Cảm nhận đức tin, Chia sẻ Lời Chúa, Tài liệu Phụng Vụ

SỨ ĐIỆP TỪ “VẾT SẸO”

(Chúa Nhật 2 PS năm A – CN kính Lòng Thương Xót của Thiên Chúa)

            Trước khi nói về một Đức Kitô Phục sinh mà Thánh Tông Đồ Tôma tuyên xưng “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!”, sau khi chạm đến “vết sẹo khổ nạn” từ tay và cạnh sườn của Chúa Giêsu, thì chúng ta hãy nghe chính Thánh Tông Đồ Gioan đã “làm chứng” về “vết sẹo cạnh sườn” nầy: một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra (Ga 19,34). Trong ngôn ngữ thần học của Thánh sử Gioan, Máu chính là Thánh Thể và Nước chính là Thánh Tẩy, cả hai chảy ra từ Trái tim, những dấu chỉ “đặc trưng và trọn vẹn” nhất của “tình thương cứu độ” Thiên Chúa dành cho con người. Và để những dấu chỉ nầy mang “dáng đứng” thánh thiêng và nhiệm mầu hơn, sau nầy (đêm Chúa Nhật 22/02/1931), trong một mạc khải tư, Chúa Giêsu đã tỏ mình cho thánh nữ Faustina trong một trang phục màu trắng với những tia sáng đỏ và xanh nhạt phát ra từ trái tim của Người cùng với lời căn dặn: “Hãy vẽ một bức hình theo mẫu mà con nhìn thấy, với hàng chữ: ‘Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Chúa’…”.

            Trong đức tin tông truyền của Hội Thánh, Đức Kitô mang trang phục màu trắng với hai luồng sáng đỏ và xanh phát ra từ trái tim trong thị kiến của thánh nữ Faustina vào thế kỷ 20, cũng chính là Đức Kitô với trái tim bị đâm thâu qua cạnh sườn để tuôn trào máu và nước vào chiều thứ sáu trước lễ Vượt Qua của năm 33 thế kỷ thứ nhất. Và chắc chắn, đó chính là Đức Kitô mà trên thân xác phục sinh còn hằn sâu “vết sẹo khổ nạn” để thuyết phục và củng cố niềm tin cho tông đồ Tôma !

            Như vậy, sứ điệp Phụng vụ của Chúa Nhật thứ 2 Phục sinh nầy rõ ràng muốn chuyển tải đến cộng đoàn chúng ta ba ý nghĩa đặc biệt nầy:

– Trước hết, Đức Kitô Phục Sinh – Đối tượng cốt yếu của niềm tin nơi người Kitô hữu, không là một hình hài ảo ảnh, một nhân vật huyền thoại hoang đường, một thần thánh vô hình trừu tượng…, mà là một “Ngôi Vị” mang hình hài của một “Con Người” đầy “vết sẹo”. Và như thế, lời thách thức hôm nào của tông đồ Tôma lại là một “chìa khoá” để mở ra một chiều kích đức tin đầy tính nhân văn và hiện thực.

            Thật vậy, ngay từ thuở ban đầu, Kitô giáo được xây dựng và hình thành bằng những “chuyện kể” của các chứng nhân về một “Con Người đã mang trên mình vết sẹo thập giá và đã chỗi dậy khỏi ngôi mộ trống”. Vâng, đó là những “chuyện kể” của người thiếu phụ Maria Mađalêna, của các bà đạo đức, của Phêrô và Gioan, của hai môn đệ trên đường Emmau, của 7 anh ngư phủ trên biển hồ Tiberiat, của nhóm 11 tông đồ trong đó có Tôma… Và chính Đấng “mang đầy vết sẹo thập giá” đó đã hiện diện để ấn chứng như một con người sống thực chứ không là bóng ma: Nhìn chân tay Thầy coi, chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?”. Nói xong, Người đưa tay chân ra cho các ông xem. (Lc 24,39-40).

            Người Kitô hữu không “tin vơ thờ quấy”, không buông mình cho một “thần tượng giá trá, huyển hoặc”, nhưng sẵn sáng liều đến cả mạng sống vì một Đấng Phục Sinh đang có mặt và đang được “Thần Linh của ngài chạm đến”. Bởi vì, chỉ có “Bàn tay quyền năng của Đấng Phục sinh chạm tới” mới làm nên phép lạ kỳ diệu và đầy thuyết phục của “Tin Mừng Phục Sinh”, của “Tín điều Phục Sinh”, của “giáo lý Phục Sinh” cho nhân loại hôm qua cũng như hôm nay !

– Thứ đến, cộng đoàn Kitô hữu đích thực, cộng đoàn Giáo Hội của chính Đức Kitô phục sinh, phải là một cộng đoàn đang “làm chứng về sự hiện diện của Đấng Phục Sinh” bằng đời sống “trung thành với giáo lý tông truyền”, “đồng tâm nhất trí trong tình huynh đệ”, “cầu nguyện và cử hành phụng vụ Thánh Thể”…, như những lời mô tả đơn sơ của sách Công vụ Tông đồ (Bđ 1): “Khi ấy, các anh em bền bỉ tham dự những buổi giáo lý của các Tông đồ, việc thông hiệp huynh đệ, việc bẻ bánh và cầu nguyện… Tất cả mọi kẻ tin đều sống hoà hợp với nhau và để mọi sự làm của chung… Hằng ngày họ hợp nhất một lòng một ý cùng nhau ở trong đền thờ, bẻ bánh ở nhà, họ dùng bữa cách vui vẻ đơn sơ; họ ca tụng Thiên Chúa và được toàn dân mến chuộng…”.

Nếu diễn tả theo ngôn ngữ thần học hiện nay, thì đó là: một cộng đoàn Hội Thánh mang tính “hiệp hành” (Synodality) đang gắn kết cùng nhau trên cuộc lữ hành đức tin tiến về quê Trời; một cộng đoàn qui tụ với nhau trong bí tích Thánh Thể để “chạm đến thương tích của Đấng Phục sinh đang hiện diện” và trở thành những đôi tay nối dài của Ngài để xoa dịu những vết thương đau giữa cuộc đời; một cộng đoàn sống mầu nhiệm thánh tẩy bằng thái độ dấn thân lên đường để hoàn toàn phó thác vận mệnh cho “lòng xót thương của Thiên Chúa”

            Một cộng đoàn Hội Thánh nào không phản ảnh hay phản lại những giá trị trên, những đặc tính nền tảng trên sẽ không bao giờ có Đức Kitô phục sinh hiện diện. Cũng vậy, khi nào mỗi người Kitô hữu chúng ta lìa xa Hội Thánh, tách rời cộng đoàn để “xé lẽ ăn riêng” sẽ rơi vào nguy cơ “cứng lòng, vô tín như Tôma”, nguy cơ làm xơ cứng cũ mòn lời chứng về sự Phục sinh và sẽ không thuyết phục được con người hôm nay tin vào việc Chúa sống lại…

– Và cuối cùng, chúng ta đừng quên, Đức Kitô không hề che giấu những “vết sẹo thương khó” trên thân thể phục sinh của Ngài; đó chính là dấu chỉ sống động cụ thể của “lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa” như cảm nhận của chính Thánh Phêrô, một nhân chứng cụ thể của bi hùng kịch “Tử nạn-Phục sinh”, đã diễn tả cách thâm thuý qua thư thứ nhất của ngài vừa được công bố qua Bài đọc 2 hôm nay: “Thiên Chúa là Cha Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, vì lòng từ bi cao cả, nhờ việc Đức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại, Người đã tái sinh chúng ta để chúng ta hy vọng được sống, được hưởng gia nghiệp không hư nát, tinh tuyền, không suy tàn, dành để cho anh em trên trời.”.

            Vâng, vì yêu thương nhân loại, Chúa Cha sẵn sàng “ghi sâu những vết sẹo thương khó trên thân mình của Người Con Một” (Như câu chuyện người mẹ vì hết lòng muốn cứu đứa con trai khỏi nanh vuốt cá sấu đã nắm chặt và hằn sâu những vết thương vì nắm chặt cánh tay con…). Là những người được thanh tẩy từ nước và được nuôi dưỡng từ máu từ Thánh Tâm Chúa Giêsu, từ lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa, chúng ta, đặc biệt, các anh chị em mới gia nhập Kitô giáo vào đêm vọng Phục sinh mà Chúa Nhật Áo trắng nầy là dành riêng cho họ, luôn được gọi mời sống một cuộc đời “đáp trả tình yêu” như Á Thánh Anrê Phú Yên”, một cuộc “đời phục vụ yêu thương” như Mẹ thánh Têrêsa Calcutta, một cuộc đời “sẵn sàng hy sinh vì bạn hữu” như linh mục thánh Maximilien Kolbe…

            Ngày nay, trên “Thân Mình Hội Thánh” cũng như trong nhân loại khắp nơi trên thế giới, đặc biệt, tại đất nước Ukraina mà bom đạn chiến tranh đang gieo rắc đau thương mỗi ngày, còn có biết bao nhiêu phận người mang hình ảnh của “Đức Kitô loang lổ vết sẹo” của đói nghèo, bị áp bức, bệnh tật, tù đày, nạn nhân chiến cuộc… đang cần được “chạm đến” với bàn tay của “Lòng Thương Xót”. Vì thế, mỗi người Kitô hữu hôm nay luôn phải là những “tông đồ Tôma” biết hồi tâm trở về “ở lại với anh em trong mái nhà Hội Thánhhong lại niềm tin từ vết sẹo của Đấng Phục Sinh, “vết sẹo của Lòng Thương Xót” để rồi ra đi loan báo và làm chứng cho lòng thương xót bằng đôi tay phục vụ yêu thương, bằng tấm lòng khoan dung tha thứ. Amen.

Trương Đình Hiền