NHỮNG BÌNH DẦU CAM TÙNG MANG TÊN MỚI

(CN 4 PS B 2024)

Khi nhắc đến Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và triều đại cai quản Hội Thánh Công giáo của Ngài, người ta thường nhớ lại biến cố ngài bị chàng thanh niên Hồi giáo quá khích Mehmet Ali Agca bắn trọng thương tại quảng trường thánh Phêrô ở Rôma ngày 13.5.1981. Nhưng điều gây ấn tượng sau biến cố đó chính là: đích thân Đức Giáo Hoàng đã bước vào nhà tù tại Ý để nói lời tha thứ cho tên sát nhân Ali Agca. Phải chăng vì chính tấm lòng khoan dung của vị “mục tử nhân hiền” này, mà sau khi ra tù một thời gian, Ali Agca đã quyết định cải đạo sang Công Giáo (2016), như một đáp trả ân tình…

Sự kiện nầy đã gợi nhớ lại hình ảnh và thái độ bao dung nhân hiền của “Vị Mục Tử vô hình” mang tên Giêsu mà toàn bộ sứ điệp Lời Chúa của Chúa Nhật hôm nay, Chúa Nhật mang tên “Chúa Chiên Lành”, đều tập chú trình bày và quy chiếu.

Tuy nhiên, trước khi nhận ra “dáng đứng” đích thực của Người Mục Tử Giêsu thì Sách Công Vị Tông Đồ, qua Lời chứng của Tông Đồ Phêrô, lại muốn nói với chúng ta, những người Kitô hữu, và cả thế giới, rằng: Sở dĩ Kitô giáo có mặt trên trần gian và đang từng ngày phát triển trên mọi miền thế giới, thì đó là nhờ “bàn tay chăm sóc” của Vị Mục Tử Vô Hình là Đức Kitô: “xin chư vị và toàn dân Israel biết cho rằng: Chính nhờ danh Đức Giêsu Kitô Nadarét, Chúa chúng ta, Người mà chư vị đã đóng đinh, và Thiên Chúa đã cho từ cõi chết sống lại, chính nhờ danh Người mà anh này được lành mạnh như chư vị thấy đây. Chính người là viên đá đã bị chư vị là thợ xây loại ra, đã trở thành viên Đá Góc tường; và ơn cứu độ không gặp được ở nơi một ai khác…”.

            Nếu cho rằng, Hội Thánh sở dĩ có mặt, kiện toàn và phát triển là hoàn toàn do những phương thế và yếu tố trần tục thì không nghiêm chỉnh chút nào. Bởi chưng, ngay từ những tháng năm đầu giáp mặt cùng thế giới: thế giới cuồng tín và duy luật của Do Thái, thế giới triết lý văn hóa sâu sắc của Hi Lạp, thế giới đa thần, hưởng thụ và hùng cường của đế quốc Rôma… quả thật “đàn chiên nhỏ” của Đức Kitô chỉ là “hạt bụi, là cỏ dại bên vệ đường lịch sử”; những hạt bụi, những cọng cỏ lại liên tục bị những “bàn chân sắt máu” của con người chà đạp, bách hại thảm thương! Thế nhưng, những hạt bụi bé bỏng, những cọng cỏ âm thầm đó cứ tồn tại và lớn lên, cho đến một ngày đã trở nên một “Nhiệm Thể” đĩnh đạt, một “Cây Tùng” tỏa bóng khắp địa cầu. Chỉ có thể cắt nghĩa được “hiện tượng” nầy: đó là nhờ có một sức thiêng, một điểm tựa nhiệm mầu, một bàn tay quyến thế dẫn dắt đỡ nâng; một chiếc gậy uy linh bảo vệ chăm sóc. Bàn tay đó, chiếc gậy đó chính là của “Người Chăn Chiên vô Hình”, của Đức Kitô phục sinh, của Thiên Chúa tình yêu, của Thánh Thần Đấng ban sự sống…

Vâng, Không phải con người là nhân tố quyết định bảo vệ đàn chiên Giáo Hội, mà chính là Thiên Chúa, chính là Đức kitô, Vị Mục tử vô hình, sẽ mãi mãi là người chăn chiên đích thực bảo vệ đàn chiên khỏi nanh vuốt sói dữ như lời khẳng định thâm thúy trong bài thơ “Người chăn chiên vô hình” của thi sĩ linh mục Trăng Thập Tự:

Thế ra Ngài là người chăn chiên

            Và là người chăn chiên độc quyền

            Ngài ở đây từ bao thế hệ

            Cho đoàn chiên tung tăng hồn nhiên.

            Tôi cứ nghĩ bầy chiên bơ vơ

            Bé tong teo, ốm yếu, dại khờ

            Tôi phải về mau làm mục tử

            Nhưng không thưa Ngài, tôi lầm to…

            Ôi người chăn chiên vô hình kia

            Tôi hiểu ra tôi sẽ chỉ là

            Một cái bóng Ngài trên nội cỏ

            Một con berger rất dư thừa….

Vì thế, cho đến mãi ngàn đời, Hội Thánh vẫn không ngừng hát bài ca Thánh vịnh 22, niềm tin và cảm nhận của bao thế hệ “đàn chiên nhỏ bé” trải dài qua những nẻo đường dài thăm thẳm của hành trình cứu độ, mà không bao giờ sợ lỗi thời hay không còn giá trị thời gian: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi…”

Và trên cuộc hành trình theo sau Vị Mục Tử Nhân lành, Người chăn chiên vô hình đầy quyền năng đó, lại cứ đông vui, mỗi tháng, mỗi năm, mỗi ngày, qua bí tích rửa tội, không chỉ có “3000 người” như hôm Lễ Ngũ Tuần cách đây gần 2000 năm, mà hàng năm, cứ mỗi Đêm Vọng Phục Sinh trở về là có tới hàng chục vạn anh chị em dự tòng gia nhập Kitô giáo!

Tuy nhiên, cũng có không ít người đã lý luận và chọn sống: Ở trong đàn chiên làm gì cho mệt. Cứ tự do bay nhảy bên ngoài không sướng sao. Cũng vì lý luận như thế mà “con cừu của ông Séguin” đã bỏ mạng bên bờ suối vắng vì đã tự ý bỏ đàn tung tăng một mình giữa rừng khuya. Không, chúng ta, những người Kitô hữu, chúng ta hoàn toàn được giải thoát để sống trong môi trường tự do của con cái Thiên Chúa. Bởi vì Đấng chúng ta tin thờ chính là Đường, Sự thật và là sự sống, Ngài là Mục Tử nhân lành sẵn sàng hy sinh tất cả vì đàn chiên, cả đến mạng sống, như chính Ngài đoan quyết qua trích đoạn Tin Mừng Gioan vừa được công bố: “Ta là mục tử tốt lành. Mục tử tốt lành thí mạng sống vì chiên. Kẻ làm thuê không phải là chủ chiên, và các chiên không phải là của người ấy, nên khi thấy sói đến, nó bỏ chiên mà trốn… Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta… và Ta thí mạng sống vì đàn chiên. Ta còn những chiên khác không thuộc đàn này; cả những chiên đó Ta cũng phải mang về đàn; chúng sẽ nghe tiếng Ta. Và sẽ chỉ có một đàn chiên và một chủ chiên”.

            Vì thế, nếu có ai đó đã hơn một lần ngã quỵ vì thương tích của lỗi lầm yếu đuối, thì hãy tin rằng Ngài sẽ đến nâng dậy và băng bó những vết thương để cùng Ngài tiếp tục tiến bước. Nếu có ai đó đã, đang hay sẽ từng bị dập vùi vì những đoạn trường khổ đau của cuộc đời… thì hãy tin rằng Đức Kitô đang đến để vác lên vai và ân cần chăm sóc… Con chiên lạc là “tên trộm bị đóng đinh bên hữu Chúa” đã gặp được tấm lòng của Người Mục Tử Nhân Hiền ngay bên bờ tử vong… để ra đi trong ngập tràn hạnh phúc từ một lời hứa chắc: “Hôm nay anh ở trên thiên đàng cùng Ta”!

            Nhưng cũng đã gần 2000 năm rồi, Người Chăn Chiên vô hình Giêsu lại không ngừng sai đến những mục tử môn sinh, những “cánh tay và chiếc gậy nối dài” của Ngài để chăm sóc đàn chiên mỗi ngày mỗi đông và cũng sinh ra lắm điều phức tạp. Chính vì thế, vẫn mãi mãi cần những Phêrô, những Gioan, những Giacôbê, những Maria Mađalêna, những Augustinô, Đôminicô, Phanxicô, Anrê Phú Yên, Têrêxa Calcutta, Gioan-Phaolô II… Chính vì thế, Ngài đã từng căn dặn chúng ta: “Lúa chín đầy đồng, thợ gặt lại ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai nhiều thợ gặt đến trên đồng lúa…”. Cho nên hôm nay, Giáo Hội lại một lần nữa tha thiết nguyện cầu cho ơn kêu gọi linh mục-thánh hiến, cầu nguyện cho Giáo Hội có những tâm hồn quảng đại và anh hùng “sẵn sàng đập bể bình dầu thơm cuộc đời để xức chân cho Chúa, để làm rực lên mùi thơm cho ngôi nhà Giáo Hội”, dù thế gian cho đó là một “lãng phí”, như cách cắt nghĩa đầy thâm thúy và chính xác của Đức Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II trong tông huấn Đời sống Thánh Hiến: “Đối với con người bị vẻ đẹp và sự tốt lành của Chúa chinh phục từ thâm tâm, thì điều có thể xem là một lãng phí trước mắt loài người, lại là một lời đáp rõ ràng của tình yêu…”.

            Trong Giáo Hội Việt Nam chúng ta ngày hôm nay chắc hẳn không thiếu những “bình dầu thơm bị đập bể để xức chân Chúa và Giáo Hội”. Vâng đó là bình dầu thơm mang tên “Giuse Trần Ngọc Thanh” đón nhận cái chết khi đang Giải tội tại một nhà thờ vùng sâu vùng xa của Tây Nguyên vào một ngày cuối năm Tân Sửu (2022); là bình dầu thơm mang tên “Maria Trần Ngọc Thảo Linh”, người nữ tu Mến Thánh Giá Tân Việt, chấp nhận cái chết khi dấn thân phục vụ anh chị em đang mùa Covid; là bình dầu thơm mang tên “Phêrô Khoa Nguyễn Văn Nhã”, chàng sinh viên năm IV, khoa CNTT Đại học Khoa học Huế, chấp nhận hy sinh mạng sống để giải cứu 3 bạn sinh viên đuối nước tại bãi biển Tân An, Phú Vang, Thừa Thiên ngày 30.4.2021…

Chúng ta hãy cầu xin cho thế giới hôm nay, Giáo Hội hôm nay và các cộng đoàn chúng ta hôm nay có được những “bình dầu thơm” tuyệt vời như thế. Vâng, những “Bình Dầu Cam tùng” mang tên mới là những cuộc đời linh mục, tu sĩ… sẵn sàng dấn thân theo Đức Kitô Mục tử và cùng với Ngài, hy sinh cuộc đời để sống và chết cho anh em.

Trương Đình Hiền