Khảo luận tổng hợp, Xã luận

QUI NHƠN – THỊ NẠI TRONG CHIẾN LƯỢC VỆ QUỐC – PHẦN HAI: TAN THỊ NẠI MẤT GIANG SƠN

(Triều đại Tây Sơn và trận hải chiến Thị Nại 1801)

            Như đã nêu trên, triều đình Trà Toàn của vương quốc hùng mạnh Champa, khi để mất Thị Nại – Đồ Bàn, đã vĩnh viễn làm sụp đổ cơ đồ của một vương quốc mà theo dấu chứng của “Văn hoá Sa Huỳnh”, đã xuất hiện và tồn tại cả ngàn năm lịch sử[1]. Và lịch sử đã lặp lại sau đó 300 năm với triều đại Tây Sơn mà cuộc “hải chiến kinh hoàng đêm 16 tháng Giêng năm Tân Dậu” (28.02.1801)[2] tại quân cảng Thị Nại như là một “hồi chuông báo tử” cho một vương triều ngắn ngủi nhưng lẫy lừng và hùng mạnh vào hạng bậc nhất của các triều đại Phong kiến Việt Nam[3].

            Sau đây xin được giải trình đôi nét về giai đoạn lịch sử quan trọng nầy liên quan đến cùng một vùng “địa chính trị: Thị Nại – Qui Nhơn”

I. MỘT TRIỀU ĐẠI PHONG KIẾN LẪY LỪNG

1. Tây Sơn: một thoáng lịch sử:

            Chuyên đề “lịch sử về Triều đại Tây Sơn” được biên soạn và nghiên cứu rất nhiều và phong phú, cả xưa và nay, cả nội địa lẫn hải ngoại, của tác giả người Việt lẫn người ngoại quốc, với nhiều thể loại: biên niên sử liệu, chuyên đề nghiên cứu, hồi ký, tường trình, tiểu thuyết, truyện ngắn…. Riêng tác giả George Dutton, Giáo sư Ngôn ngữ và Văn hoá châu Á thuộc trường Đại học California tại Los Angeles (UCLA), Hoa Kỳ, chỉ trong một tác phẩm “Cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn” (The Tây sơn uprising) đã liệt kê tới 218 tác phẩm và tài liệu tham khảo liên quan; trong đó có 117 danh mục Việt ngữ và 101 danh mục ngoại ngữ[4].

            Ở đây, trong bài nhận định mang tính “gợi ý suy tư” nầy, chỉ xin dừng lại một số sự kiện liên quan đến biến cố mang tính “bước ngoặc” dẫn tới sự sụp đổ của triều đại Tây Sơn: cuộc thảm bại trong trận hải chiến Thị Nại 1801 của hải quân Tây Sơn.

            Tuy nhiên, để có một kết luận khách quan và tương đối chuẩn xác cho sự kiện trên, có lẽ chúng ta nên dừng lại để tìm hiểu thêm: lý do nào khiến cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn đã có những thành công vang dội: chỉ trong một thời gian ngắn đã đánh đổ hai triều đại Trịnh, Nguyễn từng tồn tại mấy trăm năm để thống nhất toàn bộ đất nước Bắc, Trung, Nam, đại thắng hai cuộc xâm lược: quân Xiêm ở miền nam và quân Thanh ở miền bắc; và lý do nào khiến họ thất bại mau chóng trước một Nguyễn Ánh mà trước đó 20 năm, đã bị họ đánh cho không còn manh giáp, phải bỏ nước lưu vong !

2. Chính trị Tây Sơn trong viễn tượng “Thiên thời, Địa lợi, Nhân hoà”:

            Người Phương Đông, hay nói chung cả thế giới, người ta thường đúc kết kinh nghiệm chính trị, xã hội, kinh tế… thành một triết lý để điều phối phương thức hành động và dẫn đến thành công dựa trên 3 yếu tố: THIÊN, ĐỊA, NHÂN.

2.1. Tây Sơn và yếu tố “Thiên thời”: Khi “mệnh trời” đã điểm:

            Để hiểu được vị thế và sự xuất hiện khá đặc biệt của Nhà Tây Sơn trên vũ đài chính trị Việt Nam, các nhà nghiên cứu thường cho rằng phải đặt nó trong toàn bộ bối cảnh chính trị và xã hội Việt nam vào thế kỷ XVIII, một thế kỷ mà theo giáo sư George Dutton, là “một trong những thời kỳ quan trọng vào bậc nhất của dân tộc Việt Nam”: “Cách tốt nhất để bắt đầu tìm hiểu về “đoàn quân ó” xuất phát từ ấp Tây Sơn là đặt chúng vào khuôn khổ thời gian và địa lý của thời kỳ được gọi là thế kỷ XVIII kéo dài ở xứ sở Đại Việt. Khuôn khổ thời gian xác định thời kỳ này kéo dài từ năm 1672, khi cuộc chiến kéo dài nửa thế kỷ giữa các chúa Trịnh và chúa Nguyễn đã dừng lại trên thực tế, đến năm 1802, khi cuộc xung đột giữa nhà Nguyễn và nhà Tây Sơn đã kết thúc. Đây là một trong những thời kỳ quan trọng nhất của dân tộc Việt Nam, biểu thị bằng sự mở rộng dân số về phía nam cùng những thay đổi về mô hình kinh tế, sự tham gia ngày càng nhiều của các thương nhân, lính đánh thuê và giáo sĩ châu Âu, sự bất mãn của dân chúng dâng cao, bùng nỗ và được làm cho tồi tệ hơn bởi các thế lực chính trị và tự nhiên”[5].

            Riêng tại Đàng Trong, vương triều chúa Nguyễn, sau cái chết của Võ vương Nguyễn Phúc Khoát vào năm 1765, đã rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị tại nơi chóp bu quyền lực với sự chuyên quyền và cai trị thất đức của quyền thần Trương Phúc Loan, nguyên nhân chính dẫn tới cuộc nổi dậy của Tây Sơn: “Các nhà chép sử đương thời và về sau đều cho rằng chính những mưu đồ của Trương Phúc Loan và nhân cách đáng khinh của ông ta là nguyên nhân gây ra sự bất mãn của dân chúng và làm gia tăng các cuộc nổi dậy chống chính quyền. Sử biên niên thế kỷ XIX của nhà Nguyễn đưa tiểu sử chính thức của Loan vào phần “Nghịch thần, gian thần đối với triều đình”. Khi miêu tả về vị phụ chính này, sử đã nhấn mạnh đến những khiếm khuyết cá nhân và chính trị của ông ta: ‘… Dẫu được chúa thân yêu, nhưng chỉ say mê tửu sắc, không để ý đến việc nước. Loan thấy thế bèn không kiêng nễ gì, bán quan, buôn tước, ăn tiền tha tội, hình phạt phiền nhiễu, thuế má nặng nề, nhân dân đều lấy làm khổ. Trong khoảng 4,5 năm, tai dị hiện ra luôn, đất động, núi lở, sao sa, nước đỏ, trăm họ đói kém, trộm cướp tứ tung’…”[6].

            Đó chính là “thời cơ thuận tiện” để anh em Nhà Tây Sơn “phất ngọn cờ đào”, thực thi thiên mệnh mà vị “quân sư” là thầy giáo Trương Văn Hiến đã cố tình hiện thực hoá lời tiên tri đang được kháo láo trong dân tại vùng đất Qui Nhơn “Tây khởi nghĩa, bắc thu công”[7]; và đây cũng là những tư tưởng chủ đạo của các “danh sĩ Bắc Kỳ” và là “cựu thần nhà Lê” về quy phục Tây Sơn như Nguyễn Thiếp, Ngô Thì Nhậm[8]… dùng để biện minh cho sự hợp tác của chính mình và tính chính danh của vương triều Tây Sơn sau khi các vương triều Nguyễn, Trịnh thi nhau sụp đổ.

2.2. Tây Sơn và yếu tố “Địa lợi”: Non bao thuỷ bọc:

            Không cần phải lặp lại “vị trí mang tầm mức chiến lược” của Thị Nại và Đồ Bàn mà nhà Tây Sơn trong thuở đầu khởi nghĩa đã chọn làm căn cứ địa chính thức để từ đó “đánh nam dẹp bắc”, định đô (Hoàng Đế thành) và “thu giang sơn về một mối. Ở đây, xin nhấn mạnh vị trí đặc biệt của vùng đất mang tên “Tây Sơn ấp”, bao gồm cả “Tây Sơn thượng, trung và hạ” mà những bức tường thành thiên nhiên của dãy Trường sơn như luỹ hào che chắn và điểm tựa an toàn của một cứ điểm quân sự[9], và là vị trí chiến lược thích hợp cho một cuộc khởi nghĩa, xây dựng cơ đồ[10] của nhà Tây Sơn trong những năm tháng đầu tiên. (x. Tính chất đặc trưng của vùng đất cao dọc Trường Sơn gọi là Zomia trong tác phẩm “Những ngày cuối của dòng Mekong hùng vĩ” của BRIAN EYLER)[11].

2.3. Tây Sơn và yếu tố “Nhân hoà”: Nghĩa quân và ghĩa sĩ:

            Kể từ khi Nguyễn Hoàng mang kiếm vào trấn thủ Thuận Hoá (Mậu Ngọ 1558) cho đến khi Nguyễn Phúc Thuần (đời chúa Nguyễn thứ 9) tử trận tại Long Xuyên năm 1777 trong chiến dịch “bình Nam” của Tây Sơn, vương triều chúa Nguyễn đã kiến lập được một dải đất dài rộng từ sông Gianh tới Miền Tây Nam Bộ, giáp giới Chân Lạp. Chính sự mở rộng biên giới về phương nam nầy đã khiến chính quyền trung ương của chúa Nguyễn tại Phú Xuân không thể kiểm soát và quản lý hiệu quả các vùng đất mới, trong đó có Qui Nhơn, nơi dung thân của đủ mọi thành phần: di dân, tù binh Đàng Ngoài, dân Chăm sống sót, sứ quân nổi loạn, băng nhóm giang hồ…. Đây là những nhóm người sẵn sàng quy tụ chung quanh những ai có gan và có chí “xưng hùng xưng bá”, để có cơ may “đổi đời”; hay theo tâm lý thông thường, để “thoả chí tang bồng hồ thỉ” như câu ca dao đã có tự ngàn xưa: “Làm trai cho đáng nên trai, xuống đông đông tĩnh lên đoài, đoài yên”. (x. GEORGE DUTTON)[12].

            Và anh em nhà Tây Sơn đã đáp ứng được khát vọng đó, như chứng từ của một giáo sĩ người Tây Ban Nha là cha Diego de Jumilla mà tác giả George Dutton đã trích dẫn: “Không làm tổn hại người hay tài sản. Trái lại, có vẻ như họ muốn mọi người Đàng Trong đều được bình đẳng; họ vào nhà của người giàu, và nếu như họ được tặng một món quà biếu nào đó, họ không làm hại gì. Nhưng nếu họ bị kháng cự, họ tịch thu những món đồ xa xỉ nhất rồi mang chia cho người nghèo, chỉ giữ lại cho họ gạo và thức ăn… (vì thế, người dân) bắt đầu tôn xưng họ là những kẻ cướp nhân từ và bác ái, được người nghèo khổ kính trọng”[13].

            Nói cách khác, Nhà Tây Sơn đã vận dụng triết lý chính trị “chính danh, chính nghĩa” của Khổng Giáo để định hướng và biện minh cho cuộc khởi nghĩa và chấp chính của mình, nên “quân đội Tây Sơn gồm không chỉ đơn thuần là lính, mà là nghĩa quân, được chỉ huy bởi các nghĩa sĩ[14].

2.4. Tây Sơn và “nhân tố Nguyễn Huệ”:

            Trong yếu tố “Nhân hoà” nầy, không thể không kể đến vai trò mang tính “chủ công” và kiệt xuất của Nguyễn Huệ, một trong hai người em của “thủ lĩnh Nguyễn Nhạc”, và sau nầy là Hoàng đế Quang Trung, nhân vật mà sử Việt gọi là “xuất quỷ nhập thần”[15], “giảo, kiệt, thiện chiến”[16]… và những người Âu Châu không ngần ngại gán cho danh xưng “Attila khác” hay “Alexandre Đại đế”[17]. Và cũng từ nhân vật kiệt xuất nầy, nhà Tây Sơn đã quy tụ được những viên tướng tài ba như “tứ kiệt”: Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, Ngô Văn Sở, Vũ Văn Dũng và các danh tướng khác như Nguyễn Văn Tuyết, Phan Văn Lân, Đô Đốc Bảo, Đô đốc Mưu, Đô Đốc Lộc…; cùng các võ tướng và văn thần khác đến từ hàng ngũ của chúa Trịnh, vua Lê như Vũ Văn Nhậm, Nguyễn Hửu Chỉnh, Trần Văn Kỷ, Ngô Thì Nhậm (Thời Nhiệm), Phan Huy Ích, Nguyễn Huy Lượng, Nguyễn Thiếp, [18].

II. ĐÊM THỊ NẠI 1801: TRẬN HẢI CHIẾN ĐỊNH MỆNH

1. Những dự báo cho một ngày tàn:

            Trước khi dẫn đến cuộc “thảm bại Thị nại” năm 1801, chắc chắn nhà Tây Sơn đã phải đối diện với những “thách đố bất lợi” hay những nguyên nhân xa gần như sau:

1.1. Những “bất lợi chung” hay “nguyên nhân xa:

            Nếu như vào buổi đầu khởi nghĩa, Tây Sơn đã tranh thủ được ba yếu tố quan trọng để dựng nước: thiên thời, địa lợi, nhân hoà, thì vào buổi “thoái trào”, gần như họ cũng đã đánh mất ba yếu tố then chốt đó:

– Thời đã hết: Suốt trong 24 năm kể từ ngày vua Thái Đức Nguyễn Nhạc Đăng quang (1778) cho đến khi vua Quang Toản bị Nguyễn Ánh xé xác năm 1802, triều đại Tây Sơn như chìm ngập trong những cuộc chiến liên tu bất tận: cuộc chiến từ Phú Xuân ra Thăng Long để thu phục Bắc Hà của Chúa Trịnh, vua Lê (1786); cuộc chiến từ Qui Nhơn tới Gia Định để đập tan ý đồ khôi phục của Nguyễn Ánh. Trong những cuộc chiến mang tính “nội chiến” đó, phải kể đến hai trận chiến lớn với quân Xiêm ở miền Nam (1785) và quân Thanh ở miền Bắc (1789). Khi chiến tranh kéo dài thì một đàng hao binh tổn tướng, máu chảy thây phơi; gia tăng cảnh vợ goá con côi, gắt gao truy tìm quân dịch; một đàng thì sưu cao thuế nặng, đói kém lan tràn…. Và hiệu quả tất yếu là lòng dân ly tán, ý chí quân binh mệt mỏi; cùng với nạn kiêu binh, nhũng lạm, chia rẽ, hiếp đáp…. Tất cả những yếu tố đó khiến, không chỉ triều đại Tây Sơn, mà bất của thể chế chính trị nào cũng lung lay, thoái trào mạt vận. Thời đã hết là vậy. (x. GEORGE DUTTON)[19].

– Địa không thuận: Trong khi đó, một khi thống nhất sơn hà, việc quản lý một dải non sông từ “Nam quan” tới “Cà Mau” đâu có dễ dàng như trông coi, canh phòng một vùng nhỏ hẹp Qui Nhơn. Đó là chưa kể, việc phân chia ba miền: Phú Xuân – Bắc Hà thuộc Bắc Bình vương Nguyễn Huệ; Quảng Nam – Qui Nhơn của Trung ương Hoàng Đế Thái Đức Nguyễn Nhạc; Nam Bộ thuộc Đông Định vương Nguyễn Lữ. Nếu đất “Bắc Hà”, “Phú Xuân” của Nguyễn Huệ lòng dân chưa quy thuận, sĩ phu còn xem thường phong cách “quân phiệt, mường mán” của đạo quân “sắt máu” Tây Sơn cọng với những tàn dư bất mãn, hoài cổ, phản động của Trịnh, Mạc, Lê nổi lên như “nấm sau mưa”…, thì đất Qui Nhơn, Gia Định của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ lại lỏng lẻo, thiếu kế hoạch cai trị và phòng thủ hửu hiệu, để mất những vị trí chiến lược của toàn bộ miền Nam từ Phú Yên đến Gia Định (Cuộc hành quân năm 1793 của Nguyễn Ánh[20]), không làm chủ hải đạo từ Nam ra Bắc… Tất cả những yếu tố đó cho thấy rõ ràng “địa không còn thuận lợi cho nhà Tây Sơn” trước một Nguyễn Ánh kiên trì, có chiến lược hợp lý cùng sự hỗ trợ của người Âu Châu… !

– Nhân hết hoà: Chính việc phân chia quyền hành cùng với những sự kiện “nồi da xáo thịt”, tranh đất, tranh quyền giữa các anh em[21], đã khiến Tây Sơn lui về thế thủ, dè chừng lẫn nhau, thậm chí bỏ mặc nhau…, không có được một “quyền lực mạnh mẽ thống nhất từ trung ương”, một quân đội tập trung các tướng tài. Thêm vào đó là sự bất tài và nhu nhược của Nguyễn Nhạc và Nguyễn Lữ, cùng với những cuộc thanh trừng và hiềm khích nội bộ khiến một số tướng lãnh cao cấp tài giỏi bị sát hại như Nguyễn Hữu Chỉnh, Võ Văn Nhậm, Ngô Văn Sở, Lê Trung…; một số khác trở thành đối địch như Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng…; một số phản bội về đầu quân cho chúa Nguyễn Ánh: Nguyễn Huỳnh Đức, Nguyễn Văn Trương

            Vâng, khi dân tình mỏi mệt vì chiến tranh liên miên, nạn kiêu binh, óc bè nhóm tranh công tranh quyền, nhân tài tổn hao…, tất cả đã góp phần đẩy nhanh tiến độ tan rã của nhà Tây Sơn.

1.2. Những chuỗi thất bại mang tính dự báo: Nguyên nhân gần:

            Cùng với những nguyên nhân mang tính “tổng thể chiến lược” trên, sau đây là một chuỗi những sự kiện cũng là những lý do gần khiến triều đại Tây Sơn sụp đổ một cách nhanh chóng:

– Tây Sơn để mất cứ điểm Gia Định-Sài Gòn (1788), sau đó Diên Khánh-Bình Khang (1793), khiến cả một dải đất miền Nam thuộc về Nguyễn Ánh[22].

– Cuộc thảm bại trong cuộc hải chiến Thị Nại (lần 1) năm 1792. Thuỷ quân Tây Sơn bắt đầu mất thế thượng phong[23].

– Cái chết đột ngột của Nguyễn Huệ (16.9.1792), khiến cuộc hành quân lớn vào Gia Định của Quang Trung Hoàng đế, vị tướng bách chiến bách thắng nầy phải dừng lại[24]; cùng với bao chương trình kiến quốc táo bạo và thông minh của một đấng minh quân.

– Cái chết của Nguyễn Nhạc năm 1793 và sự chấm dứt vương triều mang tính “trung ương” của hoàng đế Thái Đức, kéo theo những rạn nứt, chia rẽ nội bộ trầm trọng (Giữa Bắc Hà của Nguyễn Quang Thuỳ, Phú Xuân của Nguyễn Quang Toản và Qui Nhơn của con cháu Nguyễn Nhạc, nhất là cuộc thanh trừng Bùi Đắc Tuyên, Ngô Văn Sở và hục hặc giữa hai tướng Võ Văn Dũng và Trần Quang Diệu (1795)[25] cùng với cuộc nổi loạn của Nguyễn Bảo năm 1798[26]).

– Thành Qui Nhơn thất thủ (tháng 6 Âm lịch 1799) bị cải tên thành Bình Định. Toàn bộ quân chủ lực tại chính nơi được gọi là “nôi” của khởi nghĩa Tây Sơn tan rã[27].

2. Thuỷ chiến Thị Nại 1801: Hồi chuông báo tử:

2.1. Trước và sau “đêm Thị Nại đẩm máu” (28.2.1801):

            Trong chiến dịch năm 1799, có thể nói được Nguyễn Ánh đã “bước đầu” thu lại gần hết cõi giang sơn mà nhà Nguyễn đã có công gầy dựng; nhất là khi “thủ phủ Qui Nhơn”, cứ điểm đầu tiên nhà Tây Sơn dựng cờ khởi nghĩa, đã đổi chủ và trở thành Bình Định, cũng đồng nghĩa “ngày tàn của triều đại Tây Sơn” đã điểm. Và sau đây là một vài diễn tiến dẫn đến trận chiến quyết định đêm 28.2.1801:

– Chiến dịch Bắc tiến: Vào giữa năm 1800, sau gần một năm ròng thành Bình Định (do Võ Tánh và Ngô Tùng Châu trấn giữ) bị quân Tây Sơn vây chặt (Trần Quang Diệu vây thành Qui Nhơn; Võ Văn Dũng án ngữ Thị Nại với đại thuỷ quân chủ lực)[28], quân chúa Nguyễn quyết định xuất quân thuỷ bộ, vừa để giải cứu Qui Nhơn, vừa quyết tâm thu Thuận Hoá, Phú Xuân và Bắc tiến, như lời khuyến dụ: “thành Qui Nhơn chỉ Bắc, đạp phá trùng vi; đô Thuận Hoá rụng cờ, dẹp yên đảng nguỵ”[29]. Đây là cuộc hành quân tổng lực, có cả sự tham gia của các sĩ quan Pháp, đặc biệt trong đội hình thuỷ quân mạnh mẽ, với các chiến thuyền được biên chế theo kỹ thuật và chiến thuật châu Âu lúc bấy giờ[30].

– Sau một loạt các chiến thắng trên bộ, tiêu diệt các cứ điểm bao quanh Thị Nại, Qui Nhơn, khống chế đường biển, triệt đường tiếp viện từ Phú Xuân (chiếm cảng Đề Di với 150 thuyền vận lương)[31] và nắm được “mật khẩu của hải quân Tây Sơn”, cuộc tấn công tổng lực bằng thuỷ quân vào cảng Thị Nại bắt đầu vào đêm 28.2.1801 (16 tháng Giêng năm Tân Dậu)[32]. Bằng cuộc tấn công bất ngờ và táo bạo, toàn bộ thuỷ quân Tây Sơn do tướng Võ Văn Dũng chỉ huy gần như bị tiêu diệt: mất 50.000 lính, 1.800 chiến thuyền cùng với khoảng 6.000 khẩu đại bác[33].

– Võ Văn Dũng dẫn tàn quân tháo chạy lên bộ nhập với quân của tướng Trần Quang Diệu đang vây thành Qui Nhơn; để rồi sau đó, cho dù có bức bách được Võ Tánh và Ngô Tùng Châu tự vận giao thành, Tây Sơn vẫn lần lượt mất Phú Xuân, vua Cảnh Thịnh cùng triều đình tháo chạy ra Bắc Hà[34], để cuối cùng, Thăng Long bị thất thủ ngày 15.7.1802, Nguyễn Ánh đặt chân vào Thăng Long ngày 20.7.1802, khai mở “triều đại quân chủ phong kiến cuối cùng”[35] của Việt Nam; và đó cũng là thời điểm Triều đại Tây Sơn chính thức bị “xóa tên” giữa những trang dài lịch sử “nội chiến” của dân tộc Việt Nam ![36].

2.2. Chiến bại Thị Nại: một tiếc nuối!

            Như vậy, có thể nói được rằng: trận “hải chiến Thị Nại” đêm 28.2.1801 là trận đánh quyết định của cuộc đối đầu Tây Sơn – Nguyễn Ánh; và “chiến lược điều động thuỷ quân” chính là nhân tố quyết định, là “con át chủ bài” quyết định thành bại cho hai nhà “Nguyễn Tây Sơn” và “Nguyễn Ánh”. Thật không may mắn cho phe Tây Sơn thiếu mất nhà cầm quân vĩ đại Quang Trung. Chắc chắn, nếu còn vị tướng tài ba kiệt xuất nầy, hải quân Nguyễn Ánh không dễ gì làm mưa làm gió dọc Biển Đông, từ Gia Định tới Sơn nam, Bắc Hà; và chiến thắng ngoạn mục thuỷ quân Tây Sơn tại chiến trường Thị Nại, một vùng đất mà Nguyễn Huệ chắc chắn nắm vững địa thế địa hình, đường đi lối bước.

            Thật vậy, so với cuộc đối đầu với thuỷ quân chúa Nguyễn và Xiêm trong trận Rạch Gầm – Xoài Mút năm 1785, hải quân Tây Sơn của tướng Võ Văn Dũng tại Thị Nại năm 1801 có nhiều điểm thuận lợi hơn quân Tây Sơn của Nguyễn Huệ lúc đó. Hồi đó (1785), dưới sự chỉ huy của Nguyễn Huệ, đạo quân Tây Sơn chỉ với 20 vạn, phải di chuyển từ miền Trung xa xôi, tại một vùng sông nước xa lạ đã bị quân Xiêm – Nguyễn chiếm trước. Tuy nhiên, với 10 ngày chuẩn bị đầy mưu trí và chuẩn xác, chỉ trong một ngày, ngày 19.01.1875, 5 vạn quân Xiêm – Nguyễn bị đánh tan tành, 300 chiến thuyền bị đánh đắm, hơn 4 vạn binh Xiêm – Nguyễn bị giết chết…[37].

            Với một lực lượng gần như vượt trội về quân số cũng như khí tài, cùng với địa hình địa thế xung yếu của đầm Thị Nại và vùng biển Qui Nhơn với bán đảo Phương Mai và nhiều hải đảo và vị trí tiền tiêu thuận lợi…, nếu tướng Võ Văn Dũng có được tầm nhìn chiến lược, không chủ quan khinh suất, biết ém quân tạo thế, giăng bẫy, đón hờ… như Quang Trung trong trận Rạch Gầm – Xoài Mút, chắc chắn Nguyễn Ánh “không có cơ” xuôi buồm Bắc tiến.            

Vâng, tan Thị Nại thì mất cả Phú Xuân, Thăng Long, tiêu tan cả chiến lược, chiến thuật…; và nhất là “mất nước”, như nhận định của nhà sử học Tạ Chí Đại Trường: “Từ nay họ không còn chút uy thế nào trên mặt bể nữa, trước cả khoảng tháng Tư âm lịch khi Đông Hải vương Mạc Quần Phù cùng các tướng bị bắt lúc bị gió dạt ngoài khơi Thị Nại. Họ hoàn toàn không kiểm soát được mặt bể để tha hồ cho thuỷ quân Gia Định tung hoành ra lấy Phú Xuân mà không sợ một lực lượng lưu động nào theo kịp ngăn trở nữa. Trần Quang Diệu còn bức được Võ Tánh chết, nhưng sự thực đám quân tướng Tây Sơn ở đây mấy tháng sau phải tan rã trên rừng chính vì không thể nào di động theo các đồng bằng dọc biển mà không có yểm trợ của thuỷ quân, chính vì sự tan vỡ ở trận Thị Nại này vậy”[38].

Trương Đình Hiền

  • Xem PHẦN MỘT: TAN YẾU HUYỆT MẤT CƠ ĐỒ (Đồ Bàn – Thị Nại trong chiến dịch Bình Chiêm 1471)
  • Xem PHẦN BA: THẾ THỜI PHẢI THẾ (Quy Nhơn – Thị Nại trong “thế chiến lược vệ quốc” hôm nay)

[1] WIKIPEDIA, website https://vi.wikipedia.org/wiki/L%E1%BB%8Bch_s%E1%BB%AD_Ch%C4%83m_Pa: “… Người Chăm bắt đầu cư trú tại đồng bằng ven biển miền Trung Việt nam từ khoảng năm 200 công nguyên. Lúc này người Chăm đã tiếp thu các yếu tố của văn hóa tôn giáo và chính trị của Ấn Độ. Các nghiên cứu khảo cổ học của các tác giả Việt Nam đã cho thấy người Chăm chính là hậu duệ về mặt ngôn ngữ và văn hóa của người Sa Huỳnh cổ. Các hiện vật khảo cổ của người Sa Huỳnh đã cho thấy họ đã là những người thợ thủ công rất khéo tay và đã sản xuất ra nhiều đồ trang sức và vật dụng trang trí bằng đá và thủy tinh. Phong cách trang sức Sa Huỳnh còn phát hiện thấy ở Thái Lan, Đài Loan và Philippines cho thấy họ đã buôn bán với các nước láng giềng ở Đông Nam Á cả bằng đường biển và đường bộ. Các nhà khảo cổ cũng quan sát thấy các hiện vật bằng sắt đã được người Sa Huỳnh sử dụng trong khi người Đông Sơn láng giềng vẫn còn chủ yếu sử dụng đồ đồng…”.

[2] TẠ CHÍ ĐẠI TRƯỜNG, Lịch sử nội chiến ở Việt nam từ 1771 đến 1802, nxb Tri Thức 2016, tr. 323-325.

[3] HÀ VĂN THƯ – TRẦN HỒNG ĐỨC, Tóm tắt niên biểu lịch sử Việt Nam, nxb Văn Hoá Dân tộc 2016, tr. 210 – 224: “… Như vậy, triều Tây Sơn kể từ vua Thái Đức đến hết Cảnh Thịnh (1778 – 1802) tồn tại được 24 năm”.

[4] GEORGE DUTTON, Cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn (The Tây Sơn uprising), Lê Nguyễn dịch và giới thiệu, nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh 2016, Mục “TÀI LIỆU THAM KHẢO”, tr. 421 – 439.

[5] Sđd, Chương I, Thời kỳ Tây Sơn và thế kỷ XVIII ở Đại Việt, tr. 55.

[6] Sđd, tr. 91 (x. Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập Một, tr.173)

[7] Sđd, tr. 94-95: “Trong quá trình hành động nầy, ông ta nhận được sự khích lệ của một người thầy giáo cũ tên Trương văn Hiến, vốn là một người tị nạn khỏi chính quyền nhà Nguyễn do Trương Phúc Loan chế ngự. Hiến thúc dục Nhạc tự xem như mình được sinh ra để thực hiện lời tiên tri lâu năm tại địa phương: tây khởi nghĩa, bắc thu công. Ông thầy gợi ý rằng từ “tây” trong lời tiên tri có liên quan đến Tây Sơn là tên ngôi làng của ba anh em Nguyễn Nhạc.”

[8] Sđd, tr. 137: Danh sĩ nổi tiếng Nguyễn Thiếp vào thế kỷ XVIII khi ông nhận định rằng: “sự huỷ diệt đất nước và gia đình xảy ra do sự bại hoại của đạo đức làm người, do những nhà cai trị tầm thường, và do những quan lại chỉ biết xu nịnh họ…”; … Ngô Thì Nhậm thì nhận xét rằng: “Trời trông, trời nghe do ở dân. Lòng dân yên định thì ý trời cũng xoay chuyển”.

[9] NGUYỄN THANH QUANG, Hoài Nhơn, Qui Nhơn, Qui Ninh, Bình Định – Đất và Người, sđd, tr. 182-183: “… đoạn núi trường sơn nầy nằm chính hướng tây, cho nên mệnh danh là dãy Tây Sơn. Vì núi mệnh danh là Tây Sơn, nên những vùng sơn cước ở quanh núi và vùng bình nguyên ở dưới núi cũng mệnh danh Tây Sơn. Người xưa gọi là Tây Sơn ấp… Trong dãy có nhiều ngọn cao lớn, trông đồ sộ hiên ngang và liên hệ mật thiết với nhau chẳng những về phương diện địa lý vì cùng một sơn mạch mà còn liên hệ về lịch sử – lịch sử nhà Tây Sơn. Nhà Tây Sơn, trước khi khởi nghiệp đã dùng dãy núi Tây Sơn làm căn cứ quân sự. Và đạo quân tiên phong hầu hết người miền núi… Ba dãy núi ảnh hưởng với nhau, hỗ trợ lẫn nhau về mặt khí thế, hoà hợp với nhau, bổ khuyết cho nhau về màu sắc đường nét. Dãy này bổ trợ dãy kia, dãy kia bổ trợ dãy nọ, tương y tương ỷ, tạo Bình Định thành một nơi thiên hiểm về mặt quân sự, thành một bức tranh tú vĩ hùng kỳ của đất nước…”

[10] GEORGE DUTTON, sđd, tr. 95 – 96: “Vùng An Khê mà ba anh em Tây Sơn lui về là một địa điểm lý tưởng cho những người cầm đầu một cuộc khởi loạn khi họ tìm cách giành lấy sức mạnh và người ủng hộ. Nó tương đối xa, chỉ có thể tiếp cận được bằng một con đường nhỏ hẹp và nguy hiểm, dễ dàng chống lại các cuộc tấn công của quân nhà Nguyễn. Vùng cao nguyên nầy nằm giữa những con đường thương mại quan trọng trải dài từ cảng biển Qui Nhơn ở phía tây đến lãnh thổ của Chân Lạp và vùng nam Lào, mở đường cho hàng hoá chuyên chở dọc theo chúng.  An Khê cũng là một khu vực giàu tài nguyên có thể cung cấp cho anh em Tây Sơn các thứ gỗ, sắt, sulphur, ngựa và voi… Ưu thế của vị trí của họ giúp ba anh em đạt được vài thắng lợi ban đầu ở các vùng phụ cận, rút kinh nghiệm chiến đấu, tăng cường uy tín, trong khi ít nguy cơ hơn. Tuy nhiên, cuối cùng thì Nguyễn Nhạc quyết định là đạo quân của ông ta đã sẵn sàng đi xuống đồng bằng và thách thức trực tiếp quân nhà Nguyễn…”.

[11] BRIAN EYLER, Những ngày cuối của dòng Mekong hùng vĩ, Nguyễn Đình Huỳnh dịch, nxbPhụ Nữ Việt Nam 2020, tr. 16-17: “Trong tác phẩm quan trọng năm 2009 The Art of Not Being Governed (Nghệ thuật để không bị trị), Scott đặt tên cho vùng cao nầy của Trung Quốc và Đông Nam Á là Zomia. Quân đội đồng bằng bạo ngược không thể đưa xe cộ và vũ khí lên đồi núi tấn công những người ẩn náu ở đó. Rừng có nhiều tài nguyên thiên nhiên có thể làm thức ăn và việc giao dịch mua bán giúp duy trì sinh kế và bản sắc của những người này. Điều này giúp cho các nhóm sắc tộc ở Zomia giao dịch độc lập và bình đẳng với các vương quốc đồng bằng theo điều kiện của họ và phần nào giữ được khoảng cách…”.

[12] GEORGE DUTTON, sđd, tr. 77: “Thêm vào đó, sự mở rộng quyền lực chính trị về phía nam có nghĩa là các chúa Nguyễn ở một chừng mực nào đó đã bị cô lập về mặt vật chất với các phần lớn vương quốc của họ, một vùng đất rộng lớn nằm ở phía nam đèo Hải Vân, thuộc đất Quảng Nam. Những vùng đất mới do chúa Nguyễn Công bố chủ quyền là nơi cư trú của những nhóm người pha tạp, hay đổi đời, có mối quan hệ lỏng lẻo với kinh đô Phú Xuân. Như chúng ta đã biết, khu vực quanh Qui Nhơn được dành làm nơi cư trú của những tù nhân chính trị phía bắc cũng là quê hương của những người còn sót lại của vương quốc Chăm, trong khi có nhiều nhóm người vùng cao sống sát cạnh trung tâm của cuộc nổi dậy ở ấp Tây Sơn. Khi nhà Nguyễn tìm cách nới rộng ảnh hưởng trong khu vực, họ tác động đến quyền lợi chính trị của người Chăm và người vùng cao tại địa phương, song cả hai nhóm người nầy sẽ sớm thành những nhóm ủng hộ cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn”.

[13] GEORGE DUTTON, Cuộc nổi dậy…), sđd, tr. 97 (x. P. Lorenzo Perez, “La Révolte et la guerre des Tayson d’après les franciscains Espagnols de Cochichine”, tr.74)

[14] Sđd, tr. 155.

[15] NGÔ THÌ CHÍ, Hoàng Lê Nhất Thống Chí, Ngô Tất Tố dịch, Tự Do tái bản, 1958, tr. 252: “Nguyễn Huệ là bậc lão thủ hung tợn và giỏi cầm quân. Coi y ra Bắc vào Nam thật là xuất quỷ nhập thần. Không ai có thể dò biết. Y bắt Nguyễn Hữu Chỉnh như bắt trẻ con, giết Vũ Văn Nhậm như giết con lợn, không một người nào trông thẳng vào mặt. Nghe lệnh y, ai cũng mất cả hồn vía, sợ hơn cả sấm sét…”. (x.

[16] ĐẠI NAM CHÍNH BIÊN LIỆT TRUYỆN SƠ TẬP, quyển 30, tờ 17b: “Nguyễn Văn Huệ là em Nhạc, tiếng nói như chuông, mắt sáng như điện, giảo, kiệt, thiện chiến, ai cũng phải sợ… Bốn lần đánh Gia Định, lúc ra trận đều đi trước, sĩ tốt hiệu lệnh nghiêm minh, thuộc hạ ai nấy dốc lòng vâng mệnh”.

[17] GEORGE DUTTON, Cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn (The Tây Sơn uprising), sđd, tr. 32.

[18] BAN CHỦ BIÊN TẬP SAN SỬ ĐỊA, Đặc khảo về Quang Trung Nguyễn Huệ, nxb Hồng Đức – Tạp chí Xưa và Nay 2016. Bài: Những điểm đặc biệt về Nguyễn Huệ của Phạm Văn Sơn, tr. 440.

[19] GEORGE DUTTON, Cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn, sđd, Chương III: Giới nông dân – Đời sống dưới chính quyền Tây Sơn,tr. 226-311.

[20] TẠ CHÍ ĐẠI TRƯỜNG, Lịch sử nội chiến ở Việt nam từ 1771 đến 1802, sđd, tr. 256-263.

[21] Sđd, tr. 145-147.

[22] Sđd, tr. 190-191.

[23] Sđd, tr. 254-255.

[24] Sđd, tr. 255-256.

[25] Sđd, tr. 280-281.

[26] Sđd, tr. 305.

[27] Sđd, tr. 309-311.

[28] Sđd, tr. 321: “Đường nước bên trong đầm đã hẹp mà Vũ Văn Dũng đem hai chiếc Định quốc Đại hiệu thuyền chở từ 50 đến 60 khẩu đại bác chắn ngay cửa với dày đặc bên trong là 40 tàu lớn, 20 tàu nhỏ, 100 ghe chiến đậu san sát đến cửa sông đưa vào Nước Mặn. Ông còn đặt đại bác trên núi Tam Toà, tên đất liền, bãi Nhạn (phía thành phố Quy Nhơn bây giờ) dựa vào núi cao chĩa xuống bảo vệ đoàn thuyền trấn giữ. Trên bộ còn hơn 60 voi với quân lính”.

[29] Sđd, tr. 315-316.

[30] Sđd, tr. 315; (x. Việc xây dựng thuỷ quân của Nguyễn Ánh: (Sđd) tr. 230 – 232)

[31] Sđd, tr. 319.

[32] Sđd, tr. 323.

[33] Sđd, tr. 324 (Phần ghi chú).

[34] Sđd, tr. 328-338.

[35] GEORGE DUTTON, Cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn, sđd, tr. 121

[36] Sđd, tr. 414. (x. TẠ CHÍ ĐẠI TRƯỜNG, Lịch sử nội chiến ở Việt nam từ 1771 đến 1802, sđd, tr. 332-339).

[37] PHAN HUY LÊ, BÙI ĐĂNG DŨNG, PHAN ĐẠI DOÃN, PHẠM THỊ TÂM, TRẦN BÁCH, Một số trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử dân tộc, nxb Hồng Đức 2019, Chương V Chiến tháng Rạch Gầm – Xoài Mút, tr. 215-241.

[38] TẠ CHÍ ĐẠI TRƯỜNG, sđd, tr. 324-325.