(Chúa Nhật 28 TN A 2023)
Ngày Thứ Bảy cuối tuần 7.10.2023, ngày lễ kính Đức mẹ Mân Côi của người Công Giáo, đã trở nên một “ngày tang chế” thảm khốc tại nhiều làng mạc, trị trấn và thành phố của đất nước Israel, khi bị lực lượng cực đoan Hồi Giáo Hamas từ “Dải Gaza” tấn công bằng bộ binh và hàng ngàn tên lửa đạn đạo. Và dĩ nhiên, cuộc chiến giữa Israel và Hamas đã bùng lên dữ dội trong suốt tuần qua, đặc biệt, với cường độ trả đủa tàn khốc của lực lượng phòng vệ Israel (IDF) khiến hàng nghìn người dân vô tội cả hai bên phải thương vong; nhà cửa, cơ sở đổ nát, dãi đất Gaza và những vùng đất xinh đẹp bên bờ Địa Trung Hải bỗng dưng trở nên “địa ngục trần gian” !
Thế nhưng, thế giới trong những ngày này, nào đâu phải chỉ “vùng đất Israel hay Dãi đất Gaza” bên bờ Địa Trung Hải mới hừng hực ngọn lửa chiến tranh, mà rất nhiều nơi trên thế giới (Ukraina, Nam Sudan, Nagorno-Karabakh…) bom đạn đang tàn phá không thương tiếc cuộc sống của con người và sự yên bình tươi đẹp của thế giới !
Khi đứng trước những “nhân tai” và cả những “thiên tai” làm xấu đi bộ mặt của “nhiều miền trái đất” và gây thương đau bất hạnh cho nhiều người, kẻ vô thần sẽ thản nhiên tự trả lời: đó là quy luật tự nhiên, quy luật của cạnh tranh, sinh tồn, chính trị hay kinh tế…; hạ hồi sẽ ngưng chiến, ký kết… là xong chuyện ! Thế nhưng, với những người có đức tin, lại không đơn giản; giống như dân tộc Israel, hoàn toàn không đơn giản khi nhìn lại xuyên suốt lịch sử của dân tộc mình, một dân tộc luôn từ hào là “dân ưu tuyển của Thiên Chúa”, dân tin tưởng và phượng thờ Thiên Chúa độc nhất, một Thiên Chúa làm chủ và dẫn dắt toàn bộ lịch sử của dân tộc mình !
Thật vậy, lịch sử của dân Israel từ ngày từ thuở khai sinh gần hai ngàn năm trước Công nguyên với Tổ phụ Abraham (Khoảng năm 1800 BC), cho tới “Ngày Thứ Bảy đen tối” vừa qua, gần như là một “lịch sử của chiến tranh và loan lạc, xâm lược và lưu đày, mất nước và tái lập…”. Tuy nhiên, có một điều rất lạ, và như một “đặc sản có một không hai” của dân tộc Israel, đó chính là niềm tin kiên vững và sắt đá vào một Thiên Chúa luôn đồng hành và giải thoát họ, trong lúc an bình thịnh vượng cũng như trong những hoạn nạn tối tăm…, mà Thánh Vịnh 22, lời kinh cầu nguyện thường xuyên của họ, đã gói ghém; đây cũng chính là lời ca kinh để dân Công Giáo chọn làm bài hát Đáp ca cho Phụng vụ Chúa Nhật hôm nay: “Chúa chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi; trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi; tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng…” (Tv 22).
Đặc biệt, trước những biến cố thương đau của dân tộc, các ngôn sứ trong dân tộc Israel đều lãnh nhận sứ vụ từ Thiên Chúa để loan truyền sứ điệp hy vọng, cho dù niềm hy vọng đó có thể sẽ hiện thực vào một ngày rất xa nơi chân trời cánh chung, tận thế, ngày mà Đấng Mêsia do Thiên Chúa sai đến sẽ thực hiện. Ngôn sứ Isaia là một trong số đó mà trích đoạn sứ điệp “về một Bữa Tiệc huy hoàng thời cánh chung” của Ngài đã được chọn đọc trong bài đọc 1 hôm nay: “Ngày ấy, Chúa các đạo binh sẽ thết tất cả các dân trên núi này một bữa tiệc đầy thịt rượu, thịt thì béo, rượu thì ngon. Trên núi này, Người sẽ cất khăn tang bao trùm muôn dân và tấm khăn liệm trải trên mọi nước. Người tiêu diệt sự chết đến muôn đời. …”.
Riêng, đối với những người Kitô hữu, những người tin vào Đức Kitô, chẳng phải đợi đến “ngày chung thẩm” khi kết thúc thời gian, thì hy vọng “Bữa Tiệc Nước Trời” mới đến, mới xảy ra, mà đã thực sự đã đến ngay từ lúc Đức Giêsu người Nadarét xuất hiện, như chính Ngài đã xác quyết: “Nước Trời đang ở giữa các ngươi” (Lc 17,21); và Ngài đã tiếp nối truyền thống của các ngôn sứ để diễn tả huyền nhiệm Nước Trời qua “dụ ngôn “Bữa Tiệc Cưới của Đức Vua mở cho Hoàng tử” vừa được công bố qua Tin Mừng Matthêô: “Nước trời giống như vua kia làm tiệc cưới cho hoàng tử. Vua sai đầy tớ đi gọi những người đã được mời dự tiệc cưới, … mà rằng: “Hãy nói cùng những người đã được mời rằng: Này ta đã dọn tiệc sẵn rồi, đã hạ bò và súc vật béo tốt rồi, mọi sự đã sẵn sàng: xin mời các ông đến dự tiệc cưới”.
Mộ cách nào đó, dân Israel cách đây 2000 năm đã như “rờ đụng” được tới cái ngưỡng cửa của “Bàn Tiệc Nước Trời” đó, khi theo chân Thầy Giêsu tham dự “bữa tiệc đại trà” trên thảm cỏ xanh giữa thảo nguyên của cả một đoàn lũ “5 ngàn người không kể đàn bà con nít” với bánh và cá ăn thả dàn; hay khi tận mắt nhìn thấy cả chục kẻ phung cùi bỗng nhiên lành sạch từ một tuyên bố giản đơn “Anh em hãy đi trình diện với các thầy tư tế”; và rồi, nào những kẻ què nhảy cững như nai, những anh chàng mù sáng mắt, bà mẹ goá Naim có lại đứa con yêu trở về từ cõi chết, người phụ nữ 12 năm lao đao thập tử nhất sinh đã hoàn toàn bình phục nhờ “chạm đến cái gấu áo của Ngài”…; cả những chàng thu thuế như Matthêô, Giakê… bấy lâu bị dè bỉu rẻ khinh bởi một rừng ánh mắt của đố kỵ, loại trừ, đã hân hoan mở tiệc vui mừng vì được Thầy Giêsu đến viếng thăm chung chia chén tạc chén thù; cả những cô gái bị xã hội lườm nguýt khinh khi vì cuộc sống lăng loàn tội lỗi, cũng mạnh dạn “mang dầu thơm tới đại tiệc để xức chân Thầy cùng với những giọt nước mắt hoan vui của trái tim nóng bừng sám hối”…
Quả thật, với Đức Kitô và Tin Mừng Cứu độ do Ngài mang tới, thì cuộc sống luôn được nhìn và cảm nhận, được xác tín và thể hiện cụ thể bằng “niềm hy vọng xuyên suốt”, xuyên suốt qua mọi ngỏ ngách và thăng trầm, hoan vui và khổ lụy, ngay cả khi đứng sát bên ngưỡng cửa sự chết, như chứng từ của một người bị đóng đinh bên hữu: Rồi anh ta thưa với Đức Giê-su: “Ông Giê-su ơi, khi ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi! ” Và Người nói với anh ta: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng.” (Lc 23,42-430.
Kể từ sau biến cố Chúa Kitô Lên Trời, Hội Thánh của Ngài được khai sinh bởi “lửa” của Thần Khí, đã được sai vào thế gian để loan báo Tin Mừng Nước Trời, Tin vui của một “Bàn Tiệc cho hết thảy anh em từ khắp tứ phương thiên hạ”. Vâng, sứ mệnh của Hội Thánh đó chính là “nối dài Đức Kitô Phục sinh” để để tập họp nhân loại vào một “Bàn Tiệc” hoan vui của anh em tứ hải giai huynh đệ, mà ở trung tâm của Bàn Tiệc đó chính là “Hoàng tử của Vua”, là Con Một của Cha Trên Trời.
Hội Thánh suốt 2000 năm nay đã thực thi sứ mệnh “dẫn đưa nhân loại vào bàn Tiệc Nước Trời” qua những lời rao giảng, những cung cách phục vụ bác ái yêu thương, qua những công trình phúc lợi, sẻ chia, thăng tiến tình huynh đệ, hiệp thông, như chứng từ của Thánh Phaolô và cộng đoàn tín hữu Philipphê mà chúng ta vừa nghe qua Bài đọc 2: “Trong mọi trường hợp và hết mọi cách, tôi đã học cho biết no, biết đói, biết dư dật và thiếu thốn. Tôi có thể làm được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi. Nhưng anh em đã hành động chí lý khi san sẻ nỗi quẫn bách của tôi. …”.
Vâng, viễn tượng Nước Trời qua “dụ ngôn của Tiệc cưới hoàng tử” chính là đích điểm của chân trời cứu độ của Thiên Chúa, của công cuộc Vượt Qua của “Hoàng Tử Kitô”, của sứ mệnh “Gaudium et Spes”, Vui mừng và Hy vọng của Hội Thánh trong thế giới hôm nay, một thế giới, hơn lúc nào hết, như Đức Thánh Cha trong Thông điệp xã hội Fratelli Tutti (Tất cả là anh em) trở nên một gia đình hiệp nhất và huynh đệ: “Vậy, chúng ta hãy mơ ước như một gia đình nhân loại đơn nhất, như những người bạn cùng du hành, cùng có chung một xương thịt, như những người con của cùng một trái đất, … mỗi người chúng ta, tất cả đều là anh chị em.” (FT 8).
Ước gì thế giới hôm nay, tất cả mọi người, Nga hay Ukraina, Israel hay Palestine, Armenia hay Azerbaijant…, hay bất cứ ai trong chúng ta, không ai là kẻ bị loại ra khỏi bàn tiệc với những lời cay đắng: “Trói tay chân nó lại, ném nó vào nơi tối tăm, ở đó sẽ phải khóc lóc và nghiến răng”. Bởi vì Đức Kitô đã chính thức gọi mời: “Hãy cầm lấy mà ăn… hãy cầm lấy mà uống”. Vâng, kể từ “Bữa Tiệc Vượt Qua” đã khai mở, ai cũng là “Khách Mời trọng vọng” của Thiên Chúa. Miễn là khi đi vào tham dự đừng quên mang bộ “lễ phục Tin Mừng” ! Amen.
Trương Đình Hiền