Cảm nhận đức tin, Chia sẻ Lời Chúa, Tài liệu Phụng Vụ

TRẦN GIAN MONG TIẾNG CHÀO CỦA MẸ

(Mẹ Về Trời 2022)

            Hình như toàn thể sứ điệp phụng vụ của ngày lễ Mẹ Về Trời cả hồn và xác được gói ghém trong “tiếng chào của Mẹ” nơi cửa nhà bà chị họ Êlisabeth; bởi vì trong tiếng chào huyền nhiệm đó đã mang theo tất cả niềm vui và hy vọng cứu độ, điểm tựa và đích điểm cho mọi cuộc nhân sinh: Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em.” (Lc 1,44-45).

            Và đây là những nội dung ý nghĩa ẩn chứa đằng sau “tiếng chào huyền nhiệm” đó:

            Trước hết, có thể nói được, hôm nay chính là ngày kỷ niệm “Đức Mẹ Maria “giã từ trần gian” ! Một cuộc “giã từ” mà lại tràn ngập vui mừng nghĩ cũng lạ ! Mà cũng phải thôi; bởi vì đây là một cuộc “giã từ” không mang một chút u buồn của “sinh ly tử biệt” mà là một cuộc “ra đi”, “lên đường” của khải hoàn vinh thắng. Chính vì thế, trong “lễ giã từ” nầy, như phát biểu của nhà thần học Sertillanges, Hội Thánh đã hân hoan ca mừng bài “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa” (Magnificat) thay vì ảo não đau buồn với ca khúc “Từ Vực Sâu” (De Profundis)[1] như vẫn thường được hát trong các lễ An Táng. Đơn giản, vì hôm nay, Hội Thánh mừng kính và tôn vinh một phụ nữ đã “đi qua kiếp sống trần gian”, đã “từ giã cuộc đời dương thế”, nhưng xác thân người phụ nữ đó không tan rửa trong ngôi huyệt mộ như bao nhiêu thân phận kiếp người, cho dù là một chút tro tàn sau gần 2000 năm, nhưng lại là một “thân xác sáng láng của một con người đầy đủ xác hồn được phục sinh”, được đưa về trời để hiện hữu trong Vương quốc Nước Trời hằng sống.

            Dĩ nhiên, đây là “câu chuyện của niềm tin”, một niềm tin đã đi theo năm tháng trong suốt cuộc hành trình gần 2000 năm của Dân Chúa. Thật vậy, ngay từ những thế kỷ đầu, niềm tin “Mẹ Về trời” đã được ghi dấu nơi giáo huấn của các Giáo Phụ, như phát biểu của Thánh Giáo Phụ Đamascênô: “Cần thiết rằng Con Thiên Chúa, khi sinh ra đã gìn giữ vẹn tuyền đức đồng trinh của Mẹ, thì phải gìn giữ Mẹ khi chết khỏi hư hoại. Đấng đã cưu mang Đấng Tạo Hoá cần được ở trong cung điện của Thiên Chúa. Mẹ Thiên Chúa cần phải có tất cả mọi điều thuộc về Con của Mẹ và cần được mọi thụ tạo tôn vinh”[2].

            Và rồi, trải qua dọc dài năm tháng suy tư, sùng mộ, đào sâu và củng cố, cuối cùng, chân lý “Mẹ Về Trời cả hồn và xác” đã được Giáo Hội định tín” cách đây 72 năm bởi Đức Giáo Hoàng Pio XII vào ngày 1.11.1950 qua Tông hiến “Munificentissimus Deus” với những lời lẽ như sau: “Thánh Mẫu Thiên Chúa là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đức Maria Trọn Đời Đồng Trinh, sau khi sống trọn cuộc đời trần thế, đã được triệu hồi cả hồn và xác vào trong vinh quang thiên quốc”.

            Ngoài ý nghĩa đức tin mang chiều kích truyền thống đó, tín điều Đức Mẹ hồn xác về trời còn mang lại một giá trị văn hóa tinh thần cho xã hội và lịch sử văn minh con người.

            Thật vậy, tín điều “Mẹ Về Trời cả hồn và xác” được Giáo Hội tuyên tín sau 5 năm kết thúc đại chiến thứ 2 (1939-1945), và đã thổi vào thế giới một làn gió của sự sống và niềm hy vọng; của sự chiến thắng phục sinh và niềm vui ơn cứu độ trên cái chết và nỗi buồn thất vọng của những giá trị phi nhân và vô thần.

            Hơn lúc nào hết, khi thế giới vẫn còn chìm trong nỗi ám ảnh chết chóc của đại dịch Covid-19, khi cuộc chiến Ukraina vẫn hằng ngày mang cho thế giới những nỗi đau của chết chóc, tàn phá, thương đau, khi nhiều nơi, nhiều miền trên thế giới vẫn oằn mình dưới sức nặng của bạo lực, chiến tranh, hận thù…, thì huyền nhiệm Đức Maria chiến thắng sự chết, vượt qua cõi trần để tiến vào Vương quốc vô biên sẽ là một niềm hy vọng lớn lao, một điểm tựa cần thiết !

Mẹ Về Trời cũng chính là một “luận điểm sống động” của một nền giáo lý, thần học Công Giáo luôn quý trọng thân xác và sự sống con người; một hữu thể được Thiên Chúa yêu thương tạo dựng đặc biệt khi được vinh dự mang ảnh hình của Ngài, và được Con Thiên Chúa cứu độ bằng cái chết và sự phục sinh, nên không ai và không quyền lực nào được phép xúc phạm, coi thường…

            Đây cũng chính là niềm tin mà Thánh Phaolô đã dạy cho dân thành Corintô từ những ngày khai sinh Giáo Hội: Cũng như mọi người đều phải chết nơi Ađam thế nào, thì mọi người cũng sẽ được tác sinh trong Đức Kitô như vậy. Nhưng ai nấy đều theo thứ tự của mình, hoa quả đầu mùa là Đức Kitô, đoạn đến những kẻ thuộc về Đức Kitô, những kẻ đã tin Người xuống thế.” (Bđ 2).

            Quả thật, Đức Maria phải là người tiên phong trong nhân loại đã thuộc về Đức Kitô trọn vẹn nhất và đã đi trước trong cuộc hành trình vượt qua cái chết để bước vào cuộc sống vĩnh hằng. Và như thế, lễ Mẹ về Trời chính là một tín hiệu vui mừng, là dấu chỉ của niềm hy vọng bao la cho đoàn Dân Chúa, đoàn dân mà Mẹ chính là một “thành viên ưu tuyển” đi trước để dẫn đường như kinh Tiền Tụng Giáo Hội đọc lên trong ngày đại lễ hôm nay: “Hôm nay, Đức Trinh Nữ, Mẹ Thiên Chúa, được đưa về trời. Người là khởi đầu, là hình ảnh của Hội Thánh viên mãn, là niềm an ủi và hy vọng tràn trề cho dân thánh trong cuộc lữ hành trần thế.”

Cho nên chúng ta có thể nói được rằng: mầu nhiệm “Đức Maria hồn Xác Về Trời” là một cách cắt nghĩa cụ thể chân lý cuối cùng mà Hội Thánh tuyên xưng trong Kinh Tin Kính: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại. Tôi tin hằng sống vậy”.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần lưu ý: Xác tín vể chân lý phục sinh, về niềm hy vọng vĩnh cửu không có nghĩa yên tâm trốn chạy khỏi mọi thực tại đảo điên, mọi đau thương khổ luỵ và những đe doạ kinh hoàng của một “hiện sinh mang dáng đứng sự chết” đang có mặt và đe dọa từng ngày trong cuộc sống.

Bài sách Khải huyền hôm nay đã vẽ lên cái hiện thực đó bằng những hình ảnh cụ thể: “Một điềm lạ….một người nữ mặc áo….đang mang thai, kêu la chuyển bụng….một con rồng đỏ….”. Vâng, cuộc lữ hành trần thế của Hội Thánh cũng như của mỗi người chúng ta dưới thế gian nầy đều phải đi qua con đường dài tăm tối của khổ đau, sự chết, bách hại… Nhưng sách Khải huyền, cũng gọi mời chúng ta hãy vững tin: “Nay sự cứu độ, quyền năng, vương quyền của Thiên Chúa chúng ta và uy quyền của Đức Kitô của Người đã được thực hiện”.

Chính vì thế, mừng lễ Mẹ Về Trời hôm nay, phụng vụ còn muốn nói với chúng ta rằng: ngày nay trên quê trời, chắc chắn Mẹ cũng đang dõi mắt theo từng bước chân của mỗi cuộc đời con cái dưới chốn trần ai. Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật cuộc thăm viếng của Đức Maria nơi nhà Bà Isave; và từ nơi mái nhà nầy đã vang lên lời tạ ơn và chúc tụng hồng ân cứu rỗi như đích điểm mà người đầu tiên được hưởng nhờ là chính Đức Maria: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hởn hở vui mừng, vì Thiên chúa Đấng Cứu độ tôi….Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi  biết bao điều cao cả, thật Danh Người chí thánh chí tôn…”.

Hồng ân đó hôm nay và mãi mãi sẽ được ban tặng cho tất cả những ai biết đón nhận Đức Kitô vào cuộc đời với thái độ tin tưởng phó thác và xin vâng như Đức Trinh Nữ Maria, hay như cách cắt nghĩa của Chúa Giêsu, hồng ân đó sẽ dành cho những ai “biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa” (Lc 11,28).

Chính vì thế, lễ Mẹ Về Trời lại mở ra cho chúng ta chiều kích của một “Cuộc Thăm viếng Mới”. Mẹ lại đến chia sẻ niềm vui ơn cứu độ và hy vọng phục sinh cho “con cháu E-và” đang dập vùi trong “chốn khách đày, nơi khóc lóc” (Kinh Lạy nữ Vương), và cũng lại một lần nữa gọi mời con cái Mẹ tiếp tục lên đường và đồng hành với Mẹ để mở ra những cuộc “thăm viếng khác” đến muôn vạn mái nhà, đến trăm nghìn địa chỉ, nhất là những địa chỉ tối tăm, đói khổ, tật bệnh, lầm lạc… đang cần bừng sáng lên những lời tin yêu Magnificat: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa. Thần trí tôi hớn hở reo mừng trong Chúa Đấng cứu chuộc tôi…”.

Ước gì trong ngày lễ hôm nay, mỗi người chúng ta đều nghe vang vọng trong lòng chính “lời chào của Mẹ”, lời chào đã mang lại niềm vui ngút ngàn cho nhà ông Giacaria, đầy Thánh Thần và niềm vui cho cõi lòng bà Êlisabeth và bào thai trong dạ… Vâng,

Trần gian mong tiếng chào của Mẹ,

Để muôn mái ấm ngập niềm vui,

Để vạn sinh linh hòa khúc hát,

“Magnificat” rợp đất trời ! Amen.

Trương Đình Hiền


[1] LM PHÊRÔ CMC, Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời: Tiến trình tín điều, lịch sử và ý nghĩa phụng vụ. Nguồn: dongcong.net.

[2] Ibid.