, chết chóc của buổi lưu đày trước Chúa Cứu Thế 700 năm: “Dân tộc bước đi trong u tối, đã nhìn thấy sự sáng chứa chan. Sự sáng đã bừng lên trên những người cư ngụ miền thâm u sự chết”. Vị ngôn sứ thi sĩ nầy còn mô tả thật cụ thể, sống động cái cách hành động quyết liệt của Thiên Chúa để minh chứng cho tình thương cứu độ của Ngài: “Vì cái ách nặng nề trên người nó, cái gông nằm trên vai nó, cái vương trượng quyền của kẻ áp bức. Chúa sẽ nghiền nát ra, như trong ngày chiến thắng Mađian. Bởi lẽ mọi chiếc giày đi lộp cộp của kẻ chiến thắng, mọi chiếc áo nhuộm thắm máu đào sẽ bị đốt đi và trở nên mồi nuôi lửa”.
Mới nghe qua điều đó, chúng ta cử tưởng, Thiên Chúa sẽ ra oai thịnh nộ, sẽ dùng vạn mã thiên binh, quyền lực ngút trời… để tái lập thế giới, để xây dựng hòa bình. Hoàn toàn không phải thế mà đó là “một hài nhi đã sinh ra cho chúng ta, và một người con đã được ban tặng chúng ta. Người đã gánh nhận vương quyền trên vai, và thiên hạ sẽ gọi tên Người là ‘Cố Vấn Kỳ Diệu, Thiên Chúa Huy Hoàng, Người Cha Muôn Thuở, Ông Vua Thái Bình’…”.
Như thế, điều tiếp theo mà Lời Chúa, qua Tin Mừng Luca, đã muốn chuyển tải đó chính là: Nhập Thể-Giáng Sinh là một chọn lựa đầy khiêm tốn, giản dị của tình yêu Thiên Chúa; “giản dị” như cách diễn tả về tình yêu trong ngôn ngữ của cố nhạc sĩ Phú Quang: “Và ta biết một điều thật giản dị, Càng xa em anh càng thấy yêu em”. Vâng, có gì giản dị hơn, đơn giản hơn, cái dấu chỉ mà thiên thần đã chỉ cho các mục đồng về Đấng Cứu Thế: “Và đây là dấu hiệu để các ngươi nhận biết Người: Các ngươi sẽ thấy một hài nhi mới sinh, bọc trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ”.
Và điều gì đã xảy ra sau 2021 năm kể từ “cái dấu chỉ đặc biệt nơi máng cỏ Bêlem” ? Vâng, có nhiều điều khác lắm. Giáng Sinh sau 2000 năm đã trở thành một “lễ hội” lớn nhất hành tinh; và nếu có thời khắc nào trái đất từ đông sang tây, từ nam chí bắc,… rực rỡ hoa đăng, nhạc mừng rộn rã nhất đó chính là dịp Giáng Sinh. Cái khung cảnh khiêm tốn, giản đơn, khó nghèo… của hang đá, máng cỏ Bêlem ngày nào chỉ còn là biểu tượng để trang trí với muôn vạn kiểu dáng, hình thể, chất liệu…, được đặt giữa muôn ngàn hạng mục phụ tùy điểm xuyết mà chi phí đầu tư thiết dựng có khi lên hàng triệu đôla. Đó là chưa kể, Giáng Sinh cũng là dịp, đặc biệt với các xã hội phương Tây hay nơi các thành phố lớn, để bán buôn, thương mại, tiêu dùng, hưởng thụ, chơi bời…. Nói cách khác, ý nghĩa trọn vẹn trong từ “Emmanuel” đã bị cắt đi một nữa, một nữa thâm sâu và mang chiều kích đức tin, tinh thần; chỉ còn một nữa của lễ hội mang tính thế tục; vâng, Emmanuel chỉ còn Noel là vậy !
Dĩ nhiên, không thể phủ nhận thái độ và tâm tình trân trọng mà con người dành cho Giáng Sinh. “Hữu ư trung xuất hình ư ngoại” mà ! Nhân loại trân quý Giáng Sinh, yêu mến Giáng Sinh, thích Giáng Sinh… nên mới có những biểu hiện như thế. Tuy nhiên, đối với những người Kitô hữu, cử hành Lễ Giáng Sinh cốt yếu là một cuộc cử hành đức tin, một cuộc tái tuyên xưng về “tình thương cứu độ của Thiên Chúa”, về mầu nhiệm Nhập Thể làm người của Đấng Emmanuel, như chúng ta vẫn tuyên xưng trong Kinh Tin Kính mỗi ngày Chúa Nhật: “Vì loài người chúng tôi và để cứu độ chúng ta Người đã từ trời xuống thế. Bởi phép Chúa Thánh Thần, Người đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria và đã làm người”. Nhất là, sứ điệp Giáng Sinh còn muốn chúng ta đi xa hơn nữa chứ không dừng lại ở những lời “chót lưỡi đầu môi”. Phải là những người “không sợ hải, thức dậy, đứng lên…” mang Tin Vui Giáng Sinh gieo rắc trên muôn nẻo đường thế giới, như các thiên sứ ngày xưa báo tin cho các mục đồng, thành Bêlem: Nhưng thiên thần Chúa đã bảo họ rằng: “Các ngươi đừng sợ, đây ta mang đến cho các ngươi một tin mừng đặc biệt, đó cũng là tin mừng cho cả toàn dân: Hôm nay Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế, đã giáng sinh cho các ngươi trong thành của Đavít”.
Năm nay, Giáng Sinh trở về trong khung cảnh của mùa đại dịch Covid đang “phủ sóng” âu lo và chết chóc trên khắp hành tinh. Dĩ nhiên, mọi sự lộng lẫy bên ngoài tự động bị hạn chế, giảm thiểu đến mức thấp nhất. Riêng với những người Kitô hữu, phải chăng đây là một “Giáng Sinh” đặc biệt để trở về nguồn, để tái khám phá và sống “chiều kích khiêm hạ khó nghèo của Hài Nhi Giêsu, của hang đá, máng cỏ”, của từ bỏ hy sinh chấp nhận thánh ý Chúa Cha; và của sẻ chia “đồng hành”, bác ái, hy sinh phục vụ cho anh chị em đồng loại. Nói cách khác, sống và cử hành mầu nhiệm Giáng Sinh đúng nghĩa đó là “nói không với gian tà, dục vọng; nói có với công minh đạo đức”; hay giản đơn, đó là “nhiệt tâm làm việc thiện”, như lời khuyến dụ trong Thư Thánh Phaolô gởi cho đồ đệ Titô: “Đấng Cứu Độ chúng ta, đã xuất hiện cho mọi người, dạy chúng ta từ bỏ gian tà và những dục vọng trần tục, để sống tiết độ, công minh và đạo đức… Người đã hiến thân cho chúng ta để cứu chuộc chúng ta khỏi mọi điều gian ác, luyện sạch chúng ta thành một dân tộc xứng đáng của Người, một dân tộc nhiệt tâm làm việc thiện” (Bđ 2). Và dĩ nhiên, “những việc thiện” mang “dáng đứng Giáng Sinh” đó chính là những “hành vi nho nhỏ” nhưng đong đầy tình yêu, như “những nụ hôn nồng nàn trong chiếc hộp rỗng” của một cô bé tặng quà Giáng Sinh cho bố, hay như những tiếng trống tum của chú bé mục đồng mang đến dâng tặng Chúa Hài nhi Giêsu được minh họa nơi bài hát “The Little Drummer Boy” của nữ nhạc sĩ người Mỹ Catherine Kennicott Davis; hoặc những đóa hoa hồng tuyết (Christmas rose) bằng những giọt nước mắt đễ thương của cô bé chăn chiên nghèo nàn ở Bêlem dâng Chúa Hài Đồng…
Nếu Chúa Cha đã không thích của lễ chiên bò hy tế nhưng đã làm nên một thân xác Hài Nhi bé bỏng (Dt 10,5-6) để trở nên của lễ tinh tuyền thánh thiện là thực thi Thánh ý Ngài, thì đến phiên Hài Nhi Giêsu, chắc chắn, Ngài sẽ mỉm cười với chú bé và chiếc trống của bé; cũng vậy, Ngài sẽ mỉm cười và ôm chặt những đóa hồng tuyết của cô bé chăn chiên nghèo; vì đó là những món quà đơn sơ bé nhỏ làm vui lòng Ngài. Amen.
Trương Đình Hiền (GS 2021)