SA MẠC, HANG TOẠI ĐẠO VÀ “MÙA CHAY CORONA”

,

Chút cảm nhận về Mùa Chay 2020 trước cơn đại dịch Covid-19

Lịch sử con người,

Hay những trang dài của “thiên tình ca cứu độ”,

khi nầy, lúc nọ dấu thời gian thăng trầm,

Một thời đại đế Pharaô, với nô lệ gông cùm

Hay những tháng năm dài,

Dưới triều Nerô, Diôclêtianô, những bạo chúa lừng danh bách hại.[1]

 

Nếu sa mạc luôn đi liền với cuộc “Xuất hành” vĩ đại,

Thì một thời bách hại,

Làm sao quên chuyện những “hang toại đạo” tối tăm !

Nhưng với “Dân được chọn”,

Khát khô hoang mạc, chỉ là thời gian “trăng mật êm đềm”,

Để Chúa dẫn dân về

Bến bình yên của một thiên đường quê hương “Đất Hứa”.

 

Dẫu hí trường Côlôsêum,

Ngập máu đào vì những tên bạo chúa,

Thì lại sản sinh,

Những chứng nhân anh hùng như Phêrô, Phaolô, Anê, Lucia…

Cuộc trường hành của Dân Chúa, một bản tình ca,

Mà giai điệu tuyệt vời,

và tiết tấu được dệt bằng tình yêu và đức tin son sắt.

 

Mùa Chay năm nay,

Dân Chúa đang sống lại “kinh nghiệm vàng” bất diệt,

Một thời “sa mạc”, một thời “hang toại đạo” của ngàn xưa.

Con virus Corona

và “tên bạo chúa dấu mặt” tàn bạo chẳng vừa,

ép Dân Chúa phải trở lại những tháng ngày điêu linh khổ ải.

 

Vào sa mạc

để lần nữa biết thế nào là nỗi khát khao khi không còn Thánh lễ.

Xuống hang toại đạo,

Để lần nữa biết thế nào là thánh đường đã đóng cửa cài then.

Phải chấp nhận bị loại trừ, dè  bĩu, ghét ghen…

Để một lần nữa,

Biết thế nào là con đường đau thương khổ giá.

 

Và để thêm một lần,

Bình tâm đọc lại những trang Khải Huyền mà không thấy xa lạ,

Chuyện “người phụ nữ trốn vào sa mạc vì sự săn đuổi của Mãng xà”[2]

Hay chuyện, “chiều thứ sáu, đồi Canvê bóng tối phủ bao la”[3]

Nhưng rồi, Pharaô, Philatô, Nêrô,..

Ngay cả Tập Cận Bình hôm nay, rồi cũng tan thành mây khói.

 

Và để thêm một lần xác tín vào con đường Mùa Chay réo gọi:

Mùa hy sinh, mùa cầu nguyện, mùa chiến thắng vượt qua.

Nên cho dẫu: sa mạc, hang toại đạo, hay bóng tối Corona…

Ánh sáng, niềm hy vọng Phục Sinh,

đang loé sáng, bừng lên nơi cuối chân trời lịch sử.

 

Sơn Ca Linh (27.3.2020)

[1] Hoàng đế Nêron tại Roma (64-67): Sau cuộc hỏa hoạn từ 18 đến 24-7-64 tại Roma, Nêron đổ lỗi cho các Kitô hữu. Từng đoàn tín hữu bị đẩy ra hí trường để xoa dịu dư luận và làm trò tiêu khiển. Nêron bắt họ đấu gươm, đấu với thú dữ hoặc đóng đinh, tẩm dầu, đốt đuốc. Nhưng các tín hữu bỏ vũ khí ôm nhau chúc bình an; không chống trả với thú lẫn người. Họ bình thản đợi chờ ngày cứu thoát đang đến.

Hoàng đế Diôclêtianô (303-313): Để cai trị cho hiệu quả, Diôclêtianô áp dụng chính sách tứ quyền (Tétrarchie) : Bên Đông, ông chọn một phụ tá Galêrio, Bên Tây, Constantin Chlorus chọn Maximiano. Roma có 96 tỉnh nay sát nhập lại còn 12 tỉnh. Pháp luật được áp dụng gắt gao. Việc thờ cúng hoàng đế đạt đến thời vàng son, trở thành nghi lễ triều đình. Đây là lý do khiến hoàng đế nghi ngờ các tín hữu. Từ 298, Galêrio buộc tất cả quân nhân phải dâng cúng. Sau đó ông áp lực để Diôclêtiano tung ra bốn sắc lệnh cấm đạo năm 303. Ngoài các biện pháp của Decius, hoàng đế còn ra lệnh thiêu hủy Sách Thánh, triệt hạ các nơi thờ phượng. Do tổ chức chính trị chặt chẽ, các quan địa phương phải răm rắp tuân theo. Nhiều hình khổ mới được sáng tạo để gây kinh hoàng cho các tín hữu. Năm 311, Maximiano Daia còn cho rảy nước tế thần trên mọi thực phẩm ở chợ … Thời này có nhiều vị tử đạo trong quân đội như Sebastiano (+296), Georgio (+303), đại đội Maximiano, và có nhiều thánh nữ tử đạo để vẹn toàn tiết hạnh như Agnes, Lucia, Catarina …

Nguồn: LINH MỤC PHANXICÔ XAVIE ĐÀO TRUNG HIỆU OP. Lịch Sử Giáo Hội Công Giáo – Chương 2: Giáo Hội giữa thế giới bị hiểu lầm. Link: http://conggiao.info/giao-hoi-giua-the-gioi-bi-hieu-lam-d-27843

[2] Kh 12,1-6.

[3] Mt 27,45-50