Cảm nhận đức tin, Chia sẻ Lời Chúa, Tài liệu Phụng Vụ

“NGƯỜI CON THỪA TỰ” ĐANG Ở ĐÂY

(Chúa Nhật 27 thường niên A 2023)

          Xưa nay, khoa chú giải Kinh Thánh vẫn đồng thanh cho rằng: Tin mừng Matthêô được viết cho những Kitô hữu gốc Do Thái; để qua đó, vừa chuyển tải tính “ưu việt và kiện toàn Cựu ước của Tin Mừng Đức Kitô” vừa nối kết tính “liền lạc và hài hòa giữa Cựu và Tân Ước”.

Nhưng Tin Mừng lại không dừng lại cho một thời hoặc một đối tượng người nào đó, mà cho muôn thuở muôn nơi và muôn thế hệ con người. Vì thế, những ai đón nhận và thấm nhuần sứ điệp nầy, trước hết, sẽ kiện toàn niềm tin vào Đức Kitô, Đấng thể hiện và hoàn tất mọi lời tiên báo; thứ đến, không thái quá hay bất cập đối với hai Giao ước, nhưng khiêm nhường nhận ra ‘tiến trình kỳ diệu của hồng ân cứu độ”.

          Để thuyết minh cho nội dung ý nghĩa trên, có lẽ chủ đề “Vườn Nho” là thích hợp và đầy đủ nhất. Phải chăng vì thế mà liên tiếp 3 Chúa Nhật, Phụng vụ Công Giáo nhắc đến chủ đề “Vườn Nho” nầy:

– Chúa Nhật 25 (TN A): Câu chuyện “Vườn Nho” mà trọng tâm ý nghĩa đọng lại với chân dung “Ông chủ tốt bụng và người công nhân giờ thứ 11”.

– Chúa Nhật 26 (TN A): Câu chuyện “Vườn Nho” mà chủ đích nhắm tới lại là hình ảnh của “Người con thứ nhất”, đại biểu của những thành phần sám hối ăn năn được vào Nước Trời.

– Và hôm nay, Chúa Nhật 27 (TN A): lại câu chuyện “Vườn Nho”, nhưng tâm điểm lại chính là “Người con một trước đám tá điền hung ác”, một tiêu đích của cả một chương trình cứu độ !

          Trước hết, từ xa xưa trong Cựu ước, các ngôn sứ đã dùng biểu tượng “Vườn Nho” để diễn tả một thực tại là “dân Israel”, “Đoàn dân ưu tuyển”, là “dân tộc được gầy dựng, dưỡng dục và chúc phúc”…

          Thật vậy từ hơn 6 thế kỷ trước Chúa Kitô, ngôn sứ Isaia đã tuyên sấm “dụ ngôn Vườn Nho” mà chúng ta vừa nghe nơi Bài đọc 1: Người tôi yêu có một vườn nho trên đồi xinh tươi. Người rào giậu, nhặt đá, trồng cây chọn lọc, xây tháp giữa vườn, lập máy ép trong vườn, và trông mong nó sinh quả nho, nhưng nó lại sinh toàn nho dại…”; và vị “ngôn sứ thi sĩ” nầy đã chỉ rõ: “Vườn nho của Chúa các đạo binh là nhà Israel, và người Giuđa là chồi cây Chúa vui thích…”. Nhưng rồi “Vườn Nho là Đoàn dân ưu tuyển Israel” đó đã “bất trung phản bội”, đến độ Thiên Chúa đã ra tay huỷ hoại không hề thương tiếc: “Ta sẽ phá hàng rào, để nó bị tàn phá, sẽ phá tường để nó phải bị giầy đạp. Ta sẽ bỏ nó hoang vu, không cắt tỉa, không vun xới; gai góc sẽ mọc lên, và ta sẽ khiến mây không mưa xuống trên nó”.

Khi đọc những dòng nầy, người Kitô hữu gốc Do Thái nào lại không nhận ra những biến cố thương đau của dân tộc Israel trải qua những thăng trầm lich sử của chia cắt, chiến tranh, lưu đày, tàn phá…

          Nhưng cũng từ “Vườn Nho Israel” đó, tiếng nguyện cầu tha thiết đã không ngừng vang lên, tiêng kêu than của những “số dân còn sót lại”, những “người nghèo của Giavê” (Anawim) đã thấu tận trời cao: “Lạy Chúa thiên binh, xin thương trở lại; từ trời cao xin nhìn coi và thăm viếng vườn nho này. Xin bảo vệ vườn nho mà tay hữu Ngài đã cấy, bảo vệ ngành nho mà Ngài đã củng cố cho mình.” (Đáp ca: Tv 79,15-16).

          Và Thiên Chúa đã trở lại “viếng thăm Vườn Nho” cũ, không phải chỉ là cuộc “viếng thăm” qua những “đợt hồi hương và tái thiết Giêrusalem”, nhưng các ngôn sứ muốn tiên báo một cuộc “viếng thăm dứt khoát” để “nối lại một cuộc tình” đã hơn một lần dang dở: “Ta sẽ trả lại vườn nho của nó, biến thung lũng AKho thành cửa khẩu hy vọng. Ở đó, nó sẽ đáp lại như buổi thanh xuân, như ngày nó đi lên từ Ai cập” (Hs 2,16-17); để ký lại một “Giao ước” đã bị phản bội, xoá nhoà: “Ta sẽ lập với ngươi một hôn ước vĩnh cửu, Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong công minh và chính trực, trong ân tình và xót thương…” (Hs 2,21).

          Cuộc “trở lại viếng thăm đó”, “Giao ước mới” đó chính là cuộc Nhập thể và Vượt Qua của Người Con Một, một “nhân vật” làm “điểm nhấn” trong dụ ngôn “Vườn Nho và tá điền”: Sau cùng chủ sai chính con trai mình đến với họ, vì nghĩ rằng: Họ sẽ kính nể con trai mình. Nhưng bọn làm vườn vừa thấy con trai ông chủ liền bảo nhau: ‘Đứa con thừa tự kia rồi, nào anh em! Chúng ta hãy giết nó đi và chiếm lấy gia tài của nó’. Rồi họ bắt cậu, lôi ra khỏi vườn nho mà giết.”

          Nếu như, nhờ “tấm lòng quảng đại đầy lòng xót thương của ông chủ Vườn Nho” mà “Người công nhân giờ thứ 11” có thể “ngẩng cao đầu đi tới, hay nhờ “người cha của vườn nho” đầy bao dung tha thứ mà “người con thứ nhất” đã “trở về trong sám hối ăn năn”, thì trái lại, cũng chính “người chủ của vườn nho đó” không thể nào chấp nhận thái độ vô ơn bội nghĩa và cố chấp của “bọn tá điền hung ác”: “Ông sẽ tru diệt bọn hung ác đó, và sẽ cho người khác thuê vườn nho để cứ mùa nộp phần hoa lợi” !

          Chỉ có một điều, sứ điệp Vườn Nho” của Chúa Nhật hôm nay (27 TN A) không dừng lại nơi “bản án công bình” dành cho những “tên tá điền hung ác”, mà chính là tập chú vào ý nghĩa “Người con một bị giết” và “vườn nho được “cho người khác thuê” hay Nước Thiên Chúa sẽ cất khỏi các ông để trao cho dân tộc khác biết làm cho trổ sinh hoa trái”.

          Thì ra, cái giá cuối cùng để có được “một địa chỉ trần gian muôn đời đáng tin cậy”, một “Vườn Nho trật tự tinh tươm với muôn loài kỳ hoa dị thảo”, một “Cây Nho” vươn lút trời xanh và rợp bóng địa cầu, Con Một Thiên Chúa đã chấp nhận bị treo trên thập giá để kéo mọi sự lên với Ngài, đã chấp nhận làm hạt lúa mục nát giữa lòng đất để sinh hoa kết trái hồng ân.

          “Vườn nho” mà Tin Mừng nhắm đến đang hiện thực dần nơi Hội Thánh Chúa Kitô hôm nay; một “Vườn Nho” mà anh hay tôi, chị hay em, tất cả chúng ta vừa là những loài kỳ hoa dị thảo, những cây sim, chà là, mận, ổi…thấp bé lè tè chen sát bên những đại thụ sao, dầu, gỏ, trắc…; “vườn nho” hay một “Giáo Hội” với đủ mọi thành phần những người thợ trung thành chắt chiu, với từng giọt mồ hôi thấm đẫm yêu thương và cần chuyên thực hiện con đường Tám Mối phúc…

 Cách đây gần hai ngàn năm, đó cũng chính là những “người thợ thuộc cộng đoàn Philipphê mà Thánh Phaolô đã ân cần nhắc bảo: những gì là chân thật, trong sạch, công chính, là thánh thiện, đáng yêu chuộng, danh thơm tiếng tốt, là nhân đức, là luật pháp đáng khen, thì anh em hãy tưởng nghĩ những sự ấy. Những điều anh em đã học biết, đã lãnh nhận, đã nghe và đã thấy nơi tôi, anh em hãy đem những điều đó ra thực hành, thì Thiên Chúa bình an sẽ ở cùng anh em.” (BĐ 2).

          Sứ điệp “Vườn Nho” của Chúa Nhật hôm nay được vang lên trong những ngày đầu tháng Mười, tháng Mân Côi, tháng ghi dấu chứng từ của một “đoá hồng tình yêu Têrêsa” tuyệt đẹp trong “vườn nho Hội Thánh”: “Ở giữa lòng Hội Thánh con sẽ là tình yêu”; tháng nhắc nhau những lời “nhắn nhủ của Mẹ Maria về việc canh tân sám hối và lần hạt Mân Côi trên cây sồi Fatima”, tháng mà Chúa Nhật cuối cùng dành riêng để nguyện cầu và hỗ trợ truyền giáo…

           Như vậy, để “Vườn Nho Hội Thánh mãi mãi tươi xinh”, để sẽ không có “cành nho nào bị vứt ra ngoài làm mồi cho lửa”, không có người “tá điền nào bị tru diệt”…, mà tất cả sẽ cùng hiệp thông, tham gia để làm nên một “Giáo Hội Hiệp Hành”…, thì ngay từ giờ phút nầy, hãy thật sốt sắng và khiêm nhường đón nhận Lời của Thiên Chúa và Thánh Thể của “Người Con Thừa Tự”. Vâng, Người đang sống và đang hiện diện ở đây, bây giờ- Christus Vivit. Amen.

Trương Đình Hiền