(Đời sống thánh hiến và việc đào tạo lối sống nhân bản)
Dẫn nhập: Hãy làm người trước đã
Trong sách “Tam Tự Kinh”[1] của người xưa có dạy rằng “Nhân chi sơ tính bổn thiện”; nghĩa là “con người sinh ra bản tính vốn thiện lành”; và sách trên cũng dạy rằng “Tính tương cận tập tương viễn” nghĩa là “Bản tính con người vốn giống nhau (thiện lành), nhưng quá trình trưởng thành và môi trường học tập sau này không giống nhau, nên tính cách cũng sẽ đổi khác, có người tốt, người xấu”.
Vì thế việc “huấn luyện” hay “đào tạo” mang tính toàn diện con người đều nhắm tới mục tiêu giúp con người phát huy cái “thiện” của bản thân mình và ứng dụng chính cái thiện đó trong đời sống với chính mình, với tha nhân, với vũ trụ vạn vật và với Đấng Toàn Năng.
Trong môi trường đức tin Công giáo, đặc biệt, trong đời sống thánh hiến, tu trì hay linh mục, việc huấn luyện để trở nên một người tốt lành thánh thiện luôn phải bắt đầu bằng việc huấn luyện nhân bản, đào tào làm người, như linh mục bề trên Lành (Albert Delagnes)[2] đã nhắn nhủ các chủng sinh: “Các con muốn trở thành linh mục thánh thiện, trước tiên các con phải lo rèn luyện nên người lương thiện (honnête homme), trên cơ sở vững chắc ấy các con nỗ lực xây dựng con người Kitô hữu đạo đức (bon chrétien), rồi từ đó các con mới có triển vọng trở thành linh mục thánh đức (saint prêtre)”.
“Nguyên tắc vàng” nầy lại hoàn toàn phù hợp với những hướng dẫn mang tính “Huấn quyền” nơi tông huấn Đời sống thánh hiến (Vita Consecrata) của Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong chương nói về việc đào tạo nhân bản cho các tu sĩ: “Do đó, việc đào tạo phải thấm nhập sâu xa chính con người, sao cho toàn bộ cách ăn ở, trong những lúc quan trọng và trong những lúc bình thường của cuộc sống, cho thấy người đó vui sướng thuộc về Chúa cách trọn vẹn (…). Nếu mục đích của đời thánh hiến là vậy, thì quy trình đưa tới đó cần phải có và cho thấy tính toàn diện: việc đào tạo phải bao trùm toàn diện con người trong mọi khía cạnh nhân cách người đó, trong cách ăn ở cũng như trong các ý hướng (…). Việc đào tạo toàn diện phải bao gồm mọi lãnh vực của đời sống Ki-tô hữu và đời sống thánh hiến. Do đó phải tiên liệu việc chuẩn bị nhân bản, văn hoá, thiêng liêng, mục vụ, sao cho các yếu tố đó được hội nhập hài hoà với nhau. Phải dành cho việc đào tạo sơ khởi một thời gian khá dài, vì đây là một tiến trình tiệm tiến, trải qua tất cả các giai đoạn trưởng thành của con người, – từ trưởng thành tâm lý và thiêng liêng đến trưởng thành thần học và mục vu…” (ĐSTH 65).
Câu chuyện của chúng ta hôm nay xin dừng lại ở bước đầu “người lương thiện”; nói cách khác, phải huấn luyện “đời sống làm người”, đời sống nhân bản, như là một cơ sở nền tảng để xây dựng con người trưởng thành trong Đức Kitô, theo như cách quả quyết của Aldous Huxley: “Làm một người đầy đủ, điều hoà là một việc khó khăn, nhưng đó là công việc duy nhất của chúng ta. Người ta chỉ xin chúng ta một điều duy nhất nên một người: Một người, anh nghe rõ”[3].
Sách và phương pháp dạy “làm người” thì vô vàn vô số. Nhất là với phương tiện truyền thông hiện đại ngày nay, muốn chuyện gì cũng có, cần chuyện gì chẳng thiếu ! Ở đây, xin chọn phương pháp “học làm người” theo mẫu gương Chúa Giêsu trong Tin Mừng. Nói cách khác, vì Chúa Giêsu vừa là Thiên Chúa thật vừa là con người thật, nên học theo Ngài là chắc ăn nhất, như chính Ngài đã khẳng quyết: Đức Giê-su lại nói với người Do-thái: “Tôi là ánh sáng thế gian. Ai theo tôi, sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống.” (Ga 8,12). Và đây cũng chính là con đường, là phương cách tối hảo dành cho những ai chọn sống đời thánh hiến, như lời khuyến dụ của Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong tông huấn đời sống thánh hiến: “Nhờ Thánh Thần thúc đẩy, đời thánh hiến “hoạ lại cách chính xác và thực hiện liên tục trong Giáo Hội” lối sống mà Đức Giê-su, Đấng đầu tiên được Chúa Cha thánh hiến và sai đi phục vụ Nước Thiên Chúa. Đức Giê-su mời các môn đệ đi theo Người cũng sống như Người đã sống (x. Mt 4,18-22; Mc 1,16-20; Lc 5,10-11; Ga 15,16) (…). Đời sống thánh hiến thật sự là một ký ức sống động về lối sống và hành động của Đức Giê-su, Ngôi Lời nhập thể, trong tương quan với Cha và với anh em Người. Đời sống thánh hiến là truyền thống sống động về cuộc sống và sứ điệp của Đấng Cứu Thế.” (ĐSTH 22).
I. GHI NHẬN ĐẦU TIÊN VỀ MỘT “ĐỨC KITÔ NHÂN BẢN”:
1. Đức Kitô, một “người đích thực ở giữa chúng ta”:
Chúa Giêsu đã từng mời gọi: “Hãy đến với Ta…, và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng” (Mt 11,28-29) .
Còn hơn là một lời mời gọi. Đức tin chúng ta, đức tin của mọi Kitô hữu chính là thường xuyên “mắt hướng về Đức Giêsu là Đấng khai mở và kiện toàn lòng tin” (Dt 12,2), “đến với Đấng là Trung gian của Giao ước mới” (Dt 12,24), cũng là Đấng “từ trời mà đến”, là Đấng “Được xức dầu” (Kitô) mà các ngôn sứ đã tiên báo, là Chúa trên các Chúa, Vua trên các vua…; và đây cũng chính là “con đường dẫn đến sự sống đời đời”, như chính Ngài đã xác quyết với chàng thanh niên giàu có: “Về bán hết của cải… rồi hãy đến theo ta” (Mt 19,21).
Nhưng “đến với Đức Kitô” thì nào có khó khăn gì ! Cách đây gần 2000 năm, người ta ào ạt đến với Ngài, bất kể thuộc hạng người nào (dân chài, thu thuế, gái điếm, luật sĩ, biệt phái, tư tế, đui què sứt mẻ, phung cùi điếc lác, bệnh hoạn tật nguyền… kể cả quan chức tai to mặt lớn…) Ngài đều rộng tay tiếp đón cơ mà !
Quả thật, như chính Ngài xác nhận: “Ta là đường…”, con đường dẫn đến “sự thật sự sống”, con đường mà may phước cho ai bắt gặp và được Ngài sánh bước đồng hành: Bà goá Nain gặp Ngài, nước mắt tang chế mất con đã được lau khô với niềm vui “con được hoàn sinh”; trưởng ty thuế vụ Gia-kê, gặp Ngài và đã hoán cải trở nên một con người mới; một người phụ nữ Canaan bị bệnh rong huyết 12 năm, chỉ với tâm nguyện “sờ vào gấu áo Ngài”, đã được chữa lành; hai môn đệ thất vọng não nề trên con đường Emmaus, đã gặp Ngài và “con tim đã vui trở lại” …! Và thật hi hữu, tên trộm bị đóng đinh bên phải Ngài vào chiều thứ sáu trên đồi Sọ, chỉ gặp Ngài trong “làn hơi cuối chót”, khi đã chạm ngưỡng cửa “sinh ly tử biệt”, bằng chỉ một niềm tin được biểu lộ: “Hôm nay, khi Ngài vào Vương Quốc của Ngài, làm ơn nhớ đến tui” ! Và anh ta đã “ra đi bằng an vào Nước Chúa” !…
Quả thật “đến với Ngài thật quá dễ” ! Bởi vì, Ngài có “ở tít trên chín tầng mây” đâu, mà xa xôi cách biệt; Ngài có ngự trên “ngai vàng lọng bạc” đâu, mà ngại ngùng “kính nhi viễn chi” ! Bởi chưng, Ngài đã chấp nhận “sinh ra và sống trong thân phận của một kẻ nghèo nàn cơ cực; Ngài đã chung đường, chen vai sát cánh cùng đám dân đen, tội lỗi để ông Gioan thanh tẩy trong dòng Gio-đan; đã chén thù chén tạc với đám phần thu mà mấy ông Biệt Phái đạo đức loại trừ và xếp vào quân tội lỗi; nhất là, đã chấp nhận nỗi nhục nhã thấp hèn tột cùng đến đổi chết với cái chết của những người nô lệ: “đóng đinh thập giá”.
Đến với Ngài quả không khó. Bởi vì, trước hết, Ngài là một “Con người”, một “Con người đích thực đang cắm lều ở giữa chúng ta” (Ga 1,14), một “Ecce Homo” (Nầy là Con Người) (Ga 19,5) mang lấy mọi thương đau khổ lụy đến độ “thân tàn ma dại” trước tòa án loài người !
2. Đức Kitô, một người biết khóc:
Khi đến gần Đức Giêsu, cô Maria vừa thấy Người, liền phủ phục dưới chân và nói: “Thưa Thầy, nếu Thầy có ở đây, em con đã không chết.” Thấy cô khóc, và những người Do Thái đi với cô cũng khóc, Đức Giêsu thổn thức trong lòng và xao xuyến. (Ga 11,32-33).
Để hiểu hơn về “những giọt nước mắt của Chúa Giêsu”, xin mời nghe lại cách “chú giải” của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong cuộc tông du Philippines năm 2015 mà một bài báo đã ghi nhận: Chúng ta không quên một sự kiện ghi dấu ân sâu đậm nhất trong cuộc tông du Philippines (từ 15-19/01/2015) của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đó là những giọt nươc mắt của cô bé Palomar khi đặt câu hỏi cho ngài: “Tại sao Chúa lại để xảy ra như vậy?”; “và tại sao lại ít có người giúp chúng con như thế?”. Và để trả lời cho vấn nạn đó, Đức Giáo Hoàng đã cắt nghĩa cho thế giới hiểu rằng: “Chỉ khi nào mà một con tim không thể tìm được câu trả lời và bắt đầu khóc, lúc đó chúng ta mới có thể hiểu được”… Ngài nhấn mạnh đến cách mà Chúa Giêsu đã phục vụ cho người dân của mình. Chúa Giêsu đã không sử dụng lòng từ bi theo “kiểu thế gian”, như là dừng lại một vài giây để ban phát tiền bạc hoặc những cuả cải vật chất… Nhưng, Đức Giáo Hoàng nói, Chúa Kitô đã dành trọn thời gian để lắng nghe và để thông cảm với người dân của mình.
“Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu đã khóc,” Đức Giáo Hoàng nói. “Ngài đã khóc cho một người bạn vừa mới chết, Ngài đã khóc trong lòng cho một gia đình vừa mới mất đứa con, Ngài đã khóc khi nhìn thấy một bà goá nghèo đem chôn đứa con trai, Ngài đã rơi nước mắt, động lòng trắc ẩn, khi nhìn thấy đám đông không có ai chăm sóc”…[4].
Và đó chính là một “gương mặt đầu tiên của Đức Kitô”, một “Đức Kitô khóc”, một “Đức Kitô chạnh lòng thương” (Mt 14,14), một Đức Kitô luôn đồng cảm… mà chúng ta cùng “thuyết minh” hay “làm sống lại ký ức về Ngài” qua chính cuộc sống của mình, cuộc sống làm người, cuộc sống nhân bản, cuộc sống của những “con người biết khóc”.
Thật ra, trong đời thường cuộc sống, không thiếu những mẫu gương, những nghĩa cử mang “dáng đứng biết khóc” của Tin Mừng, để nhờ đó, cho dù phải đối diện với muôn nghìn khắc nghiệt đắng cay, thế giới vẫn là nơi đáng sống và vẫn còn “hy vọng sẽ vươn lên”[5] !
II. “THẬP ĐẠO NHÂN BẢN” CỦA CHÚA GIÊSU
Trong nhân loại, đông tây kim cổ, đều có những bậc hiền triết, khôn ngoan. Với Kitô giáo, Đức Kitô chính là “hiện thân” của “khôn ngoan Thiên Chúa”; vì Ngài đã được tuôn tràn Thần Khí Chúa như lời tiên báo của Isaia: “Từ gốc tổ Gie-sê, sẽ đâm ra một nhánh nhỏ, từ cội rễ ấy, sẽ mọc lên một mầm non. Thần khí Đức Chúa sẽ ngự trên vị này: Thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ Đức Chúa” (Is 11,1-2); hay như cách “mô tả tiên tri” “dung mạo khôn ngoan đầy tính nhân bản” của Đức Kitô qua sách Khôn Ngoan: “Nơi Đức Khôn Ngoan, có một thần khí tinh tường và thánh thiện, duy nhất và đa năng, tinh tế và mau lẹ, minh mẫn và tinh tuyền, trong sáng và thản nhiên, lanh lợi và chuộng điều lành, bất khuất, từ bi và nhân ái, cương quyết, vững vàng và điềm tĩnh, làm được mọi sự và quan tâm đến mọi điều, thấu suốt mọi tâm can, kể cả tâm can của những người trong sạch, thông minh, tinh tế nhất” (Kn 7,22-23) hay: “Ý định của Chúa, nào ai biết được, nếu tự chốn cao vời, chính Ngài chẳng ban Đức Khôn Ngoan, chẳng gửi thần khí thánh?” (Kn 9,17).
Riêng Tin Mừng Luca lại ghi nhận Chúa Giêsu đã “khôn ngoan” trong thân phận người đích thực ngay khi còn thơ ấu: “Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Còn Đức Giê-su ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2,51-52).
Việc thụ huấn với một Vị “Thầy khôn ngoan” như thế, chắc chắn chúng ta sẽ học được rất nhiều bài học trân quý. Dựa theo các trình thuật Tin Mừng, xin được dừng lại ở “10 điểm nhấn về đời sống nhân bản (hay tạm gọi là “THẬP ĐẠO NHÂN BẢN) của Chúa Giêsu”.
1. Chúa Giêsu “đáng tin”: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3,17).
Trong Tin Mừng, chúng ta gặp nhiều lần chính Chúa Cha nhận xét về Chúa Con: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3,17).
Làm cho người khác “hài lòng” phải chăng đó là “chinh phục được lòng tin” của người khác, sự tín nhiệm, sự an tâm của người khác. Nói cách khác, để được Chúa Cha tin tưởng trọn vẹn, Đức Kitô đã dành cả một đời để “chu toàn, thực thi thánh ý Chúa Cha” cho dẫu phải trả giá bằng chính mạng sống”: “Của ăn của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy” (Ga 4,34); “xin đừng theo ý con, nhưng xin vâng ý Cha” (Lc 22,42); “Nầy con xin đến để thực thi thánh ý Cha” (Dt 10,5-7).
Người đời có thể dùng mọi mánh khoé, lươn lẹo, thủ đoạn… để “chiếm được lòng tin”, nhưng chúng ta, những Kitô hữu, những tu sĩ, phải là “kẻ đáng tin” theo mẫu gương, theo cung cách của Đức Kitô: chinh phục lòng tin bằng chính “con người đáng tin”, con người luôn “chỉn chu trong trách nhiệm được giao” và cũng là kẻ dám trả giá cho sự “đáng tin” bằng cả những thiệt thòi, mất mát, hy sinh… như câu chuyện cậu bé 6 tuổi Bridger Walker ở Wyoming, sẵn sàng đương đầu với chó dữ để bảo vệ em…![6].
Thử tưởng tượng: một cộng đoàn Dòng tu mà Chị Tổng Phụ Trách hay Hội Đồng Cố Vấn không tin tưởng ở chị em mình và các nữ tu không còn tin tưởng nơi những người huấn luyện mình, và cũng chẳng tin nhau… , thì còn gì là “một ân huệ quý báu và cần thiết cho hiện tại và tương lai của Dân Chúa, bởi vì đời sống nầy là một phần sâu xa của nếp sống, sự thánh thiện và sứ mạng của Dân Thiên Chúa” (ĐSTH 3).
2. Chúa Giêsu “bao dung”: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).
Nếu không có một “tấm lòng bao dung, độ lượng”, thì, với quyền năng “khiến gió bão im tiếng”, “cho kẻ chết sống lại”, “xua trừ cả ma quỉ”…, chắc chắn Chúa Giêsu đã trừng trị thẳng tay những người chống đối, xúc phạm, nhất là những kẻ kết án tử hình thập giá cho Người… Không, Ngài đã cầu xin Chúa Cha: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23,34).
Thế giới hôm nay, nhất là trong môi trường xã hội Việt nam, thái độ “hận thù”, “ăn miếng trả miếng”, “bất bao dung”, “kết án tuỳ tiện”… đã trở thành “quy luật ứng xử” bình thường. Nói cách khác, đức tính nhân bản trên mọi đức tính mà Đức Kitô muốn trao lại cho chúng ta chính là “lòng nhân”, hay “tình yêu”, một giá trị, một nhân đức, mà chính loài người đã từng cảm nhận và trải nghiệm qua muôn nẻo đường cuộc sống.
Chúng ta cũng đừng quên, chính thái độ, chính tấm lòng thiếu bao dung, quảng đại, sẽ biến cuộc đời thành một “đáy cốc mặn chát” như câu chuyện ngụ ngôn của một thiền sư: Nắm muối, cái ly và hồ nước... Cũng na na ná như câu chuyện nầy, tôi đọc đâu đó một câu chuyện được kể bởi “Nguyễn Mễn”: SỰ THẬT VỀ “CON QUỶ” VÀ TÌNH YÊU CỦA NGƯỜI CHA[7].
3. Chúa Giêsu luôn “nhìn thấy cái tốt”: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu !” (Ga 8,11)
Nhìn thấy cái xà trong con mắt người khác để sẵn sàng kết án phải chăng là cách ứng xử thường tình của con người (Mt 7,3-5), đúng hơn, của những người Biệt Phái, những kẻ luôn vỗ ngực xưng mình là đạo đức thánh thiện và khinh chê kẻ khác (Lc 18,9-14). Đức Kitô là mẫu gương của một con người luôn biết kính trọng tha nhân, cho dẫu đó là những kẻ mà xã hội kết án, loại trừ. Thái độ ứng xử của Ngài dành cho những con người như Lêvi, Giakêu, người phụ nữ tội lỗi ăn năn sám hối, nhất là đối với người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu ! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa !” (Ga 8,11) là một “bài học nhân bản” để đời cho những ai muốn trở thành môn đệ của Ngài.
“Nhìn thấy cái tốt” mang tính nhân bản đích thực luôn bao gồm 3 chiều kích: Nhìn thấy cái tốt nơi chính mình để tri ân cảm tạ và tích cực phát huy, đáp trả; nhìn thấy cái tốt nơi tha nhân để luôn biết bình tỉnh, chín chắn mà cảm thông hay phán đoán đúng; nhìn thấy cái tốt nơi cuộc sống để chọn lựa và phân định đâu là những “nguyên tắc tối ưu, quan trọng nhất”[8].
Vâng, chính sự bao dung tha thứ, không thiên kiến hẹp hòi của Chúa Giêsu, và của những ai sống theo con đường của Ngài, đã làm nên bao điều kỳ diệu cho biết bao cuộc đời, bao gia đình…; chẳng khác nào như “chiếc bình nứt” mà “người gánh nước thuê” đã sử dụng để làm cho tươi thắm cả một đường hoa…
4. Chúa Giêsu biết cho: “Anh em hãy cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy” (Mt 26,26).
Cả cuộc đời của Chúa Giêsu là một cuộc “cho đi chính mình”, một cuộc “cho đi” mà Ngài đã cam kết với Chúa Cha ngay khi “cất bước vào đời”: “Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Ki-tô nói: Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con. (Dt 10,5-7). Ngài đã cho đi “ý riêng mình”, cuộc đời mình để dành hết cho ý định cứu độ của Thiên Chúa. Và khi nhập thể vào đời, Ngài lại dành hết cuộc đời cho con người; và điều này đã chứng thực cách hung hồn, cụ thể, khi Ngài cuối xuống rửa chân cho các môn sinh (Ga 13,1-20); nhất là tự hiến thân mình làm Hy lễ cứu độ, làm “Tấm Bánh được bẻ ra” để nuôi muôn con người: “Anh em hãy cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy…” (Mt 26,26).
Học bài học nhân bản “biết cho” của Đức Kitô chính là không nề hà bất cứ việc gì để phục vụ và sẻ chia, để yêu thương và đồng cảm. Một người sẵn sàng biết cho chính là người không dừng lại ở biên giới “việc phải làm” mà vươn tới “việc nên làm”, như câu chuyện giản đơn của một anh thợ sửa xe dễ thương[9].
5. Chúa Giêsu không “một mình về đích”: Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ (Lc 24,15).
Chắc chắn một điều, những anh chàng dân chài miền Galilê, cho dù được Chúa Giêsu huấn luyện suốt 3 năm, nhưng cái não trạng “ăn trên ngồi trước”, cái tâm thức “hãnh tiến”, “chức quyền danh vọng”… hình như vẫn đeo bám các ông dài dài; và xem ra, việc “làm tôi tớ phục vụ”, việc “quỳ xuống rửa chân”… là tác động và kết quả của “Lửa Thánh Thần Hiện Xuống” hơn là sự tập luyện và cố gắng cá nhân của con người !
Trong một thế giới “mạnh được yếu thua may nhờ rủi chịu”, chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, thống trị… lên ngôi, thì các môn sinh của Thầy Giêsu được mời gọi chọn lựa con đường “Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.” (Ga 13,14).
“Rửa chân cho nhau” cũng có nghĩa là không “ích kỷ” lách mình để “về đích một mình”, hoặc sẵn sàng “đạp kẻ khác xuống để mình vươn lên”, mà là biết “dừng lại”, “cúi xuống”, “trở lui để đồng hành và dìu dắt kẻ sau hết” cùng tiến về đích, như câu chuyện “Tất cả cùng dìu nhau về đích”[10].
Câu chuyện “đồng hành của Đức Kitô Phục sinh” trên đường Emmau – Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ (Lc 24,15) – luôn là một “hành vi nhân bản” tuyệt vời trở thành “nguyên tắc vàng” cho mọi hoạt động của Hội Thánh. Đặc biệt, đây chính là trọng tâm của định hướng “Hiệp Hành” mà toàn thể Dân Chúa đang nỗ lực triển khai và áp dụng như khẳng quyết của Thượng Hội Đồng Giám mục thế giới XVI trong Tài Liệu Chuẩn Bị: “hiệp hành chính là phương cách sống sống và hành động (Modus vivendi et operandi) đặc trưng của Hội Thánh, dân Thiên Chúa, vốn biểu lộ và thực hiện cách cụ thể bản chất hiệp thông của mình khi mọi thành viên của Hội Thánh đồng hành cùng nhau, tập họp lại trong đại hội và cùng tham gia tích cực vào sứ vụ phúc âm hóa của Hội Thánh”[11]…
6. Chúa Giêsu một “Quý ông cao thượng”: hãy để cho những người nầy đi” (Ga 18,8)
Người đời có câu: “Nước rặt mới biết cỏ thúi”. Ý muốn nói rằng: giá trị đích thực của một con người chỉ được minh chứng khi trải qua gian nan thử thách. Thật vậy, trong đời thường cuộc sống có không ít người thích khoe khoang cái tôi, chứng tỏ “ta đây đáng mặt anh hùng hào kiệt”, không ngừng rao giảng “vẻ đẹp lý tưởng” của những bậc chính nhân quân tử. Tuy nhiên, khi đối diện với thử thách gian nan, với những thách đố và lựa chọn giữa cái sống và sự chết, giữa thiệt thòi và lợi lộc, giữa chính mình và người khác…, họ sẵn sàng chọn sống, chọn lợi và chọn mình.
Hình ảnh một Đức Kitô hiên ngang, chấp nhận “bị trao nộp”, bảo vệ sự an toàn cho các môn sinh, chết thay cho người khác: “Tôi đã bảo các anh là chính tôi đây. Vậy, nếu các anh tìm bắt tôi, thì hãy để cho những người nầy đi” (Ga 18,8) không là một hình ảnh một “Quý ông cao thượng” để chúng ta cùng chiêm ngưỡng và học hỏi noi gương sao? Có lẽ nhờ được đào tạo trong cái nền “văn hoá Tin Mừng” đầy nhân bản cao thượng đó mà Âu Châu đã từng có một thế hệ “Quý Ông” cao thượng, vị tha, được chứng tỏ cách hùng hồn qua biến cố “đắm tàu Titanic” vào năm 1912, như lời kể của một “chứng nhân sống sót”…[12].
7. Chúa Giêsu biết ơn và trân trọng những điều nhỏ bé: “… dù chỉ một chén nước lã thôi…” (Mt 10,42).
Để làm cho cuộc sống đẹp hơn, dễ thương hơn, để cho các mối tương quan luôn thân ái thuận hoà…, rất cần những hành vi, những cách ứng xử tế nhị, thân ái trao cho nhau, cho dù đôi khi đó chỉ là những cái, những việc thật nhỏ bé, giản đơn, tầm thường, như chính Đức Kitô đã từng khẳng quyết: “Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phàn thưởng đâu.” (Mt 10,42).
Trong tương quan “liên vị” của đời sống cộng đoàn, rất cần đức tính nhân bản nầy, rất cần những việc nhỏ bé, âm thầm nhưng là một biểu hiện của một nhân cách chỉn chu, hoàn hảo, như câu chuyện nhỏ: Một người đi tìm việc làm, đi trên hành lang thuận tay nhặt mấy tờ giấy rác dưới đất và bỏ vào thùng. Vị phụ trách tuyển người vô tình nhìn thấy, thế là anh được nhận vào làm việc. Hóa ra để được thưởng thật là đơn giản, chỉ cần làm những điều tốt dù nhỏ là được…
Sau gần 2000 năm, Hội Thánh vẫn còn là một “dấu chỉ thuyết phục” về nét đẹp và sự thành công của cuộc sống cộng đoàn, phải chăng, chính là nhờ anh chị em trong Hội Thánh biết đối đãi với nhau bằng tình huynh đệ, tế nhị, chân tình… Vâng, đó chính là “những chi tiết nhỏ mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ân cần nhắn gởi Hội Thánh trong tông huấn HÃY VUI MỪNG HOAN HỈ (Gaudete et Exsultate): “Chúng ta đừng quên rằng Chúa Giêsu đã mời gọi các môn đệ chú ý đến những chi tiết: Chi tiết nhỏ về chuyện hết rượu tại một tiệc cưới; chi tiết nhỏ về chuyện một con chiên lạc mất; chi tiết nhỏ về việc người goá phụ dâng cúng hai đồng xu nhỏ; chi tiết nhỏ về việc mang dầu dự trữ cho đèn, phòng trường hợp chàng rể đến chậm; chi tiết nhỏ về việc hỏi xem các môn đệ có bao nhiêu ổ bánh; chi tiết nhỏ về việc nhóm bếp lửa và nướng cá khi Người chờ đợi các môn đệ lúc tinh sương.” (GE số 144).
Để làm được những chuyện “tế nhị, giản đơn” đó không phải dễ; nhiều khi phải thật cố gắng, can đảm và anh hùng, như câu chuyện “dòng nước trong sa mạc” vẫn được lưu truyền trong “thế giới Ả Rập”[13], hay chuyện kể “những nụ hôn trong chiếc hộp rỗng” mỗi độ Giáng Sinh về.
8. Chúa Giêsu không nóng vội, hiếu thắng: “Hãy xỏ gươm vào vỏ,…” (Mt 26,52).
Trong 3 năm huấn luyện các Tông Đồ, Chúa Giêsu không ít lần chứng kiến sự nóng nảy, hiếu thắng của các ông; chẳng hạn như thái độ “bốc hoả” của hai anh Giacôbê và Gioan trước vụ việc người Samari không chịu đón tiếp (Lc 9,51-55), hay như phản ứng “rút gươm” của Phêrô trong đêm Ngài bị nộp; và cách ứng xử mà Ngài dạy cho các môn sinh đó là: “Hãy xỏ gươm vào vỏ, vì tất cả những ai cầm gươm sẽ chết vì gươm” (Mt 26,52).
Thái độ “nóng vội” và “hiếu thắng” hoàn toàn ngược lại với tính cách “nhân bản” của Thiên Chúa “Chậm bất bình và rất mực khoan dung” (Tv 85,15); và rất thường khi, thái độ đó dẫn tới “hư bột hư đường” hoặc gây nên những hậu quả tai hại, như câu chuyện về “cái chết oan uổng của con chim ưng của Thành Cát Tư Hãn”[14].
Trong khi đó, một người có “công hàm dưỡng”, một kẻ bản lãnh thực sự, đôi khi sẵn sàng chấp nhận “làm kẻ thua cuộc”, làm “người thất bại” trong một lúc nhất thời, với một cái giá thua thiệt để đạt được một mục đích lớn lao, tốt đẹp, thiện lương… như câu chuyện “bó củi của nhà sư”[15]. Chúng ta đừng quên, cuộc khổ nạn của Đức Kitô chính là bài học nhân bản về nhẫn nhục vĩ đại nhất, hoàn hảo nhất để nhờ đó Thiên Chúa hoàn thành công cuộc cứu độ !
9. Chúa Giêsu nghe, thấy bằng trái tim: Thầy biết có một năng lực tự nơi Thầy phát ra.” (Lc 8,43-48).
Nhà văn Pháp Saint-Exupery trong cuốn Hoàng Tử Bé viết rằng: “Muốn nhìn đúng phải nhìn bằng trái tim – mắt thường làm sao thấy được những điều vô hình.”.
Câu nói trên hoàn toàn chính xác trong trường hợp “phép lạ xảy đến cho người đàn bà bị bệnh loạn huyết 12 năm” trong Tin mừng: “Có người đã đụng vào Thầy, vì Thầy biết có một năng lực tự nơi Thầy phát ra.” (Lc 8,43-48). Trong câu chuyện hy hữu nầy, cả Đức Giêsu và người phụ nữ đều nghe, thấy “bằng trái tim”. Chúa Giêsu nhận thấy có bàn tay của một kẻ đầy niềm tin yêu phó thác “chạm vào tua áo của mình”, con người phụ nữ thấy được “năng lực thần linh và lòng xót thương ẩn dưới lớp áo của một ngôn sứ đến từ Nadarét”.
Cuộc sống với bao ồn ào, hỗn tạp, bon chen… đôi khi làm cho con người trở thành vô cảm, không còn biết lắng nghe, cảm nhận được những giai điệu, cung bậc của anh em đồng loại, của bạn bè chung quanh, của bao nhiêu người đang đồng hành chung bước… Cũng vậy, khi không có cái nhìn bằng trái tim, người ta sẽ không khám được những giá trị tuyệt hảo ẩn tàng dưới những dấu chỉ thật giản đơn, tầm thường, nhỏ bé, như câu chuyện “Chiếc trâm cài tóc của Lộc Nương và quả chuông trừ tà ở chùa Tế Vũ”[16], hay câu chuyện “nồi cơm của Khổng Tử”[17].
10. Chúa Giêsu giữ trọn “cam kết”: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người.” (Ga 4,34).
Khi bước vào đời, Chúa Giêsu đã có một “cam kết” với Chúa Cha: “Nầy con đây, con đến để thực thi ý Ngài” (Dt 10,5-7); và như Tin Mừng đã kể, suốt cuộc đời của Người là tìm kiếm và thực thi thánh ý Chúa Cha “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người.” (Ga 4,34), cho đến khi “nhắp chén cuối cùng và thân thưa với Chúa Cha để chứng tỏ “giữ trọn lời cam kết”: “Thế là đã hoàn tất” (Ga 19,30).
Chúng ta có thể đào sâu thêm một chút về cái đức tính nhân bản “giữ trọn lời cam kết” nầy.
Trong tác phẩm “THE COMPASSIONATE SAMURAI”, mà bản dịch Việt Ngữ của Nguyễn Trung An và Vương Bảo Long mang tên “TINH THẦN SAMURAI TRONG THẾ GIỚI PHẲNG”, tác giả người Mỹ Brian Klemmer đã chọn phẩm cách “CAM KẾT”, như phẩm hạnh đầu tiên trong số 10 phẩm cách cơ bản của người “Chiến Binh nhân từ”[18]: “cam kết, trách nhiệm cá nhân, cống hiến, tập trung, trung thực, danh dự, lòng tin, sung túc, dũng cảm và kiến thức”[19].
Tác giả đã khai mở nội dung ý nghĩa về phẩm cách “CAM KẾT” bằng những lời của Howard Thurman trong tác phẩm Những nguyên tắc tinh thần: “Cam kết là khả năng tập trung ý chí vào một mục tiêu, một hành động hay một lý tưởng mà ý nghĩa của nó còn quan trọng hơn cả sự sống còn”[20].
Trong đời thường cuộc sống không thiếu những mẫu gương anh hùng sống trọn hảo với sự “cam kết” giữ vẹn phẩm hạnh đạo đức, trước những cám dỗ của tiền bạc, giàu sang, như câu chuyện cảm động của “cô bé Chiada và cái túi xách 100 ngàn đô la”[21].
Nào chẳng phải căn tính của người Kitô hữu được xây dựng trên chính lời “CAM KẾT THÁNH THIÊNG CỦA NHIỆM TÍCH THÁNH TẨY” ! Cam kết “Từ bỏ ma quỷ, tội lỗi và những quyến rũ bất chính” và “Tin tưởng vào Thiên Chúa Ba Ngôi, vào Hội Thánh”[22]. (Xem thêm: Tông huấn Kitô hữu giáo dân của Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II)[23].
Từ “cam kết” nền tảng của bí tích Rửa Tội, đời sống đức tin của chúng ta lớn lên, phát triển, nuôi dưỡng và kết thúc, có thể nói được, qua con đường dài của những “cam kết”. Cam kết khi lãnh nhận Thánh Thể lần đầu, cam kết khi chịu Phép Thêm Sức, cam kết “thuỷ chung yêu thương, đón nhận nhau trong bí tích Hôn phối”, cam kết với thánh vụ của bí tích Truyền chức, cam kết dốc lòng chừa bỏ tội lỗi của bí tích Giải Tội, cam kết dấn thân thuộc về Chúa Kitô khi khấn dòng…cho tới khi cam kết cuối cùng trong giờ “sinh ly tử biệt” phó thác cuộc sống cho Chúa trong niềm cậy trông của bí tích Xức Dầu Bệnh Nhân !
Sở dĩ ngày hôm nay có quá nhiều người giữ đạo bơ thờ, mỏi mệt, thậm chí khô đạo, bỏ đạo… vì xa lìa chính lời cam kết cơ bản của bí tích Rửa tội, rồi từ đó bỏ luôn các lời cam kết khác. Tôi muôn nhắc lại tinh thần giữ lời cam kết của các Samurai: “Các người chiến binh trong lịch sử luôn giữ đúng lời cam kết cho dù phải đánh đổi bằng mạng sống của chính mình. Không phải họ không yêu quý bản thân, nhưng họ biết đặt lời hứa và nguyên tắc lên trên tất cả…”[24].
Để sống đúng “căn tính” của mình và để trở thành một “cành nho sinh đầy hoa trái”, thiết nghĩ, mọi Kitô hữu, (ở đây chính là các tu sĩ, chị em chúng ta) luôn phải quyết tâm tìm lại và làm mới lại mỗi ngày chính “CAM KẾT” của bí tích Thanh tẩy và mọi cam kết khác trong đời sống làm người, làm Kitô hữu, làm nữ tu…
Dĩ nhiên Đức Kitô không chỉ có “thập đạo nhân bản” trên; khi đọc và suy niệm Tin Mừng chúng ta sẽ còn khám phá nhiều nhiều điều khác nữa. Hy vọng trong buổi dừng chân đặc biệt nầy, các tu sĩ chúng ta sẽ “học được nơi Chúa Giêsu” nhiều bài học quý giá, cho dẫu những bài học nầy sẽ là những “cái ách” và “cái gánh” chỉ nhẹ nhàng cho những kẻ yêu nhau ! (Mt 11,28-30).
Kết: Những bước chân dưới đồng bằng
Để kết thúc bài chia sẻ hôm nay, xin mượn lời của của ĐGH Piô XII nói với các cha dòng Cát Minh, nhân ngày kỷ niệm 25 năm thành lập học viện quốc tế của Dòng tại Rôma: “Trong khi chờ đợi con người tu sĩ trẻ trở nên thành viên có nhân đức sáng ngời, thì họ phải luyện tập trở thành con người hoàn hảo trong những công tác thường nhật: vì làm sao con người có thể trèo lên tận đỉnh núi, nếu dưới đồng bằng họ đi chưa vững ? Vậy ước mong rằng vị tu sĩ rèn luyện và biểu dương qua cuộc sống một nghị lực thích ứng với tha nhân và tương quan xã hội, một thái độ cởi mở, một bộ điệu nhu mì, một tâm hồn trung thực và cũng ước mong rằng vị tu sĩ ấy tuân giữ lời hứa, làm chủ các ngôn hành của mình, biết kính trọng mọi người, giữ đức công bình, giữ đức nhẫn nhục…”
Ước mong sao tất cả chúng ta đều đã có được những “bước chân vững chắc ở dưới đồng bằng”, đó chính mà một cuộc sống “làm người hoàn hảo”, một “honnête homme”, để trên nền tảng vững chắc đó, chúng ta là những kẻ thuộc trọn về Thiên Chúa trong đời sống của một người tu sĩ. Và để ghi nhớ “những giọt nước mắt của Chúa Giêsu”, như bài học về “đời sống nhân bản” tuyệt vời mà Ngài muốn chúng ta cùng thực hiện, xin cùng nghe câu trả lời qua bài thơ: Tại sao Chúa khóc[25]:
Chúa đã từng qua kiếp nhân gian,
Nên đã biết khóc, cười, sướng, khổ…
Chúa đã đứng bên thềm huyệt mộ,
Nên nghẹn ngào nức nở trong tim !
Chúa đã từng đói lạnh từng cơn,
Nên cảm thương đoàn dân rách nát.
Chúa nhiều lần tản cư phiêu dạt,
Nên thương người tứ cố vô thân.
Bị khinh khi, hắt hủi, rẽ phân,
Nên Chúa gần ai mang phận tội.
Chúa đã bị bao người phản bội,
Nên nặng lòng tha thứ khoan dung.
Chúa an vui gia đạo trùng phùng,
Nên thấy hết nỗi buồn dang dở.
Giọt rượu quý, duyên tình nặng nợ,
Tiệc cưới từ đây mãi tiếng cười.
Chúa biết Mẹ thương con ngút trời,
Nên cảm hết lệ buồn cay đắng,
Mẹ Na-im gánh buồn trĩu nặng,
Giờ ắp đầy rạng rỡ niềm vui !
Chúa biết đường xa nối đất trời,
Nên chọn lối đau thương thập giá.
Biết ơn cứu độ ngời cao cả,
Nên thi hành vẹn ý Chúa Cha !
Biết Phục Sinh rực sáng trời xa,
Nên chấp nhận đi vào mộ thẳm.
Vâng, Chúa khóc, giọt tình yêu thấm đẩm,
Trỗ ngàn hoa hy vọng tươi xinh.
Kể từ đây, chết chóc, điêu linh,
Đã ươm mầm tin yêu hy vọng.
Chúa bên ta tình yêu thâm trọng,
Chung bước đường dẫn tới vinh quang !
Trương Đình Hiền (Mùa Phục Sinh 2023)
[1] Tam Tự Kinh (chữ Hán: 三字經) là cuốn sách chữ Hán được soạn từ đời Tống, đến đời Minh, Thanh được bổ sung. Sách được dùng để dạy học cho học sinh mới đi học. Ở Việt Nam trước đây cũng dùng sách này. Nội dung cuốn sách hơn 1000 chữ, bố trí ba chữ một câu có vần. Hiện nay những người học chữ Hán cũng học nó để có số vốn 600 chữ để rồi tiếp tục học lên cao. (Theo trang Wikipedia).
[2] Giám Đốc (Bề Trên) Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài Gòn 1930-1952 (Trang wikipedia).
[3] ALDOUS HUXLEY, la fin et les moyens, trích dẫn do Phạm Cao Tùng, Muốn nên người, nxb Phạm Văn Tươi SG 1953, tr. 16.
[4] TRẦN MẠNH TRÁC, “Giây phút cảm động nhất cuộc tông du”: Một bé gái hỏi ĐTC “Tại sao Chúa lại để xảy ra như vậy”, website http://catholicvideo.org/News/Home/Article/133765
[5] Tên một ca khúc “HY VỌNG ĐÃ VƯƠN LÊN” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, được sáng tác vào khoảng năm 1967, rất thịnh hành trong phong trào “Du Ca” mang chiều hướng “phản chiến” trong giai đoạn lịch sử lúc bấy giờ.
[6] Chỉ mới 6 tuổi nhưng khi thấy con chó chăn cừu Đức lại gần em gái gầm gừ, Bridger Walker ở Wyoming lập tức chạy ra chắn cho em và bị cắn vào mặt, đầu. Dù thương tích, Bridger vẫn dẫn em gái bốn tuổi chạy ra chỗ an toàn. Sau vụ việc xảy ra ngày 9/7/2020. Bridger phải trải qua hai tiếng phẫu thuật và 90 mũi khâu. Khi được người nhà hỏi vì sao lại chạy ra chắn cho em gái, cậu bé đáp: “Nếu có ai phải chết thì con nghĩ đó nên là mình”. (Sưu tầm).
[7] (Sưu tầm): Một tối nọ tôi và cha đi xem phim, bộ phim không hấp dẫn lắm nên hai cha con đã quyết định về sớm. Khi đến ngã rẽ gần nhà, cha tôi đột nhiên dừng lại, trông nét mặt ông rất khác, rồi ngay sau đó ông lấy tay che kín mắt tôi. Ông nói với tôi: “Con đừng nói, đừng nhìn nhé”. Tôi nghĩ cha đang đùa và muốn bỏ tay ông ra khỏi mặt mình, tuy nhiên cha vẫn cố lấy tay che hết mắt tôi và ông nói rất nghiêm: “Có một con quỷ rất đáng sợ, cha con mình ra ngay khỏi đây thôi!”. Nghe đến quỷ là tôi đã sởn gai ốc rồi! Ma quỷ rất đáng sợ, quỷ sẽ bay tới và ăn thịt trẻ con như mấy câu chuyện tôi được nghe kể…, sợ quá nên tôi cứ để tay cha che hết mắt mình từ lúc đó tới khi về nhà. Về nhà rồi tôi vẫn còn run rẩy vì sợ. Sau khi đã bình tĩnh lại, tôi hỏi cha: “Con quỷ cha nhìn thấy trên đường ban nãy trông nó như thế nào?”. Cha im lặng một lát rồi nói: “Con đừng hỏi, nếu biết con sẽ không thể thoát khỏi nó đâu”. Tôi về phòng nhưng vẫn thấy tò mò về con quỷ vừa rồi. Tôi gặp mẹ và kể cho bà nghe chuyện đó. Mặt mẹ tự dưng tái nhợt, bà mãi mới cất lời: “Cha con nói đúng đấy, không nên hỏi về chuyện này, nếu không con không thể thoát khỏi nó đâu”.…
30 năm sau kể từ hôm ấy, cha mẹ tôi không còn cảnh mặt tưng bừng lớn tiếng quát tháo nhau…. Người cha 70 tuổi của tôi đã qua đời trong vòng tay yêu thương của vợ. Khuôn mặt ông nở nụ cười nhẹ nhàng. Lo an táng ông xong, tôi thu dọn di vật của cha và nhìn thấy cuốn nhật ký. Trong đó ông viết về cái đêm khi chúng tôi gặp “con quỷ”…, câu đố cuối cùng đã được giải đáp …
Trong nhật ký ông viết: “Xem phim xong dắt con trai về nhà, bất chợt đến ngã rẽ vào hẻm nhìn thấy vợ mình cùng một người đàn ông lạ đang âu yếm nhau. Tôi cảm thấy như rơi xuống vực thẳm vì linh cảm của mình đã đúng. Tôi đã hết mực yêu thương vợ mình và cô ấy ngấm ngầm phản bội lại tôi và gia đình. Tôi thấy thương con trai, sự thật này quá tàn nhẫn với nó, có thể là bóng đêm ám ảnh suốt cuộc đời con trẻ. Con liệu có thể chấp nhận việc người mẹ yêu dấu của mình có hành vi như vậy! Tôi không thể tưởng tượng nổi con trai mình sẽ như thế nào nếu biết việc này. Mặc dù cô ấy đã xử tệ với tôi, nhưng tôi cũng phải ghi nhận rằng cô ấy từng tốt với mình, và còn con trai yêu dấu của tôi nữa. Vì vậy tôi đành phải nói dối con về con quỷ đó …”. Sau khi đọc nhật ký của người cha quá cố, mắt tôi đẫm lệ. Cha đã che giấu sự thật để gìn giữ hình ảnh hoàn mỹ về mẹ trong trái tim con trai bà, cũng bởi vì vậy mà cha mẹ tái hợp để cứu vãn cuộc hôn nhân đang trên bờ vực sụp đổ của họ…” (Nguyễn Mễn).
[8] X. SEAN COVEY, 7 thói quen giúp bạn thành đạt, người dịch: Phạm Thị Thanh Tâm, tài liệu photo, tr. 25-45.
[9] Có một cậu bé tập việc trong tiệm sửa xe. Một người khách đem đến chiếc xe đạp hư, cậu bé không những sửa xe, lại lau chùi xe đẹp như mới, bạn bè cười nhạo cậu đã làm một việc thừa. Hai ngày sau, khách đến lấy xe đạp, liền đón cậu về làm việc trong hãng của ông ta. Hóa ra để thành công cũng đơn giản. Hãy chứng tỏ mình làm điều nên làm hơn điều phải làm.
[10] Bài viết “Chiến thắng không phải là tất cả” nói về câu chuyện nhân văn xảy ra trong cuộc thi Thế Vận hội đặc biệt tổ chức tại Seattle (2017) dành cho những người khuyết tật. Nguồn: http://ideavietnam.org/wp-content/uploads/2017/06/Ban-tin-thang-6-2017.pdf
[11] THƯỢNG HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC, Tài liệu chuẩn bị, số 10, tr.13 (Sau đây sẽ viết TLCB). x. UỶ BAN THẦN HỌC QUỐC TẾ (INTERNATIONAL THEOLOGICAL COMMISSION), Tính Hiệp hành trong Đời sống và Sứ vụ của Hội Thánh (Synodality in the Life and Mission of the Church), lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương dịch, nxb Đồng Nai 2021, Phần Dẫn Nhập, số 6, tr. 14.
[12] HỒNG TÂM. Kiệt tác vĩ đại của lòng vị tha. (Nguồn: Facebook): “…Đêm ngày 14/4/1912, một tai nạn kinh hoàng đã xảy ra. Con tàu mang tiếng “không thể chìm” có tên Titanic đã đâm sầm vào một tảng băng trôi khổng lồ. Kết quả của vụ va chạm ấy là những con số và nỗi đau mà người ta không bao giờ muốn nhắc lại….Tuy nhiên,…sau bức màn đen tối của những nỗi đau và mất mát ấy là một kiệt tác vĩ đại của lòng vị tha. (…). Khi chiếc thuyền cứu hộ đầu tiên được đưa xuống mặt nước, Charles đã hỏi một người phụ nữ họ Straw khi ấy đang ở trên boong tàu rằng: “Bà có muốn tôi đưa bà lên thuyền cứu hộ không?” Người phụ nữ lắc đầu: “Không, tôi nghĩ là ở lại trên tàu thì tốt hơn.” Người chồng của bà hỏi: “Tại sao em không muốn lên thuyền cứu hộ?” Người phụ nữ mỉm cười trả lời: “Không, em vẫn muốn ở bên cạnh anh.” Cũng kể từ đây, Charles không bao giờ còn gặp lại đôi vợ chồng này lần nữa… Astor đệ tứ (John Jacob Astor IV), một nhà kinh doanh, nhà phát minh, nhà văn nổi tiếng và là một trong những người giàu nhất thế giới lúc bấy giờ. Sau khi đưa người vợ mang thai 5 tháng tuổi lên thuyền cứu hộ, một tay dắt chó, tay còn lại châm điếu xì gà rồi hét to về phía chiếc thuyền cứu hộ đang trôi dần về nơi xa: “Anh yêu hai mẹ con.” Thuyền phó đã ra lệnh cho Astor đệ tứ lên thuyền, nhưng ông kiên quyết trả lời rằng: “Tôi thích cách nói cơ bản nhất (bảo vệ phái yếu)!” Sau đó, ông nhường chỗ của mình cho một người phụ nữ ở khoang hạng 3. Vài ngày sau, khi bình minh vươn lên trên mặt biển Đại Tây Dương, đội cứu hộ tìm thấy thi thể ông trong tình trạng đầu bị chấn thương nghiêm trọng do đập vào ống khói. Khối tài sản của ông đủ để chế tạo 10 con tàu Titanic, nhưng Astor đệ tứ đã từ chối tất cả. Ông chọn cái chết để bảo vệ người thân yêu của mình, bảo vệ “phụ nữ và trẻ em” và bảo vệ nhân cách của mình.
Ben Guggenheim, một nhà tỷ phú, một nhân vật nổi tiếng trong ngành ngân hàng. Trong giờ phút nguy nan nhất, khi tất cả mọi người đang hối hả và vội vã, ông thản nhiên thay một bộ vest dạ hội sang trọng và tuyên bố: “Tôi phải chết thật trịnh trọng, như một quý ông.” Trong lời nhắn gửi cho vợ, ông viết: “Trên con tàu này, không có bất kỳ một phụ nữ nào vì anh cướp chỗ trên thuyền cứu hộ mà bị bỏ lại trên boong tàu. Anh sẽ không chết giống như một tên khốn, anh sẽ giống như một người đàn ông chân chính”.
Một thủy thủ đề nghị với Strauss, nhà sáng lập công ty bách hóa Macy của Mỹ, cũng là người giàu thứ hai thế giới rằng: “Tôi bảo đảm sẽ không ai phản đối một người già như ngài bước lên thuyền cứu hộ đâu.” Strauss nói: “Tôi sẽ không đi khi những người đàn ông khác còn đang ở lại.” Khi ông cố gắng khuyên giải bà Rosalie vợ của mình lên thuyền cứu hộ thì bà vẫn một mực từ chối. Bà nói: “Bao nhiêu năm qua, anh đi đâu là em theo đến đó. Em sẽ cùng anh đi đến bất cứ nơi nào mà anh muốn đi.” Sau đó, ông choàng lấy cánh tay của bà Rosalie, thong thả bước đến chiếc ghế trên boong tàu, ngồi xuống và chờ đợi giây phút cuối cùng của cuộc đời. Ngày nay, tại Bronx thành phố New York, người ta xây một tượng đài để tưởng niệm vợ chồng ông Strauss, trên đó khắc hàng chữ: “Tình yêu không thể nào bị nhấn chìm dù có nhiều nước biển hơn nữa.” (…).
Trong buổi họp mặt những người may mắn sống sót tại Lausanne, Thụy Sĩ, bà Smith kể lại: “Lúc đó hai đứa con của tôi được bế lên thuyền cứu hộ. Vì quá tải nên tôi không thể lên thuyền nữa, một người phụ nữ ngồi trên thuyền cứu hộ khi ấy đã đứng dậy rời khỏi chỗ ngồi, rồi đẩy tôi lên và hét lớn với tôi một câu: “Ngồi đi, những đứa trẻ không thể thiếu mẹ!”. Bà hối tiếc vì lúc đó đã không hỏi tên người phụ nữ đó. (…).
Trong bức màn đêm đen tối nhuốm đẫm đau khổ và chia ly, tinh thần quý tộc nổi lên như ngọn đuốc rực sáng, khắc họa nên một tuyệt tác vĩ đại về nhân cách và đạo đức con người. Giáo dục lối sống không chỉ là lý thuyết, mà trong những hoàn cảnh thực tế, những bài học đạo đức ăn sâu vào tâm thức trở thành kim chỉ nam cho hành động của mỗi người.” (Sưu tầm).
[13] Dòng nước từ sa mạc, website Facebook: “Có một người Ả Rập nghèo nọ phải băng qua giữa sa mạc trong cơn đói khát và mệt lả. Tình cờ, người đó bắt gặp một dòng suối. Với tất cả tấm lòng biết ơn, ông ta uống từng ngụm nước và cảm thấy ngọt ngào khôn tả. Ông múc nước đổ vào bầu da cho đầy và tiếp tục cuộc hành trình. Sau nhiều ngày vất vả, ông đã đến thủ đô Baghdad. Tìm đủ mọi cách để tiếp kiến với quan đầu tỉnh, ông dâng kính cho quan tặng vật là chính bầu nước. Quan đầu tỉnh đón nhận món quà một cách vui vẻ. Cho nước vào trong ly, ông uống cạn và cám ơn người Ả Rập, đồng thời tưởng thưởng ông một cách quảng đại. Những người hầu cận cứ nghĩ thầm rằng đây là một thứ nước kỳ diệu nên ai cũng mong được nếm thử. Nhưng quan đầu tỉnh nhất mực từ chối… Chờ cho người Ả Rập đi khuất, quan mới giải thích về cử chỉ của mình. Nước để lâu trong bầu da đã trở nên rất bẩn và hôi thối. Quan nghĩ rằng, nếu tất cả mọi người đều uống nước đó và đều tỏ ra khó chịu trước mặt người Ả Rập, ông ta hẳn sẽ bị tổn thương…
Quà tặng cao quý nhất mà người Ả Rập đã biếu cho quan đầu tỉnh chính là những giọt nước đã cứu sống mình. Quan đầu tỉnh đã tặng cho ông món quà quý giá nhất bằng cách uống lấy nước ông dâng biếu… Cuộc đời sẽ đẹp biết bao nếu con người chỉ biết đối xử với nhau bằng những cử chỉ tế nhị và thân ái. Một cử chỉ nhỏ mọn đến đâu, nhưng nếu được làm với tất cả yêu mến sẽ không bao giờ qua đi.” (Sưu tầm)
[14] NGỌN HẢI ĐĂNG (St): Một phút nóng giận, ân hận suốt đời: Câu chuyện xúc động về con chim ưng quý của Thành Cát Tư Hãn. Xin trích: Ông kinh ngạc khi thấy quả nhiên có một vũng nước, và ngay giữa vũng nước đó là xác một con rắn độc nguy hiểm nhất của miền đất này. Nếu ông lỡ uống nước đó, chắc hẳn ông đã chết rồi. Nhà vua đứng lặng người, quên cả cơn khát. Trong đầu ông hiện lên hình ảnh xác con chim ưng tội nghiệp đang nằm trên đất lạnh.
– Con vật đáng thương đã tìm mọi cách cứu sống ta. – Ông bật khóc. – Vậy mà ta đã làm gì thế này? Trời hỡi, làm sao để cứu con vật khốn khổ ấy sống lại bây giờ? Ta biết lấy gì để đền đáp ơn cứu mạng của nó đây? Chính tay ta đã giết chết người bạn trung thành nhất của mình.
Thành Cát Tư Hãn trở lại khe đá, nhẹ nhàng đỡ xác con vật tội nghiệp lên tay và đặt nó vào túi săn. Sau đó, ông lên ngựa và phi thẳng về cung. Ông ra lệnh làm một bức tượng chim bằng vàng, và trên một cánh chim, ông khắc dòng chữ:
Thậm chí khi một người bạn làm điều gì đó anh không thích, người đó vẫn cứ là bạn của anh.
Và trên cánh bên kia, ông khắc dòng chữ:
Bất cứ hành động nào được thực hiện trong sự giận dữ đều là hành động đưa đến sự thất bại.
Nguồn: https://www.dkn.tv/van-hoa/mot-phut-nong-gian-an-han-suot-doi-cau-chuyen-xuc-dong-ve-con-chim-ung-quy-cua-thanh-cat-tu-han.html
[15] SƯU TẦM. Hiếu thắng. Một vị sư lên rừng hái củi, trên đường về gặp một cậu bé đang chạy chơi đùa, hái hoa bắt bướm. Vị sư đến gần hỏi: “Trên tay con cầm gì thế?”
Thằng bé láu cá: “Đố sư biết đó, nhưng nói sai sư phải mất cho con bó củi nhé?”
– Một con bướm đã chết đúng không?
– Haha sai rồi, con bướm còn sống nhé sư? Nói rồi cậu tung con bướm bay lên trời.
– Vị sư cười nói: Củi của con đây, cầm về đi!
Thằng bé vui mừng đem bó củi về khoe cha. Nghe xong chuyện, cha cậu bé tái mặt bước đến nhéo tai thằng con: “Đem bó củi lên chùa trả rồi xin lỗi người ta ngay!”.
Thằng bé vừa đi vừa la: “Nhưng con thắng mà!?!”
Đến chùa hai cha con chắp tay xin lỗi. Vị sư nhẹ mỉm cười gật đầu. Trên đường về cậu bé vẫn hậm hực.
Người cha lúc này mới nói: “Nếu sư nói con bướm còn sống – con sẽ bóp cho nó chết đúng không? Biết vậy nên từ đầu ngài đã định đem bó củi để đổi lấy một mạng sống rồi đó con”…
Sự ngạo mạn và hiếu thắng luôn lấy đi bao lý trí của mỗi chúng ta.Đừng thấy ai lùi mà vội bảo họ thua. “Thiện lương khó hơn là thông minh. Bởi vì thông minh là thiên phú, còn thiện lương là một sự lựa chọn!”
[16] Thiếu phụ nghèo Lộc Nương chỉ có một chiếc trâm cài tóc bằng gỗ, đã thể hiện lòng thành, cúng cây trâm cho chùa Tế Vũ để đúc chuông trừ tà dịch. Sư đúc chuông lấy vàng bạc đúc còn chiếc trâm ném đi. Chuông đúc 3 lần không kêu lại có in lõm hình chiếc trâm trên thân. Sau nhớ lại, thành tâm sám hối, quyết tìm lại chiếc trâm, chuông tự động kêu vang và hình cây trâm vá lại chỗ lõm. Tà dịch được xua trừ. (Xem đầy đủ: YÊU LY. Cao tăng đúc chuông thần, vì sao chỉ thiếu một cây trâm gỗ mà không thể trừ được tà?. Trang DKN.tv. https://www.dkn.tv/van-hoa/cao-tang-duc-chuong-than-vi-sao-chi-thieu-mot-cay-tram-go-ma-khong-the-tru-duoc-ta.html)
[17] Một lần Đức Khổng Tử dẫn học trò đi du thuyết từ nước Lỗ sang nước Tề. Trong những người học trò xuất sắc, có Nhan Hồi và Tử Lộ là hai học trò ưu tú nhất của Khổng Tử. Trên đường đi, gặp đúng thời gian dân chúng đói kém, mất mùa, thầy trò trải qua vô vàn khó khăn, gian khổ. Khi sang đến đất Tề, thầy trò Khổng Tử được bà lão già biếu một ít gạo mới để nấu cơm. Đức Khổng Tử phân công Tử Lộ cùng các môn sinh vào rừng kiếm rau; việc thổi cơm giao cho Nhan Hồi – một đệ tử được thầy hết mực tin tưởng.
Khi đang đọc sách ở nhà trên, Đức Khổng Tử bỗng nghe một tiếng “cộp” từ bếp vọng lên. Khổng Tử ngừng đọc, liếc mắt nhìn xuống, ông thấy Nhan Hồi từ từ mở vung, lấy đũa xới cơm rồi cho vào tay và nắm lại thành nắm. Nhan Hồi đậy vung lại, nhìn trước ngó sau rồi lén đưa nắm cơm lên miệng. Thấy vậy, Khổng Tử cảm thấy thất vọng vô cùng, ngửa mặt lên trời mà than rằng: “Chao ôi! Trò yêu của ta lẽ nào lại ăn vụng thầy, vụng bạn thế sao? Còn đâu lễ nghĩa, đạo lý? Bao kỳ vọng đặt vào nó thế là đổ sông, đổ biển cả rồi!”
Khi các đệ tử đã về đông đủ và cơm canh đã chuẩn bị xong. Khổng Tử ngồi dậy và nói rằng: “Các con ơi! Chúng ta đi từ đất Lỗ sang Tề đường xa vạn dặm, thầy rất mừng vì trong hoàn cảnh loạn lạc, dãi nắng dầm mưa, đói khổ như thế mà các con vẫn giữ được tấm lòng trong sạch, vẫn một dạ theo thầy, yêu thương đùm bọc nhau. Hôm nay, ngày đầu tiên đến đất Tề, thầy chạnh lòng nhớ đến quê hương, cha mẹ. Cho nên thầy muốn xới một bát cơm để cúng cha mẹ, tiên tổ các con bảo có nên chăng? Ngoài Nhan Hồi ra, các môn sinh đều chắp tay thưa: “Dạ thưa thầy, nên ạ!”
Khổng Tử lại nói: “Nhưng không biết nồi cơm này có sạch hay không?” Tất cả học trò không rõ ý thầy muốn nói gì nên ngơ ngác nhìn nhau. Lúc bấy giờ Nhan Hồi liền chắp tay thưa: “Dạ thưa thầy, nồi cơm này không được sạch.”
Khổng Tử hỏi: “Tại sao?”
Nhan Hồi thưa: “Dạ, khi mở vung ra để ghế cơm, chẳng may một cơn gió thổi vào, bồ hóng và bụi trên nhà rơi xuống làm bẩn cả nồi cơm. Con đã nhanh tay đậy vung lại nhưng không kịp. Sau đó con liền xới lớp cơm bẩn ra, định vứt đi. Nhưng lại nghĩ: cơm thì ít, nếu vứt đi thì anh em sẽ phải ăn ít lại. Vì thế cho nên con đã mạn phép thầy và các anh em, ăn trước phần cơm bẩn ấy, còn phần cơm sạch để dâng thầy và các anh em. Thưa thầy, như vậy là hôm nay con đã ăn cơm rồi, con xin phép không ăn cơm nữa, con chỉ ăn phần rau. Thưa thầy, nồi cơm đã ăn trước thì không nên cúng nữa ạ!”
Nghe Nhan Hồi nói xong, Khổng Tử giật mình than rằng: “Trên đời này có những việc chính mắt mình trông thấy rành rành mà vẫn không hiểu được đúng sự thật! Suýt chút nữa Khổng Tử này đã trở thành kẻ hồ đồ!”
[18] BRIAN KLEMMER, “The compassionate Samurai”, bản dịch Việt Ngữ: “Tinh thần Samurai trong thế giới phẳng” của Nguyễn Trung An và Vương Bảo Long, nxb. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2016. Lời Giới Thiệu, tr. 8: “Cụm từ Võ Sĩ Đạo hểu theo nghĩa đen là “đạo hay con đường của chiến binh”. Khái niệm về một chiến binh dũng mãnh với trái tim nhân hậu nghe đầy nghịch lý, nhưng bản thân từ chiến binh trong tiếng Nhật (samura) còn có nghĩa là “phục vụ”. Xét ở tầng ý nghĩa sâu nhất thì trái tim của một chiến binh như vậy là để giúp đỡ mọi người. Dựa trên cơ sở đó, tôi đã mở rộng khía cạnh này để tạo ra thuật ngữ “chiến binh nhân từ” dành để chỉ những người hội tụ được các giá trị đạo đức vững vàng, có khả năng biến những ý định của mình thành hiện thực, trong khi vẫn dành trọn cuộc đời để phụng sự xã hội”.
[19] Ibid., tr. 11.
[20] Ibid., tr. 15
[21] website https://truongdinhhien.net/index.php/2019/06/04/pham-hanh-mot-tai-san-cao-quy/
[22] SÁCH LỄ RÔMA 1992, tr. 300.
[23] ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Kitô hữu giáo dân (Christifideles Laici): Bí tích Thánh Tẩy tác sinh chúng ta vào cuộc sống con cái Thiên Chúa; kết hiệp chúng ta với Đức Kitô và với Thân Thể của Ngài là Giáo Hội; xức dầu cho chúng ta trong Thánh Thần qua việc biến chúng ta thành những đền thờ thiêng liêng.” (Số 10).
[24] BRIAN KLEMMER, “The compassionate Samurai”, sđd, CHƯƠNG 1 CAM KẾT, tr. 16.
[25] SƠN CA LINH, bài thơ “Tại sao Chúa khóc” trong tuyển tập “Thơ Đạo”.